Skip directly to content

20110206 - MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA 8 LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 01 - TÂM BẤT ĐỘNG

20110206 - MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA 8 LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 01 - TÂM BẤT ĐỘNG

MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA TÁM LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 01 - TÂM BẤT ĐỘNG

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 06/02/2011

Thời lượng: [55:26]

Địa điểm: Tổ đường Tu viện Chơn Như Cổng số 1

1- MUỐN CHỨNG ĐẠO CẦN CÓ 8 LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO

(00:00) Phật tử: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam mô Trưởng lão Thích Thông Lạc!

Kính bạch Thầy! hôm nay là ngày 06/02/2011 (Tức ngày mùng 04/01 năm Tân Mão). Phật tử chúng con từ mọi miền đất nước vân tập về Tu viện Chơn Như. Trước hết là chúc sức khỏe Thầy và mong Thầy trụ thế để hộ chúng con dựng lại nền đạo đức Nhân bản - Nhân quả. Thứ hai chúng con kính mong Thầy ban cho chúng con một pháp thoại để chúng con tinh tấn tu hành.

(00:54) Trưởng lão: Mấy con ngồi xuống hết mấy con, ngồi xuống.

Hôm nay, Phật tử đã tập trung về đây để nghe Thầy nói chuyện, chứ còn thật sự ra thì Thầy biết rằng nói thì nói nhưng mà cái tu hành của quý Phật tử, không thể làm được. Thầy nói thật sự!

Thầy đã từng dạy cho quý Phật tử: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhưng nghe nói thì ai cũng biết, ai cũng biết mình có bất động tâm thật, nhưng cái thời gian bất động quá ngắn không dài được, không sống với nó được.

Cho nên, vì vậy mà nghe nói, biết, ham thích muốn được tâm bất động, nhưng không sống được với tâm bất động. Cho nên, Thầy ước ao rằng một ngày nào đó Tu viện Chơn Như sẽ có tám cái lớp học, theo như đức Phật đã dạy Bát Chánh Đạo, tức là tám cái lớp học rõ ràng.

Bắt đầu quý Phật tử sẽ vào cái lớp Chánh Kiến rồi đến Chánh Tư Duy cho đến Chánh Định, thì Thầy tin chắc rằng cái số người chứng đạo của đạo Phật không phải ít. Bởi vì đạo Phật là đạo của con người, rất dễ dàng, không khó khăn. Nhưng tại vì chúng ta đã quen đi, đã trở thành một cái thói quen của thế gian mà muốn bỏ ngay liền tức khắc mà không được trui luyện trong trường lớp, thì chúng ta rất khó bỏ.

(02:38) Cho nên, ở đây Thầy thấy cái trường lớp mà để hướng dẫn cho quý Phật tử vừa triển khai tri kiến giải thoát, vừa giúp cho Phật tử sống đúng cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự của mình, để hoàn toàn là mình thấy được con đường của đạo Phật không phải khó khăn.

Cho nên, Thầy đã từng nhắc nhở, từng dạy để thấy rằng cái chân lý của đạo Phật, cái Niết Bàn của đạo Phật không phải đợi chúng ta tu tập theo đạo Phật chết rồi chúng ta mới nhập Niết Bàn, không phải! Ngay khi chúng ta còn sống chúng ta vẫn ở trong Niết Bàn. Bởi vì, mọi người đều có “tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”. Nhưng vì cuộc sống của chúng ta, của gia đình, của xã hội chi phối chúng ta làm chúng ta bất an. Muốn cho được an, là cả một vấn đề.

Thí dụ như: Quý vị về Tu viện Chơn Như để xin Thầy tu tập, mà khi Thầy khép cho vào sống độc cư một mình thì quý vị sẽ thấy rằng mình cũng rất khó khăn chứ không phải dễ. Vì ở trong thất một mình thì tâm niệm lăng xăng nhớ cái này nghĩ cái kia, đó là cái thói quen của chúng ta đã từng huân tập nó. Cho nên, muốn cho nó đừng lăng xăng nghĩ ngợi là cả một vấn đề tu tập chứ không phải dễ.

Nhưng vì không có trường lớp cho nên không có ai đứng ra để giảng dạy, để hướng dẫn cho chúng ta từng bước. Cho nên tới bây giờ chúng ta vẫn thấy mọi người chưa chứng đạo. Nếu có trường lớp mà từ khi Thầy triển khai Chánh pháp của Phật, thì hôm nay chúng ta không những có cả trăm người chứng đạo mà có cả ngàn người chứng đạo.

(04:53) Quý Phật tử thấy khi cái trường lớp mà dạy học chữ nghĩa. Nếu chúng ta thấy con em của mình đưa vào trường lớp học có thầy giáo dạy từ lớp Một đến lớp Đại học, thì chúng ta thấy từ cái chỗ không biết chữ, các con cháu, em út của chúng ta sẽ đọc được chữ, từ đó chúng vào Đại học trở thành những người có kiến thức học hiểu. Thì tu học theo Phật giáo cũng như vậy. Chúng ta chưa giải thoát, nhưng theo trường lớp đào tạo chúng ta sẽ được giải thoát. Tâm chúng ta Bất Động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự. Cho nên, trường lớp để hướng dẫn cho quý Phật tử tu tập, rất cần thiết!

Thầy ước mong sao ngày mai Tu viện Chơn Như sẽ có tám cái lớp học. Thầy ước ao điều đó, và Thầy còn ước ao rằng Tu viện Chơn Như sẽ có cái khu an dưỡng để giúp cho những người già không người thân, neo đơn được về đây Thầy nuôi dưỡng, an ủi cho họ trong tuổi già, và những trẻ em mới lớn lên được nuôi dưỡng trong môi trường đạo đức “Sống không làm khổ mình, khổ người”, từng hành động sống hàng ngày để tạo cho chúng quen đi cái hành động tốt đẹp đó, làm cho xã hội của chúng ta ngày một tốt đẹp. Mọi người sống có đạo đức biết thương nhau và tha thứ cho nhau.

Sự ước ao của Thầy, tuy năm nay Thầy đã tám mươi mấy tuổi rồi, nghĩ rằng Thầy đã lớn hơn Phật, Phật có tám mươi tuổi Phật nhập Niết Bàn. Còn Thầy hôm nay lớn hơn Phật, mà Thầy chưa nhập Niết Bàn là vì trách nhiệm của mình chưa xong. Khi tu xong Thầy đã quan sát, Thầy thấy duyên chúng sanh khó độ lắm mấy con, nhưng mà thương mọi người. Nếu bỏ ra đi nhập Niết Bàn, thì ai là người mà thay Thầy dạy cho Phật tử tu hành đây?

