Giới thứ sáu mươi bốn: KHÔNG NÊN MANG GIÀY DÉP ĐI NHIỄU QUANH GIẢNG ĐƯỜNG

Đi nhiễu xung quanh giảng đường bên trái hoặc bên mặt. Đi nhiễu quanh có hai ý:

1- Một là con đường đi chung quanh giảng đường.

2- Hai là đi quanh giảng đường để tỏ lòng cung kính, nơi thuyết giảng pháp của Đức Phật.

Đi nhiễu quanh có 2 cách:

1- Đi vòng quanh bên hữu, tức là đi vòng quanh về phía bên tay mặt, đi như vậy là tốt, đúng cách đi nhiễu quanh.

2- Đi vòng quanh bên tả, tức là đi vòng quanh về phía bên tay trái, đi như vậy là xấu, sai, không tốt, không đúng cách.

Thường đi nhiễu quanh là phải đi ba vòng, để tiêu biểu chỉ cho ba ngôi Tam Bảo, theo giáo pháp tưởng giải của Đại Thừa có nghĩa là đi như vậy trừ tam độc (tham, sân, si), tịnh tam nghiệp (thân, miệng, ý), diệt tam ác đạo (súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục). Điều đó chỉ là một sự tưởng tượng của Đại Thừa Giáo mà thôi, chúng tôi đã từng sống đúng giới luật, không hề sai phạm một lỗi nhỏ, thế mà trừ tam độc, tịnh tam nghiệp còn gian nan khó khăn hết sức, ngày ngày còn phải rèn luyện pháp như lý tác ý để tạo thành một đạo lực giải thoát mới diệt sạch tam độc, tịnh tam nghiệp mới nổi, chứ đâu phải đi như vậy là trừ tam độc, tịnh tam nghiệp được, đó là xảo ngôn lừa đảo của Đại Thừa Giáo.

Còn nói về sự cung kính và tôn trọng đối với mọi người, gồm có 9 pháp kỉnh:

1- Đồng thời thăm hỏi, nghĩa là khi chúng ta hỏi thăm sức khỏe hoặc hỏi thăm về công ăn việc làm, hỏi thăm về con cái trong gia đình của người khác, đó là sự cung kính và tôn trọng người thứ nhất.

2- Cúi đầu bái kỉnh, nghĩa là chúng ta gặp người khác dù người trưởng thượng hay là những người bằng chúng ta hoặc trẻ con nhỏ hơn ta, ta đều cúi đầu bái kỉnh đó là sự cung kính và tôn trọng người khác thứ hai.

3- Dở tay xá, nghĩa là đưa tay vẫy chào khi ở xa, nếu đối diện nhau bắt tay nhau như người Âu Mỹ (Bonjour) đó là sự cung kính và tôn trọng chào hỏi lẫn nhau thứ ba.

4- Chấp tay xá ngay, nghĩa là người gặp nhau chấp hai tay lại xá nhau theo người Ấn Độ và tín đồ Phật Giáo gặp nhau chấp tay xá đó là sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau thứ tư.

5- Co đầu gối nhún, nghĩa là khi hai người gặp nhau họ co đầu gối nhún ba cái, đó là cách thức chào nhau như chúng ta chấp tay xá vậy. Đây là sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau của những dân tộc bộ lạc thiểu số ở miền rừng núi thứ năm.

6- Quỳ dài, nghĩa là khi vào đền thờ Thần đối với người tín đồ, họ quỳ gối xuống, hai tay buông thỏng theo thân mình, gọi là quỳ dài. Đó là sự cung kính và tôn trọng Thần linh của tín đồ ngoại đạo thứ sáu.

7- Hai tay chấp lại đầu gối quỳ xuống đó là sự cung kính và tôn trọng của tín đồ Phật giáo thứ bảy.

8- Ngũ luân đều co, có nghĩa là đầu, hai tay và hai chân đều co lại đó là sự lễ Phật, cách thức cung kính và tôn trọng của Phật Giáo thứ tám.

9- Nằm sát đất có nghĩa là đầu, hai tay và hai chân nằm sát đất không nhút nhít, hành động đó tức là tỏ lòng rất cung kính và tôn trọng mà còn có nghĩa là sợ hãi thứ chín.

Để tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo nên không được mang giày đi nhiễu quanh giảng đường, vì mang giầy, guốc, dép đi nhiễu quanh là thiếu lòng tôn trọng và cung kính pháp bảo.

Muốn đi nhiễu quanh giảng đường tháp bảo để tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo thì nên cởi giày, dép, guốc, đi chân trần. Đó là cách thức để tỏ lòng cung kính và tôn trọng tốt nhất, nhưng phải hiểu những hành động cởi giày dép đi nhiễu quanh là hành động đạo đức cung kính và tôn trọng của mọi người không riêng tín đồ Phật Giáo.

Vị tỳ kheo cần phải thọ giới này để thực hiện làm gương sáng cho tín đồ, để họ biết cách cung kính và tôn trọng pháp bảo, và cũng biết cung kính và tôn trọng mọi người.

Từ những hành động đi, đứng, nói, nín, người có đạo đức thì luôn luôn thể hiện qua các hành động đó nhẹ nhàng, lịch sự, ôn tồn, nhã nhặn, lễ độ, không có hỗn xược, xấc láo, nghịch ngợm, ngang tàng, bướng bỉnh, chửi thề, phách lối, v.v...

Đức hạnh cung kính và tôn trọng giúp ta đối xử với mọi người có những hành động nhẹ nhàng, êm ái, ôn tồn, nhã nhặn, từ tốn, v.v... khiến cho mình và mọi người cũng đều được vui hòa, an lạc, thương mến và quý trọng nhau hơn.

Bởi vậy chúng ta cần nên học đức hạnh cung kính và tôn trọng, đó là hành động cần thiết nhất cho cuộc sống làm người, đem lại hạnh phúc cho nhau, giữ gìn trật tự an ninh xã hội và tạo ra cảnh hoà bình thế giới.