Nẻo Về Đạo Đức. Kì 11 (27-30)
27. TÂM NGUYỆN CỦA NGƯỜI CƯ SĨ Hỏi: Kính thưa Thầy, vừa rồi chúng con được đọc hai cuốn sách của hai cư sĩ: một ở miền Nam, một ở Mỹ soạn ghi thu lược lời dạy của Thầy qua tám tập sách Thầy biên soạn “Đường Về Xứ Phật”: 1- Cẩm Nang Tu Phật; 2- Tâm Nguyện. Thật là hữu phước nên hai vị cư sĩ đã nói lên những suy nghĩ của tất cả mọi chúng sanh đối với bộ pháp quý vô giá này. Sự ngưỡng mộ của chúng con đối với bậc Thầy tôn kính vô tận ở thế kỷ thứ 20; 21, và muôn đời mai sau còn mãi như ánh hào quang tỏa sáng huy hoàng. Như ngày nào đó cách đây 2544 năm, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện để Ngài chỉ dạy cho chúng sanh biết con đường đến với chánh pháp. Ngài bài bác các pháp môn của ngoại đạo “mê tín chẳng ích lợi cho con người.” Cũng như ngày xưa, ngày nay Bộ sách “Đường Về Xứ Phật” do Thầy biên soạn (từ công phu tu hành thực tu, thực chứng) sẽ tiếp nối sứ mệnh của Đức Phật Như Lai. Vì lợi ích cho loài người, Thầy cũng đang thực hiện một trách nhiệm, một trách nhiệm vĩ đại. Thầy dựng lại nền đạo đức Phật giáo chân thật để người sau đi không bị lầm đường lạc lối. Chúng con nhận thấy Thầy đã làm một việc làm mà trên hành tinh này không có một ai làm được. Nếu chúng con suy nghĩ không sai thì Thầy đã làm một việc “kinh động”, “vĩ đại” hơn bất kỳ một việc làm nào trên trái đất này. Chúng con nguyện cùng sự phát triển ngày hôm nay, mãi mãi chúng con đi theo con đường chánh pháp của Thầy chỉ dạy. Nhất định một ngày nào đó chánh pháp được phổ biến rộng rãi trên hành tinh này, đến với từng quốc gia do những người lãnh đạo đất nước triển khai. Kính thưa Thầy, con tu tập lúc này có nhiều tiến bộ so với năm ngoái, nhưng chưa như “đất” được ạ? Đáp: Tu tập tâm chưa như “đất” thì các con hãy tiếp tục tu tập nữa, tuy tâm chưa như đất nhưng không còn là loại đất chai thô xấu nữa, đất tâm con có chiều tốt hơn xưa con ạ! Phải tiếp tục cố gắng lên các con, phải siêng năng nhổ cỏ, bón phân, tưới nước hằng ngày để cho cây giải thoát sẽ sanh chồi nảy tược, sẽ đâm hoa kết quả. Siêng năng nhổ cỏ như thế nào? Siêng năng nhổ cỏ là ngăn ác diệt ác pháp các con ạ. Chăm sóc bón phân như thế nào? Chăm sóc bón phân là tu tập tỉnh thức trong mọi hành động thân, miệng, ý của mình luôn luôn “nhớ, nhắc” đừng quên pháp hướng tâm. Chăm nom tưới nước như thế nào? Chăm nom tưới nước là tu tập Tứ Niệm Xứ tức là trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp không được để ác pháp xen vào, nghĩa là thường xuyên đẩy lui chướng ngại pháp trên bốn chỗ đó. Tóm lại muốn tâm như đất thì phải siêng năng nhổ cỏ, chăm sóc bón phân, chăm lo tưới nước hằng ngày, hằng phút hằng giây thì hoa giải thoát sẽ rộ nở. Hoa giải thoát sẽ rộ nở, đó là con đã chứng đạt chân lý. Bởi vì chân lý đang ở trước mặt con đó con có thấy không? Các pháp hết chỉ còn thiện là chân lý của Phật giáo.
