Giới thứ bảy mươi tám: KHÔNG NÊN XỈA RĂNG TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG

Miệng dùng để ăn, để nói, nhưng nó cũng là nơi bất tịnh thường bốc mùi hôi thúi, vì nó thường tiếp nhận thực phẩm, khi thực phẩm dính ở kẽ răng sinh ra mùi hôi khó chịu, nếu không xúc miệng và xỉa răng thì sẽ sanh ra bất tịnh, khiến cho mọi người xung quanh tiếp duyên với mình lấy làm khó chịu.

Vì cung kính, tôn trọng pháp bảo và mọi người, nên ở nơi giảng đường người tu sĩ Phật Giáo không được xỉa răng, vì xỉa răng sẽ làm mùi hôi trong miệng bay vào nơi thuyết pháp, khiến bầu không khí nơi đó không trong sạch, bất tịnh nơi mà mọi người tập trung đông đảo để nghe pháp.

Vấn đề xỉa răng là một vấn đề phụ, nhưng đạo đức vệ sinh và phép lịch sự về vệ sinh mới là vấn đề chính. Về vấn đề vệ sinh không cho phép chúng ta làm tất cả hành động mất vệ sinh ở chỗ đông người. Cho nên việc vệ sinh đúng cách là phải ở nơi kín đáo, dù là việc xỉa răng cũng phải vào phòng tắm hoặc phòng riêng hoặc thất riêng của mình, không được ở chỗ đông người, nơi công cộng.

Làm vệ sinh miệng tức là xúc miệng, xỉa răng thì phải có nơi, có chốn của nó, không được đụng đâu xỉa răng hay xúc miệng ở đó, vì miệng là nơi bất tịnh như trên đã nói.

Thường người ta giữ vệ sinh miệng không đúng nơi, đúng chỗ, ngồi trong bàn ăn khi ăn xong người ta lấy tăm xỉa răng tại bàn ăn, giữa đám đông người, làm vệ sinh miệng như vậy là thiếu đạo đức về phép lịch sự vệ sinh, trông cử chỉ xỉa răng quá thô lỗ, có người khi xỉa răng lại còn phun cặn bả thực phẩm hoặc cơm trong miệng, trông rất là bẩn thỉu nơi ăn uống, nơi tiếp khách; có người lấy tay che miệng để xỉa răng nhưng trông cũng không đẹp mắt lắm, vì đã làm mất vệ sinh nơi ăn, chỗ uống và chỗ đông người. Đối với Đạo Phật, người xỉa răng nơi trang trọng tôn nghiêm thuyết pháp, nơi thờ Phật, nơi bàn ăn, nơi tiếp khách, là người làm mất vẽ thẩm mỹ, vì làm vệ sinh miệng không đúng chỗ, người ta trông thấy đánh giá trị người này thiếu đức hạnh lịch sự về vệ sinh.

Giới cấm xỉa răng nơi giảng đường, chúng ta nên suy rộng ra thì mới thấy ý nghĩa của giới luật này. Nó dạy cho người đệ tử của Phật về đức hạnh cung kính, tôn trọng, lịch sự và vệ sinh làm người. Vì làm người phải học những đức hạnh này để đối xử với nhau không làm khổ mình khổ người, thì mới là con người, còn ngược lại là thú vật.

Nếu không tu theo Đạo Phật thì thôi, mà đã tu theo Đạo phật thì tất cả những giới luật dạy về đạo đức làm người, làm Thánh Nhân thì chúng ta hãy cố gắng rèn luyện, trau dồi, tu tập, để ngày ngày chúng ta tìm thấy sự giải thoát thực tế, cụ thể trong kiếp sống làm người.