11- CÁCH TU TẬP TÂM XẢ
2006 CHÁNH TƯ DUY 11- CÁCH TU TẬP TÂM XẢ
2006 CHÁNH TƯ DUY 11
CÁCH TU TẬP TÂM XẢ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh nữ
Thời gian: 18/03/2006
Thời lượng: [54:29]
Số lượng: 20 băng
Tên cũ: CTD04A-(Nu)-ThầyĐộngViênTSTrướcSóngGió-QuánThânTNX-NênTuTâmXả-TTAD(18-03-2006)
Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/2006-chanh-tu-duy-11-cach-tu-tap-tam-xa.mp3
1- THẦY ĐỘNG VIÊN TU SINH TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN, SÓNG GIÓ
(0:00) Khi đó có trung tâm, thì bây giờ chúng ta có chỗ mà chúng ta về an ổn mà tu tập. Cho nên bây giờ mấy con cũng yên tâm, hiện bây giờ ai có dịp thì về quê thăm. Sau một thời gian, mấy con trở lại, mấy con có nhiều chỗ ở. Tu viện Chơn Như sóng gió rồi nó cũng sẽ bình an. Rồi người nào hợp ở chỗ nào thì Thầy đưa về chỗ nấy mà tu tập yên ổn không có gì đâu mà lo!
Cho nên, Thầy báo cho mấy con biết là tại vì có giấy phép rồi thì mình mới yên, là vì Đại thừa không phá mình được. Còn nếu không có giấy phép thì Đại thừa kết hợp thì mình ở không yên đâu. Bởi vì đối với Nhà nước thì phải có luật đàng hoàng, phải xin phép, phải này kia. Dù là cái lớp học Hạ 3 tháng thôi, nhưng mà phải xin phép, mà xin phép thì phải qua giáo hội hoặc là phải qua Ban Tuyên giáo Mặt trận, nhiều cái cấp của nó. Cho nên, mình đây bây giờ mình đứng ra xin phép chắc không được đâu.
(01:13) Cho nên, hôm nay thì mình thấy có cái duyên là Phật tử Thành phố họ cũng tích cực, họ cũng xin phép được và họ cũng cúng dường mình một cái khu đất cũng rộng rãi lắm. Thầy sẽ chia làm hai khu, một khu nữ và một khu nam. Xây dựng, thì ở bên khu nữ, khu đất như thế này mà xung quanh là đường, cho nên nó có một cửa cổng vô khu nữ, thì bên nam nó cũng có cửa cổng vô. Thầy có đến thăm khu đất đó rồi. Nhưng mà Thầy sẽ vẽ đồ án, rồi theo đồ án đó mà xây dựng cái Trung tâm An dưỡng đó.
Ở đây, thì coi như là Giáo hội của Đồng Nai đó, chính cái cô này cô đi xin đó, thì cô đưa những băng mà Thầy giảng cái lớp Chánh Kiến đó cho Giáo hội. Khi ở giáo hội Đồng Nai nghe tên Thầy thì cũng biết Thầy rồi, và đồng thời khi nghe những băng Thầy thì họ chấp nhận cho nên vì vậy mà Nhà nước đồng ý, là vì Giáo hội đã chấp nhận. Chứ nếu mà Giáo hội mà không chấp nhận thì chắc cũng không có, nhưng mà cái khéo léo của người xin phép. Cho nên đây cũng là cái nhân duyên.
(02:30) Còn về cái phần ở Hà Nội, thì chú Tuấn cũng đang lo, nhưng không biết có được hay không?
Còn về phần ở Phước Hải thì chú Chơn Tâm, chú cũng đang lo, xin được. Thì Thầy thấy Phước Hải xa, nhưng mà nó liền biển. Còn ở thành phố thì, Long Thành, Bà Rịa thì đây nó gần. Đây, thành phố xuống đó thì cũng chừng khoảng bốn năm chục cây số chứ không có nhiều, nó gần hơn là từ thành phố lên Trảng Bàng.
(03:00) Cho nên nếu mà đủ duyên nó được nhiều nơi như vậy thì mình khắc phục nó dễ. Và đồng thời thì mấy con thấy rằng cái lớp học này thì nó chỉ có sáu mươi mấy người thôi, nhưng mà qua cái khóa thứ hai thì nó nhiều hơn, nhiều hơn thì phải có nhiều cơ sở. Vì vậy mà hiện giờ chúng ta cố gắng vượt qua những khó khăn.
Hôm nay, thì mấy con có đủ duyên, mấy con về quê thăm gia đình vài hôm, rồi có cái duyên thì mấy con trở lại thì dưới sự hướng dẫn của Thầy, Thầy tin rằng lần lượt mấy con sẽ tu tập đúng hết không có sai, mà đúng thì nó sẽ đi đến được. Bằng chứng là Thầy hướng dẫn cho mấy con những cái sai Thầy lần lượt là Thầy vạch ra hết.
Cho nên từ cái nhiếp tâm, từ cái tu tập của mấy con đó, tự tu chung chung đó. Nhưng mà lần lượt hướng dẫn rồi thì mấy con thấy cái sai của mấy con lần lượt mấy con vén lên mấy con thấy rõ, thấy rõ những cái sai của mình. Cho nên sự tu tập chúng ta không còn khó nữa. Và nếu mà được mở tám lớp này, thì chúng ta thấy mình sẽ có một số người thành tựu trên con đường để xác chứng rằng con đường của đạo Phật có người tu chứng chứ không phải là không.
(04:14) Thầy nói bây giờ nội trong chúng của chúng ta thôi, chỉ một người tu chứng thôi, chỉ một người ở trong huynh đệ chúng ta tu chứng thôi, cũng đủ làm tiếng vang rất lớn chứ chưa nói gì mà năm, ba người. Các con hiểu điều đó, cho nên đó là cái giá trị rất lớn của những cái lớp đào tạo này!
Mà nếu mà chỉ có một người tuyên bố rằng: “tôi đã chứng, tôi đã làm chủ được sống chết tôi như vậy, cũng không thua gì Thầy Thông Lạc!” thì người ta sẽ theo con đường Nguyên Thủy này người ta tu nhiều lắm mấy con. Bởi vì đời khổ quá! Bốn cái sự đau khổ, mà còn tranh chấp hơn thua nữa, còn vì danh vì lợi mà chà đạp lên nhau, mặc dù là hệ phái này, hệ phái kia, chùa này đến chùa kia đều có sự tranh chấp nhau trong đó, chứ chưa phải là sự đoàn kết nhau hết.
Nhưng mà khi đã có cái ánh đuốc tu chứng, người ta buông xuống hết mấy con, danh lợi để làm gì? Nhưng bây giờ không có chỗ mà tu để chứng đó, thì không danh lợi làm sao người ta sống. Vì vậy mà người ta còn bám đó thôi, chứ còn sự thật mình đã tu chứng là một ngọn đuốc sáng soi đường cho người ta đi, thì sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu mấy con.
(05:21) Hôm nay, mấy con gặp Thầy thì có hỏi những điều gì để mà đồng nghe sự báo cáo của Thầy. Mặc dù Thầy biết còn nhiều khó khăn chứ không phải là nói như vậy là nó được êm luôn đâu, nhưng mà cái khó khăn chúng ta sẽ vượt qua mà. Từng ngày, từng giờ, từng phút chúng ta đều vượt qua những khó khăn, để bảo vệ sự tu tập của mấy con trong mấy tháng nay, thì mấy con đủ biết rằng Thầy phải vượt qua biết bao nhiêu sự khó khăn, chứ đâu phải là bình an được như một lớp học của Nhà nước, người ta tổ chức bây giờ mình vô cái lớp học, cái trường học nó bình an được đâu. Nó không phải, ở đây nó khác mấy con, nó không bình an như vậy.
(06:04) Do sự bảo vệ rất là tận tình của Thầy thì mấy con mới yên tâm tu. Nhưng mà nhiều khi Thầy thấy tâm hồn của mấy con cũng bị dao động nhiều chứ không phải không dao động đâu. Thầy muốn làm sao mấy con được bình an rất là bình an, nó không có một sự việc gì nó xảy ra, để cho mấy con yên ổn mà tu tập nó mới nhanh. Còn khi mình đang tu yên ổn chút nó chao động, bị cái sự việc gì đó nó làm mình chao động, mà nó chao động mấy con biết rằng để lấy lại sự bình thường nó cũng là mất một thời gian chứ không phải là dễ đâu!
