Skip directly to content

THAM VẤN HÒA THƯỢNG CHƠN NHƯ

NGỒI THIỀN CÓ CẦN GỐI KHÔNG

Hỏi: Kính bạch Thầy, theo ý Thầy ngồi thiền có cần gối không? Và tại sao?

Đáp: Ngồi thiền không cần gối, vì ngồi thiền mà cần gối là tạo thành một thói quen, khi thành thói quen lúc ngồi không có gối là sẽ ngồi không được. Tu thiền mục đích để cầu giải thoát chứ không phải tập thành một thói quen khác. Vốn con người dễ bị nhiễm ô và thành thói quen, mà khi đã thành thói quen thì rất khó bỏ, thế mà chúng ta lại vướng thêm một cái gối (bồ đoàn), đi đâu cũng phải mang theo thật là phiền phức. Cho nên người ngồi thiền cần gối là một việc làm không giải thoát, đó là chạy theo sự êm ấm của dục lạc thân tâm của mình.

Nếu chúng ta tập ngồi không gối, thân mới đầu ngồi hơi khó chịu một chút, nhưng lần lần cơ thể được uốn nắn theo tư thế ngồi rất tự nhiên, trông giản dị và thẳng góc với mặt bằng của đất. Đi đâu cũng không vướng bận phải mang vác gối theo, đến chỗ nào ngồi thiền cũng rất tiện. Trông các thiền sư Đông Độ đi đâu cũng phải mang theo tọa cụ bồ đoàn thật là phiền phức. Xưa, đời sống Đức Phật chỉ có ba y một bát, đi đến đâu đều lấy gốc cây làm giường nằm, ngồi thiền thì không có bồ đoàn (gối) kê tay, kê mông, chỉ có chiếc y rách cũ dùng để nằm hoặc ngồi. Là một du tăng khất sĩ nay đây mai đó, mang thêm tọa cụ bồ đoàn là một vật làm vướng bận, không đúng hạnh buông xả giải thoát của một tu sĩ Phật Giáo. Thiền Đông độ nói không dính mắc, tâm như như, tự tại vô ngại, nhưng một việc nhỏ như bồ đoàn tọa cụ mà không xả được thì lời nói và việc làm không nhất quán.

Hôm nay, con hỏi về gối ngồi thiền thì con nên hiểu “thiền là giải thoát mà thêm gối là không giải thoát con ạ!” Đi tìm con đường giải thoát mà không buông bỏ sạch thì không thể giải thoát được, dù là một vật nhỏ như một chiếc gối. Đức Phật dạy đời sống phạm hạnh của một tu sĩ thì phải: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, thiểu dục tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không”.

ĂN NGÀY MỘT BỮA

Hỏi: Kính thưa Thầy, vì có bịnh tiểu đường gần 20 năm, bác sĩ khuyên con ăn ngày sáu bữa để lượng đường trong máu không cao, nhưng 20 năm qua vẫn không tiến bộ. Nghe lời Thầy dạy, con ăn ngày một bữa và tiết kiệm năng lực tối đa bằng cách: nói chỉ khi cần, tập chánh niệm trong việc làm hằng ngày, tập không phê phán, không diễn tả bằng sự cảm hứng mà cố giữ tâm thanh thản. Trong mấy tháng vừa qua có kết quả như sau:

1- Lượng đường trong máu được quân bình.

 2- Lưỡi của con trước kia bị đen (20 năm) nay những vết đen không còn.

3- Bịnh phù thũng cũng không còn.

Mặc dù con tin tưởng tuyệt đối vào việc con có thể ăn ngày một bữa, qua kết quả tốt như kể trên, nhưng người thân con vô cùng lo âu và khuyên con ăn trở lại như cũ. Vậy con phải làm gì cho họ có được an tâm?

Đáp: Ăn ngày một bữa là một đức hạnh của bậc Thánh Tăng; là pháp môn vô lậu, ly tham, đoạn ác pháp của Đạo Phật; là một sự sống giải thoát cụ thể, rõ ràng trên lộ trình hướng về đất Phật. Ăn ngày một bữa vừa đủ để nuôi sống chỉ dành cho người vô sự, chuyên tu tập thiền định, xả tâm diệt ác pháp.

Đạo Phật là đạo giải thoát nên ngày ăn một bữa là giải thoát, giải thoát có nghĩa là không bận rộn phiền toái về ăn uống. Nhưng đối với người làm việc ít, lao động nhẹ thì có thể được; còn những người làm việc nhiều, lao động nặng mà muốn ăn ngày một bữa thì phải chọn một bữa ăn chính, còn hai bữa ăn kia có thể uống sữa hoặc nước trái cây giống như các nhà sư Nam Tông. Tu hành theo Đạo Phật là tìm sự giải thoát ngay trong đời sống, cho nên ăn uống phải thật đơn giản và tiện lợi để cho tâm hồn được thanh thản, an lạc. Bởi vì chủ trương của Đạo Phật là ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn ngày một bữa cũng là một phương pháp nghỉ ngơi, và giảm bớt sự lao động trong cơ thể là để cho cơ thể dồn năng lực vào sự đề kháng khi cơ thể có bịnh. Con ăn ngày một bữa, cần giảm bớt sự lao động trong cơ thể và tiết kiệm năng lực không để tiêu hao bằng cách:

Không nói chuyện những điều không cần thiết, cắt giảm việc tắm gội giặt giũ, tránh đi mua sắm đồ đạc, tránh đám đông, tránh đàm luận, tránh tranh cãi.

Tránh không suy nghĩ những điều không cần thiết dù trong một giây phút hiện tại. Tránh đổi tâm đang bình thản ra tâm giận hờn, phiền não, v.v...

Cố gắng lúc nào có thời gian rảnh cũng giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Cố gắng giữ gìn tâm đừng để tâm buồn lo, sợ hãi.

Thường tập sống trầm lặng độc cư ngày ít nhất cũng phải 30', để sống cho mình. Thường đi kinh hành không nên chú ý nơi đâu cả mà chỉ để tâm hồn tự nhiên như người vô sự.

Đức Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa ăn ngày một bữa, Phật đã sống đến tám mươi tuổi, ông Anan đã sống đến 120 tuổi. Con còn làm việc, Thầy khuyên con nên ăn ngày một bữa như các sư Nam Tông. Đây không phải là tâm ham ăn uống mà vì đạo đức không làm khổ mình khổ người, để cho gia đình được an vui. Chính đạo đức làm người là trên hết, mình an vui mà mọi người cũng đều được an vui thì đó là hạnh phúc là giải thoát con ạ!