Giới thứ chín mươi ba: KHÔNG NÊN NẮM TAY ĐI NGOÀI ĐƯỜNG

Trên đường đi, hai Thầy tỳ kheo không được nắm tay đi song song, đi như vậy giống như người ngoài đời, làm cản trở sự đi lại của người khác, dù có bạn bè, thâm tình, thân mến cũng không nên vừa đi song song vừa nói chuyện với nhau, đó là hành động đi đường không đúng đạo đức tư cách làm người.

Đi ngoài đường hai người đi song song nhau có thể dễ dàng gây tai nạn giao thông, cản trở sự đi lại của những người khác, không những làm khổ cho mình mà còn làm khổ cho nhiều người khác nữa.

Đi ngoài đường người nào đi trước là đi trước, và người đi sau thì phải đi sau, không được vượt qua mặt, không được đi song song hoặc vừa đi vừa nắm tay nhau, đi như vậy làm cản trở sự lưu thông người qua kẻ lại, có khi gây ra tai nạn làm ùn tắc cả một đoạn đường. Người làm cản trở sự lưu thông là người thiếu đạo đức nhân quả, thường làm khổ mình và khổ bao nhiêu người khác.

Đạo đức nhân quả không cho phép chúng ta đi song song nhau trên đường, đi như vậy dễ gây ra tai nạn lưu thông, làm ùn tắc đường đi khiến cho mọi người và cũng chính mình chịu khổ đau. Đối với đạo đức nhân quả của Đạo Phật, kẻ nào làm một hành động khiến cho người khác khó chịu, khổ nhọc, đau đớn, bịnh tật hoặc gây ra tai nạn làm bị thương tích gẫy tay, gẫy chân, v.v... cũng như có những kẻ nào nói hoặc làm một hành động thiếu lịch sự, thô lỗ, khiến cho người khác bất mãn, tức giận, khó chịu, đó cũng là người thiếu đạo đức làm người.

Bởi, một hành động không có đạo đức, khi trên đường lưu thông bị ùn tắc mà cứ chen lấn tiến lên, gây ra ùn tắc lại còn ùn tắc hơn, đó là những người thiếu giáo dục đạo đức, tự làm khổ mình và khổ người, nhất là những người cảnh sát giữ gìn trật tự lưu thông lại phải quá vất vả và khổ nhọc, để giải tỏa những người vô đạo đức cứ chen lấn làm cho càng lúc càng nghẽn lối đi hơn.

Người đi đường hay vượt qua mặt nhau bằng xe hay đi bộ, và đi không đúng luật lệ giao thông, thường gây ra tai nạn làm chết người, làm cản trở sự lưu thông, đó là những người vô đạo đức. Người vô đạo đức giống như một bầy bò đi trên đường, chen lấn làm ùn tắc một đoạn đường khiến cho không ai đi qua lại được, rất là khổ sở, chỉ còn nhờ người chăn bò dùng roi gậy đánh vẹt chúng qua một bên. Người đi đường mà không có đạo đức về lưu thông để cảnh sát giao thông đuổi dẹp thì có khác chi đàn bò kia.

Lái xe hoặc đi bộ không đúng luật đi đường thường gây tạo ra án mạng lưu thông, đem đến cho mình khổ người khác khổ, đó là người vô đạo đức.

Đối với đạo đức của Đạo Phật, người đi đường hoặc lái xe phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ cũng như đường thủy, không được đi sai luật, vì đi sai luật là người vô đạo đức sẽ làm khổ mình khổ người.

Người ta soạn thảo ra luật giao thông, nhưng người ta không dạy đạo đức giao thông, thì dù có một đội cảnh sát ngày đêm canh gác mọi trục lộ giao thông, nhưng người ta vẫn đi trái phép giao thông như thường.

Nếu không giáo dục đạo đức lưu thông, thì dù có dùng mọi biện pháp phạt vạ, người ta vẫn phạm luật lệ giao thông, như thường bằng chứng hiện giờ trên các đường phố trong đô thành và mọi thị xã, v.v...

Cho nên giới luật Phật dạy cách thức đi đường phải nghiêm trang tề chỉnh, không được đi song song, vượt qua mặt, hoặc chen lấn khi đường bị ùn tắc, đó là một đạo đức giao thông mà người đệ tử của Đức Phật phải nghiêm chỉnh thi hành không được vi phạm, để xứng đáng làm người và không phụ lời dạy bảo của Ngài.