Cho nên Thầy mong rằng, những lớp học chúng ta sau này nó sẽ được bình an như những cái lớp học của Nhà nước tổ chức, thì con đường tu chúng ta sẽ càng lúc nó càng dễ dàng hơn. Chứ cứ ít bữa chao động, ít bữa chao động, ít bữa có điều này, ít bữa có điều khác thì cái sự tu tập của chúng ta rất khó mấy con! Thầy biết con đường đó là khó. Cho nên vì vậy mà ngày xưa, người ta phải vào trong rừng, trong núi người ta ẩn, người ta tu, chứ còn không khéo ở ngoài nó bị động người ta tu sâu không được.
(07:01) Còn hôm nay, chúng ta tổ chức lại, chúng ta phải tạo làm sao cho cái hoàn cảnh thuận tiện để cho cái người tu sĩ đó, cái người tu sinh không bị động chút nào hết để người ta lần lượt, người ta đi sâu vô được. Còn mình cứ bữa nay động, mai động, mốt động thì không làm sao Thầy dẫn dắt mấy con tới nơi!
Hai mươi mấy năm trời nay là lúc nào nó cũng có sự bị động, cho nên cuối cùng thì không có người nào như vậy. Chứ nếu mà tạo được hoàn cảnh thuận tiện, êm ấm luôn, không có gì hết thì chắc chắn chúng ta sẽ có người, chứ sao không có người.
Nhưng vì luôn luôn bị động, đến giờ phút này mấy con tham dự cái lớp này mấy con vẫn thấy bị động phải không, rõ ràng là chứng minh trong sự nghe thấy hiểu biết của mấy con, làm sao như gốc cây, cục đá được? Mấy con là con người mà, tai phải nghe, mắt phải thấy mà, nhưng tai nghe, mắt thấy tâm mấy con làm sao yên? Mấy con bị động.
Thì Thầy mong rằng chúng ta tai nghe, mắt thấy nhưng mà lúc nào cũng được bình an thì sự tu tập của chúng ta sẽ được tiến bộ.
Cho nên mấy con bền chí. Người nào về để thăm gia đình của mình này kia nọ, để chờ Thầy xây dựng được những cơ sở tốt hơn để chúng ta yên ổn tu, còn người nào yên ổn ở đây thì mấy con cứ yên. Còn người nào có hoàn cảnh khó khăn thì, bị vì về chùa mình cũng được, thì thôi tạm thời mình ở đây. Còn người nào có điều kiện thì chúng ta cứ về nhà mình sống năm ba ngày, 10 ngày, 1 tháng, nửa tháng, 3 tháng, 2 tháng rồi nó có những cái cơ sở mới phù hợp thì chúng ta sẽ, bây giờ chúng ta tu tập tốt hơn, có gì đâu.
2- CÁCH TỔ CHỨC KHU TRUNG TÂM AN DƯỠNG
(8:40) Thầy cố gắng Thầy bảo vệ mấy con cho tận cùng, để cho mấy con có cái nơi yên ổn tu tập. Thầy mong rằng, Phật tử họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ những trung tâm. Họ lo lắng hết, Thầy chỉ đến giảng, mấy con đến ở tu, rồi họ lo lắng cho đời sống. Bị vì hầu hết Thầy thấy một số Phật tử, họ đang tổ chức những ban bệ để bảo vệ trung tâm an dưỡng, để nó được tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có biết tu, còn Thầy chỉ biết dạy, còn cái vấn đề lo lắng đời sống chúng ta về tinh thần cũng như về vật chất, bệnh đau thì người cư sĩ, những ban bộ người ta, người ta lo cho mình.
Bởi vì cái gì cũng phải có tổ chức mấy con. bởi vì nó rộng lớn mà. Nó không phải là năm người mười người nữa, mà nó cả trăm, cả ngàn người thì các con nghĩ cả trăm, cả ngàn người thì phải có sự tổ chức chứ. Rồi có ban, cái ban làm cái gì? Cái ban này là ban gì, cái ban kia là ban gì? Cái ban kế hoạch là phải có những kế hoạch để mà chỉ đạo cho các ban phải làm. Như vậy rõ ràng chúng ta sẽ được bình an hơn.
Chứ còn bây giờ mà đứng trong vị trí một người nào mà điều khiển thì chúng ta sẽ không được bình an. Bởi vì nó khó, cho nên vì vậy mấy con thấy cả một cái đất nước thì người ta phải có các bộ: Nào là bộ Công an, nào là bộ Kinh tế, bộ Tài chính, bộ đủ thứ, người ta mới điều khiển cả nước. Còn mình thành lập một cái Trung tâm An dưỡng thì mình cũng phải có những cái ban, để họ điều khiển cái trung tâm chứ, một người làm sao điều khiển?
(10:16) Thí dụ Ban Giáo dục đào tạo thì ban đó chỉ lo về vấn đề như là in kinh sách, hay hoặc là xin phép, xin tắc. Cái ban đó nó lo mà, Thầy nằm trong cái ban đó là Thầy chỉ có giáo dục thôi. Còn những phần khác của Giáo dục thì họ phải lo cái phần khác.
Chứ bây giờ, Thầy vừa lo phải là: thu băng, rồi đĩa, rồi viết sách, rồi in ấn có một mình Thầy, ban gì mà có một người vậy? Đây là chắc ban bằng!
Cho nên vì vậy mà Thầy thấy rằng phải có tổ chức mấy con. Cho nên một cái ban đó nó có nhiều người làm những cái việc ở trong đó. Đó là Thầy nói vấn đề mà ví dụ như giáo dục, thì nó phải có những người làm công việc khác, còn Thầy ở trong ban đó thì Thầy chỉ có phần giáo dục mà thôi. Nó thì như vậy nó mới tiện lợi, nó mới có nhiều thì giờ làm công việc nó mới chạy, nó mới tốt đẹp hơn.
Còn những cái ban mà lo về đời sống, thì phải lo về ăn uống, nhà ở, tất cả mọi cái đều là đời sống. Chứ bây giờ cái ban Giáo dục mà nhảy qua lo cái ban này, trời đất! Làm gì mà đủ thứ vậy? Các con hiểu?
Cho nên tất cả những cái này đều là phải có tổ chức mấy con. Nó phải rõ ràng, nghĩa là mình nhìn vào bản đồ của các ban thì mình thấy từ cái ban nào, từ chỉ đạo cấp trên tới dưới, từ dưới đi lên như thế nào nó rõ ràng, cái sự tổ chức của chúng ta, phải có tổ chức đàng hoàng. Bởi vì chúng ta thấy không phải là còn cái Tu viện 5, 10 người nữa, hay hoặc là 20 người nữa. Mà là cả ngàn người thì chúng ta phải tổ chức như vậy.
(11:54) Cho nên hôm nay, lần lượt thì cố gắng mà khắc phục, nhưng mà cái duyên chúng ta cũng thấy chúng sanh cũng có phước, là vì có một số Phật tử người ta lo. Cho nên hôm nay Thầy báo cáo tình hình như vậy để cho mấy con yên tâm. Khi mà về quê thăm nhà, thăm gia đình của mình, anh chị em để mà yên tâm rồi lần lượt mình sẽ được vào cái vị trí tu tập tốt hơn.
Đó như vậy là bây giờ mấy con yên tâm sắp xếp để rồi những cái khóa tới, nó có những cái khóa học tới thì nó lại càng tốt hơn. Nhớ chưa?
Cho nên bây giờ thì mấy con người nào về thăm nhà được thì về, đi hôm đó tới nay ba bốn tháng trời rồi. Về thăm chút có sao đâu, cũng như là về tâm tình gia đình của mình một chút, xin một ít kinh sách về biếu tặng, những cái quà tặng trong mấy tháng có gì đâu. Nó lại càng thấm tình thêm chứ có gì.
Tu đâu phải là một ngày, hai ngày mà chứng đạo, đâu phải bảy ngày chứng, nó còn lâu kia mà, không lẽ bữa nay rồi ngày mai mình chết sao?! Phải không? Chưa đâu, mình chưa chết đâu, còn sống mà, còn đi được mà, chứ phải nằm liệt sao mà sợ chết! Cho nên đừng vội vàng.
