Dùng thuốc diệt sâu rầy phá hoại mùa màng có được không?
Trích pháp âm sau từ phút 23:53 đến 35:22:
Cái bức thư này của một người hỏi Thầy là về phần con gà, con vịt này kia tôi cắt cổ thì tôi có thể không có cắt cổ con gà vịt, nhưng mà vì làm nông nghiệp cho nên sâu rầy bọ thì phải làm sao bây giờ. Muốn bảo vệ mùa màng để có hột lúa ăn, muốn bảo vệ cây cải cho mình có ăn thì mình phải dùng những các thuốc độc để mà diệt sâu, rầy bọ, để bảo vệ mùa màng, thực phẩm để cho mình có mà ăn. Vậy thì con sẽ dùng những thuốc độc đó để mà diệt sâu rầy, con có tội không đó? Thì ở đây Thầy xin trả lời chung như thế này.
Bởi vì trong môi trường sống của chúng ta, nó có những cái sự ô nhiễm. Từ cái từ trường ô nhiễm đó nó hợp, nó hóa sanh ra các loài động vật mà độc hơn, dữ hơn để phá hoại mùa màng của chúng ta. Như hiện giờ chúng ta trồng những cây lúa mà của ngày xưa thì chúng ta sẽ bị sâu rầy cắn sạch. Nó không thể nào cho chúng ta có hột lúa mà ăn. Cho nên chúng ta phải có những loại lúa đề kháng chống lại sâu rầy. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là những cái thuốc để mà diệt các loài sâu rầy.
Ở đây chúng ta phải công tâm đứng trên Nhân Quả mà thấy. Bởi vì Nhân Quả này là từ con người và những loài vật nó sẽ tạo ra cái từ trường ác đó, cho nên nó phải sản sinh ra các loài vật ác đó. Chẳng hạn như chúng ta không huân những thuốc rầy độc thì làm sao trong không gian chúng ta có chất độc. Chúng ta ăn ở vệ sinh sạch sẽ, đừng có xả rác bừa bãi, đừng có để rác mục rồi mưa gió nó ẩm rồi nó bốc lên nó làm ra một cái hơi độc làm ô nhiễm môi trường. Giữ gìn vệ sinh thì môi trường chúng ta nó trong sạch hơn, cũng đỡ đi. Còn đằng này rác giấy quăng tùm lum tà la. Nào bọc ni lông giấy đủ thứ, thứ dơ thứ sạch gì cũng quăng đống rác. Lâu ngày khô thì nó bay bụi, mà ẩm ướt thì nó ra cái chất nước của nó, ngấm vào các nước uống của chúng ta, làm cho ô nhiễm. Từ đó, cho nên hiện giờ chúng ta làm nông nghiệp thì nó rất là khó khăn vì cái nạn sâu rầy, và đất của chúng ta lâu ngày thì nó đã bạc màu cho nên chúng ta phải bón nhiều loại phân. Thậm chí chúng ta còn bón những phân rất là ác độc, đó là phân cá, phân mắm. Nghĩa là người ta xuống sông, người ta chài cá lên ăn không hết, người ta đem bỏ đó thành thùng phân, người ta đem bán, để làm cho súc vật ăn, hoặc là để rải tưới cây. Cho nên cái từ trường đó nó sinh ra. Bây giờ chúng ta ngăn và diệt ác mà không diệt sâu rầy. Sâu rầy là do những cái độc ác mà nó sanh ra những sâu rầy. Ngày xưa người ta làm ruộng nó ít có sanh sâu rầy. Bây giờ quá nhiều cho nên nó diệt cái sự sống của chúng ta rất dễ dàng.
Do đó bây giờ chúng ta phải nhìn qua cái nhân quả. Thứ nhất chúng ta phải sống thiện. Sống thiện trên cái mặt thiện như thế nào? Nghĩa là từ con người đối xử với con người kia, đừng có quá ác, đừng có bon chen mà chà đạp lên nhau trên sự sống, giết nhau trên sự sống. Thứ nhất, con người sống phải có thiện. Cái thứ hai là những con vật lớn như con gà, con vịt, con tôm con cá, chúng ta giảm bớt sự giết hại chúng đi. Khi mà chúng ta giảm bớt đi thì cái loài phá hoại thực phẩm cho chúng ta nó sẽ bị giảm bớt liền. Vì chúng ta tăng cường cái sự ăn uống như vậy thì nó tăng cường cái từ trường ác, do đó các loài vật ác thì nó phải có cái từ trường độc. Từ trường độc đó nó sẽ sanh ra các loài độc, sâu độc, rầy độc, nó kháng tất cả các loài thuốc độc. Cho nên từ đó nó phá hoại mùa màng của chúng ta rất dễ dàng. Do đó chúng ta càng tăng lên sự giết hại sâu, rầy, bọ bằng cái thuốc độc thì nó làm cho môi trường và rau cải của chúng ta có những chất độc, nó gây cho chúng ta nhiều cái đau khổ, do cái sự ăn ở của chúng ta thiếu hành động thiện.