28. KẾT QUẢ TU TẬP Hỏi: Kính thưa Thầy, tâm con an lạc vô sự và thanh thản từng thời gian, con dùng pháp hướng thì có hiệu quả rõ ràng, giải tỏa tâm đau khổ ngay liền không còn nặng trĩu như xưa lúc chưa tu, con không còn mất ngủ vì đau khổ nữa. Còn liên tục từng phút từng giây thì con chưa làm được liên tục vì sức tỉnh thức con chưa cao. Đáp: Con đường tu tập của đạo Phật khi bắt đầu tu là phải thấy được kết quả ngay liền, cái kết quả đó là một bằng chứng xác định cụ thể cho con đường tu tập theo Phật giáo là đạt được mục đích thật sự. Kết quả giải thoát khi bắt đầu tu tập mà đã thấy được là niềm tin bất thối chuyển của hành giả, như vậy con đã thấy được sự giải thoát thật sự trong tâm hồn con như con đã trình ở trên. Như các con đã biết, con người khổ là vì tâm tham, sân, si, mạn, nghi cùng thất kiết sử. Những pháp môn mà Đức Phật dạy chúng ta tu tập trực tiếp nhằm ngăn chặn và diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử, là một pháp môn thực tế để giúp cho chúng ta thoát khổ, các con nên suy nghĩ có đúng không? Tụng kinh, sám hối, niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, xuất hồn, luyện tinh khí thần v.v… Những pháp môn này có trực tiếp diệt tâm tham, sân, si không? Kết quả giải thoát có được không? Nếu được sao các thầy Tổ còn tâm tham, sân, si quá vậy? Nếu được sao các thầy Tổ không làm chủ sanh, già, bệnh, chết? Nếu được sao các thầy Tổ còn phạm giới, phá giới ăn ngủ phi thời quá vậy? Thầy Tổ sống không đúng đức hạnh của các bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, đến khi chết các Ngài thọ biết bao nhiêu là sự đau khổ. Còn pháp môn của Phật mà các con đang tu là pháp môn trực tiếp đánh thẳng và dẹp sạch sự đau khổ của các con. Các con có thấy không? Hiện giờ sự tu tập của con chưa liên tục từng phút, từng giây, các con đừng lo, cứ siêng năng tu tập xả cho hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi tức là các chướng ngại pháp trong tâm, xả hết chướng ngại pháp trong tâm thì lo gì sức tỉnh thức của con không cao. Sự tu tập theo Phật giáo, chỗ xả tâm là chính chứ không phải chỗ tỉnh thức là chính. Người tu tập thời nay lấy sự tỉnh thức làm chính nên lạc vào thiền tưởng, chỗ tỉnh thức chỉ giúp cho xả tâm chứ tỉnh thức không có giải thoát. Nếu xả hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì tỉnh thức rất cao. Tỉnh thức càng cao thì tâm tham, sân, si, mạn nghi càng giảm. Do đó sự tu tập xả tâm là quan trọng đệ nhất. Vậy các con hãy lưu ý lời dạy này. Đó là lời dạy chân thật của Đức Phật, vì lòng thương yêu nên Ngài chuyển pháp luân dạy chúng ta tu tập cũng được giải thoát như Ngài. Hôm nay thọ hưởng được chánh pháp giải thoát của Ngài, chúng ta thầm biết ơn sâu xa không bao giờ quên. Nguyện đời đời tu tập theo Ngài, dù cho sông cạn núi mòn nhưng lòng chúng ta không bao giờ đổi thay, quyết định tu hành cho đến khi làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi chỉ trong đời này.