Phước mình có, duyên mình đủ thì nó sẵn sàng. Cũng như vừa rồi, thì Thầy đã nghe được tin, và được hiểu biết thì chúng ta sẽ sắp bị động, cho nên Thầy cho mấy con về. Thì hôm nay lại được tin có người lo cho mình được giấy tờ, thì đúng là phước mình đến rồi chứ gì. Họa nó sắp tới mà mình chuẩn bị để họa nó không đến, có phải không? Nghĩa là mình là người biết trước chứ phải là người biết sau sao. Đợi họa rồi tới chừng đó, nhân quả mà, có quả rồi mới nhảy thì khổ quá. Tốt hơn quả nó chưa có mà nhân đã thấy rồi thì mình chuyển biến nó chứ đâu có ai mà dại gì để, phải không? Cho nên đâu có ai ngu như ông Mục Kiền Liên mà để cho người ta đập chết, Thầy đâu có ngu đâu để! Cho nên khi mà người ta tới đập thì người ta đập cục đá chứ đâu có đập được mình đâu, cho nên cuối cùng thì mình thoát ra rồi.
(13:56) Nhưng mà không ngờ cái phước mình lại có, cho nên có người họ lo cho mình được rồi, vì vậy mình có giấy phép, thì do đó thì mình yên ổn mình tu. Và sách vở, kinh sách Thầy viết có giấy phép Nhà nước, mình dạy đúng. Nghĩa là băng đĩa của Thầy được giảng thì sẽ xin phép Ban tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, ban Tôn giáo Chính phủ, người ta chấp nhận. Lúc bây giờ người ta nghe băng đĩa của mình dạy đúng là Đạo Đức có gì đâu, các con thấy người ta chấp nhận. Trong lúc đó thì những băng đĩa của mình phổ biến một cách rất đàng hoàng, chính thức Nhà nước chấp nhận. Cho nên vì vậy tất cả không ai làm gì mình được hết. Các con thấy chưa? Vấn đề này thì mình sẽ làm, mình chấp hành.
Và cái Bộ sách Đạo Đức của Thầy, hai tập cũng được Nhà xuất bản tôn giáo và Ban Chính phủ Trung ương Nhà nước cũng cho phép mình rồi. Thì ít hôm thì sách sẽ đưa về Tu viện, mình sẽ chồng tiền cho người ta thì sách của mình thì nó chính thức rồi. Thì trên con đường mà hướng dẫn đạo đức thì sách Đạo Đức mình có rồi, Nhà nước chấp nhận rồi thì mình mặc sức mình dạy, có ai rầy mình? Bây giờ, không có ai mà đến nói ờ bây giờ sai được, cho nên mình rất là bình an, thì mình yên ổn mình tu tập, không còn lo ai nữa hết.
(15:25) Rồi lần lượt đây Giáo hội họ sẽ thấy hay quá, họ cũng về học Đạo Đức với mình, thì lần lượt Giáo hội Đại thừa này kia bắt đầu đi vào Nguyên Thủy hết, nó có gì đâu. Tại vì mình làm tốt thì xã hội sẽ tốt thôi. Thầy nói, thì mình phấn khởi ít ít thôi chứ phấn khởi nhiều thì không được. Bởi vì sóng gió nó còn chứ chưa phải hết. Có phải không mấy con? Mình phải cẩn thận, dè dặt, kỹ!
Tuy vậy chứ nó cũng có những cái vui, cũng có những cái buồn, nhưng có điều kiện là mình mong sao cho cái lớp học của mình nó luôn luôn nó được bình an để mình tiến tu, bởi vì cái trận chiến nội tâm của mình rất khó mấy con, chứ không phải dễ! Đức Phật từng đã nói: “Thắng trăm trận không bằng thắng chính mình một trận” mà mấy con. Ghê lắm! Cho nên vì vậy mà mong cho được có cái điều kiện thuận tiện để chúng ta tu tập cho nó được an ổn tới nơi tới chốn, mà không phí cái cuộc đời của con người chúng ta khi được sanh ra làm người.
3- CÁCH THỨC TU TÂM XẢ CỦA ĐẠO PHẬT
(16:20) Hôm nay thì mấy con đã hiểu rồi vậy thì yên tâm, người nào cứ về quê thăm ba mẹ này kia cho nó thỏa mãn cái tình thương nhớ đi, rồi sẽ vào tu nó sẽ yên ổn hơn. Tất cả các ái kiết sử của mình nó sẽ cởi mở đi. Cũng như khi Thầy tu hành mà Thầy nhớ mẹ Thầy, Thầy về Thầy ở gần bên mẹ Thầy, lấy gì Thầy nhớ nữa?! Chứ còn ở Hòn Sơn nó phải nhớ chứ sao, xa quá nó phải nhớ. Cho nên Thầy khôn hơn, Thầy về núp dưới cánh mẹ, cũng như gà con núp dưới cánh mẹ làm sao nó nhớ mẹ được?! Cho nên cuối cùng Thầy tu tới nơi tới chốn. Đâu còn nhớ nữa, phải không? Mình ở gần quá đâu còn nhớ nữa, cho nên cuối cùng mình sẽ được thành công.
Chớ mình đừng có nói: "Bây giờ tui tu như vậy tui không có được thương nữa, không được, bỏ, cắt đứt đi! Không được thương nữa!". Mình nói được không? Mình nói nó nghe không? Hay gọi là mình ngồi đó mà nó cứ thỉnh thoảng nó nhớ bà già: "Không biết bây giờ bả ra làm sao đây? Không biết bây giờ bả đói khổ, hay bả bệnh đau gì đây? Mà mình ở đây mình không biết. Mà sao nghe nó nóng ruột quá đây?". Đó thì mấy con ngồi tu mà cứ trong ruột như vậy thì mấy con tu làm sao? Thôi chạy về thăm cái cho rồi. Mà thăm cái nó hết, về thấy bà mạnh khỏe đàng hoàng, thì nó đâu còn nữa phải không mấy con? Cái này phải xả mau không?
Còn cái kia cứ tác ý: “Xả đi! Ái kiết sử, buông đi! Nhân quả, buông đi!”, rồi nó buông được không? Con người chứ đâu phải đá, cây sao mà buông dễ dàng lắm sao!? Cho nên cuối cùng thì chúng ta thành công là chúng ta chỉ có mấy ngàn bạc, về cái xả liền. Các con thấy cái nào dễ?
(17:52) Cũng như bây giờ mấy con ngồi mấy con tê chân, mà mấy con cứ cố gắng ngồi, tác ý: “Bảo hết, bảo hết!”, tốt hơn đứng một cái nó hết chứ gì! Cái nào mau, mà cái nào sướng? Cái nào khôn, mà cái nào dại? Phải không, mấy con thấy người tu là phải trí tuệ chứ, đâu có ngu gì mà ngồi đây tê chân mà cứ ráng ngồi?!
Có đúng không? Chỉ cần đứng dậy, đi cái là hết liền rồi, vậy mà ngồi đó mà tác ý chi cho nó lâu?! Dù mấy con có tác ý cho hết đi nữa nó cũng mất thì giờ của mấy con hơn là Thầy đứng dậy, rồi Thầy cũng nhiếp tâm, cũng tu tập, cũng vẫn tốt như thường. Có phải hạnh phúc không? Đó là cách thức tu theo đạo Phật mà, làm chủ chứ ai mà cố chấp cái gì đâu để cho nó khổ.
Cho nên nhớ mẹ mình chạy về, thấy mẹ cái rồi thì hết nhớ, thì bắt đầu lo tu, có phải yên ổn không? Khi mà tu được thì tự nó, các con thấy bài pháp Tứ Niệm Xứ không? "Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu". Nếu mấy con quán được, mấy con tỉnh thức được, mấy con định tỉnh được trên đó rồi, thì nó nhiếp phục tham ưu bây giờ nó còn có nhớ mẹ được không? Bị nó nhiếp phục rồi. Có phải không?
Còn bây giờ mình chưa nhiếp phục được, nó nhớ mẹ thì phải cho nó nhớ chứ sao lại không cho?! Pháp người ta nó có pháp chứ. Khi mà mình nhiếp phục được, mình quán được thân mình thì tự cái nhiếp đó nó sẽ nhiếp phục. Còn bây giờ nó chưa có nhiếp phục, mình chưa có tỉnh thức, còn lúc thấy cái đầu, thấy cái ngực, có lúc thấy cái chân, mà lúc chưa thấy toàn diện cho nên quán chưa được, đang tập quán, mà bây giờ nó nhớ thì cứ để cho nhớ, ai biểu mà nhắc làm chi cho nó khổ! Có phải không?
