Giới thứ chín mươi hai: KHÔNG NÊN NÓI PHÁP CHO NGƯỜI ĐI GIỮA ĐƯỜNG, NGƯỜI THUYẾT PHÁP ĐI BÊN LỀ ĐƯỜNG

Phật dạy: Khi hai người đi song song nhau ngoài đường không được nói pháp, vì nói pháp như vậy không đúng chỗ, đúng nơi và đúng tư cách. Thuyết pháp như vậy là người thiếu giáo dục đức hạnh cung kính và tôn trọng, nói thẳng là người không có đạo đức.

Hai người đi ngoài đường nói chuyện với nhau còn thiếu tư cách đạo đức làm người, huống là nói pháp. Nói pháp ngoài đường như vậy là người thiếu đức hạnh cung kính và tôn trọng pháp bảo của Phật như các giới trên đã dạy.

Tại sao vậy ?

Vì Giới Luật và Giáo Pháp của Đức Phật đều dạy và xây dựng con người có một đạo đức nhân bản “không làm khổ mình khổ người”. Do dạy con người không làm khổ mình khổ người là một giáo pháp rất quý, vô giá, không thể lấy vật gì trên thế gian này so sánh và quý báu hơn được, thế mà nói pháp ngoài đường thì còn giá trị gì gọi là pháp bảo.

Nghiên cứu và đọc kinh sách của Đạo Phật mà không thấy được nền đạo đức nhân bản của Đạo Phật thì người nghiên cứu ấy không thể hiểu biết cội gốc tu hành của Đạo Phật, thì làm sao theo Đạo Phật tu hành đến nơi đến chốn cho được, và làm sao cho viên mãn hoàn toàn cuộc cách mạng đòi lại quyền làm chủ sanh tử luân hồi.

Hiện giờ người ta hiểu Đạo Phật qua ống kính màu của Đại Thừa, cho nên họ tìm hiểu những điều cao siêu, huyền bí, thần thông, ảo ảnh, trừu tượng, mơ hồ, mê tín, dị đoan, v.v... Hầu hết những người này họ không hiểu Phật Giáo Nguyên Thủy hoặc có hiểu cũng chỉ hiểu một cách nông cạn theo kiểu kiến giải của Đại Thừa. Họ chỉ xu hướng theo kinh sách Đại Thừa dạy sao biết vậy, và tin theo lời của các Sư Tổ Đại Thừa và Thiền Tông.

Toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy tuy có dạy chúng ta những điều cao siêu huyền bí, nhưng nó không phải là mục đích chính của Đạo Phật, mà mục đích chính của Đạo Phật là dạy chúng ta áp dụng và thực hiện đời sống đạo đức trong các Thiện Pháp, tức là luôn luôn lúc nào cũng ngăn chận và diệt trừ các ác pháp, để thực hiện toàn diện đạo đức nhân quả làm người.

Tính chất thiện pháp là gì?

Tính chất thiện pháp là một nền đạo đức nhân quả thiện, chẳng làm khổ mình khổ người mà Đức Phật đã triển khai thành một pháp hành để thực hiện Thiền định, đó là “Tứ Chánh Cần”, cũng chính từ gốc pháp môn này mới làm chủ sự sanh tử, luân hồi.

Trong đời sống hằng ngày của con người và của các tôn giáo hiện giờ đang có mặt trên hành tinh này đều sẵn có một đạo đức, nhưng đạo đức ấy chưa được toàn diện. Vì những đạo đức ấy còn làm khổ mình khổ người.

Cho nên tất cả đạo đức hiện có mặt trên quả đất này đều là đạo đức anh hùng cá nhân, đạo đức giai cấp, đạo đức quân tử, đạo đức trí thức (sĩ phu) v.v.. chứ không phải đạo đức bình đẳng, vô giai cấp như đạo đức của Đạo Phật.

Chỉ riêng có Đạo Phật mới có một nền đạo đức nhân bản bình đẳng, công bằng và công lý, không phân biệt giai cấp. Mỗi con người hiện có mặt trên hành tinh này, nếu muốn không còn khổ đau phiền toái, bất toại nguyện nữa thì hãy trau dồi xây dựng cho mình mỗi mỗi hành động thân, miệng, ý đều là toàn thiện, thì sẽ không làm khổ mình, khổ người nữa. Đó là một thứ đạo đức tuyệt vời biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

Vì thế, hành động tôn trọng và cung kính pháp bảo tức là cung kính và tôn trọng mọi người mà giới luật Phật đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nếu có cung kính, tôn trọng pháp bảo và mọi người thì không nên thuyết pháp bừa bãi.

Thuyết pháp bừa bãi không đúng chỗ, đúng nơi, đúng đối tượng là xem rẻ pháp bảo, xem rẻ pháp bảo là xem rẻ mọi người, mà xem rẻ mọi người thì sẽ làm khổ đau cho mình và làm khổ đau cho người khác. Làm khổ mình làm khổ người là người thiếu đạo đức, người thiếu đạo đức mà giảng pháp Phật là người bán pháp, mượn pháp Phật kinh doanh làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ.

Thuyết giảng pháp ngoài đường đức Phật còn không chấp nhận, huống là thuyết pháp cho người nghe đi giữa đường, còn người thuyết pháp lại đi trong lề đường. Thuyết pháp như vậy, người hiểu biết sẽ khinh Phật Giáo và sẽ khinh chê người thuyết pháp không đúng tư cách, không đúng đối tượng và không đúng chỗ, nơi, đó là người thiếu giáo dục đạo đức.

Người thuyết pháp và người nghe pháp không đúng chỗ, đúng nơi tức là thiếu sự tôn trọng và cung kính giáo pháp của Đức Phật; thiếu sự cung kính tôn trọng giáo pháp của Phật là những người thiếu giáo dục đạo đức nhân bản của Đạo Phật. Những tu sĩ đạo Phật mà thiếu đạo đức, tức là những tu sĩ phạm giới phá giới, đó là những tu sĩ của Bà La Môn, chứ không phải là những tỳ kheo tăng và những tỳ kheo ni của Phật giáo.

Cho nên, chúng ta không tu theo Đạo Phật thì thôi, mà đã tu theo Đạo Phật thì hãy cố gắng rèn luyện tu tập đạo đức nhân quả, khiến cho chúng ta có những hành động thân, miệng, ý toàn thiện, nhờ đó chúng ta sống một đời sống an lạc và hạnh phúc, giải thoát hoàn toàn không còn khổ đau nữa. Muốn được vậy thì giới luật cần phải giữ gìn nghiêm túc.