Thầy biết ở lại dạy chúng sinh tu hành là quá cực quá khổ, gian khổ vô cùng, nhưng không nỡ bỏ mà đi. Hôm nay, chính vì cái duyên mà gieo duyên Phật pháp mà bây giờ quý Phật tử mới tập trung về đây đông đảo như thế này. Nếu mà Thầy không gieo duyên, không khởi lòng yêu thương, thì hôm nay không có người nào biết Phật pháp đúng.

Đối với Thầy chẳng sợ bất cứ một cái điều gì. Đúng là đúng, sai là sai! Bởi vậy, những cái gì sai trong Phật giáo Thầy đều vạch chỉ rất rõ ràng để chấn chỉnh lại Phật giáo, Phật giáo Việt Nam. Phật giáo của người Việt Nam chưa không phải Phật giáo của người Trung Quốc, mà từ lâu chúng ta đã ảnh hưởng Phật giáo của Trung Quốc. Cho nên chúng ta tu chẳng tới đâu cả.

(08:35) Vì vậy, hôm nay Phật giáo Việt Nam sẽ có nhiều người chứng đạo. Với niềm tin của Thầy, với sự tha thiết tu hành của quý Phật tử, Thầy tin rằng ngày mai dân tộc Việt Nam sẽ tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết như Phật, không phải riêng mình Thầy mà có nhiều người nữa.

Như quý Phật tử thấy, các thầy, các cô đều là xuất gia tu hành như thế này mà bỏ hết cuộc đời của mình, bỏ gia đình, con cái của mình đi tu, mà cuối cùng mình được những gì? Nếu cứ nhẫm lại cái lối mòn từ xưa đến giờ thì chắc chắn quý thầy sẽ không đạt được những gì. Và ngay bây giờ thì quý thầy chịu ảnh hưởng rất nặng, nếu quý thầy không biết, mà quý thầy nỗ lực tu theo cái kiểu kiến giải của quý thầy, thì chẳng bao giờ quý thầy làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì quý thầy phải thưa hỏi rất kỹ! Đừng phí cái thời gian trôi qua, coi thường nó. Một ngày qua, một giờ qua, một phút qua là mất đi không lấy lại được. “Tấc bóng thời gian một tấc vàng”, tấc vàng thì dễ dàng lắm mấy con. “Tấc bóng thời gian khó hỏi han”. Mất cái thời gian rồi, lấy lại không được đâu!

(10:25) Nhưng hôm nay Thầy nhắc lại cho quý thầy, quý cô, cũng như quý Phật tử: “Các pháp trên thế gian này là vô thường, không có vật gì là thường hằng hết. Chúng ta đừng bám víu nó, buông xuống đi!”. Như Thầy đã làm một cái bài kệ mà Thầy đã nhắc, từ khi Thầy chứng đạo bước ra khỏi cửa thất Thầy đã nhắc cái bài kệ đó:

Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi, có ích gì.

Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?

Vạn sự vô thường, buông xuống đi!

Hai chữ “Buông xuống” thì nghe nói rất dễ, nhưng sao buông xuống quá khó! Dạy quý Phật tử thấy tất cả các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, thế mà buông không được.

Như hồi nãy Thầy nói, muốn buông được điều này thì chúng ta phải đi vào tám cái lớp học của đạo Phật, thì chúng ta sẽ buông không khó. Chứ còn nói suông như Thầy bảo buông xuống, thì nói thì được đó, như bài kệ vừa rồi thì quá dễ mà, nói thì được, nhưng làm đâu phải chuyện dễ.

2- TÁC Ý TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC TẤT CẢ CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ

(11:51) Trưởng lão: Cho nên, hôm nay khi gặp Thầy, đủ duyên gặp Thầy. Thầy hiện giờ thì lớn tuổi rồi, Thầy chỉ muốn sống một mình ngồi chơi thanh thản, an lạc, vô sự chẳng bận chuyện đời. Nhưng vì thấy quý Phật tử có duyên với Phật pháp, hướng về Phật pháp, mà nếu bỏ thì rất tội! Cho nên, Thầy chọn lấy cái ngày hôm nay, chứ không phải chọn lấy cái ngày nay để quý Phật tử về chúc Tết Thầy, không phải đâu! Mà chọn lấy cái ngày nay để qua cái phong tục cổ truyền của chúng ta trong ngày Tết, để rồi quý Phật tử được nghe Thầy dạy, cố gắng giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Vậy thì, quý Phật tử nhớ đức Phật dạy: “Có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt". Vậy thì, khi có chuyện gì làm cho quý Phật tử giận hờn, buồn phiền, lo lắng, đau khổ thì hãy tác ý ngay: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sựTất cả đều là nhân quả, không có buồn giận, không có lo lắng, không có sợ hãi, hãy vui vẻ chấp nhận nhân quả để vượt trên nhân quả, còn lo lắng sợ hãi tức là bị nhân quả chi phối”.

(13:26) Quý Phật tử nghe lời này! Nếu khi một cái việc gì xảy đến cho mình mà quý Phật tử lo lắng, buồn phiền, đau khổ, giận hờn thì đó quý vị bị nhân quả chi phối. Còn quý vị thản nhiên vui vẻ, không buồn, không giận, không phiền, không lo thì đó là quý vị vượt trên nhân quả.

Ngay cả cái thân của quý vị khi đau bệnh, dù cái bệnh rất hiểm nghèo như bệnh ung thư, quý vị đừng sợ hãi, mà hãy tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả bệnh tật, không có sợ!”, nó sẽ đi ra khỏi thân này.

Quý vị cần tác ý, cần chỉ hướng tâm về điều đó, thì quý vị không có còn đi bác sĩ, không còn đi nhà thương, không còn chỗ nào hết. Chứ hở một chút thì quý vị đi nhà thương, đi bác sĩ, vừa tốn tiền mà vừa nằm trong bệnh viện, những người thân mình rất là nhọc nhằn, cực khổ, phải theo nuôi dưỡng.

Còn trái lại, quý vị thấy: Ờ, bây giờ mình bệnh đau mình không làm gì, thì cứ nằm, chơi, đau nhức chẳng sợ, tác ý: “Thọ là vô thường. Hôm nay đau thì lát nữa không đau, ngày nay đau thì ngày mai sẽ không đau, có gì mà phải sợ hãi? Ai không đau, ai không bệnh? Nhức mặc nhức, đau mặc đau. Kệ nó!”. Mấy con cứ làm lì như vậy, bệnh đau nào nó cũng không tác động thân tâm mấy con đâu. Còn mấy con cứ sợ hãi là nó sẽ đến thăm mấy con hoài. Uống thuốc thì hết bệnh này sẽ có bệnh khác. Còn tác ý mà đuổi bệnh, thì bệnh sẽ không còn bệnh, tật đến nữa.