Các con hiểu cái chỗ mà Thầy nói, từ cái chỗ tu sai mà mình vạch ra được cái đường lối mình thấy rằng mình sai chỗ nào và mình biết đúng chỗ nào. Cho nên ở đây đâu cần diệt cái đó mấy con. Mình thương cha thương mẹ là tốt chứ, là hiếu hạnh chứ tại sao bảo đừng thương? Như vậy bộ mình điên sao? Cha mẹ mình sinh ra nuôi mình cực khổ, thế mà bây giờ nhớ cha mẹ một chút cũng không được nữa à? Hỏi ông Phật coi: ông nghĩ sao mà tôi nhớ cha mẹ tôi một chút cũng không được, bảo xả đi, ngăn đi, sao được?!
(20:04) Chừng nào mà tôi tu tới pháp Tứ Niệm Xứ, tự cái pháp đó nó tự nó nhiếp phục những tham ưu đó, thì nó tự hết chứ. Còn bây giờ, tôi còn biết như thế này, tôi còn nhớ được ba tôi, mẹ tôi mà ông bảo rằng đừng có cho nhớ thì sao được? Tôi là con người mà, ai sinh tôi ra, tôi biết đi, biết đứng, biết nghĩ, biết này, nhờ ai mà tôi biết? Tại sao ông nói không nhớ, không thương. Không thương sao ông tu chứng đạo rồi ông cũng về ông thăm? Thôi, ông ở nước khác đi, về làm chi?
Đó, thì mấy con thấy như vậy nó rõ ràng là con đường tu chúng ta hoàn toàn từ đầu chí cuối hiếu hạnh vẫn hiếu hạnh. Nhưng mà cái pháp nó nhiếp phục để mà chúng ta đi vào trong một cái trạng thái Bất Động cuối cùng để mà chúng ta có đủ Tứ Thần Túc, chứ đâu phải diệt con người chúng ta trở thành cây đá mà không thương cha mẹ. Các con hiểu?
Bởi vậy mình tu đúng thì mình là con người vẫn là con người chứ, vẫn là biết thương cha mẹ hẳn hòi. Nhưng mà lúc mình tu chưa xong, mình thương cha mẹ mình nó có sự bi lụy, nó làm cho mình khổ. Nhưng mà lúc mà mình tu xong rồi, mình thương cha mẹ mình, mình giúp cha mẹ mình nó có cái khác, các con thấy chưa? Nó thay đổi liền, nhưng mà nó đâu mất tình thương cha mẹ đâu. Nó đâu phải là người vong ân, không biết ơn nghĩa của cha mẹ.
4- TRÊN THÂN QUÁN THÂN
(21:39) Phật tử viết thư hỏi: Con xin trình sự tu tập của con. Ba ngày qua, cảm giác toàn thân trên bước đi con có cảm nhận, từ khi chân nhấc lên đặt gót xuống, đặt bàn chân các ngón hơi mạnh một chút để dễ cảm nhận. Cái mát ở bàn chân, độ rền cả người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước. Các ngón bàn chân, cổ chân gồng chịu. Người đưa tới và cảm nhận tiếp hai cảm giác trên.
Con đi trong cóc hai vòng thì một phút, mắt nhìn phía trước nhưng tâm quay vô cảm nhận sự rung động của thân. Lúc nào có ồn náo hay buồn ngủ thì con nhịp các ngón chân hơi mạnh cho nó gây sự chú ý nhắc tâm quay vô, cảm nhận liên tục không phân tán có được không?
(22:40) Trưởng lão: Được, đó là cái thiện xảo của con thôi. Còn cái sự tu tập cảm nhận ở chỗ, nó có cái chỗ này để Thầy nhắc lại:
Cái mát của bàn chân mình đặt nó xuống nền gạch thì mình cảm giác “cái mát” đó được. “Độ rền của người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước”, đó là sự rung động của toàn thân, cái đó là quan trọng lắm đó. Tức là mình bước, mình nghiêng qua nghiêng lại cả thân của mình nó đều bị dao động đó, thì mình chú ý vào cái sự dao động đó để gọi là quán thân đó, thì cái đó là cái cần thiết.
Còn tất cả những cái kia thì đều là nó có cảm nhận như vậy nhưng mà nó không quan trọng bằng cái độ rung động của cái thân của chúng ta, đưa tới, nghiêng qua, nghiêng lại theo cái bước đi của mình. Cái thân của mình nó toàn diện, mình cứ nhận thấy nó nghiêng tới nè, nó nghiêng qua, nó nghiêng lại theo cái bước đi của mình nó nghiêng tới, nghiêng qua thì cái đó đúng.
Ráng cố gắng mà tập tu. Bây giờ, thì cái sức tỉnh của mấy con nó chưa có tỉnh thức ở đó đâu, nhưng nó đang tập quán, tập cho mình nhận ra được cái sự nghiêng qua, nghiêng lại, nghiêng tới, nghiêng lui đi, đó là tập quán. Cho nên trong khi tập thì cố gắng để mà xem xét cái sự rung động của thân của mình sau khi bước đi. Cũng như hít thở, sự rung động của cơ thể như đức Phật đã dạy: "Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra" hay là "Cảm giác thân hành, tôi biết tôi bước đi", nghĩa là tôi bước đi thì thân tôi rung động như thế nào thì tôi biết như thế nấy. Đó thì mấy con tập, đó là tập quán chứ chưa tỉnh thức.
Một thời gian sau nó thuần thục rồi thì nó mới gọi là tỉnh thức. Một thời gian tỉnh thức được rồi thì bắt đầu nó mới định tỉnh. Nó có thời gian, cho nên vì vậy Thầy bảo mấy con tu một cái oai nghi thôi, mà cái oai nghi đó cho đạt được hết rồi thì mình mới tới oai nghi khác.
(24:43) Thì các con nghe đức Phật dạy bốn oai nghi: Thì đi, trước phải không? Rồi đứng, rồi nằm, rồi ngồi, chứ đâu có ngồi trước, ngồi là sau cùng. Bởi vì ngồi là lúc bấy giờ chúng ta định tỉnh rồi, có phải không? Định tỉnh mới ngồi chứ, mà đi mà chưa có tỉnh thức thì làm sao gọi là định tỉnh được? Đi để tập quán, cho cái thân nó rung động nó dễ cảm nhận được toàn thân.
Sau khi đi một thời gian thì nó mới tỉnh thức được trên thân của nó. Mà khi mà nó tỉnh thức rồi thì nó mới có định tỉnh, tập một thời gian sau nữa định tỉnh tức là nó bám chặt trên thân nó. Sau đó, chúng ta thay đổi cái oai nghi khác. Thì lúc bấy giờ, đi được rồi thì bắt đầu thay vô cái oai nghi đứng thì nó cũng dễ dàng vô cùng. Rồi bắt đầu nằm thì chúng ta cũng thấy dễ dàng. Bắt đầu ngồi thì các con vô định, nhập định rồi. Có phải không? Tới ngồi là mình nhập định rồi.
Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi, cái ngồi là cái oai nghi cuối cùng. Cho nên oai nghi cuối cùng bây giờ nhập định mình ngồi đâu có sao đâu mà sợ. Đó thì mấy con phải theo những cái thứ tự sắp xếp của nó.
Còn đằng này, chúng ta không có theo thứ tự, mà chúng ta lại tu theo ý của mình, cho nên vì vậy mà vào cái là lo ngồi. Thay vì cái ngồi nó phải sau cùng, thế mà hầu hết là chúng ta ngồi rồi chúng ta mới đi, rồi chúng ta mới đứng, nằm. Thì chúng ta làm lộn xộn, không đúng!
(26:24) Phật tử viết thư hỏi: Bốn phút nghỉ, ba mươi phút nghỉ và thời gian còn lại con dành cho việc xả từng tâm niệm. Sau mỗi lần đuổi, xử lý một niệm con nhắc tâm luôn thanh thản, an lạc, vô sự, không được phóng dật nữa. Hầu như niệm nào cũng được con kiểm duyệt và xử lý, niệm cũng lưa thưa thôi.
Trưởng lão: Thì được rồi, khi mà cái thời gian nghỉ đó thì mình dùng cái tâm xả mình ngồi chơi, nhắc tâm thanh thản - an lạc - vô sự, rồi mình ngồi chơi. Do đó, khi mà ngồi chơi có cái chướng ngại, có cái niệm gì đó thì mình dùng các cái pháp mình xả nó. Con tu như vậy đúng chứ không sai.
