Skip directly to content

TU TRONG BA NGHIỆP

Bây giờ Thầy dạy quý vị tu tập pháp ý tứ, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.

ĐỨC NHẪN NHỤC

1. Bắt đầu quý vị nên tu tập ý tứ, ý hành niệm. Khi tâm khởi lên một niệm, quý vị phải quan sát niệm đó, phân tích, tìm ra nguyên nhân và mục đích của nó, nó đến với quý vị là có sự việc gì trong tâm. Khi thấu rõ đó là pháp ác thì nó liền tan biến. Đây gọi là tu tập ý tứ, ý hành niệm, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.

2. Khi quý vị muốn nói ra một lời nào đó, quý vị phải khởi ra một ý niệm trước. Khi ý niệm khởi xong, quý vị quan sát ý niệm đó, tìm nguyên nhân, mục đích của nó. Khi thấu rõ ý niệm đó quý vị mới nói ra lời. Đây là tu tập ý tứ khẩu hành niệm để ly bất thiện pháp lập đức nhẫn nhục.

3. Khi tâm quý vị muốn làm một điều gì quý vị phải khởi ra ý niệm của việc làm đó, rồi cũng tìm ra nguyên nhân, mục đích của nó. Khi đã tìm xong, biết nó là thiện pháp thì thân mới bắt đầu hành động. Đó là tu tập ý tứ thân hành niệm để ly các ác pháp, để lập đức nhẫn nhục.

Khi thân làm việc gì, phải ý tứ cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc làm đó, không làm bừa bãi, không làm dối trá. Đây là tu tập cẩn thận ý tứ kỹ lưỡng thân hành niệm để ly bất thiện pháp, thực hiện đức nhẫn nhục.

Khi tu tập ý tứ ý hành niệm, khẩu hành niệm, và thân hành niệm thì dùng tư tuệ quán sát ý niệm, lời nói, việc làm, biết rõ đúng sai, thiện ác, có lỗi không lỗi, phạm giới không phạm giới, diệt hay nuôi ngã, xả tâm hay dính mắc v.v… Đây là tu tập triển khai tư tuệ trong ý hành niệm, khẩu hành niệm, thân hành niệm để ly dục, ly ác pháp, để tu luyện tập đức nhẫn nhục.

Tóm lại, đức nhẫn nhục giúp cho quý vị trở thành người hiền hoà, bình tĩnh và sáng suốt, ôn tồn, nhã nhặn và từ ái. Nó giúp cho con người từ phàm phu trở thành Thánh Nhân. Đức nhẫn nhục giúp quý vị xa lìa các ác pháp trong và ngoài tâm, diệt sạch bản ngã, tiêu trừ tánh hung ác, nham hiểm, tỵ hiềm, ganh ghét. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho quý vị niềm an vui, an lạc hạnh phúc đời đời, không còn biết sợ hãi, oán thù ai cả. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho quý vị những lời nói hiền hòa, những hành động nhẹ nhàng, êm ái; những ánh mắt dịu hiền, đầy lòng thương yêu đối với mọi người. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ mất tiêu và thường mang đến nguồn an vui ở đó. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì an lạc đi đến đó cho mọi người.

ĐỨC TUỲ THUẬN

Đức tùy thuận là một phương tiện ly bất thiện pháp, xả ngã rốt ráo. Nếu một người còn chấp một chút ác ngã cũng không tu tập đức tùy thuận đúng cách được. Ở đời, ai cũng muốn làm thầy thiên hạ, chỉ huy thiên hạ, luôn luôn thấy mình hay, giỏi hơn thiên hạ, ít ai tùy thuận ai được. Bởi tùy thuận là một đức hạnh cao quý để xây dựng, rèn luyện con người trở thành người khiêm hạ, luôn luôn biết làm cho người khác vui lòng. Nó cũng xây dựng, rèn luyện cho con người thành người ý tứ trong công việc làm, không để cho thất bại. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người thành người biết tôn trọng ý kiến người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người thành người học hỏi cái hay và biết cái dở của người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người trở thành người sáng suốt và bình tĩnh trước mọi ý kiến của người khác.