Pháp Phật như thần dược, quá hay! Tại sao chúng ta không áp dụng? Không có tốn tiền, chỉ có tự thắp đuốc lên mà đi, chỉ có ra công mà đem lại sự bình an cho bản thân mình.

(15:43) Phật làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Thầy làm chủ được sanh, già, bệnh, chết đâu phải ngoài ý thức. Thầy có thân cũng như mấy con có thân, nhưng thân này sao không bệnh? Tại vì, có bệnh Thầy đuổi nó đi. Còn mấy con có bệnh mà không chịu đuổi, thì nó làm sao nó đi. Mấy con có ý thức chứ đâu phải không ý thức, ý thức cũng giống như Thầy, thì mình phải tác ý ra: “Thọ là vô thường, cái bệnh nhức đầu này không được ở đây, đi đi! Tao cho mày nhức đi, mày chết đi cho rồi”. Cỡ như mấy con tuổi như thế này, chết thì mấy con sẽ sanh làm đứa trẻ khác, không phải sướng sao? Nó còn khỏe hơn, già rồi lụm cụm có sung sướng gì? Cầu cho nó chết được cái thân này, có phải không mấy con?

Còn mấy con hở ra chút sợ, già lụm cụm mà cũng còn sợ chết nữa hà. Thầy mong cho chết cho nó khỏe mà tại sao nó không chết? Phải không, mấy con thấy không? Một người cầu cho nó chết, mà nó không dám chết. Còn cái người sợ chết, nó chết. Không, mấy con cứ hỏi mấy người mà chết họ có sợ chết không? Sợ nó mới chết đó!

Thầy bây giờ Thầy muốn sống một trăm tuổi, Thầy không sợ chết, nó sống một trăm tuổi. Chỉ có Thầy muốn chết, Thầy bảo: “Tịnh chỉ hơi thở nằm xuống chết cho Thầy!” thì cái thân Thầy nằm xuống nó nín thở, nó không thở nữa, nó chết.

(17:12) Các con thấy không, tại sao mấy con cũng có hơi thở, Thầy cũng có hơi thở, mà Thầy điều khiển được hơi thở Thầy chết sống, còn mấy con không làm được?

Tại vì, mấy con không sử dụng pháp Tác Ý. Các con có ý thức mà không chịu dùng nó, cho nên mấy con không có làm chủ. Thầy không có giấu mấy con một cái gì hết. Cái gì Thầy cũng dạy mấy con đủ hết, nhưng mấy con lười biếng, không có chịu tác ý.

Tâm niệm mấy con khởi ra muốn gì: “Dừng lại, dục là đau khổ!”. Nguyên nhân sinh ra đau khổ là lòng ham muốn: “Không có ham muốn gì hết á!”.

À, bây giờ con cái nó cho mình ăn cái gì đó, nói: “tụi bây cho tao ăn vầy tao ăn sao được, già rồi làm sao ăn được?”. Thì ăn không được thì ăn cơm với muối, còn ăn cơm không được, thì nuốt không được, thì lấy nước chế vô nuốt, cần gì phải đòi canh riêu cho cực khổ người khác. Mấy con thấy không?

Như Thầy bây giờ ai cho ăn gì Thầy ăn cũng được hết, ăn sống chứ không phải ăn để cầu ngon. Còn mấy con cầu ngon là mấy con khổ lắm, mấy con chạy theo dục.

Dục là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Đức Phật đã nói mà, cái chân lý mà Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Mà tập đế là cái gì? Cái lòng ham muốn của mình. Lòng ham muốn là cái nguyên nhân sinh ra đau khổ.

Còn Diệt là cái Niết Bàn - cái trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Hàng ngày mấy con ở trong cái trạng thái giải thoát Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự không phải sung sướng sao?

Bây giờ, nó có nghĩ, hay hoặc có chuyện gì trái ý nghịch lòng, thì mấy con tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thì nó trở về với sự bất động. Nhưng, mấy con nhớ kỹ! Không khéo mấy con cố gắng mà giữ tâm bất động để ức chế ý thức của mấy con, thì mấy con sẽ lạc đường, đó là tu sai, nó không dễ đâu mấy con!

(19:13) Cho nên, khi mà muốn tu tập cái câu tác ý như vậy đó, thì mấy con phải tập, rồi mấy con mới trình bày những cái điều mấy con đã cảm nhận. Không khéo thì mấy con ức chế cái ý thức của mấy con bằng hơi thở hít vô thở ra. Có nhiều người tu tập tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự mà sao tôi nghe tôi tức ngực quá. Tại vì ôm hơi thở chẳng tức ngực?! Đó là cái sai của mấy con.

Tại sao mà Thầy dạy mấy con hơi thở?

Bây giờ, trong cái đặc tướng của mấy con nè, Thầy nói: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhưng mấy con tác ý vậy rồi mấy con ngồi đây niệm này khởi, tới niệm khác khởi, tới niệm khác khởi, nó không bất động được. Buộc lòng Thầy phải dạy mấy con nhiếp trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô thở ra năm hơi thở, rồi tác ý một lần, chứ không phải được hít vô thở ra cứ ôm chặt, cứ bám trong hơi thở đó mà không tác ý, thì không được.

Cái gì tu cũng phải có Thầy chứ. Tu mà không có Thầy mấy con tu nó trật đường, nó gây ra những cái bệnh tật do cái sự tu tập, ảnh hưởng đến cơ thể của mấy con.

(20:28) Cho nên, hôm nay thật sự ra, đời chẳng có gì đâu mấy con, các pháp đều vô thường, không có pháp nào là của mình cả. Nếu không tu mấy con bị cuốn trong cái dòng đời, rồi ăn, rồi con, rồi cái, rồi nhà, rồi cửa, rồi tiền bạc, công ăn việc làm…​ tất cả nó lôi mấy con vào trong góc độ.

Trách nhiệm bổn phận của mấy con hiện giờ còn con nhỏ, phải nuôi cho lớn khôn đúng 18 tuổi, cho nó có nghề công ăn việc làm. Hướng dẫn cho nó con đường tu tập đừng để cho nó bị nhiễm ô đời. Chẳng hạn nào, bây giờ lớn tuổi rồi mấy con nghĩ rằng phải cưới vợ gả chồng cho nó là xong bổn phận làm cha mẹ, điều đó mấy con tạo thêm sự đau khổ thêm cho con cái của mấy con.

