Giới thứ năm mươi: CHẲNG ĐẶNG ĐẠI TIỂU TIỆN, HỈ, KHẠC, NHỔ TRONG NƯỚC

Vị tỳ kheo khi đi đại, tiểu tiện hoặc khạc, nhổ không được đại, tiểu tiện hoặc khạc, nhổ trong nước như: nước sông, suối, hồ, ao, mương, rạch, v.v.. nói chung là tất cả các loại nước, không được đại tiểu tiện và khạc nhổ bậy bạ trong đó. Nước sẽ hòa tan và cuốn đi những loại ô uế bất tịnh đó, gây nên môi trường ô nhiễm, khiến cho mọi người ăn uống dễ bị nhiễm lây bịnh tật truyền nhiễm khổ sở. Vì vậy người tu sĩ Đạo Phật phải có ý thức hành động giữ gìn vệ sinh chung không được đụng đâu khạc nhổ đó hoặc đại tiểu tiện một cách bừa bãi sẽ làm mất giá trị của người tu sĩ Đạo Phật.

Hành dộng khạc nhổ, đại tiểu tiện không đúng chỗ đã khiến cho người đời khinh chê và xem thường người tu sĩ Đạo Phật. Nếu người tu sĩ phạm vào giới này thì oai nghi tế hạnh cũng sẽ không còn nữa.

Hành động đại, tiểu tiện hoặc khạc nhổ trong nước là hành động của kẻ thiếu giáo dục đạo đức về vệ sinh chung. Do đó những ai mới bước chân vào Đạo Phật đều phải học một trăm giới chúng học này, dù là cư sĩ. Đây là những giới luật dạy đầu tiên của Đức Phật cho bốn chúng đệ tử của mình.

Sau khi biên soạn giới luật, theo chúng tôi thiết nghĩ, một trăm giới chúng học này rất là quan trọng đối với con người, vì nó là đạo đức lợi ích thiết thực cho đời sống của con người. Từ cách thức hành động đạo đức đối xử lịch sự của con người chung sống nhau trong một xã hội, và từ cách thức hành động đạo đức vệ sinh đem lại một môi trường sống trong sạch và thanh tịnh, mang đầy sự an lạc và hạnh phúc cho mọi người. Một trăm giới luật này nói lên bằng những hành động đạo đức vô giai cấp của Đạo Phật rõ ràng và cụ thể.

Những ai đã thấy sự lợi ích của nó rất lớn đối với đời sống của con người đều phải chấp nhận đạo đức của Đạo Phật là một đạo đức nhân bản tuyệt vời, luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh một trăm giới chúng học này không bao giờ sai trái phạm phải dù một lỗi nhỏ, người ấy sẽ được gọi là người có giáo dục đạo đức, người ấy sẽ là một vị tỳ kheo có đầy đủ phạm hạnh đáng cung kính, tôn trọng và cúng dường.