Nẻo Về Đạo Đức. Kì 06
12. SANH ĐÃ TẬN PHẠM HẠNH MỚI XONG
Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đã dạy: “Người mới vào tu, phải tu tập đoạn dứt duyên “sanh.”
Kinh Thập Nhị Nhân Duyên có mười hai duyên như mắt xích sắt, duyên này có thì duyên kia có, duyên này diệt thì duyên kia diệt. Kinh này bắt đầu từ duyên “vô minh” như sau:
1- Vì Vô Minh không thấu rõ các pháp thế gian, lầm chấp chúng là thật có nên hành động chạy theo tâm ham muốn sanh ra các ác pháp, tạo biết bao nhiêu nghiệp khổ đau, do thế kinh dạy: “Vô Minh sinh Hành.”
2- Hành động theo lòng ham muốn dục lạc chạy theo ái dục sanh ra nghiệp, nên kinh dạy: “Hành sinh Nghiệp.”
3- Nghiệp kết hợp noãn châu và tinh trùng sanh ra danh sắc nên kinh gọi: “Nghiệp sinh Danh Sắc.”
4- Danh sắc là thân và tưởng của con người, lần lần phát triển đầy đủ: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý. Mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý tiếp xúc với sáu trần bên ngoài nên kinh dạy: “Danh Sắc sinh Lục Nhập.”
5- Lục nhập có nghĩa là sáu căn và sáu trần. Sáu căn gồm có: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Sáu trần gồm có: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn tiếp xúc sáu trần nên kinh dạy: “Lục Nhập sinh ra Xúc.”
6- Xúc tạo ra sự va chạm êm ấm, ngọt bùi, khả hỷ, khả lạc nên kinh dạy: “Xúc sinh ra Thọ.”
7- Thọ sanh ra cảm giác thích thú, cảm mến, giận hờn, thương ghét nên kinh dạy “Thọ sanh ra Ái.”
8- Ái là yêu mến, thương mến, ưa thích nên cố tìm mọi cách để có được cái mình yêu mến, ưa thich đó nên kinh dạy: “Ái sinh ra Hữu.”
9- Hữu là có, có vật này, vật kia, như: thân tứ đại, thân ngũ uẩn, nhà cửa, của cải tài sản, tiền bạc, cha mẹ, anh em, chị em, bà con quyến thuộc, thân bằng v.v… tất cả đều quý báu, yêu mến nên cố gắng giữ gìn, bảo thủ không để mất nên kinh dạy: “Hữu sinh ra Thủ.”
10- Thủ là giữ lại, không để cho mất mát, để được đầy đủ nhằm phục vụ cho sự thỏa mãn của đời sống nên kinh dạy: “Thủ sinh ra Sanh.”
11- Sanh, nói đủ là sanh y, sanh là của cải, tài sản, vật chất, sự nghiệp, cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè v.v… như trên đã nói. Do thế, khi tài sản của cải bị mất thì sanh ra buồn rầu bịnh khổ và chết, cha mẹ vợ con chết cũng sanh ra buồn rầu, đau khổ phiền lòng nên kinh dạy: “Sanh sinh ra Ưu bi sầu khổ, Bệnh, Chết.”
12- Ưu bi sầu khổ, Bệnh, Chết là duyên cuối cùng của mười hai Duyên này hợp lại thành thế giới khổ đau của kiếp người.
Sau khi quán xét Mười Hai Nhân Duyên, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt.
Như đã nói ở trên, Mười Hai Nhân Duyên nầy hợp lại là thế giới đau khổ của con người thành hình, Mười Hai Nhân Duyên này rã tan là thế giới hết khổ đau, hoại diệt. Muốn thoát khổ thì Mười Hai Nhân Duyên này phải rã tan.
Vậy, rã tan như thế nào và duyên nào rã trước?
Kinh điển phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ nhắm vào duyên Vô minh phải phá trước bằng “Minh”, minh tức là trí tuệ. Muốn triển khai “Minh” trí tuệ, các nhà Đại Thừa và Thiền Đông Độ dùng pháp hành ức chế niệm thiện niệm ác cho tâm không niệm thiện niệm ác là định và do tâm định thì phát tuệ (chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền), bản lai diện mục hiện tiền là Phật tánh, mà Phật tánh là Tánh giác, Tánh giác tức là trí tuệ.
Do những pháp hành tu tập để triển khai trí tuệ như vậy, họ đã lầm, không ngờ đường tu tập ấy lại khai mở tưởng tuệ. Khi tưởng tuệ được khai mở thì lý luận của các nhà Đại Thừa siêu việt “tưởng” nên không tôn giáo nào tranh luận hơn được, nhất là lý Bát Nhã của Đại Thừa.