Các con thấy, đầu tiên một mình nó, nó chưa chướng ngại lắm đâu. Nhưng mà có thêm người vợ thì có hai người phải có hai ý, thì vợ chồng sẽ cãi qua cãi lại, đầu tiên thì nó còn tôn trọng nhau nhưng sau đó nó lờn mặt rồi, nó không tôn trọng nữa, thì nó sẽ có tiếng này tiếng kia, từ cái chỗ đó nó sẽ đau khổ. Và sanh con đẻ cái ra đâu phải chuyện dễ. Một đứa bé như thế này mà nuôi nó lớn khôn, mấy con biết bao nhiêu công lao chứ đâu phải chuyện dễ đâu.

(22:00) Hôm nay, chúng ta cũng trở thành những con người đầy đủ những trí tuệ, lớn chúng ta hiểu biết, cho nên chúng ta dừng lại ngay liền, đừng bước thêm những dục lạc của thế gian, để tìm con đường giải thoát. Hạnh phúc gì mà dục lạc thế gian?! Ăn miếng ngon chưa hẳn là hạnh phúc, có vợ có chồng chưa hẳn là hạnh phúc. Cái bóng hạnh phúc của các con nghĩ, là cái sự đau khổ ở trong đó. Đời không có gì là không đau khổ!

Cho nên, biết được Phật pháp, có duyên với Phật pháp, mà tại sao chúng ta không ôm Chánh pháp của Phật để được giải thoát?

Đừng dễ vui! Như hồi nãy Thầy nói:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng.

Tấc vàng tìm được không gì khó.

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Đừng để thời gian trôi qua! Nó mất đi rồi, lấy lại không có được.

Cho nên, ngay từ bây giờ phải làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì chúng ta mới an tâm, chứ chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì chưa an tâm.

Bệnh đau nó đến nó đau, mấy con chưa làm chủ làm nó thì mấy con đau nhức chỗ này, đau nhức chỗ kia, chịu sao nổi?

Chưa làm chủ chết, trước khi chết nó đâu phải nằm yên đó nó chết đâu? Nó lăn lộn, nó trăn trở, nó khổ sở vô cùng nó mới chết được, cả một vấn đề. Cho nên sinh, già, bệnh, chết là bốn sự đau khổ! Cho nên, các con nhớ kỹ lời Thầy dạy, ngày hôm nay chúng ta chưa làm chủ được bốn sự đau khổ này, thì nhất định là ngày mai phải làm chủ. Mỗi người chúng ta đều có ý chí, quyết định là do ý chí của chúng ta. Nam cũng như nữ người nào cũng vậy, người nào cũng có ý chí kiên cường phải làm chủ bốn sự đau khổ mà chúng ta mang thân người là chúng ta có bốn sự đau khổ đó. Cho nên ở đây, phải nỗ lực thực hiện cho bằng được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

3- TỰ DO TÔN GIÁO TRONG PHÁP LUẬT

(24:25) Trưởng lão: Chờ Thầy mà cất được tám cái lớp để dạy mấy con từng bước, thì đủ duyên mới được. Nếu mở trường lớp thì phải xin phép đàng hoàng, chứ không thể nào như hôm nay ngồi đây mà Thầy giảng cho mấy con nghe. Lớp thì phải có giáo trình, giáo án, phải đem nộp để cho chính quyền Bộ Giáo dục người ta xem xét, người ta thấy đúng người ta cho phép mình, chứ không phải dễ. Bởi vì, nó là trường học mà, nó không phải dễ, nó phải có phép đàng hoàng.

Thầy giảng chung ở trong cái lớp như thế này, như là về tôn giáo, lâu lâu Thầy gặp quý Phật tử Thầy giảng cho một buổi nghe như thế này, được! Nhưng mà mở trường lớp, một tuần có năm ngày, mười ngày hay là bảy ngày, hay là ba ngày mà dạy quý Phật tử, thì đều phải xin phép hết.

Bởi vì, chúng ta ở trong một cái đất nước, phải có pháp luật, chứ không thể ra ngoài pháp luật. Tự do trong pháp luật, chứ không phải tự do ngoài pháp luật. Là một người công dân của một đất nước để giữ trật tự an ninh cho đất nước đó, chúng ta phải đi vào pháp luật của Nhà nước.

Cho nên, chúng ta phải biết dù tôn giáo, dù Thầy là một người tu sĩ theo Phật giáo nhưng Thầy vẫn là một công dân của đất nước Việt Nam. Cho nên, Thầy phải thi hành đúng pháp luật của Nhà nước, không thể vi phạm. Như quý Phật tử, nhiều người cũng được học tập cũng được này kia, nhưng nhiều khi quý Phật tử không biết pháp luật Nhà nước như thế nào. Đó là một cái điều rất cần thiết, pháp luật của Nhà nước đặt ra để giữ gìn trật tự an ninh, thì quý vị cần phải học hiểu.

Thầy tin rằng, ngày mai chúng ta có những cái trường lớp thì Thầy sẽ mời những cái vị mà người ta biết được luật pháp của Nhà nước người ta sẽ về dạy cho chúng ta, những tu sĩ của chúng ta đều là thông suốt pháp luật của Nhà nước. Đó là những điều rất cần thiết!

4- SIÊNG NĂNG TU TẬP GIỮ TÂM BẤT ĐỘNG

(26:56) Trưởng lão: Cho nên, hôm nay chúng ta muốn được yên ổn, muốn được giải thoát, không phải riêng mình. Cho nên, Thầy nói: “Đạo đức không làm khổ mình, khổ người” mà. Cho nên, từ hành động chúng ta, vô tình chúng ta làm khổ người khác mà chúng ta không biết, vô tình chúng ta nói làm người khác đau khổ. Cho nên, chúng ta cẩn thận dè dặt thân, khẩu, ý của chúng ta.

Ở đây, quý thầy hãy cố gắng, cố gắng! Chỉ có một điều duy nhất mà Thầy nhắc nhở đó là: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.

Khi mà nằm ngủ mà tỉnh táo, tâm nghĩ ngợi điều này, thế kia thì nên nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả những điều suy tư trong đầu óc đều là chuyện thế gian buông xuống đi, không được suy nghĩ nữa.” Cứ nhắc nó đi, rồi một ngày nào đó nó sẽ không suy nghĩ.

Phải siêng năng! Chứ đừng lười biếng. Ngày ngày siêng năng như vậy, như đức Phật đã dạy, chỉ cần 7 tháng là chúng ta đã thành tựu. Đạo Phật tu đâu có lâu, chỉ có 7 tháng giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, thì chúng ta sẽ thành tựu Đạo giải thoát.

