PHÁP THỨ VII: THẢO PHÚ ĐỊA DIỆT TRÁCH

Sao gọi là thảo phú địa diệt trách? Thảo phú địa nghĩa là không xưng nói danh tội, chủng tội, mà chỉ nói sám hối.

Nếu sự rầy rà đã diệt rồi, nếu ai sau này gợi lại phạm vào tội đọa (ba dật đề). Thảo phú địa có hai nghĩa:

1- Khi sự tranh chấp khởi lên, có một số đông người tranh chấp, và lôi cuốn theo cả chúng, xét về nguyên gốc của tội khó tìm ra manh mối, muốn để chấm dứt sự tranh chấp đó, Đức Phật cho phép theo kiểu trải cỏ che lấp, có nghĩa là khuyên lơn trong chúng nên bỏ đi để đem lại sự yên tĩnh tu hành là tốt hơn hết.

2- Có một vị thượng tọa đầy đủ đức hạnh trình bày lời nói hòa giải để dứt tranh chấp. Hai chúng phải đối diện nhau trải hết tâm can mà sám hối. Cả hai chúng đều lấy mục đích đức hạnh không làm khổ mình khổ người, để có sự hổ trợ hòa giải với nhau cho được tốt đẹp, lấy sự tu hành giải thoát làm chánh.

Sao gọi là pháp như cỏ che đất? Nghĩa là các thầy tỳ kheo tranh chấp với nhau vì hòa hợp đoàn kết, vì sự giải thoát thân tâm thanh thản và an lạc của nhau, vì ly dục, ly ác pháp, để tâm hồn được giải thoát có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.

Thảo phú địa diệt trách là pháp môn tùy thuận mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc, nên không bao giờ có sự rầy rà xảy ra.

Tỳ Ni Mẫu Kinh nói: Nếu hai thầy tỳ kheo rầy rà, muốn trừ dứt tội đó thì hai người phải thành tâm đồng sám hối tội rầy rà, chứ đừng thấy mình phải mà người khác quấy, mà phải thấy có sự rầy rà do hai người gây tạo ra, nên phải tự mình cảm thấy xấu hổ đồng xin sám hối với nhau giống như cỏ phủ trên bùn, khiến cho mọi người đi qua khỏi lấm bùn, phải thành tâm hòa hợp sám hối phủ trên các ác pháp để được sanh các thiện pháp, sau rồi mới xin sám hối phạm tội.

Luật Nhiếp dạy: Nếu kia đây chia làm hai phe, cùng nhau so đo tranh chấp tri kiến của mình là đúng rồi ỷ thế cậy quyền sanh tâm khinh mạn với nhau. Lúc bấy giờ có một thầy tỳ kheo tài đức song toàn ở giữa hai phe được mọi chúng đều kính nể, đứng ra khuyên bảo dứt rầy rà cùng nhau phải sám tội, nói lời sám hối tội về tranh chấp. Mỗi bên đều lấy tâm khiêm hạ của mình, cung kính và tôn trọng lẫn nhau đừng chống đối nhau nữa, đó là dùng pháp như cỏ trải đất mà dứt trừ?

Nếu một thầy tỳ kheo nào có đủ hai mươi hai hạnh dưới đây là người xử đoán công minh và rất bình đẳng:

1- Sống giữ gìn nghiêm túc 250 giới.

2- Trí tuệ đa văn.

3- Phải hiểu thông tạng luận.

4- Phải hiểu thông tạng luật.

5- Không gây gổ tranh chấp với ai cả.

6- Cũng không kiên nể sự tranh chấp của ai hết.

7- Chuyện đáng quở trách thì quở trách, không tư vị.

8- Chuyện đáng dạy thì dạy, không vị tình kẻ nào cả.

9- Chuyện đáng diệt tẩn xuất thì diệt tẩn xuất, không tư vị.

10- Không thương bên này.

11- Không ghét bên kia.

12- Không sợ bên nọ.

13- Không si mê bên khác.

14- Không ăn đồ ẩm thực của phái bộ bên này.

15- Cũng chẳng thọ ẩm thực của phái bộ bên kia.

16- Không thọ y, bát, tọa cụ, ống kim và chỉ của phái bộ bên này.

17- Cũng chẳng thọ y, bát, tọa cụ, ống kim và chỉ của phái bộ bên kia.

18- Không cung cấp phái bộ bên này.

19- Cũng không cung cấp phái bộ bên kia.

20- Không ở chung với phái bộ bên này, cũng không cùng đi chung vào làng.

21- Cũng chẳng cùng chung ở với phái bộ bên kia và chẳng cùng đi chung vào làng.

22- Không hứa hẹn với bộ phái bên này và cũng chẳng đến bộ phái bên kia, đến sau thì ngồi sau, không chen lấn ngồi trước (không chấp trước địa vị).

Thảo phú địa diệt trách là một đức hạnh lấy cỏ che khuất để ngăn chận các nhân quả ác, xấu.

Thảo phú địa diệt trách là một pháp môn mang đầy đủ bản chất đạo đức của thân tâm từ, bi, hỷ, xả.

Nếu thiếu tâm từ, bì, hỷ, xả, thì không thành “thảo phú địa diệt trách”, thảo phú địa diệt trách chỉ còn là một cái tên suông, không có nghĩa lý gì cả.

Thảo phú địa diệt trách là một pháp môn rất cần thiết cho những người tu sĩ Đạo Phật (tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni). Nếu ai đã học pháp thảo phú địa diệt trách thì dù ở bất cứ trong tập thể nào cũng đều được hòa hợp, đoàn kết và luôn luôn có những cuộc sống chung an vui và hạnh phúc.

Thảo phú địa diệt trách là một pháp môn mang đầy đủ bản chất đạo đức của đức hạnh tùy thuận, nhẫn nhục và bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc, nếu nó không mang đầy đủ bản chất đạo đức đó thì “thảo phú địa” chỉ là một pháp môn mang danh từ hình thức rỗng tuếch, chẳng có nghĩa lý gì cả.

Tóm lại, bảy pháp ngăn chận sự rầy rà chia rẽ là bảy pháp dạy về đạo đức làm người rất cần cho sự sống chung trong những tạp thể như: gia đình, xã hội, giáo đoàn, tăng đoàn và tất cả mọi đoàn thể khác.