Giới thứ sáu mươi mốt: KHÔNG NÊN DẤU CỦA CẢI TRONG THÁP PHẬT

Giới này xin sửa lại chữ Tháp Phật bằng chữ giảng đường, cho đúng nghĩa của thời đức Phật còn tại thế. Nơi giảng đường là nơi có nhiều người ra vào đông đúc, của cải tài sản để trong đó lỡ mất, nghi nan người này, người nọ thành ra tội lỗi và tạo bất an trong chúng. Vị tỳ kheo đệ tử Phật phải ý tứ, cẩn thận về việc này. Vả lại, trong giảng đường phải để trống trải khoảng khoát, khi mọi người đến nghe pháp đều được thoái mái, dễ chịu, còn nếu đút nhét, chôn giấu đồ đạc trong giảng đường, khiến cho giảng đường đầy bụi bậm, khó quét dọn, ô tập chuột gián muỗi mòng núp ẩn, làm dơ bẩn, bất tịnh chỗ nghe pháp của mọi người.

Pháp Phật là pháp dạy chúng ta diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, cho nên trong giới luật Phật cấm không cho trang điểm, đeo vòng hoa, và không được cất giữ vàng, bạc, ngọc, ngà, châu, báu, hoặc dùng những thứ này để trang sức làm đẹp, làm sang, v.v...

Thời đức Phật còn tại thế, có một nữ cư sĩ đến nghe Phật thuyết pháp, khi vào tịnh xá thì bà nhận ra mình đang đeo một xâu chuổi ngọc. Bà liền cởi ra đưa cho đứa hầu đem bỏ trong hốc cây, rồi mới vào nghe pháp.

Người nghe pháp còn không được đeo vòng vàng, chuổi ngọc vào giảng đường, huống là đem của báu giấu đút trong giảng đường thì không đúng tư cách của nguời tu sĩ Đạo Phật. Tu sĩ Đạo Phật chỉ còn ba y một bát, chứ đâu có của cải riêng tư, thì làm sao có của cải gọi là đút giấu trong giảng đường. Giới này do Tổ đặt ra, vì tu sĩ trong thời của các Tổ đều có của cải riêng tư, ngược lại tu sĩ trong thời Đức Phật sống thiểu dục tri túc, ba y áo một bát, chỉ vừa đủ mặc trong người có đâu dư thừa ra ngoài mà đút giấu.

Đức hạnh của người tu sĩ Đạo Phật là đức buông xả, xả sạch chỉ còn ba y một bát mà thôi. Thế mà tu sĩ còn có của cải tài sản đem đút giấu trong giảng đường thì đó là một điều phạm giới luật vào tội xả đọa (Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề). Nếu vị tỳ kheo còn có của cải tài sản riêng tư thì tu theo Đạo Phật để làm gì? Đã không giải thoát mà còn làm mang tiếng không tốt cho Phật Giáo.

Còn có của cải tài sản, nếu có tu theo giáo pháp của Phật thì cũng chẳng tu đúng theo lời dạy của Ngài. Đã không tu đúng lời dạy của Ngài, thì làm gì có giải thoát được? Chỉ phí một cuộc đời tu hành và mất công sức vô ích mà thôi.

Đức hạnh buông xả chẳng có, thì đi tu chỉ là hình thức để rồi lấy tôn giáo kinh doanh buôn Phật bán pháp, làm danh làm lợi. Cho nên ngoài đời người ta làm danh làm lợi rất khó, chỉ có kinh doanh tôn giáo là dễ làm giàu nhất, họ chỉ tạo hình thức khéo tu hành bề ngoài để lừa đảo tín đồ Phật Giáo dễ dàng. Thời này họ tu tiền, tu bạc, tu danh, tu lợi, tu chùa to, Phật lớn, tu xe cộ, ti vi, tủ lạnh, đầu máy cassett, vidéo, máy điều hòa không khí, v.v...

Như trên chúng tôi đã xác định, giới này không phải của Phật chế ra, nhưng nó cũng có lợi ích, vì nói đến người tu sĩ còn có của cải tài sản, thì không đúng là tu sĩ Phật Giáo. Nói đến tu sĩ Phật Giáo tức là nói đến đức hạnh buông xả của người tu sĩ tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni.

Nếu người tu sĩ Phật Giáo không lập đức hạnh buông xả thì đừng nên đi tu, và có đi tu cũng chẳng lợi ích gì cho mình cho người khác, mà còn làm mang tiếng cho Phật Giáo như trên chúng tôi đã dạy.