5- BUỒN NGỦ KHI TU TẬP
(27:04) Phật tử: Tập bước đi thấy ngày đầu con tỉnh lắm, tới mười giờ đi ngủ mà cứ tỉnh tới mười hai giờ. Đến ngày thứ ba, nó như đòi ngủ bù, con cố gắng trị để không phải bị trạo hối. Giặc buồn ngủ này sao khủng khiếp quá! Nên bốn phút nghỉ mà giờ nghỉ con cũng đi tới đi lui chứ ngồi ghế nó cũng ngủ nữa.
(27:47) Trưởng lão: Đúng vậy, trong vấn đề tu tập, nếu mình giữ được giờ giấc nào thì mình phải chiến thắng, đừng có để cho nó ngủ. Sau một thời gian sau thì nó quen, nó mới thắng được cái ngủ. Còn nếu mà mình thấy cái sức của mình mà chưa đủ thắng nó thì mình lui bớt giờ lại, chứ đừng có, chờ chừng nào mình tu tập cho cái sức tỉnh nó được, mình mới tăng lên thời gian.
Chứ nếu mà mình cố giữ thời gian cho nhiều mà cái sức mình không nổi, thì mình sẽ bị cái hôn trầm, thùy miên nó đánh mình gục tới, gục lui rồi nó mất thì giờ của mình. Nó không có tu tập được tỉnh thức một cách cụ thể, rõ ràng. Cho nên trong sự tu tập phải sáng suốt, phải linh động, khéo léo, phải thiện xảo thì mình mới tu tập được.
(28:28) Phật tử: Con không dám làm mất thì giờ của Thầy nhưng lại sợ không cảm nhận bước đi đúng. Hay con phải tập thêm cái gì nữa cho hết buồn ngủ?
Trưởng lão: Sự thật ra thì nó có cái pháp Thân Hành Niệm. Khi mà bị buồn ngủ thì con ôm pháp Thân Hành Niệm mà con tập thì nó sẽ tỉnh ra, nó sẽ hết buồn ngủ, chứ không có gì. Hoặc là trước khi bị buồn ngủ đó, thì mình nên tập một cái để khi mình ngồi mà mình cũng vẫn được tỉnh thức, thì mình nên tập đề mục thứ mười bảy: "Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh, tôi biết tôi thở ra", để cho tâm mình nó tác ý câu đó để cho nó định tỉnh, nó không còn bị hôn trầm, thùy miên nữa. Là lúc bây giờ mình không bị thì mình thường mình tập đề mục đó, để khi mà mình bị mình tác ý thì nó sẽ hết liền.
Còn không, mà muốn cho không bị hôn trầm thùy miên thì con nên tập cái pháp Thân Hành Niệm nhiều một chút. Nghĩa là nhờ cái pháp đó mà nó làm cho mình tỉnh hơn, cái hôn trầm thùy miên nó sẽ không có tác động được mình nữa.
6- TẬP CHO THUẦN THỤC MỘT OAI NGHI
(29:32) Câu một con hỏi Thầy thì về 1 phút mà quán thân trên thân để cho nó thuần thục trong 1 phút, thì tập 1 phút thì rất dễ dàng, không có khó khăn. Còn tập nhiều quá thì nó rất khó. Lần lượt rồi, mình tập được 1 phút rồi tăng lên 5 phút. Năm phút đó tập oai nghi cho nó thuần thục rồi, thì mới chuyển qua oai nghi khác trong năm phút. Cứ mỗi oai nghi vậy thì mình tập, nhưng mà phải tập cái oai nghi đi cho nó quán cho được cái thân, rồi mới tập những oai nghi khác.
Còn bây giờ, nó quán thân chưa có ổn, đi chưa ổn mà lại lo tập 1 phút ngồi, hay hoặc là tập 1 phút đứng, tập 1 phút nằm thì nó chưa, bởi vì mình tập chuyên vào một oai nghi cho ổn thật ổn.
Như bây giờ, mình mới tập quán ở trên cái đi, mà mình đi mình quán còn có lúc trật, lúc quên nữa chứ chưa phải là mình nhớ hết trên thời gian mình tu. Do đó mình tu 1 phút rồi mình xả ra, thấy 1 phút này đạt chất lượng, tới kế đó mình tu 1 phút nữa. Và ở trên cái đi mà mình tu quán thân như vậy cho đến khi mà nó thuần thục thì mình mới thay đổi qua một cái oai nghi khác, còn nó chưa thuần thục thì chưa có thay đổi.
(30:48) Thí dụ, chẳng hạn bây giờ con quán thân con, con đi, con tu 1 phút. Rồi 1 phút con thấy nó tỉnh thức hoàn toàn, nó chủ động hoàn toàn rồi thì con tăng lên 2 phút, 3 phút, 5 phút. Sau khi được 5 phút hoàn toàn rồi thì con mới chuyển qua oai nghi khác, là vì sức định tỉnh của nó có, cái sức định tỉnh của cái đi trên thân con, quán thân trên thân con nó có rồi thì con mới chuyển qua.
Bởi vì mình tu tập chuyên, mình không tập lộn xộn. Còn bây giờ, con vừa tập đi 1 phút, rồi tập ngồi 1 phút, rồi tập đứng 1 phút thì nó phân tâm con, bởi vì cái oai nghi này nó khác với oai nghi khác cho nên nó không còn chuyên, nó không còn thuần thục dễ dàng. Còn con tập nội đi không nó thuần thục, mà nó thuần thục được cái đó rồi con chuyển qua cái kia nó dễ dàng, bởi vì nó có sức tỉnh thức, và cái sức định tỉnh cho nên khi con chuyển qua hành động khác, mặc dù hơi thở con thở nhỏ nhiệm mà nó vẫn nghe sự rung động nó cụ thể, bởi vì nó tỉnh thức, nó định tỉnh trên đó mà. Một cái gì nhỏ, một mạch máu ở trong thân con mà nó nhảy con cũng cảm nhận được mà.
Đó, những điều cần thiết phải tập cho rất là thuần thục, rất là tinh xảo thì mới chuyển qua cái khác, chứ đừng vội chuyển từ oai nghi này đến oai nghi khác thì không đúng.
7- PHƯƠNG PHÁP TU TÂM XẢ
(32:14) Cho nên trong cái sự tu tập của mấy con thì phải nhớ tập cho nó thuần thục một cái oai nghi, nếu mà tu Tứ Niệm Xứ. Còn nếu mà tu tâm xả, thì các con nên nhớ rằng cái tâm xả của mấy con thì lúc nào chúng ta cũng xả được hết. Thí dụ bây giờ chúng ta nghỉ là chúng ta xả. Có cái niệm gì mà khởi trên tâm hay hoặc trên thân chúng ta có cái gì mà chướng ngại, thì lúc bấy giờ chúng ta có pháp xả, chúng ta xả.
Cho nên có nhiều người người ta rất sợ tu Tứ Niệm Xứ. Bởi vì Tứ Niệm Xứ là phải tập trung quán trên thân, nó có cái sự tập trung, có sự gò bó. Mà cái tâm xả mà chúng ta xả chưa hết, nó còn niệm, chúng ta ngồi chúng ta còn bị hôn trầm, còn bị thùy miên mà chúng ta vội chúng ta quán ở trên thân để tập trung thì chúng ta sẽ bị ức chế tâm. Thế nào cũng bị ức chế.
Cho nên khi mà chúng ta xả hết rồi thì tự tâm chúng ta quay lại. Thí dụ Thầy nhắc lại cho mấy con nghe, như Mật Hạnh nó được sống gần bên Thầy nhưng mà nó không muốn tu cao, nó không muốn tu Tứ Niệm Xứ cao, mà nó muốn tu cái dễ. Nghĩa là bây giờ con tu tâm xả thôi, nhiều khi hôn trầm thùy miên nó đánh con, khuya con thức dậy còn muốn không nổi nữa mà. Cho nên vì vậy con chưa xả nổi nó mà làm sao con dám con tu Tứ Niệm Xứ?!