Chúng ta tu hành chúng ta đừng cầu mong thần thông đừng cầu mong làm chủ sinh, già, bệnh, chết gì cả. Chúng ta chỉ biết làm sao tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, để buông xả từng tâm niệm thế gian của chúng ta, thì chừng tâm bất động suốt trong 7 ngày đêm là chúng ta chứng đạo. Đơn giản lắm, dễ dàng lắm, không khó khăn!

Chỉ có người siêng năng, chỉ có người có ý chí dũng mãnh thì sẽ làm chủ được sự sống chết!

(29:14) Cho nên, theo Thầy khuyên quý Phật tử: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù”. Con rùa mà bị mù mà tìm cái bọng cây ở giữa biển, khó vô cùng. Mất thân này…​ quý vị có sống đúng năm giới không? Nếu chưa sống đúng năm giới, đừng hòng sẽ có thân này!

Bởi vì, năm giới của đức Phật là năm giới của người cư sĩ, năm giới để làm con người. Nếu trong năm giới này chúng ta phạm một giới là chúng ta cũng chưa thành con người được, chỉ thành con vật: Con trâu, con bò, con heo, con dê, con gà, con chó, con ngựa…​ rồi những vật nhỏ nữa là loài côn trùng.

Đó thì, quý Phật tử, “được thân người là khó, được Phật pháp còn khó hơn”, nghe được Chánh pháp của Phật còn khó hơn. Từ lâu chúng ta đã được biết Phật pháp, nhưng chúng ta đã lầm lạc trên con đường của Phật pháp, cứ theo kinh sách của Hán tạng của người Trung Quốc tu tập. Có vị Hòa thượng nào làm chủ sinh, già, bệnh, chết không?

Suốt cuộc đời của quý vị tu tập hết sức, lần chuỗi cả hột chuỗi bóng lộn, thế mà có ông Phật Di Đà nào cứu, thế mà tin tưởng, thì quý vị thấy không phải Thầy bác, mà Thầy nói thẳng nói thật, để thấy rằng Phật giáo không dạy chúng ta nương tựa vào ai cả, mà “tự thắp đuốc lên mà đi”.

(31:26) Phật Di Đà trong kinh Vô Lượng Quang, trong kinh Di Đà. Phật hứa, nếu người nào mà niệm mười tiếng ra mà đức Phật Di Đà không rước về cõi Cực Lạc, thì ta không làm Phật: “Thiện nam tín nữ các người, chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra, ta không rước ở nước ta, thể không làm Phật chắc đà không sai”. Nhưng mà niệm mười tiếng ra có thấy ông Phật rước mình không? Như vậy ông Phật hứa, hứa dỏm rồi mấy con, không thật!

Khi người ta niệm mười tiếng - người ta thành tâm niệm mười tiếng, mà mình hứa với người ta để mình rước về nước Cực Lạc, thì ngay khi mười tiếng đó phải rước người ta về chứ sao lại để cho người ta sống trong cõi thế gian khổ đau như thế này?

Đó thì, mấy con thấy lời nói như vậy có đúng không? Như vậy rõ ràng ông Phật Di Đà chắc chưa thành Phật. Bởi vì chúng sanh niệm Phật, mà đâu có rước ai đâu.

Đó thì, mấy con thấy phải suy tư, phải nghĩ. Mình có đầu óc sáng suốt phải nghĩ cái nào đúng cái nào sai chứ. Cái nào cũng tin hết, rồi bỏ cả cuộc đời của mình nhưng cuối cùng được làm gì? Được cái gì đây?

Một người niệm Phật mà tâm tham, sân, si hết sao? Làm sao hết được mấy con! Ngay cả tâm tham, sân, si hàng ngày khởi ham muốn cái này cái kia, thì chúng ta dùng câu tác ý để ly dục, ly ác pháp. Nhưng câu tác ý đó lại là một cái chân lý của đạo Phật “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Như vậy là chúng ta ly dục ly, ác pháp để chúng ta hoàn toàn không còn tham, sân, si. Mà người không còn tham, sân, si thì ngay thế gian này là Cực Lạc. Có phải không?

Mấy con thấy nè, tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì giải thoát hoàn toàn, thì thế gian này là chúng ta đang sống là Cực Lạc chứ. Cực Lạc có nghĩa là rất vui. Nhưng ở đây chúng ta không phải là cái kiểu rất vui là lúc nào cũng cười, không phải! “Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự” đó là cái câu rất tuyệt vời mà đức Phật đã dạy chúng ta.

5- LINH HỒN KHÔNG CÓ

(34:13) Trưởng lão: Cho nên, hôm nay được nghe lời Thầy dạy, phải tự cứu mình. Có một số người đã được nghe Thầy dạy, hôm nay đã trở thành những người thiên cổ rồi. Mà nghe thì nghe nhưng không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, thì phải tiếp tục tái sanh luân hồi, làm sao tránh khỏi được! Còn khi mình làm chủ rồi, muốn chết hồi nào chết, làm sao mà tương ưng mà tái sanh luân hồi được!

Cũng như, từ lâu người ta nghĩ rằng con người có linh hồn, nhưng mà cuốn sách Thầy đã dạy, Thầy viết tập sách Thầy nói: “Không có linh hồn” làm đảo lộn thiên hạ hết. Các con thấy không?

Tại vì, người ta không hiểu linh hồn ra như thế nào, rồi người ta cứ tưởng tượng nó ra linh hồn, chứ thật sự linh hồn là cái gì? Đức Phật nói trong thân chúng ta là Thân Ngũ Uẩn: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức. Khi thân này hoại diệt thì năm uẩn hoại diệt không còn. Lời ông Phật dạy rõ ràng mà! Vậy mà, người ta tin rằng thân này có linh hồn.

(35:40) Trước thời đức Phật, Bà La Môn ngoại đạo đã xây dựng 33 cõi Trời. Khi đức Phật tu chứng, ngài nói: “33 cõi Trời là tưởng tri, chứ không phải liễu tri”, thế giới tưởng của mấy người tưởng tượng ra, có đâu! Ông Phật quá mạnh, đập thẳng tay.

Cho nên, “Những Lời Gốc Phật Dạy” - bốn tập sách này, người nào nói Thầy sai, tức là nói ông Phật Thích Ca sai. Thầy đâu dạy ngoài lời của Phật Thích Ca. Những điều mà Thầy biết, Thầy thấy, mà chính bản thân Thầy Thầy chưa nói ra cho ai biết hết. Còn cái mà Thầy nói là của Phật Thích Ca nói. Cho nên mấy con thấy, bây giờ người nào nói Thầy sai, là người đó nói ông Phật Thích Ca sai.