Còn của cải tài sản tức là còn tâm tham, sân, si; còn có tâm tham, sân, si thì cũng giống như người thế tục ở ngoài đời thì đi tu làm gì? Đi tu để làm cho người khác phỉ báng Phật Pháp thì càng thêm tội.

Đức hạnh buông xả của cải tài sản là đức hạnh Thánh Tăng, người phàm phu thường tình bỏ của cải tài sản không được thì làm sao gọi là Thánh Tăng được? Chỉ có những bậc Thánh Tăng mới sống trọn đức hạnh buông xả của cải tài sản nên không có chùa to, Phật lớn, không có một đồng bạc dính túi. Người ấy mới gọi là bậc Thánh Tăng.

Muốn làm ông Tăng giải thoát mà còn có của cải tài sản thì làm sao làm ông Tăng giải thoát cho được? Người còn có của cải tài sản, sống như một ông vua, một người nhà giàu có thì đó là ông tăng giả.

Bởi do đức hạnh mới đánh giá trị được vị tu sĩ Đạo Phật, đó là một sự chính đáng chơn thật nói lên đựợc giá trị của Đạo Phật, nếu không như vậy thì chúng ta đâu biết ai tu thật, ai tu giả. Đạo Phật nhờ có giới luật mới đánh giá trị được người tu, nếu không có giới luật đức hạnh thì biết đâu căn cứ vào chơn, giả của một vị tu sĩ Phật Giáo.

Nếu căn cứ vào thần thông, biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người, tàng hình biến hóa, đi trên nước lửa, đi xuyên qua núi đá như đi trong hư không, ngồi xếp bằng bay trên trời như chim, v.v... thì đó không phải là giá trị tu hành chân thật của người tu sĩ Đạo Phật. Giá trị tu hành chơn thật của Đạo Phật không phải căn cứ vào thần thông phép tắc, mà căn cứ vào đức hạnh giới luật của người tu.

Lại nữa, giá trị người tu sĩ của Đạo Phật không căn cứ vào sự học thuật có cấp bằng này cấp bằng nọ, cũng không phải ở chỗ Chùa to, Phật lớn, giàu sang có của cải nhiều, mà cũng không phải ở chỗ thuyết giảng, dịch, viết kinh sách nhiều, mà ở chỗ sống đúng đạo đức Phạm hạnh của người tu sĩ.

Cho nên người ngồi thiền nhập định, chết để lại nhục thân, hoặc có thần thông phép tắc, tâm linh biến hoá làm những điều siêu việt hơn người, đấy không phải là mục đích của Đạo Phật mà là của ngoại đạo tà giáo làm những điều kỳ đặc, những cái lạ mắt để lừa đảo, lường gạt những người còn mê muội, ngu si.

Chính mục đích của đạo Phật là “bất động tâm trước các pháp”, tức là đạo đức giải thoát không làm khổ mình khổ người; tức là phạm hạnh của người tu sĩ tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni.

Hầu hết giới luật Phật đều dạy đức hạnh cho con người, dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải có đạo đức. Khi người tu sĩ Đạo Phật xuất xử một hành động gì đều phải đúng đạo đức và đạo lý nhân quả.

Muốn ly dục ly ác pháp để nhập được các thiền định của Đạo Phật thì phải đi qua cửa ngõ giới luật, nếu tu sĩ nào không qua cửa ngõ giới luật mà nhập định thì thiền định đó là tà thiền, tà định. Cho nên giới luật Phật xác định được thiền định nào là tà thiền tà định và thiền định nào là chánh thiền chánh định, một cách cụ thể và rõ ràng.

Bởi giới luật xác định được đức hạnh của người tu sĩ chơn chánh. Cho nên giới luật là pháp môn đầu tiên của đạo Phật dạy đức hạnh cho tu sĩ. Nhờ có đức hạnh tâm người tu sĩ mới ly dục ly ác pháp được. Từ đó mới nhập được các định và tam minh.

Người tu sĩ Đạo Phật không có tài sản của cải thì cần gì phải có giới luật thứ sáu mươi mốt này để chế ra. Giới luật này chế ra là vì những người tu sĩ sau thời đại Đức Phật, trong thời của các Tổ và trong thời đại của chúng ta bây giờ, tu sĩ đều có của cải tài sản riêng tư nên mới chế ra giới luật này. Nhưng giới luật này chúng ta phải hiểu, nó có một giá trị rất lớn đối với con đường tu của Đạo Phật, nếu muốn tìm cầu sự giải thoát thì phải giữ gìn giới này nghiêm túc: “Không có của cải riêng tư”, chỉ có ba y một bát mà thôi.