Đây là bảy pháp diệt trách, xưa các Tổ rút ra từ trong giới kinh để diệt trừ dứt khoát mọi việc xảy ra giữa chúng tăng:
Bảy pháp diệt trách này có công năng và mục đích giải quyết bốn cách rầy rà thường xảy trong chúng tăng như sau:
1- Lời nói rầy rà.
2- Tìm lỗi rầy rà.
3- Phạm tội rầy rà.
4- Việc rầy rà.
Sao gọi là lời nói rầy rà? Tỳ kheo với tỳ kheo tranh luận hơn thua sanh ra rầy rà, nói to tiếng với nhau (pháp, phi pháp).
Sao gọi là tìm tội rầy rà? Tỳ kheo này cùng tỳ kheo khác tìm tội gây ra ba sự việc:
1- Phá giới.
2- Phá chánh kiến.
3- Phá oai nghi. (thấy, nghe và nghi tội).
Sao gọi là phạm tội tướng rầy rà? Phạm tội tướng rầy rà có bảy thứ tội:
1- Ba la di.
2- Tăng tàng.
3- Ba dật đề.
4- Hối quá pháp.
5- Thâu lan giá.
6- Ác tác.
7- Ác thuyết.
Sao gọi là việc rầy rà? Việc rầy rà có hai:
1- Trong lời nói rầy rà kéo dài ra.
2- Trong việc tìm lỗi rầy rà, bươi móc ra.
Chú thích: Thân phạm gọi là ác tác; khẩu phạm gọi là ác thuyết.
Vậy bảy pháp ngăn chận rầy rà là gì? Bảy pháp ngăn chận rầy rà là bảy pháp ngăn chận để giải quyết sự tranh chấp của chúng tỳ kheo, phải như pháp, như luật, như lời Phật dạy, để diệt trừ lời tranh cãi đó. Việc tranh chấp gồm có bốn loại:
1- Ngôn trách.
2- Mích trách.
3- Phạm trách.
4- Sự trách.
Bốn sự tranh chấp này đã được dịch sang Việt ngữ từ trong Hán Tạng, để được mọi người Việt Nam nghiên cứu dễ dàng qua Việt ngữ.
Bảy pháp diệt trách này, một vị trụ trì cần phải học tập, biết cho rõ ràng, để hướng dẫn mọi người đang tu hành dưới quyền lãnh đạo của mình, nếu có những sự việc rầy rà xảy ra, nhờ đó biết cách giải quyết và phân xử trong tập thể chúng tăng, để tạo cuộc sống tăng đoàn hòa hợp, khiến cho mọi người càng tin tưởng Phật Pháp hơn.
Nếu một vị trụ trì mà không thông bảy pháp ngăn chận này thì khó mà lãnh đạo tập thể chúng tăng được, và không bao giờ có sự hòa hợp trong tăng đoàn.
Bảy pháp này rất quan trọng cho tăng đoàn, nó có tầm vóc quyết định và xử lý chúng tăng có tu tập hay không tu tập được, có hòa hợp hay không hòa hợp, có đạo đức hay không có đạo đức đều là nhờ ở bảy pháp này.
Vậy những ai là người đang và sắp sửa lãnh chúng thì phải thông suốt bảy pháp này và còn phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, nếu giới luật chưa nghiêm chỉnh mà lãnh chúng, thì coi chừng sẽ bất an trong chúng và điều khiển chúng không được.
Đừng tưởng lãnh chúng tu học là dễ dàng, mà phải có một kỷ luật rõ ràng sắc bén, kèm theo với sự cương quyết mạnh mẽ khi cần thiết, không được để tình cảm xen vào lúc áp dụng kỷ luật với những tu sĩ thiếu đạo đức và không cải hối những lỗi lầm.
Bởi làm một vị lãnh đạo chúng không đơn giản, nếu không thông và không sống đúng giới luật thì cũng khó điều khiển chúng tu học tốt, và trong chúng có nhiều điều phức tạp xảy ra khiến cho phật tử và người ngoài đời khinh chê Phật Pháp, đó là một điều tội lỗi hết sức. Vậy các vị làm trụ trì hãy đề cao cảnh giác để làm tốt Phật Giáo.
Kính ghi
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Ngày 16-9-1999