Skip directly to content

15- XUẤT, NHẬP THIỀN ĐỊNH

Thiền của Phật có xuất có nhập nhờ vào ý thức làm chủ, mà các tổ không hiểu, không biết nên chê: “Thiền có xuất có nhập là còn thấp, thiền các tổ không như vậy mà đi tới luôn”. Các tổ đâu tu với ý thức làm chủ để muốn vô thiền nào thì vô ngay thiền đó. Sơ thiền thì vô ngay Sơ thiền, Nhị thiền thì vô ngay Nhị thiền.... Khi đang ở trong mức thiền nào mà muốn nhập mức thiền khác thì phải xuất mức thiền đang trú mới nhập vào mức thiền khác. Các con thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nhập Sơ thiền, ra Sơ thiền; nhập Nhị thiền, ra Nhị thiền; nhập Tam thiền, ra Tam thiền; nhập Tứ thiền. Rồi ngược lui, ra Tứ thiền nhập Tam thiền; ra Tam thiền nhập Nhị Thiền; ra Nhị thiền nhập Sơ thiền. Rồi đi xuôi lên từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Ba lần xuôi ngược như vậy rồi Phật mới nhập Niết Bàn. Các con đọc trong kinh nói: “Ra Sơ thiền nhập Nhị thiền. Vậy khi ra Sơ thiền thì tâm ở chỗ nào rồi từ chỗ đó mới nhập vào tầng thiền định muốn nhập. Các con đang còn tâm tham, sân, si mà các con muốn nhập định thì làm sao nhập được. Cho nên, Tứ Niệm Xứ được xác định rất rõ là Chánh Niệm sau Chánh Định trong Bát Chánh Đạo của đạo Phật, mà trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái tâm bất động. Khi con muốn nhập Sơ thiền thì con phải ở trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái tâm bất động. Khi con xuất Sơ thiền thì con phải trở ra trạng thái tâm bất động đó, chứ các con ra xong tầng thiền nào thì tâm con ở trạng thái nào, không lẻ có trạng thái lừng chừng nào để tâm con từ đó vào Nhị thiền sao? Còn nếu trong khi con đang ở trong Sơ thiền rồi từ đó con vào ngay Nhị thiền thì sao có thể nói “xuất ra kh̉ỏi Sơ thiền”. Trong kinh nói rất rõ: Đức Phật nhập Sơ thiền, xuất ra khỏi Sơ thiền (mới) nhập Nhị thiền, ra khỏi Nhị thiền (mới) nhập Tam thiền, ra khỏi Tam thiền (mới) nhập Tứ thiền.... Vậy khi Phật ra khỏi Sơ thiền thì tâm Phật ở chỗ nào để vô Nhị thiền? Đọc kinh thì phải hiểu chứ không phải chỉ đọc suông.

Phật xuất ra các thiền chứng thì tâm Phật phải ở chỗ nào, ở trên mảnh đất nào, rồi từ đó Phật mới nhập vào thiền khác. Còn nếu Phật không xuất mà đi một lèo từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền vậy thì kinh nói Phật xuất ra khỏi có ý nghĩa thế nào? Cho nên, trước khi Phật nhập Sơ thiền thì Phật đã đạt tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự trên tứ niệm xứ rồi, tức Phật đã ở trên Chánh Niệm rồi. Từ trong Chánh Niệm đó sau bảy ngày đêm thì ta có được định như ý. Định như ý túc, là chứng đạt định như ý mình muốn, cho nên từ mảnh đất tâm bất động đó mới tác ý vào Sơ thiền thì tâm ta vào Sơ thiền. Khi đang ở trong Sơ thiền, muốn xuất ra khỏi Sơ thiền thì cũng dùng định như ý để ra khỏi Sơ thiền. Khi đã vào Nhị thiền thì ý thức mình đâu còn làm việc gì được nữa vì lúc đó tầm tứ đã bị diệt. Mà ý thức là một trong sáu sắc thức hoàn toàn bị tê liệt, ngưng hoạt động vậy mà con xuất ra nhập vào các thiền được là xuất nhập ra vô bằng Định như ý, Định như ý túc bằng ý thức lực của Tứ thần túc để xuất nhập vô ra các thiền chứng.