29. CẢM ĐỘI ƠN THẦY, ƠN PHẬT Hỏi: Kính bạch Thầy, sau thời gian tu tập pháp hướng tâm, con thấy rất hiệu quả, con ngăn được nhiều ác pháp, con xả được nhiều tâm ham muốn, con chẳng còn thích ăn thích mặc, thích chơi du cảnh mà con đã thấy được tất cả là vô thường, không vĩnh viễn nên con nhàm chán. Vừa rồi con gặp những điều bất an suốt sáu tháng trời, nếu con không được may mắn gặp pháp của Thầy dạy thì có lẽ con bị ngã gục trước các pháp thế gian. May thay con đủ duyên gặp được chánh pháp của Thầy chỉ dạy, con liên tục quán xét các duyên và thấu rõ nó là vô thường không có gì là của ta cả, buông xuống hết đi, đời chẳng có gì? Tiền bạc vật chất là khổ, khổ lắm. Nên vì thế mà con đã giải quyết biết bao nhiêu sự rắc rối và phiền toái đối với nhân quả của con. Con có trình bày việc này sau buổi thọ Bát Quan trai ở Tứ Kỳ, con đưa pháp nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng vào ứng dụng, quả nhiên hiệu quả rõ rệt, xả tham và lòng ham muốn đi thì mọi việc cũng sẽ giải tỏa. Con có khóc, vì con cảm động trước lòng từ bi thương xót của Thầy đã ban rải ra miền Bắc mà con đã được lãnh nhận và thọ trì ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, giúp con tiến bộ nhiều, an lạc vô sự thanh thản vô cùng. Đáp: Đức Phật đã dạy: “Pháp hiện tại không có thời gian, đến để mà thấy…”, pháp Phật là một pháp môn thực tế và cụ thể như vậy, thế mà từ xưa đến nay tín đồ Phật giáo lại tu pháp môn của ngoại đạo như: niệm Phật cầu vãng sanh, niệm chú, tụng kinh, ngồi thiền, cầu siêu, cầu an, sám hối v.v… Cái sai này không phải do tín đồ mà do người hướng dẫn, người hướng dẫn thiếu sáng suốt không nhận định được pháp nào của Phật và pháp nào của ngoại đạo, chính cái sai là vì người hướng dẫn thiếu thực hành hoặc thực hành chưa tới nơi tới chốn. Cái sai nay đã biến Phật giáo thành một tôn giáo lừa đảo tín đồ và khiến cho mọi người nghi ngờ, nhưng hôm nay các con đã thực hiện đúng như lời dạy của Phật, vì thế các con đã tìm thấy một kết quả giải thoát rõ ràng rất thực tế. Nhờ có pháp môn này đã giúp cho các con trở thành người có đạo đức, trước tiên là đạo đức với các con, sau đó là đạo đức với người khác tức là không làm khổ mình khổ người. Qua thời gian tu tập các con đã tự xác chứng được con đường tu theo đạo Phật là giải khổ và mang đến cho các con một hạnh phúc an vui chân thật, một gia đình êm ấm. Mục đích của đạo Phật tuy các con chưa hoàn toàn đạt được, nhưng đã nói lên hướng đi của các con rất đúng, không còn sợ lạc nẻo sai đường.
30. VÀO DÒNG THÁNH Hỏi: Kính bạch Thầy, hiện giờ tâm con còn chướng ngại pháp mà con chưa đẩy lui được; như con đã trình Thầy ở khoảng giữa thư. Con xin sám hối Thầy từ bi xá lỗi cho con. Con xin cố gắng hơn nữa để khắc kỷ với con trong việc giành giựt thời gian lãng phí, để con tăng thêm sức tỉnh thức và để ngăn ác diệt ác không cho nó diễn ra trong tâm con nữa. Con xin tri ân lời dạy răn nhắc của Thầy dành cho con? Nhất là đoạn cuối thư, Thầy sách tấn cho con, con xin nỗ lực hơn nữa: “Con hãy tự thắp đuốc lên mà đi… Tự lực cứu mình… đừng để trôi lăn trong lục đạo luân hồi… khổ đau muôn kiếp…” Đó là Thầy thức tỉnh cho con trong bối cảnh gia duyên quá ràng buộc con? Con cần phải thu xếp cho khéo, con cần phải xả ly và nhẫn nhục nhiều hơn nữa để sao cho tâm như đất mà con được Thầy nhắc nhở. Kính thưa Thầy, nếu con cố gắng hơn nữa, nhiều hơn nữa, tinh tấn hơn nữa thì kiếp này con có đủ duyên để du nhập vào dòng tứ quả không ạ thưa Thầy? Nếu được dự vào dòng Thánh sơ quả dự