Giới thứ chín mươi mốt: KHÔNG NÊN NÓI PHÁP KHI ĐI KINH HÀNH, NHẤT LÀ NGƯỜI NGHE ĐI CHỖ CAO, NGƯỜI THUYẾT ĐI CHỖ THẤP

Đi kinh hành nói chuyện với nhau thì không đúng cách đi kinh hành, vì đi kinh hành phải trụ tâm nơi bước đi. Đi kinh hành nói pháp, luận pháp thì tâm trí ở đâu tập trung nơi bước đi cho được. Hành động tu hành như vậy là tu sai, không đúng pháp đi kinh hành.

Đi kinh hành là tập trung ý tứ vào thân hành niệm, có đâu khởi niệm nói chuyện được, nếu đi kinh hành khởi niệm nói chuyện tức là đi kinh hành sai pháp (không đúng pháp đi kinh hành).

Giới này chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Phật dạy, khi đang tu hành thì không được hỏi và nói pháp, nhất là trong lúc đang tu tập đi kinh hành, cũng như trong thời gian tu tập các pháp môn khác cũng không được nói chuyện, cho nên pháp độc cư của Phật dạy là bí quyết thành công trong việc tu hành thiền định.

Gần đây chúng tôi đem pháp môn độc cư này dạy cho mọi người tu tập nhưng chẳng mấy ai tin tưởng, nên mọi người đều phá pháp môn này, vì vậy cuối cùng chẳng có người nào nhập được Bốn Thánh Định.

Nếu không thực hiện pháp “độc cư”, thì Sơ Thiền là một loại thiền đầu tiên của Đạo Phật cũng không nhập được, huống là nói đến nhập Bốn Thánh Định của Phật. Vậy mà thường có nhiều người tự khoe mình đã nhập Sơ Thiền, nhưng họ nghĩ như thế nào là nhập Sơ Thiền, khi mà họ còn ăn uống phi thời, còn thích chùa to Phật lớn, và còn thích sống trong một ngôi nhà sang đẹp, đầy đủ tiện nghi vật chất thế gian.

Lại nữa, còn có một số người tự xưng nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, nhưng xét lại đời sống của họ hoàn toàn phi phạm hạnh, tham, sân, si còn đủ. Đời sống chưa thực hiện thiểu dục tri túc, ba y một bát, thì làm gì nhập được Bốn Thánh Định này.

Người có đức hạnh cung kính và tôn trọng lúc nghe pháp phải biết nhường chỗ cho người thuyết pháp ở chỗ ngồi cao hơn mình, còn không làm được như vậy thì người trí hiểu biết sẽ khinh chê cả hai.

Giới này đặc biệt lưu ý là đi kinh hành, tức là đang tu mà nói chuyện hoặc nói pháp thì cả hai người đều thiếu giáo dục đạo đức cung kính và tôn trọng sự tu hành. Người nói pháp hay nói chuyện phiếm cần phải lưu ý có năm điều phi đạo đức:

1- Thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng pháp bảo.

2- Thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng lúc đang tu hành của mình, của người.

3- Thiếu đạo đức cung kính tôn trọng lẫn nhau.

4- Thiếu đạo đức cung kính và tôn trọng thời gian quý báu tu hành của mình của người khác.

5- Thiếu sự hiểu biết về hành pháp và thuyết pháp.

Hành pháp và thuyết pháp là hai điều kiện khác nhau; hành pháp là làm hoặc sống đúng theo lý của giáo pháp đã dạy, để tập luyện trau dồi thân tâm; còn thuyết pháp chỉ là lời nói, lý luận suông mà thôi.

Hành pháp thì có lợi ích thiết thực, đi đến diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, đầy đủ đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người, sống một đời sống thanh thản, an lạc và vô sự.

Thuyết pháp dần dần đi đến nuôi lớn ngã mạn, kiêu căng tự đắc, cố chấp dính mắc chạy theo tâm ham muốn danh lợi thế gian và chìm đắm trong dục lạc vật chất, nhưng tâm họ khéo lý luận để che đậy, lừa dối lại chính họ mà trong kinh Đại Thừa thường có những lý luận lừa đảo này.

Tuy rằng giới này dạy cho giảng sư biết cách cung kính và tôn trọng pháp bảo khi thuyết pháp, để khiến cho người nghe pháp cũng phải biết cung kính và tôn trọng pháp bảo như nhau.

Nếu người nghe pháp biết tôn trọng và cung kính pháp bảo, và vâng làm những gì pháp bảo đã dạy thì mới có lợi ích thiết thực cho đời sống của họ.

Người tu tập và học đạo theo Phật Giáo thì phải học đức hạnh cung kính và tôn trọng, trước tiên là cung kính và tôn trọng pháp bảo, sau là cung kính và tôn trọng mọi người khác, lúc nào cũng không được xem thường và khinh rẽ ai hết, dù người đó ở trong giai cấp nào, hoặc bất hạnh, tàn tật, đui mù, dốt nát, ngu đần, v.v... đều phải cung kính và tôn trọng như tôn trọng và cung kính pháp bảo vậy, thì mới gọi là người có đạo đức nhân quả giải thoát.

Tóm lại, giới này còn có một nghĩa lý đạo đức thâm sâu, đó là Đức Phật đã dạy về đức hạnh “độc cư”, khi đang tu hành không được thuyết pháp, luận đạo và nói chuyện phiếm với nhau.