Vì vậy bây giờ chúng ta muốn bảo vệ, chúng ta phải thấy rằng loài sâu rầy này là do cái nhân của chúng ta làm ác mà nó sanh ra. Cái nhân làm ác của chúng ta mới sanh ra các loài vật này. Cho nên nó phải trả cái nhân quả của nó bằng bây giờ chúng ta phụt phun thuốc rầy vào các loài vật này, các loài côn trùng này nó sẽ bị giết nó chết đi mới bảo vệ được mùa màng. Rõ ràng do từ cái hành động của chúng ta, từ chúng ta lưu xuất ra cái hành động ác của chúng ta mà tạo trong môi trường sống của chúng ta, những cái duyên này nó hợp lại thành ra những loài côn trùng độc. Từ đó chúng ta phải đi tìm cái nguyên nhân. Chứ không phải bây giờ ngay đó chúng ta nói bây giờ tôi không xịt thuốc rầy. Mà mình không xịt thuốc rầy ngay liền thì lấy cái gì mình sống nè. Gạo không có, thực phẩm không có thì mình lấy cái gì mình sống nè. Cho nên ngay từ bây giờ, mặc dù trên cái mặt này là tôi sẽ diệt từng cái loài động vật ác này, tại vì nó đến xâm chiếm đống lúa của tôi. Tôi trồng đống lúa chứ nó có trồng đâu mà nó lại nó ăn. Đó là mình lý luận mà. Bây giờ nhà tôi như thế này, người ta xách gươm, xách đao, xách súng đến người ta cướp nhà tôi thì bắt buộc tôi phải chống lại à. Bây giờ đặt thành vấn đề, như cái chùa của Thầy đây bằng tầm vông, trúc tre. Mối nó lên nó ăn đi, mà Thầy cất nhà, chứ có phải tụi mối này nó lên nó cất mà nó ăn? Phải không, cho nên Thầy phải có sự bảo vệ chứ. Cái tội của nó là tội ăn cướp, cướp nhà người ta. Cho nên mình phải suy tư bằng cái Chánh Kiến của mình mà.
Cho nên thí dụ bây giờ con gà, thí dụ như mình nuôi nó, mình nuôi nó để mình ăn thịt, thì mình bắt nó mình ăn thịt. Trong lúc đó nói "nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân", mình nuôi nó mình ăn thịt. Nhưng mà sự thật ra khi mình bắt con gà, mình thấy nó giãy dụa, nó đau đớn. Nhưng mà nó có đâu lại xâm chiếm, nó đâu có mượn mình nuôi nó đâu, phải không. Nhưng vì mình muốn ăn thịt nó, nên mình mới đi tìm kiếm, rồi mới đem về. Nó ở trên rừng đâu đó, mình mới đem về thuần hóa làm súc vật ở trong nhà mình nuôi để rồi mình muốn bắt hồi nào đó mình bắt. Sự thật ra nó đâu có muốn ở trong nhà mình đâu, nó đâu có muốn mình nuôi. Người ta hiểu, thường con gà rừng mình mới đem về, lai giống làm cho nó trở thành con gà nhà của mình. Từ con cá ở ngoài biển ngoài sông mình đem vô trong hồ ao mình nuôi nó, cho nó ăn mà bây giờ mình bắt nó làm thịt, thì sự thật ra nó có muốn ở trong hồ ao mình không? Nó muốn ở ngoài biển, ngoài sông chớ. Từ cái chỗ làm ác của mình, mình phải thấy hành động đó. Và đồng thời, khi lương tâm của mình khi bắt một con cá, thấy nó giãy giụa. Khi cầm cây dao đập nó, nó đau đớn nó giãy giụa, con gà nó la nó hét… Tất cả mọi con vật mình thấy đau đớn lắm… Chớ nó làm sao nó chống lại mình được, do đó cái tình cảm cái suy nghĩ của mình nó làm cho mình không nỡ tâm mà thôi. Cái người nào nỡ tâm mà ăn thịt chúng thì cứ ăn, không ai rày. Pháp luật đâu có bắt tội mình, trừ ra mình cầm dao mình giết người thì người ta bắt tội mình. Chứ còn mình giết con gà không ai bắt tội mình hết. Nhưng vì lương tâm của chúng ta thấy sự đau khổ đó, và suy tư lại mình, mình có sự đau khổ. Bởi vì mình nuốt miếng thịt đau khổ đó, chắc chắn vài hôm mình cũng sẽ gặp đau khổ, bệnh tật hoặc tại nạn, hoặc thế này thế kia.
