Giới thứ tám mươi hai: KHÔNG NÊN HỈ KHẠC TRƯỚC GIẢNG ĐƯỜNG

Khạc, hỉ, nhổ bừa bãi là những hành động thiếu đạo đức vệ sinh làm mất lịch sự của con người, gây môi trường ô nhiễm xung quanh. Người lịch sự không bao giờ có những hành động thiếu đạo đức như vậy, khi khạc, hỉ, nhổ rất dè dặt, cẩn thận và ý tứ có nơi, có chỗ hẳn hòi.

Vì muốn giữ vệ sinh chung cho mình và cho mọi người, nên khi khạc, hỉ, nhổ phải có nơi, có chỗ kín đáo và tránh truyền nhiễm bịnh cho người khác. Vì lợi ích chung, nói đến khạc, hỉ, nhổ, người tu sĩ Phật giáo phải dè dặt, cẩn thận không được đụng đâu, bạ đó khạc, hỉ, nhổ ngoài đường, bên hè phố, sông, rạch, hồ, ao, nơi có đông người ở, v.v... phải tránh xa những nơi đó khi muốn khạc, hỉ, nhổ.

Khạc, hỉ, nhổ là một hành động mà có hai việc xảy ra cần phải cẩn thận, không khéo léo sẽ trở thành người mất đạo đức vệ sinh và lịch sự.

1- Không giữ gìn hỉ, khạc, nhổ bậy bạ sẽ trở thành người thiếu đức hạnh vệ sinh.

2- Không khéo léo giữ gìn hỉ, khạc, nhổ bậy bạ sẽ trở thành người thiếu đạo đức lịch sự.

Là con người cần phải có những hành động lịch sự đối xử với nhau một cách rất thành thật, đừng khéo lịch sự bên ngoài mặt mà bên trong đầy thủ đoạn và đầy lòng nham hiễm, đó là những hành động lịch sự giả dối thiếu đạo đức. Có nhiều cách lịch sự giả dối như sau:

1- Giữ gìn những hành động vệ sinh trước mặt mọi người khi hỷ, khạc, nhổ chỗ kín đáo, khiến cho mọi người không ghê tởm, nhưng khi không có ai thì hỉ, khạc, nhổ bừa bãi, đó là đạo đức vệ sinh giả.

2- Không đúng mà dùng lời khen tặng nịnh bợ là một hành động lịch sự nhưng thiếu đạo đức chân thật.

3- Dùng lời nói xấu ác kẻ khác là hành động thiếu đạo đức lịch sự mà còn là hành động ác.

Từ hành động khạc, hỉ, nhổ trước giảng đường, ta suy rộng ra để thấy được những điều Đức Phật đã dạy: “Đạo Đức và Lịch Sự”.

Con người thời đại hiện đại hóa cuộc sống mà chúng ta gọi là văn minh. Kể ra thời đại chúng ta là thời đại khoa học hiện đại thì lẽ ra đạo đức của chúng ta phải hơn đạo đức trong thời Đức Phật. Thế mà đạo đức của chúng ta hiện giờ không bằng đạo đức của thời Đức Phật ngày xưa.

Đến bây giờ thời đại văn minh, khoa học tiến triển, chúng ta mới nhận thấy được thảm họa môi truờng sống ô nhiễm, nên toàn thế giới người ta kêu gọi con người trên hành tinh này hãy giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thì rõ ràng giới luật của Phật ngày xưa đã dạy đạo đức vệ sinh môi trường sống vượt không gian và thời gian, đến bây giờ còn phù hợp và đúng lúc để quân bình đạo đức và khoa học, khiến cho loài người không bị hủy diệt bởi nền kinh tế khoa học hiện đại.