Mà nếu mà xả chưa nổi hôn trầm, thùy miên của mình mà ôm Tứ Niệm Xứ là bị ức chế rồi, bởi vì mình ráng mình tập trung để mình quán cái thân của mình, mình cứ chú ý cái thân của mình. Nhưng bị ức chế bởi vì hôn trầm, thùy miên mình nó còn, cho nên mình ráng mình nhìn nó để mà nhiếp phục những cái này, nhưng mà sự thật ra là mình ức chế nó chứ không phải là nó nhiếp phục, bởi vì mình phải tập trung. Cho nên cái khó khăn là mấy con sẽ sau này khi mà tu Tứ Niệm Xứ thì nó sẽ bị ức chế. Còn bây giờ nó…
(34:15) Con trình bày lại cho Thầy nghe, có niệm gì con xả hết. Nhưng mà tâm con nó đâu phải là lúc nào nó cũng niệm không đâu, nó phải có lúc bình yên chứ. Thì lúc bình yên thì con thấy rõ ràng là cái tâm con nó thấy hơi thở, mà nó thấy hơi thở con đâu có trụ hơi thở, cho nên nó phải thấy thân con. Do đó nó vừa thấy thân con mà vừa biết hơi thở. Mặc nó, nó biết biết con không cần tu cái đó đâu.
Nó ở đó nó thanh thản, thanh thản vậy đó, có lúc thì nó thấy rõ hơi thở, nhưng mà có lúc nó thấy rất rõ thân nó đang rung động, nó cũng hiểu biết hết. Nhưng, bắt đầu nó có niệm gì thì con đuổi, mà không có thì con ngồi chơi, nó muốn thấy chỗ nào nó thấy, nhưng mà con cho nó thấy cái thân con thôi, mà con không tập trung trong thân con. Cho nên cuối cùng thì con tu tâm xả tới đâu hay tới đó, con không cầu mong mau. Đó là cách thức của Mật Hạnh nói trình lại cho Thầy. Thầy nói: ráng mà nỗ lực tu tâm xả, nó cũng sẽ đi tới nơi tới chốn chớ không phải.
Nhưng mà nói, trình bày cho Thầy thấy cái trạng thái mà nó thanh thản, an lạc, vô sự, nó không có chướng ngại trên thân, thì tự cái tâm nó nó quay vào trong thân nó, tự nó quán, con không có quán. Còn nếu mà con có ý con quán nó là con bị ức chế, cho nên con không dám, bởi vì con biết mình, nó còn những cái niệm lăng xăng, nó còn có cái niệm này kia.
Ví dụ như bây giờ con ở gần gia đình con, mà anh em con hay hoặc là ba có gì, thì tâm con làm sao mà nó yên. Cho nên vì vậy chỉ còn có nước mà xả thôi. Còn con nói: “Kệ! Nhân quả này kia, con buông hết xuống đi!” thì con buông xuống, thì buông xuống là ức chế, làm cho con bị ức chế đi. Cho nên theo con thiết nghĩ Thầy dạy con tu tâm xả là con thấy thích hơn hết, con cứ xả, cho nên con không bị ức chế.
Còn nếu mà mấy con nhiếp tâm vô cái trên thân quán thân, mà mây con thấy rằng tu tập từng phút từng giây mà thấy nó không có một hiện tượng gì xảy ra trên thân con, thì đó là con quán thân được; còn có những hiện tượng gì trên thân thì quán không được. Nhớ kỹ những điều Thầy nói!
Nhưng mà khi mình tập quán thì mình tập quán cái đi trước, lần lượt cho thuần thục, cho tỉnh thức rồi định tỉnh được một oai nghi đó rồi thì mình mới tới những oai nghi khác. Thì như vậy nó bảo đảm cho sự tu tập chúng ta trên thân quán thân rất là tốt!
(36:48) Đúng rồi, trong cái Định Niệm Hơi Thở nếu mà nó thiếu căn bản thì mình trở về, thí dụ như bây giờ trở về căn bản của Định Niệm Hơi Thở, thì "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", thì con hít vô, con thở ra, con cảm nhận thân con. Bởi vì nó không căn bản cho nên bây giờ ôm Tứ Niệm Xứ có lúc thấy chỗ này, có lúc thấy ở chỗ kia, nó không hoàn toàn một cách cụ thể.
Do tu tập thiếu căn bản cho nên bây giờ bước qua lớp Tứ Niệm Xứ để quán thân thì coi như là mình bị chới với liền tức khắc, mình không đi sâu. Còn thay vì có căn bản trên đề mục này rồi thì mấy con quán thân ngay đó, mình có tập rồi, do đó: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân…”. Mình thấy cái tâm mình quay vô, nó dựa trên hơi thở mà biết thân rung động nhẹ nhàng, nhẹ nhàng. Thì bắt đầu bây giờ 5 phút quá dễ dàng thì 10 phút. Do đó mình thay đổi từ oai nghi này đến oai nghi khác, trong bốn oai nghi. Nếu có căn bản thì mấy con nối tiếp thời gian trong bốn oai nghi đó, thì coi như là một thời gian 7 ngày, 7 tháng, 7 năm thì mấy con trong 7 ngày thì nó đã thành tựu rồi. Nếu mà căn bản thì tu nhanh lắm, còn sợ nó không căn bản mà thôi.
(38:01) Hải Tâm: Con còn làm việc buổi sáng, con còn tiếp duyên. Vậy con có thể tu Tứ Niệm Xứ được không, thưa Thầy?
Trưởng lão: Sự thật ra mà còn tiếp duyên, còn này kia thì con tu tâm xả là tốt nhất con. Bởi vì mình tiếp duyên mình cũng xả. Ai làm gì chướng, không được thì mình xả hết, cho nên con nên tu tâm xả là tốt nhất. Bởi vì xả Vô Lượng Tâm, mà mình còn làm việc buổi sáng nè, mình còn tiếp duyên nè, thì đó là tâm xả. Nhưng mà xả rồi thì cái tâm con nó ở đâu? Nó ở trên Tứ Niệm Xứ con, nó cũng quay vô, nó thấy Tứ Niệm Xứ đó là đúng rồi.
Được, cái tu tập con lấy tâm xả mà làm cái chuẩn để mà xả, luôn lúc nào cũng xả. Và khi mà nó thanh thản, an ổn thì con thấy cái tâm con quay vô, nó thấy hơi thở ra vô, nó nghe cảm nhận được. Tức là con trình cho Thầy thấy là, ở trong hai oai nghi mà con nhận được trong Tứ Niệm Xứ, con có tập thử Tứ Niệm Xứ và có thể cảm nhận được hơi thở chỉ hai oai nghi: Đi và ngồi. Đó là con có thể nương vào hơi thở mà con thấy độ rung động của cơ thể con. Như vậy là tốt rồi. Nó có cái thế của nó là khi mình xả hết rồi, cái tâm của mình nó cũng tự nó cảm nhận được cái oai nghi, nếu mình ngồi. còn nếu mà mình đi, thì cái oai nghi đi của mình thì nó cũng nhận ra được trong cái hơi thở hay hoặc bước đi của nó thì nó cảm nhận được toàn thân, thì cái đó tốt rồi con.
Con trình bày như vậy là con tu về cái tâm xả. Và đồng thời thì khi mà bình an, thanh thản thì cái tâm con nó sẽ trở về với hai oai nghi: Đi và ngồi, nhưng chỉ trong thời gian nào đó thôi, chứ còn chưa phải lúc mà con tu tập ở trên Tứ Niệm Xứ đâu, mà đây là tâm con để cho nó tự quay vào Tứ Niệm Xứ.
Còn nếu mà con tu tập Tứ Niệm Xứ như trong thư con gửi Thầy con nói, thì như vậy theo Thầy thấy tốt hơn là để tự nó hơn là con tự tập. Con tự tập tức là có cái sự bắt buộc nó, có sự bắt buộc nó để nó quán ở trên thân nó, mà công việc của mình còn làm, còn tiếp duyên cho nên coi chừng nó bị ức chế. Cho nên mình để tự nhiên nó. Mà khi nó trở lại, nó quay lại trên thân, nó quán thân nó thì mình biết rằng tâm mình nó đang quán thân của mình, mình biết rất rõ. Và đồng thời cái thời gian đó yên ổn thì mình cứ giữ nó, để cho nó quán thân nó, nó được bao nhiêu hay bao nhiêu chứ mình không bắt buộc là phải tu 1 phút hay hoặc là 5 phút, mình không bắt buộc. Mà để cho tự động nó quay trở lại, nhưng mà quay trở lại trên thân của mình thì mình cũng cảm nhận y như cái người tu Tứ Niệm Xứ vậy. Đó là đúng pháp.
(40:35) Còn riêng Liễu Ngọc sẽ gặp Thầy sau, gặp Thầy để trình những điều cần thiết riêng biệt.
