Giới thứ sáu mươi lăm: KHÔNG NÊN MANG HIA ĐI VÀO GIẢNG ĐƯỜNG

Vị tỳ kheo cần phải giữ oai nghi tế hạnh, luôn luôn tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo, không được mang hia, giày, dép, guốc đi vào giảng đường, nơi Đức Phật đã từng thuyết pháp. Giới luật đã cấm như vậy thì vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni cần phải giữ gìn nghiêm túc để làm gương tốt cho hàng cư sĩ bắt chước.

Với đạo Phật, đức hạnh cung kính và tôn trọng không những dành riêng pháp bảo như các giới trên đã dạy mà còn đối với tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh, đều phải có sự tôn trọng cung kính bình đẳng như nhau, dù cho con kiến, côn trùng là loài vật nhỏ mọn, nhưng chúng vẫn có sự sống như chúng ta thì chúng ta phải có sự cung kính và tôn trọng sự sống ấy như nhau, không được giết hại một cách vô cớ.

Vì chúng ta lúc nào cũng cung kính và tôn trọng sự sống của mình thì không lẽ nào lại không có lòng cung kính và tôn trọng sự sống của người khác và loài vật khác sao?

Ở đời con người thường cung kính và tôn trọng sự sống của mình mà lại chà đạp lên sự sống của người khác, loài vật khác, bằng chứng cuộc sống chúng ta hiện giờ là vậy, nếu không có pháp luật nhà nước bảo vệ thì cuộc sống của con người sẽ tan nát, nếu ai đã từng đọc báo Công An thì sẽ rõ.

Loài thú vật không có đức hạnh tôn trọng và cung kính nên chấp vào cuộc sống của chúng, vì thế chúng giết hại và ăn thịt lẫn nhau, chà đạp lên nhau để mà sống. Còn loài người chúng ta có trí thông minh, hiểu biết phân biệt phải trái, trắng đen, tốt xấu, thiện ác, biết sửa đổi, biết cải hối, biết lỗi lầm và biết tu sửa lại thân tâm.

Con người cũng chỉ là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, nhưng con người, vì còn biết sửa sai, biết tôn trọng và cung kính cái đúng, cái phải; biết xa lìa cái xấu, từ bỏ cái ác; biết nhận cái tốt, cái thiện, nên con người luôn luôn trau dồi tu sửa thân tâm, thực hiện hành động đạo đức không làm khổ mình khổ người, nhờ đó con người mới vượt thoát ra khỏi loài cầm thú.

Vì thế trong cuộc sống, đạo đức rất cần thiết cho con người, nó giúp cho đời sống con người có ba điều lợi ích, thiết thực, cụ thể hoàn toàn giải thoát:

1- Thoát ra khỏi bản năng thú vật.

2- Biết sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

3- Đem lại cuộc sống cho loài người và loài vật một sự sống an lành, thanh bình cho nhau.

Nếu một người có tâm tha thiết tìm cầu sự bình an cho mình, cho người và cho muôn vật thì đức hạnh cung kính và tôn trọng rất cần thiết và quan trọng đối với họ, nó mang đến cho họ một cuộc sống của con người và của loài động vật trên hành tinh này một sự sống bình an yên lành vô cùng to lớn.

Là con người ai ai cũng phải tu tập, rèn luyện và trau dồi đạo đức để cho mình xứng đáng là con người hơn loài thú vật.