Giới thứ chín mươi lăm: KHÔNG NÊN TÚI ĐỰNG BÁT XỎ ĐẦU GẬY QUẢY TRÊN VAI ĐI

Người tu sĩ Đạo Phật là người học tập, tu sửa rèn luyện đạo hạnh buông xả tất cả, chỉ còn ba y một bát và một vài vật dụng cần thiết cho đời sống du tăng khất sĩ, nên lúc nào cũng phải gọn gàng, bát và đồ vật dụng cần thiết đều phải đặt trọn trong túi bát, ngoài vấn y thượng phủ kín, nên trông rất gọn gàng, không bề bộn, thì có của cải đâu lại quảy xách, mang, v.v...

Người tu sĩ đi đâu cũng mang xách quá nhiều là không đúng đạo hạnh của một vị tỳ kheo Đạo Phật. Đồ đạc quá nhiều không đúng đức hạnh buông xả, đi đâu cũng làm vướng bận nhọc nhằn khổ sở, sao gọi là giải thoát? Đời sống của một du tăng khất sĩ bị trói buộc bởi những đồ vật (hữu tham kiết sử), thì du tăng khất sĩ làm chi cho mệt, thà làm trụ thế tăng như các vị tỳ kheo Đại Thừa, dính mắc thì cho dính mắc luôn, để thực hiện một nghề sống trao đổi bằng cách cúng bái, tụng, niệm, thuyết giảng, làm bùa, niệm chú trị bịnh, v.v...

Người đời đi đâu thì quảy mang cồng kềnh trên vai, người tu sĩ chỉ mang một túi đựng bát, y và đồ vật dụng hằng ngày như kim chỉ, tọa cụ, bột giặt, dầu gió ngừa nắng mưa, v.v...

Túi đựng bát mà xỏ đầu gậy mang đi thì trông giống như người thế tục, cho nên hình ảnh một tu sĩ quảy bát đi, trông mất vẻ đạo hạnh, khiến người hiểu biết khinh chê.

Đời sống một vị tỳ kheo đệ tử Phật, phải thiểu dục tri túc nên rất gọn gàng, giản dị, đơn thuần, khi ở cũng như khi đi. Đời sống thiểu dục, tri túc chỉ có ba y, một bát mà thôi, đó là đời sống của những bậc Thánh Tăng. Đời sống của những bậc Thánh Tăng không thể người phàm phu thường tình mà sống được; đời sống buông xả; đời sống không dính mắc; đời sống ly dục ly ác pháp; đời sống như vậy mới gọi là đời sống đạo hạnh của bậc chơn tu giải thoát.

Lấy gậy xỏ túi bát mang đi là một hành động không đúng đạo hạnh của người tu sĩ Đạo Phật, cần nên tu sửa trở lại cho đúng. Nếu buông xả được thì buông xả cho thật sạch, để thực hiện cho đúng đời sống của một vị tỳ kheo đệ tử Phật, bằng không buông xả được thì nên sống đời sống cư sĩ còn tốt hơn, chứ đừng làm hình tướng tu sĩ mà có của cải tài sản quá nhiều, thì không thể nào gọi đó là tu sĩ Đạo Phật.