Giới thứ chín mươi: KHÔNG NÊN THUYẾT PHÁP CHO NGƯỜI ĐI TRƯỚC TA ĐI SAU

Pháp bảo của Phật là pháp môn giúp con người trau dồi thân tâm toàn thiện, để thoát vòng tục lụy đầy khổ đau và mãi mãi luân hồi trong sáu nẻo vô cùng, vô tận, để trở thành những con người có đạo đức thoát khỏi bản năng loài cầm thú và tiến dần lên để trở thành những bậc Thánh Hiền. Vì thế, khi đi ngoài đường không được nói pháp, nhất là người nghe pháp lại đi trước, còn người nói pháp lại đi sau, đó là hành động người nghe pháp và người nói pháp đều thiếu đức cung kính và tôn trọng pháp bảo của Đức Phật.

Phật cấm các vị tỳ kheo khi đi ngoài đường còn không được nói chuyện phiếm, huống là nói pháp. Giới thứ chín mươi này, đức Phật lại cấm nói pháp cho người đi trước nghe. Giới này có hai nghĩa:

1- Trên đường đi không phải nơi nói pháp, thì không được phép nói.

2- Đi sau người không được nói pháp, cho người đi trước nghe.

Hành động đang đi trên đường mà nói pháp là hành động thiếu giáo dục đức hạnh cung kính và tôn trọng pháp bảo, người nghe pháp mà nghe pháp không đúng chỗ cũng là người thiếu đạo đức. Giới luật Phật cấm đi đường hoặc đi vào làng không được nói chuyện, nhưng người ta tự nghĩ rằng theo giới luật Phật dạy: Chỉ có cấm không được nói chuyện phiếm, còn nói pháp thì Phật không cấm, nên mới có trường hợp xảy ra nói pháp ngoài đường, nhưng đến giới thứ chín mươi này thì rõ ràng Phật lại cấm nói pháp ngoài đường, và nhất là nói pháp cho người nghe đi trước người nói pháp đi sau.

Mỗi hành động đạo đức vi tế nhỏ nhặt này, nếu chúng ta không chịu khó học tập để hiểu biết thì dễ bị sai lầm. Và khi đã sai lầm thì tự mình đã phá oai nghi tế hạnh đạo đức của mình. Nếu người tu sĩ (tăng và ni) không có đạo đức thì không thể làm gương cho ai hết, mà còn làm cho người ta phỉ báng Phật Pháp, khinh chê Đạo Phật.

Đức Phật biết rất rõ tâm lý con người, một khi đã kiến chấp pháp nào vừa ý ưng bụng thì đụng đâu đem ra giảng nói đó, thuyết giảng một cách bừa bãi, không đúng nơi, đúng chỗ, đúng người, nói bằng ưa thích, nói đến đổi khan cả cổ họng mà vẫn còn thích nói. Đó là những người đã bị ma pháp tưởng ám ảnh.

Trong thất kiết sử có kiến kiết sử, kiến kiết sử là một sự hiểu biết chuyên đề cố chấp, chuyên đề đó trở thành một sở trường hiểu biết của họ, nên bị kiến kiết sử đó sai khiến thích nói, gặp ai cũng nói về chuyện đề đó. Phần đông những kẻ này lạc vào thiền tưởng.

Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa đã dạy người ta những kiến kiết sử này, do đó ai đã am tường nó thì rất thích tranh luận Thiền Giáo, khiến cho người tu sĩ mất hết oai nghi tế hạnh đạo đức, thường tranh luận hơn thua, nói xấu người khác.