I. THIỀN CĂN BẢN
Bây giờ các con im lặng để nghe Thầy giảng trạch chỗ tu sai lệch trong một năm tu tập đã qua, chỗ nào đúng thì các con tiếp tục tu, chỗ nào sai, các con sửa lại tu cho đúng. Các con cố gắng nghe cho kĩ.
Hôm nay là ngày Mồng Một Tết năm Bính Tý, 1996, Thầy có đôi lời cần nhắc nhở các con trong sự tu tập.
Thời gian thấm thoát trôi qua quá nhanh, mới đó mà đã hết một năm tu tập của chúng ta. Để kiểm điểm lại xem một năm tu tập có tiến bộ hay không, hay còn dậm chân tại chỗ? Để xác định điều này, đã trắc nghiệm tuyển thi để chọn và đưa các con lên tu tập lớp Thiền định thứ II, ở giai đoạn diệt, tức là đóng mở sáu căn. Nhưng hoàn toàn thất vọng, một năm tu tập đã qua, và tất cả các con đều thi rớt. Chỉ có một mình cô Huệ Ân là đủ điểm đậu ở giai đoạn “Ly” thứ nhất, phần I. Các con đành phải ở lại một năm nữa để tu tập ở giai đoạn I để “Ly” cho được bản ngã của mình.
Tại sao các con lại rớt? Xét ra có nhiều nguyên nhân tu sai mà các con không biết:
1. Tu sai mà không biết mình tu sai.
2. Cô Diệu Quang nhắc nhở mà không chịu nghe theo.
3. Cứ dựa vào Thầy để nghe thuyết giảng, tích lũy sự hiểu biết suông nên tạo thành bản ngã to lớn.
4. Học tập, thuộc nhiều, nói nhiều, đến khi hành thì sai hết. Lớp này tu tập chưa xong, lại tu lớp khác.
5. Ăn, ngủ chưa trọn vẹn.
6. Độc cư ở giai đoạn I chưa xong, lại vượt qua ở giai đoạn II, III.
7. Nhẫn nhục chưa tròn mà vội tuỳ thuận, bằng lòng là nén tâm tu sai.
8. Thiếu lòng tin ở người Thiện hữu tri thức ở gần gũi bên mình.
9. Không nghe lời dạy bảo khuyên răn của Thiện hữu tri thức thân cận.
10. Thường sống trong bản ngã, cố giữ kiến chấp, không chịu thấy và xa lìa các lỗi lầm. Thường hay tự lý luận, che đậy, tranh chấp, cãi lý, nên tâm bất an.
11. Sống thiếu lục hoà, sanh tâm ganh tị.
12. Sống độc cư sai, tạo cảnh nén tâm, ức chế không nói.
13. Tu sai, không thưa hỏi kỹ Thiện tri thức, để trở thành lối tu có hình thức bên ngoài.
14. Tình cảm người thân không chịu quán xét, xa lìa, nên tâm thường bị phân tán.
15. Khi nghe nhắc nhở, thiếu trí thông minh, không chịu thưa hỏi kỹ lại.
16. Những lỗi lầm tu sai của nhau thường che dấu.
17. Tâm luôn luôn sợ hãi, không dám chỉ mặt, vạch tên bạn đồng tu có lỗi lầm. Đó là thiếu lòng dũng cảm, không gan dạ xây dựng mình tốt, bạn tốt, tập thể tốt.
18. Không dám thẳng thắn nhận lỗi mình, chỉ lỗi người là tính hèn nhát.
19. Vị tình, thương bạn bè đồng tu, không dám chỉ lỗi là đặt tình thương không đúng chỗ.
20. Sợ bạn bè đồng tu xấu hổ vì lỗi lầm, không dám chỉ sai cho người khác sửa, đó là làm hại bạn mình, hại tập thể, hại xã hội.
21. Mỗi bữa ăn nào không giữ yên lặng để nghe lời chỉ bảo của Thiện hữu tri thức, để tu sửa thân tâm, thường tranh luận, biện lý, che đậy lỗi lầm của mình.
22. Thường nương tựa kiến thức thế gian, sanh kiến chấp, nuôi lớn ngã mạn, khinh thường người Thiện hữu tri thức trợ giúp mình tu học.
23. Không chịu nương kiến thức xuất thế gian để diệt ngã, xả tâm, kính trọng người Thiện hữu tri thức của mình.
24. Thiếu lòng tôn kính đối với người Thiện hữu tri thức nghịch duyên thân cận.
25. Không chịu động não, suy tư, làm việc để tìm ra các kiến chấp và sự tu tập sai của mình.
26. Cứ dựa vào lời giải thích lòng vòng của Thầy, mà không chịu nghe lời chỉ thẳng của cô Diệu Quang.
27. Không chịu động não, quán xét lỗi mình, tu sai trong lời chỉ thẳng của cô Diệu Quang.
28. Thấy Thầy ở xa, không thấy cô Diệu Quang ở gần. Đó là bỏ mồi, bắt bóng.
29. Nghe tiếng nói của Thầy, không chịu nghe tiếng nói của cô Diệu Quang. Đó là ôm vang, bỏ tiếng.
30. Không nghe lời chỉ thẳng của cô Diệu Quang để triển khai trí tuệ vô sư, ly dục, ly bất thiện pháp.
Do 30 nguyên nhân trên đây mà các con đã thi rớt. Và cũng nhờ sự tuyển thi này, các con được biết mình rõ hơn ở mức độ nào trong một năm tu tập.