Pháp tòa là một cái ghế cao đặt ngay giữa pháp hội, phi tòa là một cái ghế nhỏ hơn để một bên. Pháp tòa là chỗ dành cho pháp sư ngồi để thuyết pháp, phi tòa là chỗ ngồi của người nghe pháp.
Giới này Đức Phật dạy người nghe pháp cũng như người thuyết pháp phải biết tôn trọng và cung kính không những pháp bảo mà còn phải cung kính và tôn trọng lẫn nhau cũng giống như giới trên đã dạy.
Ngồi giữa tòa nghe pháp, để người thuyết pháp ngồi một bên là người vô lễ vô đạo đức, không cung kính tôn trọng pháp bảo và pháp sư, xem lời Phật dạy như lời nói vu vơ thường tình, xem giảng sư như đào kép hát cải lương.
Vua quan hoặc nhà giàu mời giảng sư về nhà thuyết pháp, ỷ mình quyền tước, giàu sang, đặt pháp tọa thấp hơn chỗ mình ngồi. Do đó khi giảng sư đến nhà nên lưu ý, nhìn thấy pháp tọa không trang nghiêm, đặt nơi không xứng đáng, thì không nên thuyết pháp, xin phép lui về.
Những người đến với Phật pháp mà còn có những hành động ngã mạn, tự kiêu, tự đắc, tự cho mình hay giỏi, tự cho mình giàu sang phú quý, có quyền, có tước, có địa vị là hơn hết, họ nghĩ rằng chỉ có tiền là trên hết, muốn gì cũng được, nhưng đối với người có đạo đức thì họ sẽ thất vọng, tiền bạc và quyền tước không thể mua được những người có đạo đức.
Thời nay cũng như ngày xưa, kẻ giàu sang thường được ưu tiên nghe pháp và kinh sách lại được đọc đầy đủ, ngược lại, người nghèo khó muốn nghe pháp cũng phải khó khăn mới được nghe và kinh sách cũng không được đọc đầy đủ lắm.
Tóm lại ở đời, trong cuộc sống hằng ngày, có phước báo hay không phước báo là do ở những hành động nhân quả thiện hay ác. Nếu sanh ra làm người có đầy đủ phước báo thì hãy cố gắng làm thiện hơn nữa để tạo phước báo thêm, trong việc làm thiện tạo phước báo thêm thì đức hạnh cung kính và tôn trọng pháp bảo cũng như đức hạnh cung kính và tôn trọng mọi người là một việc làm thiện phước báo rất lớn. Phước báo đó là phước báo vô lậu, không thể lấy phước báo hữu lậu so sánh được.
Biết cung kính và tôn trọng pháp bảo tức là phải biết cung kính và tôn trọng mọi người; biết cung kính và tôn trọng mọi người là biết diệt ngã xả tâm; biết diệt ngã xả tâm là biết ly dục ly ác pháp; biết ly dục ly ác pháp là biết giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự; biết giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự là biết sống có đầy đủ đạo đức không làm khổ mình khổ người.
Từ một đức hạnh biết tôn trọng và cung kính dẫn tâm đến giải thoát hoàn toàn. Như vậy, một trăm giới luật chúng học mà Đức Phật đã dạy chúng ta đức hạnh cung kính và tôn trọng thật là hữu ích cho chúng ta rất nhiều, từ đạo đức làm người đưa đến bước đường nhập thiền định: “Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Những giới luật này còn giúp chúng ta sống đúng phạm hạnh, đạo đức nhân quả và đạo hạnh của người tu sĩ Phật Giáo (tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni), hưởng phước vô lậu và quả giải thoát hoàn toàn.
Bởi đức hạnh cung kính và tôn trọng rất cần thiết cho những người tu theo đạo giải thoát. Nếu người tu theo đạo giải thoát mà không tu tập trau dồi hành động thân khẩu ý toàn thiện thì không thể nào thực hiện được đạo giải thoát. Muốn được toàn thiện thì đức hạnh cung kính và tôn trọng không thể thiếu được, cho nên giới luật của Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại mãi về đức hạnh cung kính và tôn trọng này.