Giới này cũng giống như hai giới trên, không được thiêu tử thi trước, sau và xung quanh giảng đường làm ô nhiễm, hôi thúi, bất tịnh nơi giảng đường nghe pháp tu học của tăng, ni và cư sĩ.
Học về giới luật Phật, phần nhiều đức hạnh về vệ sinh Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khiến cho chúng ta phải chú ý và phải ý tứ rất nhiều về đức hạnh vệ sinh.
Vệ sinh là một điều cần thiết cho đời sống con người. Ăn ở thiếu vệ sinh sẽ sanh ra bịnh tật dễ dàng, đưa đến tai họa rất khổ đau.
Hiện giờ trên thế giới nước nào giữ vệ sinh môi trường sống được trong sạch là nhờ có một đội cảnh sát trừng phạt lập biên bản những người dân thiếu vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường sống, thì nước ấy mới được sạch sẽ, nhưng đó là một sự bắt buộc, chứ không phải là con người ý thức được đạo đức vệ sinh của mình.
Theo chúng tôi thiết nghĩ, muốn giữ vệ sinh chung cho môi trường sống của một đất nước nói riêng, của thế giới nói chung, thì trước tiên phải được giáo dục cho mỗi người dân ý thức được đạo đức vệ sinh có lợi như thế nào? Và không có đạo đức giữ vệ sinh thì có hại như thế nào? Nếu chỉ dùng một đội cảnh sát biết phạt vạ rất nặng cho những người dân nào không giữ vệ sinh, thì mới mong mọi người sẽ giữ được vệ sinh môi trường sống chung, như vậy việc làm này còn một sự thiếu khuyết rất lớn, cần phải được bổ túc thêm, tức là phải được thêm phần giáo dục cho mọi người dân tự ý thức được đạo đức vệ sinh có lợi ích rất lớn cho mình và cho mọi người. Nhà nước chỉ cần giúp cho mọi người dân học tập về đạo đức vệ sinh, thì đội cảnh sát sẽ đỡ trừng phạt họ rất nhiều.
Đạo đức của một người biết giữ vệ sinh chung là đạo đức cao thượng và ích lợi nhất cho xã hội loài người. Đó là một thứ đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người, mà Đức Phật đã đề xuất dạy người cách đây 2543 năm, mãi cho đến thời đại khoa học hiện đại hóa của chúng ta mới được nhắc đến.
Tại sao vậy?
Tại vì làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống sinh ra nhiều bịnh tật, khiến sự tử vong biết bao nhiêu người phải chịu.
Ví dụ: một người bịnh bị lao phổi, khạc đờm nhổ trên lối đi, khi đờm khô, loại vi trùng lao ở trong đó bay trong không khí, người khác hít vào, do đó bị truyền nhiễm bịnh lao, nếu vi trùng lao đó đã kháng thuốc, thì người bịnh nhân chỉ còn chờ chết mà không thuốc trị. Đó là chúng ta thiếu đạo đức vệ sinh làm khổ và giết hại người khác bằng sự thiếu hiểu biết về đạo đức nhân quả.
Khi ta ném một con vật chết như chuột, mèo, rắn, v.v... chúng để lại một mùi hôi thúi, ai đi ngang qua cũng lấy làm khó chịu, phải ngửi mùi hôi thúi đó, đó là một việc làm ô nhiễm môi trường, việc làm đó không có đạo đức vệ sinh đã làm khổ mình khổ người khác. Vì vậy chúng ta cần phải học và giữ gìn đạo đức vệ sinh để không làm khổ mình khổ người.
Cho nên, trong giới luật Đức Phật dạy không được thiêu tử thi xung quanh giảng đường, nếu thiêu tử thi xung quanh giảng đường thì mùi hôi thúi sẽ làm cho mọi người khó chịu, đó là chúng ta đã đánh mất đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người. Người giữ vệ sinh là người giữ gìn đạo đức tốt đẹp cho mình, tạo cảnh giới an vui cho mình cho người cùng sống; tạo bầu không khí trong lành cho mình cho người cùng nhau thọ hưởng.
Muốn được vậy, hằng ngày chúng ta luôn giữ gìn đạo đức vệ sinh môi trường sống, dù bất cứ chỗ nào chúng ta cũng thực hiện cho bằng được, ai làm nhơ bẩn nhưng riêng chúng ta quyết tâm không làm nhơ bẩn. Hành động quyết tâm đó là một gương sáng đạo đức vệ sinh cho mọi người soi.