lưu là con cảm thấy mãn nguyện lắm rồi, đó là ước nguyện của con trong kiếp này. Con xin Thầy hướng dẫn cho con tu hành. Thời gian vừa qua bốn năm con có gì sơ sót, có gì chậm lụt, con xin Thầy dang tay cứu vớt cho con lên bờ giải thoát, kẻo con bị chết đuối thật là uổng phí một kiếp người. Con xin Thầy từ bi xá những lỗi lầm cho con về những việc tu hành còn chậm lụt, chưa mạnh dạn xả bỏ gia duyên và thói hư tật xấu của con. Đáp: Cuộc đời tu hành không thể tu một sáng một chiều là tu xong được mà phải có thời gian rèn luyện tu tập sửa sai những thói hư tật xấu, vì vậy Đức Phật đã dạy: “Tứ Chánh Cần” có nghĩa là hằng ngày, hằng phút, hằng giây phải siêng năng cần mẫn “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Chỉ có sự siêng năng cần mẫn tu tập này mới chứng đạt mục đích giải thoát của đạo Phật. Mục đích giải thoát của đạo Phật là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Sự tu tập này mau chậm là do sự siêng năng cần mẫn chứ không phải cầu mong sự giải thoát có được. Người tu hành chỉ biết siêng năng cần mẫn, ngay sự siêng năng cần mẫn tu tập ngăn ác diệt ác pháp là có một tâm hồn thanh thản, an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Sự giải thoát như vậy các con còn cầu mong điều gì hơn nữa. Khi sự giải thoát này ở tâm các con hoàn toàn sung mãn thì lúc bấy giờ thiền định nào các con cũng nhập được, Tam Minh nào các con cũng thông suốt và sự sống chết nào các con cũng sẽ làm chủ dễ dàng, không có mệt nhọc, không có khó khăn, không có phí sức. Đó là lời Đức Phật đã dạy, các con ghi nhớ đừng quên. Nếu hằng ngày các con chuyên tâm và tinh tấn ngăn ác diệt ác pháp nơi tâm các con thì không những nhập vào dòng Thánh, mà đã trở thành một bậc Thánh trong đời này, ngay khi con còn mang lốt thân người. Con có tin điều này không? Nếu các con tin thì sớm muộn gì các con cũng sẽ làm Thánh, nếu không tin thì cũng chẳng sao cả, chỉ khổ đau như bao nhiêu người khác mà thôi Đời chẳng có gì là của ta, là ta, là bản ngã của ta, chỉ là một vòng lẩn quẩn của nhân quả cũng như “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, nếu không chấm dứt được nhân quả thì “nước non hội ngộ cùng luôn”, do thế đời đời kiếp kiếp khó mà thoát khổ phải không hỡi các con? Con đừng nghĩ mình chậm lụt mà nên nghĩ mình có siêng năng cần mẫn ngăn ác diệt ác pháp hay không? Đó là điều quan trọng các con cần ghi nhớ. Tu hành theo đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đó con ạ! Mà kết quả vĩ đại biến con trở thành một vị Thánh, một siêu nhân, các con có tin điều này hay không? Một vị Thánh, một siêu nhân không phải ở chỗ thần thông biến hóa tàng hình, ngồi thiền tịnh chỉ hơi thở mà ở chỗ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi tức là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Đó là một vị Thánh của đạo Phật, đó là mục đích của đạo Phật. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi, bất động trước các cảm thọ thì ai là người trực tiếp biết được điều này? Có phải chính các con không? Như vậy Thánh phàm chỉ có các con mới biết các con hơn ai hết. Nếu một người tu hành đem thần thông để lừa đảo mọi người như: ngồi thiền, tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước không chết, đi trên lửa hồng, bay trên hư không, biểu diễn cho mọi người xem thì cái giá trị của vị Thánh Tăng, Thánh Ni trong đạo Phật không còn nữa. Những người này chỉ là những nhà ảo thuật đi bán thuốc dạo theo hè phố. Họ không phải là Thánh nhân, họ là những người khoe danh như các