Còn những cái loài côn trùng phá hoại, như hồi nãy Thầy nói, từ môi trường ác nghiệt của chúng ta, do cái sự ác nghiệt của chúng ta thải ra môi trường sống nó ô nhiễm. Nó thành cái bầu không khí rất độc hại. Do đó, nó mới hợp duyên sanh ra những cái loài côn trùng nhiều như vậy. Do đó bây giờ phải bảo vệ sự sống của chúng ta, buộc lòng chúng ta phải cầm cái bình xịt thuốc rầy để diệt chúng. Nhưng tâm chúng ta bồi hồi, bởi vì nghĩ rằng mình phải cố gắng sống thiện để mà cái bầu không khí của mình, cái môi trường của mình càng ngày nó càng thiện hơn, không sanh các loài độc dữ này. Vì vậy tâm nguyện của chúng ta muốn vậy. Tuy rằng bảo vệ mùa màng cho sự sống mình hiện tại, nhưng cái tâm nguyện mình rất thiện. Từ đó môi trường sống của mình nó sanh ra những thứ thiện. Do đó các loài côn trùng này tự nhiên là không còn. Nó không còn nữa, chứ ngay liền bây giờ mà chúng ta ngưng không thèm xịt nó thì ruộng lúa chúng ta không còn một hột mà ăn. Bây giờ chúng ta vẫn giữ gìn để bảo vệ mùa màng, coi như nó là bọn ăn cướp nó đến, nó cướp giật của mình, do đó mình bảo vệ chứ mình không đi tìm hang nó mà mình diệt. Do đó mình có một tư duy suy nghĩ để làm cho tâm mình không có hối hận, không có khổ đau. Do như vậy, vì vậy cho nên từ đây về sau mình thấy mỗi lần một con rầy, một con sâu mà nó bị chết, nó cũng giãy giụa, cũng đau khổ thật, nhưng vì sự sống của mình, không lẽ mình phải nhường bước cho nó ăn, lấy gì mà sống ? Cho nên mình diệt nó.
Từ đây về sau đừng có giận dữ, đừng có làm những điều ác, đừng có chửi mắng người ta. Những cái lời nói này nó sẽ thành ra cái môi trường sống ác nghiệt, mà nó sanh ra các loài độc dữ này. Mình phải hiểu biết nguyên nhân từ đâu sanh ra các loài này. Cho nên từ đó mình cố gắng mình khắc phục. Nghĩa là "thiên thời địa lợi", hoặc là "mưa thuận gió hòa" đều là do sự sống của chúng ta, chứ không phải thiên nhiên tự nhiên nó thuận hòa được, mà mình sống hiền lành, sống an ổn. Cho nên ngày xưa chúng ta nghe lịch sử Trung Hoa nói trong thời vua Nghiêu Thuấn, lấy đức mà trị dân, cho nên mưa thuận gió hòa, phải không? Mình thấy bây giờ mình không có thấy cái đạo đức được, mình không biết đạo đức như thế nào mà nhà vua trị. Còn bây giờ đúng là có pháp luật người ta có đặt ra, nhưng mà tại sao người nào cũng vi phạm, không chịu mà nghe lời. Cũng như bảo rằng bây giờ lái xe phải cẩn thận, phải có bằng đàng hoàng, mà mình chưa có giấy gì cũng chạy đại. Rồi có giấy lái xe được rồi, chạy lại chạy quá tốc độ nữa, gây ra biết bao nhiêu sự tai nạn đó. Mà mỗi lần mình làm sai như vậy ấy, cái từ trường mình lại phóng ra những cái ác đó. Chứ đâu phải khi không mà nó có được. Cho nên môi trường sống chúng ta trong cái bầu không gian này xả y ra biết bao nhiêu cái ác. Do đó bây giờ chúng ta gánh chịu là do mình làm chứ đâu bảo là trời nào làm, do chính mình.
Đó, bây giờ con thấy trả lời câu này ấy, ngay bây giờ mùa màng phải giữ gìn, phải phun thuốc rầy, không có ngại. Nhưng mà điều kiện là từ đây về sau chúng ta sống, đối xử nhau, và chúng ta biết chia sẻ nhau từng hạt cơm manh áo, chúng ta biết thương yêu nhau, đừng dùng lời nói mắng chửi nhau, thì lần lượt các loài côn trùng phá hoại mùa màng nó sẽ không còn có nữa. Thầy bảo đảm với các con, các con cứ sống đi, nếu mình sống biết thương nhau, biết đùm bọc lẫn nhau, đừng có chà đạp lên nhau vì miếng ăn manh áo, đừng có vì tiền vì bạc, mà phải sống biết thương mọi người, thương mình thương người, thì mưa sẽ thuận, gió sẽ hòa, sâu rầy sẽ không còn có nữa. Nhớ những lời Thầy nói mà làm đúng y. Cho nên chúng ta thấy khoa học chế ra nhiều loại diệt côn trùng nhiều, mà bây giờ côn trùng lại nhiều hơn, phá hoại mùa màng chúng ta lại cay nghiệt hơn, làm cho mùa màng chúng ta rất khó khăn.
Các bài pháp khác liên quan đến chủ đề côn trùng phá hoại mùa màng của Trưởng lão:
https://www.facebook.com/thichthonglac/posts/736384719749483