Còn cái mà Thầy biết, Thầy tu Thầy biết như thế nào, Thầy chưa bao giờ nói ra. Thầy biết rằng Thầy bây giờ trong cái thời của Thầy Thầy có nói ra, thì mấy con nói thế này thế khác: “Ờ, Thầy nói vậy không có”, nhưng mà không ngờ rằng Thầy không có thiếu trí tuệ như vậy đâu.

Cho nên, “Những Lời Gốc Phật Dạy” là vì ông Phật dạy như vậy. Thầy lấy những lời gốc đó, mà Thầy chỉ thẳng rằng những lời mà trong kinh Đại thừa sai lời Phật không dạy như vậy, thì rõ ràng là Thầy đã chỉ thẳng rồi, thì mấy con thấy quá cụ thể rõ ràng. Cái sai của Phật giáo phải vạch ra cho người ta biết chứ. Có người nói với Thầy như thế này: “Thầy cứ dạy cái đúng của Thầy đi, đừng có nói cái sai của người ta”. Thầy không nói thì ai biết cái sai?

Cũng như, một người thấy mình làm lỗi, cái người mà chỉ cho chúng ta biết cái lỗi của mình, là cái người ơn của chúng ta. Trái lại chúng ta vì bản ngã, cho người chỉ lỗi mình là cái người đó xấu, đó là sai!

6- LỜI THẦY SÁCH TẤN

(37:59) Trưởng lão: Đó thì mấy con thấy, trong cái sự thật Thầy nói sự thật để giúp cho Phật tử, để giúp cho quý vị biết được cái đúng, cái sai mà chúng ta nỗ lực thực hiện. Mà nỗ lực thực hiện thì quý vị thấy ngay liền trong 1 phút, 1 giây quý vị vẫn thấy giải thoát mà. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” - tác ý rồi, ngồi lẳng lặng để nghe tự nhiên để coi thử tâm mình bất động hay là không bất động. Trong 1 phút, 1 giây mình thấy rõ ràng là bất động - giải thoát đó mà, cụ thể quá rõ ràng.

Tại các con, tại Phật tử không muốn giải thoát, cho nên lúc nào cũng coi thường cái câu nói đó, cái chân lý đó. Chứ sự thật ra mà chúng ta quyết tâm, thì trong 7 ngày thì chúng ta sống được với cái tâm bất động đó, mà sống với được tâm bất động đó là giải thoát hoàn toàn chứ sao. Chúng ta muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Tại vì tâm chúng ta bất động suốt bảy ngày thì nó có đủ Tứ Thần Túc, bốn cái lực như thần. Còn bây giờ mình cứ cầu mong mình có Tứ Thần Túc để mình cố gắng mình giữ, thì cái sự mong ước của quý vị là cái tâm tham dục của mấy vị, thành ra làm sao mấy vị có được?

Quý vị cứ giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, ngồi chơi không cần gì hết.

Thử, bây giờ Thầy nói như thế nè. Khi mà giữ được cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự - tác ý rồi, đừng có khởi niệm đói bụng, mà quý vị khởi niệm đói bụng tức là quý vị đã bị động tâm rồi. Ngồi suốt ngày này qua ngày khác, cứ tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi để tự nhiên tâm bất động, cứ như vậy ngày này qua ngày khác không thấy đói khát mà không mệt nhọc, không có gì hết hoàn toàn, cái tâm bất động nó hay đến mức độ vậy.

Còn quý vị cứ nghĩ ờ tới trưa rồi thôi đi ăn cơm đi, ôm bát này kia…​ sự thật ra điều đó là quý vị bị tâm chi phối quý vị, bị ăn uống chi phối, bị dục chi phối.

(40:04) Cho nên, quyết tâm tu! Ngày nay tu chưa được ngày mai phải làm cho được! Nhất định phải làm cho được, đừng có kéo dài cái thời giờ, uổng quá quý vị.

Tới hôm nay mà Thầy nhìn quý thầy chưa có người nào làm được thì quá uổng, phải làm cho được đi. Mấy cô cũng vậy lớn tuổi rồi, Thầy thấy quý cô lớn tuổi quá rồi, còn thời gian đâu nữa mà ngồi chờ. Nhất định chết bỏ hôm nay mà chứng đạo, hơn là để kéo dài. Không có mỏi mệt gì hết, chết bỏ! Tao ngồi đây chơi nè: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Cứ ngồi chơi, thì thời gian rất ngắn mấy con sẽ đạt được tâm bất động, mà tâm bất động thì nó có đủ cái lực cho mấy con làm chủ được sự sống chết mấy con. Hãy cố gắng!

Các con cố gắng, Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ làm được hết. Bên đây quý thầy, quý sư đều làm được hết, không có người nào mà làm không làm được. Nhưng mà đừng có bị ảnh hưởng của giáo pháp sai Phật pháp. Các con cứ lấy những cái lời của Phật dạy trong kinh Nikaya thử coi bốn cái tập mà Những Lời Gốc Phật Dạy mà Thầy đã giải thích, mấy con sẽ thấy Thầy giải thích đúng y như cái ý của Phật dạy.

Còn mấy con cứ lấy kinh Đại thừa cho là Phật tánh, bằng cách này, bằng cách kia đều là ảnh hưởng của Lão Tử, ảnh hưởng của Khổng Tử, toàn là kinh sách của Hán Tạng của Trung Quốc. Người Việt thì phải thực hiện pháp Phật của Việt Nam, không có thực hiện pháp của ngoại đạo. Họ làm đúng sao họ không thành Phật? Họ làm đúng sao họ không làm chủ sanh, già, bệnh, chết? Các con thấy người Trung Quốc họ làm được những gì? Họ qua họ dạy chúng ta tu tập gần chết, quý thầy tu gần chết, mà được những gì?

Thử hỏi, bây giờ Thầy nói thật như Hòa thượng Thanh Từ bây giờ già như vậy rồi, mà không làm chủ được cái thân thì như vậy là làm sao? Bệnh đau phải đi nằm nhà thương như vậy. Không phải là Thầy chê Hòa thượng, Hòa thượng cũng tu hết mình, dạy đạo hết sức, mà nhưng vì ảnh hưởng của Thiền Đông Độ. Tại sao không nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy mà dạy? Có nhiều người bây giờ đang theo tu tập, nhưng rốt cuộc ai làm được những gì?

(42:45) Không, Thầy nói như vậy để chúng ta không phải bài bác một người nào khác, mà để chúng ta thấy được cái pháp nào tu được, làm chủ được. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” - làm gì chúng ta có ác pháp tác động vô được?!

