Giới thứ tám mươi ba: KHÔNG NÊN HỈ, KHẠC, NHỔ XUNG QUANH GIẢNG ĐƯỜNG

Hán ngữ; chữ “thế” chỉ cho cái nhớt ở trong lỗ mũi; chữ “thé” chỉ cho đàm ở trong miệng; chữ “để”, chỉ cho nước mắt trong con mắt.

Những loại nước này là những loại nước bất tịnh trong thân, khi bài tiết ra ngoài tỏa ra mùi hôi thúi. Vì lòng tôn trọng và cung kính pháp bảo ta không nên hỉ, khạc, nhổ gần nơi giảng đường.

Giới này dạy về đức hạnh vệ sinh như các giới khác ở trên, nhưng ở đây chỉ sự vệ sinh tổng quát hơn, danh từ “xung quanh” giảng đường là chỉ cho nơi tập họp nhiều người, nghĩa là chỗ nào có đông người thì không được hỉ, khạc, nhổ. Giống như các giới trên đã dạy, chỗ nào đông người mà hỉ, khạc, nhổ là một hành động thiếu đạo đức lịch sự thứ nhất; chỗ nào đông người mà hỉ, khạc, nhổ là thiếu đạo đức vệ sinh thứ hai. Tất cả những hành động trên đây đều do thiếu lòng cung kính và tôn trọng mọi người mà ra.

Một giới luật mà dạy chúng ta rất nhiều đức hạnh làm người, nếu chúng ta thực hiện như trong giới luật đã dạy thì chúng ta là những người có đạo đức, có đạo đức thì chúng ta mới thoát khỏi những bản chất của loài cầm thú. Loài cầm thú không thể nào có những hành động lịch sự, vệ sinh, cung kính và tôn trọng lẫn nhau như chúng ta được. Cho nên muốn ra khỏi bản chất loài cầm thú chúng ta nên cố gắng giữ gìn những đức hạnh này, để chúng ta là con người xứng đáng thật là con người. Làm con người có đạo đức mới xứng đáng làm con người, con người có đạo đức làm người rồi mới tiến lên tu học đạo đức làm bậc Thánh Nhân. Con người thiếu đạo đức mà muốn làm Thánh, Phật, Tiên thì làm sao được? Con người không đạo đức thì chỉ có làm Quỷ Vương, Ma Vương, Quỷ La Sát và ác thú mà thôi.

Nói đến Thánh, Phật, Tiên là phải nói đến đạo đức và đức hạnh, chứ không phải nói đến Thánh, Phật, Tiên là nói đến thần thông phép tắc siêu việt, cũng không phải nói đến sở học có cấp bằng cao, và cũng không phải nói đến thiền định sâu mầu, ngồi thiền nhập định đôi ba ngày.

Người đời thường lầm tưởng kẻ nào có thần thông phép tắc, ngồi thiền nhập định năm bảy ngày, hoặc một, hai tháng là Phật, Thánh, Tiên, người ta quên rằng Phật, Thánh, Tiên ngoài thần thông phép tắc siêu việt, ngồi thiền nhập định năm bảy ngày, một tháng hoặc 2, 3 tháng, còn có những hành động đạo đức, đức hạnh hơn cả Trời, Người. Nhưng thần thông phép tắc không phải là những điều đáng cho chúng ta quan tâm, nó chỉ là trò ảo thuật của bọn Ma Vương thường dùng để lừa đảo và lường gạt mọi người.

Dưới đây là một câu chuyện mà các nhà Đại Thừa dùng để nhiếp phục và lừa đảo người theo tôn giáo của mình bằng thần thông.

Trong kinh sách Đại Thừa có một câu chuyện tiền thân Đức Phật. Khi Ngài đang ngồi thiền dưới cội cây, có một nhà vua đi săn và đuổi theo một con nai, con nai chạy núp sau lưng Đức Phật. Nhà vua đuổi đến hỏi: “Ông ngồi tu hành ở đây có thấy con nai chạy ngang qua không?”

Đức Phật làm thinh, nhà vua hỏi ba lần mà không thấy Đức Phật trả lời, nên tức giận nhà vua chặt hai cánh tay và khoét mắt Đức Phật. Khi hành động tàng bạo và hung ác xong, nhà vua hả cơn giận mới hỏi Đức Phật: “Tôi đã chặt tay và khoét mắt ông, ông có giận hờn, thù ghét tôi không?” Đức Phật đáp: “Tôi chẳng có thù oán, giận hờn nhà vua, nếu tôi có giận hờn, thù oán nhà vua thì mắt, tay của tôi sẽ không dính liền lại được nữa, còn nếu không giận hờn, thù oán thì mắt tay tôi sẽ liền lại như xưa”. Ngay khi lời nói của Đức Phật xong thì mắt tay của Ngài đều liền lại như không bị thương tích gì cả. Lúc bây giờ nhà vua quá kinh sợ, quỳ phục dưới chân Phật xin sám hối.

Đó là một hành động nhiếp phục người theo giáo pháp mình bằng thần thông. Nhà vua chỉ bái phục Đức Phật ở thần thông chớ không bái phục ở đức hạnh của Ngài.

Nhiếp phục người khác bằng thần thông là vô đạo đức, cũng như người mạnh dùng sức để uy hiếp người yếu, người yếu khuất phục nhưng trong lòng không chân thật khuất phục.

Luận về đạo đức như câu chuyện trên, hành động làm thinh của Đức Phật là một hành động thiếu đạo đức mà còn có vẻ ngạo mạn, khinh rẻ người khác, ỷ mình có thần thông. Không trả lời người khác tức là không có đạo đức, vô lễ đối với người khác, cũng chính vô lễ đối với mình. Đạo đức làm người không cho phép chúng ta vô lễ như vậy.

Còn bảo rằng cần phải dùng thần thông để nhiếp phục nhà vua thì thần thông chỉ là một trò ảo thuật làm cho người ta khiếp sợ hơn là dạy người ta trở nên một người tốt, một người có đạo đức. Nhiều khi dùng thần thông dạy người ta những điều làm ác như câu chuyện trên, Đức Phật đã dạy nhà vua làm điều ác (chặt tay khoét mắt).

Cho nên câu chuyện Đức Phật và nhà vua ở trên tu hạnh nhẫn nhục, tu hạnh nhẫn nhục như vậy tức là nhẫn nhục phi đạo đức, nhẫn nhục tạo cho người khác làm điều ác (chặt tay khoét mắt). Đạo đức nhân quả của Đức Phật không chấp nhận sự nhẫn nhục đó, nhẫn nhục đó làm khổ mình khổ người, không đúng giới luật đức hạnh và đạo đức nhân quả của Đức Phật.