Do lý luận siêu việt “tưởng” Bát Nhã nên nó đã phá luôn Phật giáo chính gốc (vô khổ, tập, diệt, đạo). Vì Phật giáo Nguyên Thủy chính gốc không có lý luận tranh hơn thua, không có lý luận siêu việt tưởng như vậy, chỉ dạy thẳng đời người là khổ, nguyên nhân sinh ra đau khổ, trạng thái tâm hết khổ đau và tám cách thức tu tập để diệt nguyên nhân sinh khổ. Những pháp hành này cụ thể để mọi người ai cũng tu được, cũng thực hiện được sự giải thoát hết khổ như nhau.
Vì thế kinh điển Nguyên Thủy nhắm vào duyên “sanh” để đoạn dứt nó, đoạn dứt nó thì ưu bi, sầu khổ, bịnh chết cũng đoạn dứt, nên kinh thường nhắc đi nhắc lại: “Sanh đã tận Phạm hạnh mới xong.” Nếu một người tu tập quyết tìm đường giải thoát ra khỏi cuộc sống trần lao này thì phải buông xả như Đức Phật và các bậc Thánh Tăng: Không trang điểm làm đẹp, của cải tài sản bỏ sạch, cha mẹ, anh em, chị em, vợ con đều bỏ xuống hết như trong bài “Vượt thoát” đã dạy.
Đó là bứt tất cả những sợi dây xiềng xích đang trói rất chặt mọi người. Chỉ có những bậc chân tu thấy được nhân quả nên họ đã mạnh dạn dứt bỏ sạch để vượt thoát cảnh đời thế tục. Sự dứt bỏ vượt thoát này không phải ai cũng làm được, tuy nói rất dễ nhưng làm rất khó. Người tầm thường không thể làm được, trong kinh dạy rất đơn giản: “Sanh đã tận Phạm hạnh mới xong” hoặc “duyên Sanh dứt thì Bịnh, Tử, Sầu khổ ưu bi dứt.”
Những danh từ nghe thì dễ dàng nhưng đương đầu trước của cải, tài sản châu báu, ngọc ngà cùng cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xả bỏ hay đoạn tận là một việc không phải dễ làm.
Nếu không đoạn tận thì không thể thực hiện được con đường giải thoát của đạo Phật.
Tại sao vậy? Tại vì, đạo Phật gọi là đạo giải thoát mà không bứt được những sợi dây xiềng xích vô hình đó đang trói buộc thì làm sao gọi là giải thoát được?
Hiện giờ những người đang tu theo đạo Phật, đời chẳng muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm, hai tay đều nắm hết. Do thế cuộc sống tu hành Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo.
Hiện giờ quý thầy và các cư sĩ tu hành chẳng đến đâu, chỉ vì tu theo kiểu đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, rất uổng công cho một đời tu hành. Tu mãi chỉ còn lấy Phật giáo làm danh làm lợi cho cuộc sống thế tục.
Tu theo Phật giáo, người tu hành phải đoạn dứt sanh y, có đoạn sanh y thì tâm mới được giải thoát đau khổ. Tâm có được giải thoát đau khổ thì tâm mới có thanh tịnh; tâm có thanh tịnh thì tâm mới nhập thiền định; Tâm nhập được thiền định thì tâm mới làm chủ được sự sống chết.
Người không đoạn dứt sanh y thì không thể nào ly dục ly ác pháp và nhập Tứ Thánh Định được, do không ly dục ly ác pháp và nhập Tứ Thánh Định được thì không còn pháp nào tu tập làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi.
Đường về xứ Phật không khó, nhưng khó cho những ai không muốn dứt bỏ đời sống dục lạc và tình cảm thương mến ở thế gian.
Pháp môn tu hành của đạo Phật không có gì huyền bí và vĩ đại, chỉ cần hiểu rõ đời sống thế gian là khổ vô vàn và khổ muôn kiếp. Đời sống xuất thế gian là dứt khổ, hết khổ, chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi, một đời sống tu theo đạo Phật hoàn toàn sẽ chấm dứt khổ.
13. BỐN THÁNH ĐỊNH
Quý vị muốn tu tập Thiền định của đạo Phật thì nên theo bản tóm lược này mà tu tập từng giai đoạn một để có kết quả như ý mình (Tứ Thánh Định).
I- Sơ Thiền
1- Tịnh chỉ ngôn ngữ.