Bây giờ cái đầu Thầy, cái thân Thầy đau nhức bất cứ một cái chỗ nào, Thầy chẳng sợ nữa này: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự không sợ thọ. Chết đi!”. Cái người mà ý chí gan như vậy làm sao có bệnh tật nào mà tác động được. Các con phải gan dạ chứ, sao lại nhút nhát vậy?

Chúng ta phải biết rằng người Việt Nam chúng ta, đối với nam thì chúng ta có những bậc anh hùng, mà đối với nữ chúng ta có những bậc anh thư, không phải Trưng Vương, Triệu Ẩu sao. Mấy con là con cháu của ai? Có phải là của Trưng Vương Triệu Ẩu không? Tại sao mình không bằng những vị đó? Mình phải thực hiện cho xứng đáng là con cháu của những người ý chí, gan dạ, anh hùng.

Còn bên nam chúng ta đâu phải thua ai. Các con thấy những người mà bên nam chúng ta thời Trần có bao nhiêu người, mà ngay cả vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, có phải là những vị anh hùng không?

Vậy mà, chúng ta làm sao cho xứng đáng với những bậc anh hùng của dân tộc chúng ta chứ. Thì Phật pháp đưa qua vào Việt Nam chúng ta, dân tộc Việt Nam chúng ta đúng Pháp thì chúng ta cứ ôm chặt nó mà chúng ta tiến tới để chúng ta làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Giặc sinh tử mà tại sao chúng ta không chiến thắng. Chúng ta hèn nhát đến mức độ đầu hàng giặc, để chừng đó chúng muốn sai chúng ta chết hồi nào chết, sống hồi nào sống, lăn lộn trên giường bệnh để làm gì?!

(44:40) Đó! Hôm nay, nghe được lời Thầy khích lệ và sách tấn quý Phật tử mạnh mẽ, để chúng ta thấy mình là người Việt Nam phải xứng đáng là con dân của Việt Nam, phải đầy đủ ý chí, gan dạ để thực hiện được ý chí của người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Chứ không phải là mấy con ở đây, mấy con Tây, Tàu, Mỹ, Nhật gì đây, toàn là Việt Nam. Mà Việt Nam thì phải xứng đáng với những bậc anh hùng, anh thư của dân tộc của chúng ta.

Người ta làm được những chuyện đó. Một đất nước nhỏ như thế này, mà người ta đuổi được giặc. Bây giờ đất nước chúng ta thống nhất độc lập rồi, rõ ràng là nếu mà chúng ta yếu đuối thì chắc chắn chúng ta bị nô lệ người khác. Một ngàn năm nô lệ của người Trung Quốc, nhưng chúng ta vẫn đuổi chúng chạy. Một trăm năm bị lệ thuộc người Pháp, chúng ta vẫn đuổi Pháp ra khỏi đất nước chúng ta.

Tại sao chúng ta có một danh dự lớn lao như vậy của một dân tộc như vậy, thế mà Phật giáo đến với đất nước chúng ta, chỉ có làm chủ giặc sanh tử mà tại sao chúng ta tu đến giờ này mà chưa có người nào làm chủ giặc sanh tử? Vậy chúng ta khiếp đảm giặc sanh tử à? Đầu hàng giặc sinh tử à?

Từ đây về sau, năm này mà tới sang năm, đúng cái Tết, thì mấy con đến đây trình: “Con làm chủ được giặc sanh tử, con không có đầu hàng nó đâu”. Quý thầy, quý cô, và quý Phật tử năm tới sẽ gặp Thầy. Mà gặp Thầy thì trình bày sự tu chứng của mình - sự làm chủ, vậy mới xứng đáng.

Còn nếu mà không làm chủ, đừng gặp Thầy nữa! Gặp Thầy như vậy là phụ lòng Thầy quá, mà khi gặp Thầy thì phải làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Giặc sanh tử không còn xâm chiếm được thân tâm mấy con nữa, như vậy là mấy con mới xứng đáng là đệ tử của Thầy.

Thầy làm chủ được, Thầy cũng bằng xương bằng thịt mà tại sao Thầy làm chủ được, với cái ý thức lực của Thầy? Còn mấy con cũng có ý thức mà tại sao mà không làm chủ, cũng thân cũng tâm cũng y như Thầy, mà tại sao làm chủ không được?

Cho nên một năm, Thầy cho một năm, suốt một năm, mấy con phải tu tập cho được. Sang năm đến đây, Phật tử họp về đây. Đây! Tôi làm chủ được, người kia làm chủ được, như thế nào thế nào, mọi người đến trình bày cho Thầy xem coi cách thức. Như vậy rõ ràng là Phật giáo Việt Nam đã thắp lên cái ngọn đuốc sáng soi cho cả thế giới người ta nhìn, chứ không phải là nói suông, nói lời suông.

Dân tộc của chúng ta anh hùng thì sự tu tập cũng phải anh hùng chứ! Hèn nhát đến mức độ mà kéo dài lê thê từ năm này đến năm khác mà cuối cùng hỏi lại làm chủ sinh, già, bệnh, chết không làm chủ được. Có nhục không?

(47:52) Thầy đang nỗ lực để đào tạo cho những người làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Đó là những người đệ tử thừa kế Thầy để phát triển Phật giáo, để làm sáng tỏ được Phật giáo. Thầy mong rằng sang năm tới cái Tết sang năm, trong cái số huynh đệ của chúng ta đang ngồi đây, và quý Phật tử ngồi ngoài kia, sẽ có những người đến đây quỳ thưa Thầy: “Hôm nay con nghe lời Thầy con đã làm chủ được bốn sự đau khổ cụ thể, rõ ràng. Mong Thầy chứng minh cho chúng con! Chúng con không phụ ơn Thầy”. Bấy nhiêu đó đủ rồi, mấy con đã đem lại một cái niềm vui cho Thầy, một niềm hân hoan của một dân tộc. Thầy, chỉ hy vọng bấy nhiêu đó thôi mấy con.

Mấy con nhớ kỹ! Hôm nay, Thầy dạy mấy con “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Dù mấy con ở trong gia đình mà có chuyện gì xảy ra làm cho mấy con buồn phiền, giận hờn, thì mấy con nhớ nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả đều là nhân quả. Vui vẻ mà chấp nhận, không có được chống lại nhân quả, mà vượt lên trên nhân quả”. Mấy con nhớ kỹ những lời này: “Vượt lên nhân quả”. Nhớ lời Thầy nói, vượt lên nhân quả chứ không chống, mà không sợ hãi, không lui sụt! Mà vượt lên trên nó, xem thường nó, coi thường nó, thì mấy con sẽ là người chiến thắng.

