Nước mũi, đờm và nước miếng tuy ở trong miệng, mũi của chúng ta, nhưng lại rất bất tịnh, khi hỉ, khạc, nhổ ra ngoài, mũi hôi thúi của nó cũng làm cho mọi người khó chịu, khi nghe tiếng hỉ, khạc, nhổ khiến chúng ta rất là ghê tởm, nên khi khạc, hỉ, nhổ phải có nơi, có chỗ kín đáo, không được hỉ, khạc, nhổ trước mặt mọi người, đó là một hành động thiếu đạo đức cung kính, lịch sự và vệ sinh.
Giảng đường là nơi tập trung đông người để nghe pháp, nếu chúng ta hỉ, khạc, nhổ phía dưới giảng đường là một việc làm hết sức mất vệ sinh, khiến cho môi trường sống chung ô nhiễm. Trong nước mũi, đờm, nước miếng của chúng ta có rất nhiều vi trùng, khi khô bốc lên thành bụi, bụi ấy có vi trùng các bịnh truyền nhiễm xâm nhập vào cơ thể người khác bằng đường hô hấp, gây ra nhiều thứ bịnh nan y, khiến cho mọi người đau khổ. Từ hành động thiếu đạo đức vệ sinh đưa đến hành động thiếu đạo đức nhân quả làm khổ mình khổ người.
Cho nên hành động thiếu đạo đức vệ sinh và hành động thiếu đạo đức nhân quả chỉ là một; hành động đạo đức thiếu vệ sinh được xem là hành động ác trong đạo đức nhân quả, nó luôn luôn được loại trừ. Những điều này chúng ta cần phải học cho kỹ, để thấu suốt lý đạo đức nhân quả mà không còn lầm lạc.
Đức Phật dạy không được hỉ, khạc, nhổ dưới giảng đường có nghĩa không được hỉ, khạc, nhổ phía dưới chỗ đông người. Hỉ, khạc nhổ như vậy làm mất vệ sinh chung khiến mọi người bị lây bịnh truyền nhiễm, tức là mình đã gieo nhân ác gây đau khổ cho người.
Hiện giờ mọi người vô tình sống thiếu đạo đức vệ sinh, đã gây nên biết bao nhiêu sự hao tiền, tốn của và đau khổ cho người khác, nhưng chẳng hề có ai lưu ý và quan tâm đến để hiểu biết bao nỗi thống khổ của kiếp làm người. Bao nỗi thống khổ này tạo ra chính là con người, phần nhiều không học và không hiểu đạo đức, nên do ăn ở thiếu đức hạnh vệ sinh.