2- Sống đúng giới hạnh.
3- Lấy giới bổn Pratimoksha phòng hộ sáu căn.
4- Tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định.
5- Tu tập Định Vô Lậu, diệt ngã xả tâm, quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử tức là ly dục ly ác pháp.
6- Thiểu dục tri túc.
II- Nhị Thiền
1- Tu tập Định Niệm Hơi Thở.
2- Định Diệt Tầm Giữ Tứ.
3- Định Diệt Tầm Diệt Tứ.
4- Hướng tâm tịnh chỉ tầm tứ.
5- Tịnh chỉ tầm tứ.
III- Tam Thiền
1- Tu tập Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.
2- Nương hơi thở hướng tâm, xả ly sáu loại hy tưởng đầu tiên: sắc, thinh, hương, vị xúc, pháp tưởng (ly hỷ trú xả).
3- Tỉnh thức trong giấc ngủ xả mộng tưởng.
4- Dùng pháp hướng xả ly 18 loại hỷ tưởng.
IV- Tứ Thiền
1- Nương Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.
2- Hướng tâm tịnh chỉ âm thanh.
3- Hướng tâm tịnh chỉ các thọ.
4- Hướng tâm tịnh chỉ hơi thở.
5- Hướng tâm tịnh chỉ các hành và hơi thở.
6- Tịnh chỉ các hành và hơi thở.
7- Nương Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.
Trên đây là phần lý thuyết của bốn Thiền, còn phần thực hành để nhập Tứ Thiền Thánh Định thì phải tu học có căn bản, từ thấp đến cao. Đạo Phật là đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, nó là chân lý của con người, vì thế con người không có hai ba chân lý mà duy nhất chỉ có một mà thôi. Do nó là chân lý nên nó phải có chương trình tu học như chương trình giáo dục kiến thức ngoài đời.
Chúng ta ai cũng biết chương trình tu học của đạo Phật chia làm tám lớp tu học gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo gồm có như sau:
1- Lớp Chánh kiến.
2- Lớp Chánh tư duy.
3- Lớp Chánh ngữ.
4- Lớp Chánh nghiệp.
5- Lớp Chánh mạng.
6- Lớp Chánh tinh tấn.
7- Lớp Chánh niệm.
8- Lớp Chánh định.
Trong tám lớp tu học (Bát Chánh Đạo) có ba cấp (Giới, Định, Tuệ). Cho nên muốn nhập được Bốn Thánh Định thì phải học từ lớp một đến lớp tám. Còn muốn ngay từ Bốn Thánh Định mà tu tập như lý thuyết trên đây thì phải có người tu xong hướng dẫn mới nhập được, nếu không có người hướng dẫn thì chỉ tu chơi chứ không bao giờ nhập được.
Thưa các bạn! Không phải Tứ Thánh Định là một thứ thiền định tu hành khó khăn như các bạn tưởng. Đức Phật đã từng dạy: “Với tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng nhập bốn Thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc”.
Theo kinh nghiệm bản thân của chúng tôi thì giới luật phải nghiêm chỉnh, muốn cho giới luật được nghiêm chỉnh thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ. Trong Tứ Chánh Cần có các pháp cần tu tập, đó là: Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Chánh Niệm Tĩnh Giác. Trong Tứ Niệm Xứ có các pháp cần tu tập, đó là: Tứ Niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ, pháp Thân Hành Niệm. Pháp môn Thân Hành Niệm là pháp môn cuối cùng của lớp học Chánh Niệm. Kết quả của pháp môn này là lần lượt bảy năng lực Giác Chi xuất hiện, khi giác chi cuối cùng xuất hiện thì chúng ta đã hoàn thành Tứ Như Ý Túc. Khi Tứ Như Ý Túc đã có thì Tứ Thánh Định nhập vào không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.
Nếu chúng ta tu tập như vậy thì chắc chắn sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi một cách không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nhưng dù sao các bạn cũng nên nhớ lời Phật dạy trong kinh Ước Nguyện:
“Muốn nhập bốn Thánh Định và thực hiện Tam Minh thì giới luật phải sống nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì Bốn Thánh Định và Tam Minh sẽ thực hiện không có khó khăn, không có mệt nhọc.”
Theo lời Phật dạy trên đây, các bạn đừng lo không nhập được bốn Thánh Định và Tam Minh, chỉ ngại các bạn không sống đúng giới luật, chứ sống đúng giới luật thì không có khó khăn đâu các bạn ạ! Hãy bền chí tiến lên các bạn ạ! Con đường giải thoát đang chờ bạn ở phía trước.