đạo sĩ yoga, như Tăng sĩ Lạt Ma đã từng trình diễn các nước trên thế giới, nhất là ở các nước Tây phương. Thánh làm trò giải trí cho thiên hạ xem như xem hát thì còn gì là Thánh nữa. Phải không hỡi các con? Có nhiều người đến xin Thầy tu hành nhưng họ không tìm sự giải thoát, không tìm đạo đức làm người, làm Thánh mà đi tìm thiền định có thần thông. Thầy bảo: Ở đây Thầy không có pháp môn dạy thần thông, chỉ có pháp môn dạy đạo đức. Muốn tu học thần thông thì hãy đi qua Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn mà cầu thần thông. Còn ở đây không có thiền định và thần thông, chỉ có dạy về giới luật đức hạnh làm người, làm Thánh. Nếu ở đây có thần thông là do từ đạo đức làm người làm Thánh. Ngoài giới luật làm người làm Thánh mà có thần thông thì đó là ma vương, ác quỷ. Người không có đạo đức làm người làm Thánh thì không bao giờ có thiền định và thần thông chân chánh. Nếu có đó chỉ là năng lực của tưởng mà thôi. Trong thời Đức Phật còn tại thế có một vị tỳ-kheo đến nói với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu Ngài không thể hiện thần thông cho con xem thì con không thể ở đây tu phạm hạnh với Ngài.” Đức Phật bảo: “Ta có bảo ngươi theo Ta tu học là Ta thể hiện thần thông cho ngươi xem chưa?” Vị tỳ-kheo ấy đáp: - “Thưa Đức Thế Tôn, không ạ!” Đức Phật dạy: “Nhà ngươi theo Ta tu hành là vì sự nghiệp giải thoát, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ của nhà ngươi chứ không phải vì thiền định và thần thông, thiền định tịnh chỉ hơi thở có khác gì mũi dao đâm vào ngực, thần thông có khác gì một trò ảo thuật huyễn hóa lừa đảo thiên hạ. Nhà ngươi có thấy được thì ở tu, bằng ước ao thần thông thì tự đi Ta không ép buộc.” Câu chuyện trên đây làm sáng tỏ mục đích tu hành của chúng ta. Sự tu hành của đạo Phật thực tế và cụ thể không dùng những thứ huyễn hoặc để lừa đảo người, chỉ duy nhất là tìm sự thánh thiện trong ta, để thấy được bốn chân lý của kiếp làm người: “Khổ, tập, diệt, đạo.” Từ khi tu xong, Thầy có đủ năng lực thần thông, nhưng không bao giờ Thầy thể hiện cho một ai xem mặc dù họ tìm đủ mọi cách để Thầy thể hiện thần thông, có nhiều khi Thầy phải tạo ra sự chẳng biết tâm niệm của họ để đánh lừa họ rời khỏi Thầy, vì tâm ham muốn thần thông không thể đi chung đường của đạo Phật được. Mục đích của đạo Phật ra đời là giải khổ cho con người, đem lại nền đạo đức cho con người sống không làm khổ mình khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, chứ không phải ra đời dạy con người thần thông. Lấy thần thông quyến rũ người theo đạo mình là ngoại đạo, cũng như kinh sách phát triển lấy sự mê tín cám dỗ người theo đạo Phật, tưởng là dắt người vào đạo Phật, nhưng không ngờ lại biến đạo Phật thành đạo mê tín. “Phật pháp không lìa thế gian pháp”, lời dạy này đúng nhưng người thực hiện lời dạy này sai. Vì thế, tu sĩ Phật giáo hiện giờ bị thế tục hóa là do câu nói này. Một lời nói có lợi khi hiểu đúng nghĩa, còn khi hiểu sai nghĩa của nó, là một tai hại rất lớn dù trong đạo, cũng như ở ngoài đời. Cho nên câu “Phật pháp không lìa thế gian pháp”, có nghĩa là người tu sĩ Phật giáo cũng sống chung đụng với người như thế gian chứ không phải bỏ đời vào chùa tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, lạy hồng danh sám hối hoặc ngồi thiền v.v… Tu như vậy là yếm thế tiêu cực. Người tu sĩ Phật giáo bất cứ ở nơi đâu sống chung với mọi người, nhưng lúc nào cũng biết ngăn ác diệt ác pháp để tâm được thanh thản an lạc và vô sự. Đó mới là người tu tập theo Phật giáo.
|
|||