Tóm lại hai trăm năm chục giới tỳ kheo tăng gồm có:
Bốn pháp Ba La Di.
Mười ba pháp tăng già bà thi sa (13 giới tăng tàng).
Hai pháp bất định.
Ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề (30 giới xả đọa).
Chín mươi pháp ba dật đề (90 giới đọa).
Bốn pháp ba la đề xá ni.
Một trăm pháp chúng học.
Bảy pháp diệt trách (7 giới ngăn chận sự rầy rà).
Trên đây là tổng kết danh tội và chũng tội của từng giới, sau cùng thì nêu rõ và chỉ thẳng đức giới và hạnh giới làm người và đức giới, hạnh giới làm Thánh tăng để các vị tỳ kheo y cứ vào đó giữ gìn nghiêm túc không nên vi phạm và lấy đó cử tội phán quyết xét xử những vị tỳ kheo nào phạm giới, phân định rõ ràng, kết tội cụ thể để khuyến cáo, cảnh giác không để cho những kẻ sơ hữu học nào sau này khinh thường giới luật, phá phạm giới luật.
Vả lại giới luật là những pháp môn dạy đạo đức làm người, làm Thánh nhân rất cần thiết cho loài người để thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú mà mỗi con người còn đang mang đầy thú tính hung ác và nham hiểm.
Muốn làm Thánh Tăng mà không học đạo đức giới luật, không sống đạo đức giới luật thì chẳng bao giờ làm Thánh Tăng được.
Nhìn một tu sĩ phạm giới, phá giới và bẻ vụn giới thì không thể nào gọi đó là Thánh Tăng được. Đó là bọn Ma Vương đội lốt tỳ kheo (tu sĩ Phật giáo) để làm hư hoại Phật pháp.
Cho nên, giới luật rất cần thiết cho những ai muốn làm người có đạo đức, cho những ai muốn làm bậc thánh hiền.
Giới luật cũng còn là một pháp môn dạy người tu tập trau dồi thân tâm để được giải thoát, đó là pháp môn vô lậu tuyệt vời của Đạo Phật.
Giới luật cũng còn là một pháp môn thiền định, do ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền. Bởi vậy giới luật là một pháp môn có công năng rất lớn trong sự tu tập theo đạo Phật, để đạt được cứu cánh giải thoát đến chỗ rốt ráo chấm dứt luân hồi sanh tử.
Các vị tôn túc lãnh đạo giáo hội và các chùa phải lấy giới luật làm giềng mối vững chắc cho Phật Giáo để đào tạo tăng ni và cư sĩ có tài đức, tu tập hẳn hòi có đầy đủ oai nghi tế hạnh, không riêng cho tu sĩ mà những cư sĩ cũng phải có tài đức, tu tập hẳn hòi để được đầy đủ không hề sai sót. Có như vậy mới mong Phật giáo được trường tồn trong thế gian này, mới mong làm lợi ích cho con người, bằng một đạo đức nhân bản giải thoát không làm khổ mình khổ người. Nhờ thế cải biến đời sống con người trên hành tinh này thành cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.