Vị tỳ kheo khi đại tiểu tiện phải có chỗ nơi kín đáo, không được đụng đâu bạ đó đại tiểu tiện. Khi tiểu tiện phải ngồi không được đứng như loài thú vật.
Tại sao vậy?
Vì oai nghi tế hạnh của người tu sĩ phải giữ gìn thân mình kín đáo. Nếu người thế tục đứng tiểu tiện còn trông thấy rất là thô lỗ và khó coi huống là người tu sĩ mặc y áo nhà tu thì trông dị kỳ biết chừng nào.
Những người phá giới cho giới luật này lỗi thời, là vì Đức Phật ngày xưa mặc chăn không có mặc quần như ngày nay nên tiểu tiện phải ngồi. Đây là những lý luận phá giới luật của Phật, chỉ vì họ không hiểu ý của Phật chế giới này. Người ta xem giới luật này không phải là hành động đạo đức của con người, nếu hiểu như vậy là hiểu sai, hành động này là hành động đạo đức của con người để vượt thoát ra khỏi loài thú vật. Vì loài thú vật con vật nào cũng đứng tiểu tiện, chỉ có con người biết kín đáo, biết xấu hổ, biết đứng tiểu tiện là thô lỗ, nên mới ngồi mà tiểu tiện, chứ không phải do y áo mà ngồi. Con người mà đứng tiểu tiện thì chẳng khác nào là một con thú vật mang hình người.
Ngồi tiểu tiện là hành động đạo đức lịch sự, kín đáo, không thô lỗ của con người, ngược lại những hành động này là con người vô đạo đức. Để xác định con người và con thú khác nhau là ở chỗ như trên đã nói, con người biết kín đáo, biết xấu hổ, biết lịch sự, không thô lỗ và biết giữ vệ sinh, còn con thú thì không biết.
Giới luật của Đức Phật đã dạy về đạo đức con người rất rõ ràng. Để thấy rõ con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, con người có hành động đạo đức mới gọi là con người. Nếu con người không có hành động đạo đức thì không hơn không kém chỉ là một con vật mà thôi.
Thời đại chúng ta có những cầu xí giội rất là vệ sinh và kín đáo, nhưng quý thầy phải lưu ý, dù đi đại hay đi tiểu đều phải giữ gìn được kín thân, đừng bảo rằng đi tiểu dễ dàng, đụng đâu tiểu đó, thì không đúng tư cách của người tu sĩ, đừng bắt chước những người cư sĩ đứng tiểu tiện, trông thật là khó coi và thô lỗ, không có vẻ kín đáo lịch sự chút nào, như ở trên đã dạy, đó là hành động của một con vật, chớ chẳng phải con người.
Người tu sĩ đệ tử của Đức Phật phải biết oai nghi tế hạnh của mình, phải giữ gìn thân kín đáo, không được bày da hở thịt, không được ngồi đâu bạ đó tiểu tiện một cách bừa bãi thiếu vệ sinh, gây mùi hôi thúi khó chịu cho những người khác, nhất là khạc nhổ đàm nhớt, phải có chỗ có nơi kín đáo, không được đụng đâu khạc nhổ đó.
Đối với những người thế tục chưa có học đạo đức của Đức Phật nên có những hành động thiếu đạo đức vệ sinh và lịch sự. Phần đông người nam thường hay đứng tiểu tiện và đụng đâu tiểu tiện đo, được xem là những người vô đạo đức, mặc dù trình độ học thức của họ khá cao nhưng đạo đức của họ vẫn còn thấp kém và lạc hậu, chưa theo kịp đà văn minh tiến hóa của thời đại khoa học, kĩ nghệ hiện đại hóa.
Người tu sĩ Đạo Phật cần phải khắc phục những hành động sai phạm này, để tỏ ra mình là người có đạo đức và còn làm gương sáng cho tín đồ soi, để mọi người giữ vệ sinh chung cho môi trường sống được trong sạch và thanh khiết, nhờ mọi người có đạo đức biết giữ vệ sinh và lịch sự thì mới mang đến hạnh phúc an vui và sức khỏe cho mọi người và cho mình.