Giới thứ bốn mươi bảy: CHẲNG ĐẶNG TAY DƠ BƯNG BÁT ĐỒ ĂN

Vị tỳ kheo, phàm khi ăn uống, phải rửa tay cho thật sạch rồi mới cầm bát, đũa và thực phẩm mà ăn uống.

Nếu tay dính bụi bặm, mồ hôi mà thọ thực thì không sạch sẽ, và sẽ làm mất vệ sinh cơ thể. Để tay dơ bẩn như vậy mà ăn uống thì rất là bẩn thỉu, dễ sanh bịnh tật mà có bịnh tật là có sự khổ đau. Đừng bắt chước Tế Điên Hòa Thượng, đó là một câu chuyện huyền thoại thêm bớt của Đại Thừa, mục đích câu chuyện này là để đã phá giới luật và phạm hạnh của người tu sĩ Đạo Phật, tức là có ý đồ diệt Phật giáo.

Tế Điên Hòa Thượng là một tác phẩm tiểu thuyết của Đại Thừa Giáo, mục tiêu của nó ra đời nhắm vào phá tận gốc giới luật đức hạnh của Đạo Phật, để các vị tỳ kheo Phật Giáo Đại Thừa sống phạm giới, phá giới mà không ai dám chỉ trích, phê phán.

Các tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa dựa theo gương hạnh đó sống tự tại vô ngại chạy theo dục lạc thế gian, mà người thế gian (tín đồ Phật Giáo) chẳng ai dám chê trách được, vì những hành động đó là hành động của vị “Phật sống Tế Điên Hòa Thượng”.

Ăn uống bẩn thỉu thiếu vệ sinh trong thời đó mà Đức Phật còn răn dạy đệ tử của mình như vậy, thì trong thời đại của chúng ta, chúng ta phải thấy giới luật của Đức Phật có một giá trị đạo đức rất cao, vượt không gian và thời gian, đến thời đại chúng ta mà vẫn còn giá trị tuyệt vời, nền khoa học hiện đại phải chấp nhận mà không dám phủ nhận những gì Đức Phật đã dạy.

Người ta cứ nghĩ tưởng rằng, đạo đức là phải một cái gì cao siêu tuyệt vời như : nhẫn nhục của “Quan Âm Thị Kính”, hiếu hạnh như “Thập Nhị Tứ Hiếu” của Nho giáo.

Từ lâu, giới sĩ phu tri thức chấp nhận đạo đức của con người là phải giữ gìn tam cang, ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tam tùng, tứ đức, công, dung, ngôn, hạnh và còn luôn luôn phải tỏ ra mình là người quân tử, tức là chứng tỏ mình phải hơn mọi người trong cách đối xử thế. Những đạo đức này dạy làm anh hùng cá nhân để được sử sanh ghi chép mãi muôn đời.

Ngược lại, đạo đức của Đạo Phật thì không phải vậy, càng học giới luật, càng trau dồi thân tâm bằng giới luật của Đức Phật, càng thấy mình hằng ngày có thêm nhiều đức hạnh tốt đẹp và cuộc chung sống với mọi người rất bình đẳng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, luôn luôn đem lại cho mình cho người những niềm vui chan hòa, tạo cảnh sống tâm hồn thanh thản và an lạc cho nhau, không bao giờ làm khổ mình khổ người.

Cứ sống đúng giới luật của Đức Phật, giữ gìn không cho vi phạm một giới luật nào cả, thì thân tâm càng lúc càng thanh tịnh, tâm càng lúc càng ly dục, ly ác pháp thì lại càng thấy rõ ràng, khiến cho thân tâm an lạc, vô sự, lúc nào tâm cũng định vào thân nên thân tâm tràn đầy hỷ lạc và an ổn.

Chỉ có giới luật là pháp môn duy nhất thiền định căn bản của Đạo Phật, nếu ai không tu giới luật thì chẳng bao giờ nhập được các chánh định, ngoài giới luật ra thì không thể có pháp môn nào giúp cho người tu hành quét sạch lậu hoặc và thực hiện được tam minh.

Càng tu giới luật, hằng ngày càng thấy có kết quả giải thoát rất cụ thể, rõ ràng, vừa xây dựng thân tâm có đạo đức, vừa giúp chúng ta nhập được các loại chánh định.

Giới luật” thật là một pháp môn tuyệt vời trên bước đường tu hành tìm cầu sự giải thoát.