(49:40) Đến đây, mấy con chắc không gì thưa hỏi Thầy hết, bây nhiêu đủ rồi. Có còn thưa hỏi, thì mấy con sẽ viết thư, đừng thưa hỏi những cái điều vong vẩn, mà hỏi ngay cái sự tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết, Thầy giúp đỡ liền. Chứ còn hỏi chuyện gia đình, con cái này kia, thì chuyện đó là nội nhân quả của mấy con thì mấy con tự giải quyết chứ sao hỏi Thầy, Thầy giải quyết cho được sao, phải không?

Còn tất cả mọi chuyện khác nữa Thầy không giải quyết đâu, mà Thầy chỉ giải quyết cho mấy con làm chủ sinh, già, bệnh, chết cho bản thân mấy con, chứ còn cho gia đình Thầy không giải quyết. Phải không, mấy con hiểu điều đó. Thầy không giải quyết gia đình của một người nào, nhân quả của mấy con thì mấy con phải giải quyết.

Bây giờ mấy con có con cái, mấy con muốn cho nó tu tập. Bắt đầu bây giờ mấy con đến xin Thầy cho con của con hai đứa theo Thầy tu tập. Được, Thầy chấp nhận. Nó bằng lòng không? Con có nói nó nghe không? Nó nghe, nó muốn theo Thầy, Thầy chấp nhận cho ở tu. Thầy nuôi dưỡng, mấy con khỏi lo cơm nước, khỏi lo gì hết, lâu lâu về thăm. Mà khi nào Thầy nói: “Không được vô thăm nó, để cho nó tu”, thì mấy con chỉ biết nó mạnh giỏi thôi, chứ không được mà đến đó đâu, làm động nó. Bởi vì nó tu mà!

Mặc dù là con của mấy con, nhưng mà khi mấy con mà gửi vô đây rồi, thì coi như nó con của Phật. Cho nên, nó phải theo đúng cái nội quy của Tu viện, của cái nơi tu hành, thì như vậy Thầy mới đào tạo được, chứ mấy con cứ đến thăm viếng thăm viếng, chắc Thầy đào tạo không nổi đâu. Cứ gây cái ái kiết sử của nó hoài làm sao Thầy dạy cho được. Cho nên, khi giao Thầy là mấy con mong cho nó thành Phật, thì các con phải cắt đứt cái ái kiết sử của mấy con đi, thì Thầy sẽ giúp cho nó tới nơi tới chốn.

(51:50) Bây giờ mấy con hiểu chưa? Hiểu rồi thì nhớ: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” chỉ có bấy nhiêu đó thôi! Có một câu đó thôi. Nãy giờ Thầy nói chắc mấy con thuộc làu hết rồi. Không có người nào là không thuộc. Câu ngắn gọn dễ quá mà. Cái gì có khổ mấy con nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Không khổ nha, nhân quả, vui vẻ, không buồn giận ai nữa hết, thương yêu và tha thứ”.

Có thương yêu thì tha thứ dễ dàng. Chỉ biết thương, chứ không biết ghét ai hết mấy con, nhớ lời chưa? Người nào, bất cứ người nào, chứ đừng nói: Thấy cái chú này hay thấy cái cô kia thấy ghét, cái mặt cứ hất hất, đừng có nghĩ vậy. Bản chất tính tình của người ta như vậy thì mình đừng có nghĩ mình ghét, tội nghiệp, thương người ta, chứ sao lại ghét? Đó thì mấy con cứ nhớ thương thôi đừng có ghét, nhớ lời Thầy nói: “Chỉ có lòng thương yêu mới tha thứ”.

Mấy con thấy đạo đức của đạo Phật chỉ có lấy thương yêu, tâm từ bi mà, đâu có ghét ai đâu, nếu mà ông Phật còn ghét chắc ông không thành Phật đâu. Có phải không, mấy con hiểu không?

Cho nên, bất cứ người xấu, người tốt, người hung, người dữ, người đó đánh đập mình, mình cũng thương. Không ghét người nào, chửi mình mình cũng thương. Nhờ mà cái người mà đánh mình, chửi mình, mình thương được, là mình giải thoát, mình thấy rõ ràng mà. Tôi không ghét người này thì tôi giải thoát rồi. Phải không? Mấy con thấy, dễ dàng để nhận diện ra được cái sự giải thoát của chính mình khi gặp những ác pháp.

Thôi đến đây chấm dứt để Thầy đi về Thầy nghỉ chứ nói nhiều quá cũng khan tiếng (Thầy cười) phải không? Để Thầy sống chứ!

Rồi, có gì không?

Phật tử: Con bạch Thầy là Thầy vừa nói là chúng con có thể gửi con con vào nơi đây được ạ?

(53:44) Trưởng lão: Hiện giờ đó, trong cái giai đoạn này, cái thời điểm này, thì các cháu mà vào đây được thì ít ra các cháu phải có học biết chữ, biết nghĩa thông suốt, thì các cháu phải từ 14, 15 tuổi Thầy mới dám nhận. Còn sau này có cái khu an dưỡng, có những người lo lắng cho các cháu trẻ, còn bé còn thơ đó, họ sẽ lo lắng vấn đề này. Họ dạy họ nung đúc từ cái tuổi mà còn thơ ngây như 5, 6 tuổi, 3, 4 tuổi họ vẫn nuôi, họ nuôi dưỡng trong cái giáo dục. Còn bây giờ thì phải từ 14, 15 trở lên, chứ còn dưới nữa Thầy chưa có người, hiểu không? Ừhm!

Thôi bây giờ Thầy chào mấy con, Thầy ra! Còn không, còn thưa hỏi gì nữa không con? Hết rồi phải không? Ráng mà tu!

Thôi bây giờ Thầy chào mấy con…​ Ráng tu tập, nhớ tâm bất động, thanh thản…​ Ai cũng giữ tâm bất động cho Thầy thì giải thoát ngay liền, không có lâu.

Phật tử 2: Chúng con có một số tịnh tài, bạch Thầy, kính mong Thầy hoan hỷ nhận để chứng minh cho lòng thành của tất cả chúng con.

Trưởng lão: Rồi, Thầy chứng minh. Ở đây cái số tịnh tài mấy con gửi cúng sẽ nuôi những người tu hành mấy con. Để mấy con gieo cái duyên đó mà mai mốt mấy con về đây tu…​

Thôi được rồi, xá Thầy thôi con, xá đủ rồi, mai mốt Thầy cất cái giảng đường rộng.

HẾT BĂNG 1.