TRẢ LỜI THẦY MINH PHƯỚC
Hỏi 1: Kính thưa Thầy! Sao lại có ba muỗng cơm hoà chúng, có đúng không kính thưa Thầy?
Đáp: Ba muỗng cơm hòa chúng không đúng vì Phật dạy LỤC HÒA, chứ không có TAM HÒA.
Ba muỗng cơm tức là ba miếng ăn đầu tiên trước khi ăn cơm. Ba miếng cơm đầu tiên là thể hiện ba lời ước nguyện như sau của người tu sĩ:
- Miếng cơm thứ nhất ước nguyện: NGĂN ÁC, DIỆT ÁC PHÁP.
- Miếng cơm thư hai ước nguyện: SINH THIỆN, TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP.
- Miếng cơm thư ba ước nguyện: TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU LY DỤC, LY ÁC PHÁP, KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI.
Chứ không phải là ba miếng cơm hòa chúng. Ba miếng cơm hòa chúng là kiến giải sai khác của các tổ trong mỗi hệ phái. Nó không dựa vào lời dạy của Phật, nhưng nó phải mang đầy đủ ý nghĩa trong các pháp tu học thì mới được chấp nhận.
Còn ở đây được theo lời Phật dạy:
- Ngăn ác, diệt ác pháp.
- Sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp.
- Ly dục, ly ác pháp. Không làm khổ mình, khổ người. Cho nên ý nghĩa rất đầy đủ của một người theo Phật giáo.
Hỏi 2: Cúng dường mười phương Phật đã bỏ, thay vào là nhớ ơn Phật Thích Ca. Sao lại cúng dường khắp pháp giới như vậy có đúng không? Kính xin Thầy chỉ dạy cho các con rõ.
Đáp: Cúng dường có nghĩa là bố thí, đem cho, nhưng danh từ cúng dường có tính cách lễ độ cung kính, tôn trọng tỏ lòng tri ân, biết ơn. Cho nên đừng hiểu nghĩa cúng dường là đem cúng bái cho người khuất mặt đã chết để thọ hưởng bữa cơm như chúng ta ăn cơm vậy.
Bài ước nguyện cúng dường này không có nghĩa dâng lên những thực phẩm này để cúng dường cho người đã chết và người còn sống, mà ý nghĩa của nó là dâng lên tấm lòng ước mong, biết ơn người đã chết và ước mong người còn sống được no lòng. Sự ước mong này được tượng trưng qua bát cơm để dâng cúng dường. Cho nên, trong BÀI ƯỚC NGUYỆN có câu “Đều hưởng được cơm này. No lòng như chúng con”. Đó là câu nói tượng trưng lòng ước nguyện. Hai câu này là sự ước nguyện cúng dường cho người còn sống, chứ không phải cho người đã chết.
Cho nên khi đọc bài kinh ƯỚC NGUYỆN CÚNG DƯỜNG, thì phải hiểu nghĩa của sự ước nguyện cúng dường, chứ đừng hiểu nghĩa chỉ có CÚNG DƯỜNG đơn phương mà thành sai ý bài kinh.
Tựa của bài kinh: “ƯỚC NGUYỆN TRƯỚC KHI THỌ THỰC”
Ước nguyện “cúng dường khắp pháp giới, chúng sinh và tất cả, hữu tình và vô tình...” là đúng, vì đó là thể hiện lòng từ bi thương xót khắp muôn loài chúng sinh. Chúng ta chỉ ước mong sao chúng được no lòng như chúng ta đang thọ thực bữa cơm này, chứ không phải đem cúng bữa cơm sắp ăn của chúng ta. Các con nên hiểu bài kinh này nói lên lòng thương yêu tất cả chúng sinh bằng sự ước mong. Đến đây các con đã hiểu bài kinh này phải không?
Hỏi 3: Cúng dường xong rồi lại đọc bài xướng tăng bạt của Đại thừa, và như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy cho các con được rõ.
Đáp: Đúng, bởi lời xướng tăng bạt là lời nhắc nhở cho tu sĩ trước mỗi bữa ăn để nhớ cố gắng tu hành, đừng quên trách nhiệm và bổn phận của mình là lúc nào cũng phải cố gắng ly dục ly ác pháp. Tuy bài xướng tăng bạt này của Đại thừa để nhắc nhở người tu niệm Phật, nhưng chúng ta đã biến nó trở thành một bài kinh nhắc nhở cho người tu sĩ ly dục ly các ác pháp, thật tuyệt vời.
Hỏi 4: Y hạ mà các tu sĩ đang mặc cũng giống như y hạ của các sư Nam tông hay khất sĩ Việt Nam. Như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy cho các con được rõ.
Đáp: Y hạ của các sư Nam tông và khất sĩ Việt Nam đều giống y hạ của Tăng đoàn các con, vì đó là y hạ của đức Phật ngày xưa. Nên cách thức mặc y hạ thì các con nên mặc y hạ khỏi mắt cá một phân để phủ kín ống chân, đừng bắt chước các sư Nam tông và khất sĩ Việt Nam mặc y hạ lên nửa ống chân không kín đáo, trông tuy gọn gàng nhưng khêu dâm gợi dục, Tăng đoàn các con nên tránh.
Bởi vậy, vấn y, vắt y hay choàng y thì phải vén khéo thẳng tắp. Không được vấn, vắt, choàng y xốc xếch, nơi cổ xệ xuống trông giống như một người da đen Phi Châu. Ăn mặc y áo khất sĩ mà lôi thôi như vậy thì không xứng đáng là người tu sĩ Chơn Như. Khi vấn y hay vắt y lôi thôi như vậy là làm mất vẻ oai nghi tế hạnh của người tu hành. Khi vấn y hay vắt y không xốc xếch thì đi đứng phải nhẹ nhàng khoan thai, không được đi vội vàng, vì vấn y và vắt y mà đi vội vàng trông thiếu oai nghi đức hạnh giống như người dân da đỏ Mỹ Châu. Người vấn y hay vắt y thì không nên đi vội vàng mà cũng không được đi quá chậm chạp.