Diệt tầm tứ là diệt ý thức, sáu thức hoàn toàn tê liệt ngưng hoạt động vậy mà vẫn ra vô được là bằng Định như ý túc, định như ý muốn. Chỉ có lực định như ý mới làm được việc này. Cho nên ý bảo xuất ra khỏi Sơ thiền thì tâm phải ở trên tâm bất động của tứ niệm xứ. Từ tâm bất động đó Định như ý bảo vô Nhị thiền thì thân tâm sẽ vô Nhị thiền. Trước khi vô Nhị thiền không phải bằng ý thức ra lệnh mà Định như ý ra lệnh nhập Nhị thiền bằng lệnh: Diệt tầm tứ nhập Nhị thiền”. Rồi khi ra khỏi Nhị thiền, tâm ở trên mảnh đất tâm bất động của tứ niệm xứ, Định như ý mới ra lệnh: “Diệt tất cả các loại tưởng nhập Tam thiền. Khi ra khỏi Tam thiền thì tâm lại ở trên mảnh đất tâm bất động của Tứ niệm xứ, Định như ý ra lệnh: Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ thiền”. Mỗi mức thiền đều có hỉ lạc khinh an của thiền. Mức khinh an hỉ lạc này thay đổi tuỳ theo loại thiền. Thiền càng cao thì mức khinh an này càng lớn. Nhị thiền không bằng Tam thiền; Tam thiền an ổn ít hơn Tứ thiền.

Còn các định tưởng từ Không vô biên xứ tưởng đến Phi phi tưởng xứ đều là thiền của ngoại đạo, do ức chế ý thức ngưng hoạt động mà vào. Không phải đạo Phật không nhập được các loại định tưởng này. Đạo Phật nhập được các loại định tưởng này rất dễ dàng bằng Định như ý túc, khi chúng ta có được Định như ý túc thì nếu muốn nhập bất kỳ định tưởng nào cũng đều nhập được cả, không gì chướng ngại vì ý thức của ta thiết lập đầy đủ các điều kiện nhập định và diệt tất cả các điều kiện làm cản trở trên đường nhập các loại định tưởng đó. Cho nên, từ Không vô biên xứ cho đến Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định đều nhập được hết.

Khi ta đã nhập vào tứ Chánh Định của Phật giáo rồi thì mọi định tưởng của ngoại đạo không có gì khó khăn, không gì chướng ngại. Khi Phật tu theo ngoại đạo, các vị thầy ngoại đạo dạy cho Phật nhập các loại định của họ thì Phật nhập rất dễ dàng như Không vô biên xứ tưởng hay vị khác dạy nhập Phi phi tưởng xứ, nhưng xét lại Phật thấy tâm tham, sân, si vẫn còn. Phật thấy nhập các định này không diệt hết tham, sân, si nên từ đó Phật mới tìm ra phương pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp diệt hết tham, sân, si thành tựu được Sơ thiền từ nền tảng tứ niệm xứ.

Nhờ vậy hôm nay chúng ta có pháp TNiệm Xứ. Pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là Tứ chánh cần. Khi ngăn ác diệt ác hết rồi thì tâm tự nó bất động. Như bây giờ Thầy dạy các con pháp tác ý là ngăn ác diệt ác. Khi tâm các con diệt hết ác pháp thì tự nó không niệm là lúc các con ở trên tứ niệm xứ, tâm các con tự bất động vì nó đang ở trên Chánh Niệm là tứ niệm xứ. Mà khi ở trên tứ niệm xứ không niệm trong thời gian đòi hỏi thì các con có đủ Tứ như ý túc, rồi các con mới nhập được Tứ Thánh định của Phật giáo, là các con qua lớp thứ tám của Phật giáo là Chánh Định.

Chỉ có Chánh Định mới có Thiền thứ Tư chứ thiền của ngoại đạo chỉ có Tà Định, không thể có Chánh Định thiền thứ Tư làm chủ sống chết. Phật giáo có bốn thiền từ Sơ thiền đến thiền thứ Tư mà muốn nhập từ thiền này vào thiền khác thì phải xuất ra khỏi thiền đang chứng mới nhập vào tầng thiền khác cao hay thấp hơn. Cho nên, các Tổ bảo thiền có xuất có nhập hãy còn thấp, còn dở, không như thiền của các Tổ đi một lèo lên các tầng thiền cao hay xuống theo thứ tự từ cao xuống thấp. Không cần phải xuất ra khỏi rồi mới nhập như thiền của Phật giáo, của Phật. Thầy chỉ là người đi trước, là người dẫn đường, là vị Thầy của các con thôi. Không phải Tổ của pháp thiền nào.

Tất cả các sách chỉ là để hiểu biết thôi, không phải là sách cho chúng ta tu. Chỉ khi các con đã tu chứng xong, viết lại những gì do từ kinh nghiệm bản thân của các con thì đó mới là sách dạy tu vì có đầy đủ thực tế do kinh nghiệm từ bản thân của các con, không bị sai chỗ nào. Khi các con tu chưa xong thì chỉ hiểu các pháp tu tập qua kiến giải nên sai trật rất nhiều mà các con không nhận thấy, người tìm học cũng không nhận thấy. Cả hai, người viết và người đọc, thấy hợp với sự suy luận của họ nên họ chấp nhận và chấp chặt. Càng đọc nhiều sách thì càng rối thêm.