Vị tỳ kheo khi thọ thực không được để cơm đổ tháo, rủi rớt một vài hạt cơm thì không tội, nhưng không được bốc cơm rơi rớt đó mà ăn, hành động đó sẽ làm mất oai nghi tế hạnh của vị tỳ kheo. Nếu ăn uống rủi ro rơi rớt thì gom lại cho có chỗ có nơi, cũng như vỏ trái cây, khi ăn xong phải gom lại một chỗ để bỏ vào thùng rác, giữ vệ sinh chung cho mọi người trong đó có mình, không được tung rẩy khắp nơi, khiến cho môi trường sống càng thêm ô nhiễm, sanh ra nhiều bịnh tật khổ đau.
Giới luật của Đức Phật đã dạy, một người tu sĩ không những giữ vệ sinh cho mình mà còn giữ vệ sinh chung cho mọi người khác, đó là hành động đạo đức thiết thực cụ thể lợi ích cho mình, cho người.
Trong bữa ăn dùng tay hoặc đũa rẩy cơm hoặc thực phẩm dính là một hành động không lịch sự, thiếu vệ sinh cần nên bỏ không được tái phạm, đó là phạm vào oai nghi tế hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật.
Cách đây 2542 năm, Đức Phật đã chế giới luật này, chứng tỏ Ngài đã thấu suốt mọi hành động lịch sự và vệ sinh trong môi trường sống chung của loài người, mà mọi người cần phải giữ vệ sinh và bảo vệ nó để đem lại sự sống an lành cho loài người trên hành tinh này, tức là giải thoát.
Ngày nay đến thời đại khoa học hiện đại, kỹ nghệ tiến triển như thế này, thì người ta mới phát giác ra được môi trường sống của loài người đang bị ô nhiễm nặng, cần phải được bảo vệ thì hơi quá muộn màng.
Những trận thiên tai, thủy họa, động đất đổ trên đầu của loài người gây bao nhiêu sự chết chóc thảm thương, không phải tự con người đã làm ra sao? Những nạn phá rừng và những nhà máy công kỹ nghệ đã thải ra biết bao nhiêu chất khí độc hại đã làm cho bầu khí quyển ô nhiễm và thay đổi thời tiết mưa gió bất hòa.
Nếu theo giới luật đạo đức vệ sinh của Đức Phật đã dạy thì mọi người giữ gìn không hề vi phạm thì cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ cho đến ngày nay sự vệ sinh và bảo vệ môi trường sống đã tốt đẹp biết bao nhiêu. Làm gì có thời tiết bất an, mưa không thuận, gió không hòa, sức khoẻ con người đâu có như ngày nay.
Khi biên soạn bộ giới luật này, chúng tôi thấy giới luật của Đức Phật sao dạy đạo đức tuyệt vời, đem lại từng chút hành động cho con người một đời sống hạnh phúc chơn thật, thật sự an vui mà không thể có ai phủ nhận được. Đó không phải sự giải thoát của Đạo Phật sao? Thế mà con người đã bỏ quên đạo đức này, nhất là các vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni đã quá xem thường giới luật đạo đức của Đức Phật, và đã ném nó vào một xó kẹt, dường như họ học để cho biết, chớ chẳng bao giờ nghĩ nó là đạo đức của con người và Thánh Nhân, vì thế chẳng bao giờ những tu sĩ này giữ gìn nghiêm túc và sống đúng với nó, nên cuộc đời tu hành của họ chẳng có giải thoát chút nào, chỉ uổng công mà thôi.