Được rồi, con sẽ về gia đình con giải quyết những cái gì cho nó ổn hết. Con, Mỹ Châu đó, khi có điều kiện con trở lại, hoặc là có những cơ sở an dưỡng, thì mấy con cũng sẽ được vào tu tập tốt hơn, và được yên ổn hơn để mà tiến tới sự giải thoát hoàn toàn, làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết mấy con, để hết khổ chứ còn không khéo thì kéo dài hoài nó khổ lắm!
Chỉ chúng ta làm chủ bốn sự đau khổ là chúng ta hạnh phúc nhất rồi, không còn lo lắng gì được nữa hết. Nghĩa là muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào thì sống; có bệnh thì đẩy lui, không sợ nó nữa; không có đầu hàng giặc sanh tử nữa. Lúc bây giờ chúng ta sống trong vũ trụ mà chúng ta đã không bị quy luật của vũ trụ tác động chúng ta, thời tiết, nắng, mưa, gió, bão không làm gì chúng ta được hết.
Thầy đã trả lời mấy con như vậy là đã xong hết rồi mấy con. Bây giờ còn ai hỏi gì Thầy nữa không?
8- TRUNG TÂM AN DƯỠNG CHO CÁC TU SĨ Ở XA
(41:54) Tu sinh 1: Theo chương trình này thì chúng con về đến khi mà xong cái Trung tâm An dưỡng, thưa Thầy, những người ở gần thì có khi là tiếp xúc nó dễ, nhưng chúng con ở xa thì làm sao?
Trưởng lão: Thầy sẽ báo cho mấy con biết. Nếu Trung tâm An dưỡng ở Hà Nội thành lập xong rồi thì mấy con lại gần nữa. Nếu mà chú Tuấn lo giấy tờ đồ xong, Thầy ra đó sẽ cho hoạt động, Thầy sẽ xây dựng ở ngoài đó, Thầy sẽ thành lập một cái cơ sở cho nó gần gũi mấy con, thì lúc bấy giờ mấy con ở đó, đến đó mấy con gần.
Còn ở trong miền Nam thì nó có cái cơ sở ở Thành phố thì những người Nam chúng ta sẽ vào cơ sở đó. Ở miền Trung thì chưa có, nếu mà có miền Trung thì mấy con ở miền Trung mấy con về đó gần. Khi nào có nhớ mẹ, cái mình chạy về cái rồi mình chạy vô tu, dễ dàng. Còn ở xa quá chạy không kịp, chạy ba bốn ngày mệt quá. Phải không? Cho nên vì vậy mà Thầy mong rằng ở miền Trung cũng sẽ có. Ở Thành phố của mình có, ở Hà Nội có thì miền Trung mình có, cuối cùng thì mỗi tỉnh đều có thì càng tiện hơn. Điều kiện là phải như vậy thôi mấy con. Bởi vì chúng ta tổ chức có Ban đàng hoàng mà. Nghĩa là mỗi ban bệ chúng ta đều là nó điều khiển cả bao nhiêu cái chi nhánh của Trung tâm chứ không phải riêng một chỗ đâu. Về kinh tế, tài chính. Con yên tâm con, nếu mà không có, ở ngoài đó chú Tuấn làm chưa xong thì Thầy cũng cho báo cho biết rằng con sẽ vào trong miền Nam tu có chỗ đàng hoàng. Chúng ta có nhiều chỗ mà, không có một chỗ nữa đâu.
(43:35) Tu sinh 1: Trong thời gian qua con có xin gặp Thầy mà con chưa được gặp. Con xin gặp Thầy mấy phút, rồi sau đó con xin phép Thầy con về luôn.
Trưởng lão: Được rồi, Liễu Ngọc lát nữa thì con cũng sẽ gặp Thầy.
Rồi, còn con con. Con cứ đứng nói.
9- PHÁP QUÁN XẢ ÁI KIẾT SỬ
(44:00) Tu sinh 2: Bạch Thầy, chuyện ái kiết sử đó Thầy, ví dụ như con còn đang tu tâm xả mà có ái kiết sử khởi lên mà con không có quán nhân quả để xả ly thì con phải làm sao?
(44:15) Trưởng lão: Con không có quán nhân quả đó, thì về Thất kiết sử thì thường là phải quán nhân quả để mà xả.
Còn con không có quán nhân quả thì con quán các pháp đều vô thường: “Mặc dù là hôm nay là như vậy, ngày mai vô thường nó đến rồi làm sao? Trước khi mình muốn báo hiếu cha mẹ thì mình phải tu tập cho xong. Mà mình thương nhớ cha mẹ, vì vậy ái kiết sử của mình, mình thương nhớ cha mẹ của mình, thì mình phải nỗ lực mình tu để đền đáp công ơn của người. Mình tu được rồi mình về giúp đỡ cho cha mẹ của mình biết cách tu”. Thì đó là mình nhắc nhở cái tâm mình nó thương nhớ cha mẹ thì nó sẽ xả ra con, mình không nói về nhân quả nữa, mà mình nói về sự tu tập của mình, mình nhắc các pháp vô thường. Nếu mà bây giờ mình không nỗ lực tu, mai mốt vô thường thì mình đền đáp ơn cha mẹ chỗ nào đâu? Cho nên con nhớ, con quán như vậy là con cũng sẽ xả ra được.
(45:11) Tu sinh 2: Mới đầu con cũng quán mà nó cứ khởi đi, khởi lại miết, cái xong con quán nhân quả thì nó hết.
Trưởng lão: Vậy hả? Quán Nhân Quả được thì cứ lấy nhân quả quán con.
Tu sinh 2: Con sợ, mình không có nỡ cắt đứt tình thương.
Trưởng lão: Đâu có con, mình quán nhân quả để thấy được cái chùm nhân quả, để cho mình an tâm mình tu, chứ không phải là diệt hết cái lòng thương của mình đối với cha mẹ đâu.
Chính Thầy bây giờ, nói chung là Thầy bây giờ bình thường vầy, mà nhắc đến mẹ Thầy, Thầy cũng nhớ công ơn của mẹ Thầy. Thầy thấy rằng mình tu tập rồi nhớ lại trong những giờ phút mà Thầy tu tập đó, rồi Thầy lại viết cho mẹ Thầy một tập kinh để rồi Thầy vừa ở trong thất tu, mẹ Thầy cũng đang tu. Thầy thấy một người con mà giúp cho mẹ mình tu hành như vậy là mình thấy hạnh phúc quá!
Sau khi chứng rồi, nhờ công đức mà mình tu tập đó, mẹ mình được an ổn trong khi ra đi, Thầy thấy đó là hạnh phúc quá lớn rồi. Đó là công ơn mà Thầy đền đáp cha mẹ. Con hiểu không?
Cho nên Thầy mong mấy con cứ nghĩ: Thầy còn đền đáp được cha mẹ mình vậy thì mình cũng ráng, tự nhiên cái ái kiết sử, cái tình cảm bi lụy nó sẽ dừng lại con, để cho mình nỗ lực tu.
10- TRỞ VỀ TU XẢ TÂM VÔ LƯỢNG
(46:31) Tu sĩ: Dạ, kính bạch Thầy! Khi con tu Tứ Niệm Xứ thì mới đầu con đi thì con thấy cái chân nặng lắm, toàn thân con rất là nặng, nó nặng khi con bước đi, thì cái trọng lượng thì nó rất nặng. Sau con tập thuần thục được ngày thứ ba thì con thấy nhẹ, nó nhẹ bẫng con cảm giác là hai cái chân con đặt hai cái bán kính mà toàn thân con nó là một cái hình tròn. Thế rồi cái vòng tròn đấy thì con thấy rằng là giữa cái bước chân đi nó lại không có cái khoảng cách, cảm giác cái hình tròn không gian đó trên một mặt phẳng, con thưa Thầy đó là cái thứ nhất.
Cái thứ hai là trước khi bao giờ con tu cũng mất ra mười lăm hai mươi phút con chữa bệnh, thì không biết là có một cái bước hai là Thầy dạy chúng con kẻo mai tôi tu sai nữa mà… Rồi khi con bị trắc trở thì chúng con khó là cái thứ ba. Thế thì cái thứ tư nữa thì con thấy là sau khi con quán thì con thấy cái đi thì đầu tiên con không quán hơi thở nhưng mà rồi đến hai, thứ ba thì con thấy quán được hơi thở rất là rõ ràng, kể cả đi thì con thấy là con cũng đã mới tập có ba ngày thôi con cảm thấy rất là yên tâm.
Như vậy là cái tâm con thì nó hãng còn yếu quá thế nên là lúc thì nó lại xen vô cái niệm này, lúc thì xen vô cái niệm kia, nhưng mà con thì con cũng đuổi được, nhưng mà đuổi được thì lúc đấy con lại quên mất cái động tác con đang đi.