Điều quan trọng nhất trong sự tu tập đức tùy thuận là xây dựng rèn luyện con người thành người đầy đủ nghị lực, gan dạ, chấp nhận mọi ý kiến người khác để trở thành người nhỏ nhất, mà cũng là người lớn nhất. Vậy, đức tùy thuận là gì?

Tùy là dựa theo, làm theo. Thuận là hòa thuận, không chống trái nhau. Tùy thuận là dựa theo, làm hòa hợp ý kiến, việc làm của người khác, mà không chống trái nhau. Ở đời, vì thiếu đức tùy thuận lẫn nhau, ai cũng cố chấp ngã, chấp kiến nên mới sanh ra biết bao sự chống trái lẫn nhau, tạo nên cảnh nghịch ý trái lòng. Do đó gây ra biết bao ác pháp, khiến cho mình khổ, người khổ. Vì thế, chúng ta là tu sĩ của Đạo Phật, phải cố gắng tu tập và rèn luyện đức tùy thuận. Muốn tu tập và rèn luyện đức tùy thuận để ly ác pháp và diệt bản ngã ác thì quý vị phải luôn luôn thực hiện:

1.       Luôn luôn làm theo ý kiến người khác, bất cứ người nào, dù ở giới nào, giai cấp nào, già hay trẻ, bé hay lớn, nam hay nữ, sang hay hèn, hay vua quan trong xã hội. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã diệt ác pháp.

2.       Không làm theo ý kiến của mình, dù ý kiến của mình có đúng một trăm phần trăm. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, diệt ngã xả tâm.

3.       Làm theo ý muốn của thiện hữu tri thức mà không làm theo ý muốn mọi người, đó không phải là tùy thuận, ly ác pháp. Đó là tâm sợ hãi (làm theo lệnh chỉ huy). Làm theo ý muốn của thiện tri thức, và cũng làm theo ý muốn mọi người mới là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã.

4.       Trước khi muốn làm một việc gì thì phải hỏi ý kiến của thiện hữu tri thức và của mọi người. Nếu tùy tiện làm theo ý của mình là hành động theo bản ngã, nuôi dưỡng bản ngã và các ác pháp. Như thế thì không thể nào tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã ác.

5.       Khi thưa hỏi xong, phải làm đúng theo ý kiến mọi người. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, diệt ngã ác.

6.       Khi thi hành có sơ sót, bị la rầy, liền tức khắc chuyển sự tu tập tùy thuận sang tu tập nhẫn nhục, để ly ác pháp. Có như vậy mới gọi là tu tập đức tùy thuận trong đức nhẫn nhục.

7.       Luôn luôn phải tôn kính ý kiến của mọi người, vì có tôn kính ý kiến của người khác ta mới tùy thuận được ý kiến người khác mà không làm theo ý kiến của mình. Đó là ly dục, ly bất thiện pháp.

8.       Luôn luôn phải hạ mình kính trọng mọi người, vì có kính trọng mọi người thì mới có tùy thuận được người.

9.       Muốn ly ác pháp và diệt ngã thì phải tu tập nhận thấy mình là nhỏ nhất, kém nhất.

10.   Muốn trở thành bậc Thánh hiền thì phải tu tập thấy mình nhỏ nhất, kém nhất.

Tùy thuận, nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, quý vị nên lưu ý, có nhiều khi chúng ta tùy thuận mà thiếu trí phán xét những ý kiến ác của người khác để biến chúng ta thành tòng phạm.

Khi tu hạnh đức tùy thuận, đối với ác pháp ta nên tránh né và tránh xa những kẻ ác, ý kiến ác thì tùy thuận mà không bị lôi cuốn. Nhớ kỹ: Tùy thuận mà không bị lôi cuốn trong ác pháp, như vậy mới thật là tùy thuận. Muốn tùy thuận được như vậy thì phải triển khai tri kiến nhân quả cho thông suốt, nhờ có triển khai như vậy mới có tùy thuận vững vàng trước các ác pháp.