Thí dụ như là con đứng chẳng hạn, thì con lại không đứng yên, mà nó cứ xoay tròn theo bán kính hình tròn. Con cố gắng tu làm sao cho đứng không xoay, con chỉ theo dõi hơi thở, chỉ được một lúc bắt đầu nó lại xoay tròn. Xin Thầy dạy cho con cách nào để hết xoay tròn, giữ được hơi thở.
(48:24) Trưởng lão: Thật sự ra sự xoay tròn là qua cảm nhận của con chứ không phải là cái người con nó đang xoay tròn, con hiểu không? Cái cảm nhận, tức là bị tưởng. Con chỉ cảm nhận sự rung động thân con thôi, mà tốt hơn con còn bị niệm, còn có niệm đó. Cho nên vì vậy Thầy thiết nghĩ con nên tu tâm xả một thời gian nữa, chứ đừng có quán ở trên thân, để tự nhiên nó trở về với thân con thôi, chứ đừng có quán, quán nó thì nó sẽ xảy ra những cái trạng thái tưởng, và đồng thời con cũng cảm nhận qua hơi thở này kia thì nó dễ sinh ra cái trạng thái tưởng lắm.
Tốt hơn là khi mình quán thân trên thân để nhiếp phục tham ưu, nó không có niệm, nó không hôn trầm, thùy miên mới đúng cái pháp của nó. Còn bây giờ, nó còn có niệm xẹt ra, xẹt vô dù là một niệm hoặc là dù một trạng thái tưởng nào mà xảy ra đều là mình trở về với pháp xả hơn. Vì pháp xả nó dễ, vì nó không có đối tượng tập trung. Còn cái này quán thân nó có cái đối tượng thân để quán, nó có cái sự rung động của thân, nó có cái sự đối tượng.
Cho nên theo Thầy thiết nghĩ thì con trở về tâm xả tu là tốt nhất, khoan vội đã. Nó dễ, là vì cái gì mình cũng xả hết, đem lại sự bình an cho mình rồi. Và khi mà bình an tận cùng đó, thì nó lại thanh thản, an lạc, vô sự thì tâm con nó sẽ quay vô, nó ở trên Tứ Niệm Xứ chứ tâm bất động. Nó dễ dàng hơn!
(49:46) Và lúc mà xa Thầy, thì mấy con tu tâm xả thì dễ. Còn mà tu Tứ Niệm Xứ thì nó khó mấy con, nó không dễ đâu. Lỡ mà nó có ức chế cái thân của mình, tức là mình dùng thân để quán đó, cho nên nó có sức tập trung, mà tập trung thì nó dễ sanh ra những cái tưởng.
Do đó những cái tưởng đó, nhiều khi mình thấy tưởng là mình tu đúng nhưng mà nó cũng bị tưởng luôn, nó không có đúng. Cho nên phải được gần để mà xác nghiệm được là mình quán ở trên thân mình.
Cho nên ở trong lớp tu học của chúng ta, chỉ được có một, hai người được theo Thầy tu Tứ Niệm Xứ thôi, chứ hoàn toàn thì chưa được đâu mấy con, cho nên mấy con đừng có vội tu Tứ Niệm Xứ, mà nên tu tâm xả Vô Lượng Tâm thôi.
Nhớ cái xả nó dễ lắm mấy con! Xả rồi cuối cùng mấy con cũng trở về Tứ Niệm Xứ. Mà khi nó trở về Tứ Niệm Xứ rồi thì bắt đầu bây giờ mấy con mới quán Tứ Niệm Xứ đó nữa. Mấy con hiểu chưa?
Cho nên quán Tứ Niệm Xứ ở trong cái lớp thứ bảy lận mấy con, Chánh Niệm mà, cho nên cái lớp thứ bảy mà. Mà ở đây, Thầy muốn thu ngắn cái thời gian để chọn lấy một, hai người để người ta có thể trong một năm, hai năm người ta tu cho xong. Để làm gì? Để cho mình có tiếng nói rằng cái lớp học của mình có người tu chứng đàng hoàng mà, để tạo cái thế rất là vững mạnh cho những cái lớp tu của chúng ta sẽ hưng thịnh lên, cái nền đạo đức của chúng ta nó sẽ phổ biến rộng ra, tại vì có người tu thật sự người ta làm chủ được mà.
Cho nên Thầy chỉ mong để mà có cái nòng cốt đó, để nền Đạo Đức của Phật giáo, sống không làm khổ mình, khổ người nó sẽ phổ biến rộng rãi, dễ dàng hơn. Còn nếu mà không có người tu chứng thì người ta bán tin, bán nghi, tội cho họ. Cho nên vì vậy mà muốn cho người ta phải có niềm tin, cho nên cuối cùng Thầy đưa ra ngay cái lớp thứ bảy để cho mấy con thấy người nào rớt là rớt, người nào đậu là đậu. Nhưng mà phần nhiều là mấy con phải rớt thôi chứ làm sao đậu được. Mấy con đừng nghĩ rằng mấy con buồn là mấy con rớt, không phải. Tại vì cái trình độ, cái sức của mình nó chỉ bao nhiêu đó thôi, mình ở tu thì mình cũng lần lên chứ đâu có gì đâu, nó đâu có gì mà khó.
(51:49) Còn một hai người mà người ta đã tu lâu rồi thì người ta thấy mình đã quán ở trên thân người ta được. Những người đó đó thì được theo Thầy để hướng dẫn cho họ tận cùng, cho nó nhanh. Chứ bây giờ để cứ người nào cũng chung chung thì những người đó không chăm sóc họ kỹ thì nó lại kéo dài thời gian lâu nữa, thì cái niềm tin đối với mọi người lại mất cái thời gian dài cũng tội, tội cho người khác.
Để khi mà chúng ta, tới cái lớp mà thứ hai, chúng ta mở cái lớp Chánh Kiến tháng mười tới. Tháng mười tới mà được, ở đây có người tu chứng thì người ta như là người ta ở trên trời người ta rớt xuống, các con hiểu không? Nghe được cái tin đó là người ta quá mừng rồi. Cho nên mọi người người ta không có còn cái nghi ngờ gì nữa hết, mà người ta sẵn sàng khăn gói người ta đi đến cái lớp học. Thầy chỉ mong như vậy để làm gì mấy con biết? Để nó được phổ biến rộng hơn, cứu vớt biết bao nhiêu người đang đau khổ.
Cho nên vì vậy mà con nhớ con về con tu tâm xả con, bởi vì qua cái trình bày của con đó thì biết rất rõ. Khi mấy con học lớp của Thầy rồi, thì mấy con nghe Thầy nói rồi, thì mấy con nhận qua mình, biết mình đang ở trên thân quán thân được chưa? Và mình đang ở lớp nào tu, mình cũng biết nữa. Rồi cái trạng thái của mình nói ra, cái trạng thái mình nhận qua cái Tứ Niệm Xứ của mình, mình quán ở trên thân mình, mình biết cái đó là mình quán ở mức nó tỉnh thức chưa, nó định tỉnh chưa, mình cũng biết nữa con.
Khi mà Thầy dạy rồi, thì cái người nào mà lanh trí một chút là nhận ra được liền. Cái người khác, con nghe người đó nói tu Tứ Niệm Xứ hay hoặc là nói tu gì, người ta trình bày cái trạng thái ra mấy con biết là mấy người này còn đang ở chỗ nào, mấy con biết liền. Bởi vì Thầy dạy nó cặn kẽ, nó cụ thể lắm mấy con, cho nên không còn ai gạt mình được, rất là rõ ràng.
Cho nên hiện mà học với Thầy rồi thì mấy con đi các trường thiền khác mấy con tu, mà người ta dạy Tứ Niệm Xứ thì mấy con thấy rằng mấy con không có chấp nhận được. Bởi vì họ nói, mà mấy con thấy rằng cái nói của mấy người này là nó không tu tới đâu hết.
Chẳng hạn bây giờ, một cái người đó dạy mấy con tu thiền, mà cái người này còn ăn phi thời, thấy còn thua mình rồi, mình còn ăn ngày 1 bữa, còn cái ông này dạy mình tu thiền, ông nói trên trời mà ông còn ăn phi thời vậy biết là ông chưa có ly dục, mình làm sao mình phục ổng, mình tu theo ổng mấy con?!
HẾT BĂNG