Người Ấn Độ hay dùng tay bốc cơm ăn, do đó mới có vắt cơm để cách xa thẩy vào miệng. Vị tỳ kheo khi ăn uống không được nắm thực phẩm ném vào miệng mà phải nhẹ nhàng bỏ vào miệng một cách khéo léo, gọn ghẽ, đó là theo phong tục người Ấn Độ, còn người Việt Nam thì không được ăn như vậy, mà phải bằng muỗng hoặc đũa. Phong tục Ấn Độ bốc ăn còn rất gần với loài thú vật như: khỉ, vượn, v.v...
Xưa, trong thời Đức Phật còn sống trong các bộ lạc, con người chưa phát minh ra muỗng, đũa, nĩa, dao, v.v... nên thường dùng tay và răng như loài thú vật bốc ăn hoặc cắn xé, v.v...
Nếu bảo rằng dân tộc Ấn Độ ăn bốc còn tất cả các dân tộc khác thì không ăn bốc? Như chúng tôi đã dạy ở trên, con người chỉ là một loài động vật như muôn ngàn loài động vật khác, nhờ có phát minh đủ mọi phương diện nên tiến hóa dần ra khỏi loài động vật, đến ngày nay mới có những hành động của con người thật là người. Hiện giờ con người trên hành tinh này toàn bộ còn ăn bốc cả, chưa phải thật sạch.
Tại sao chúng tôi dám quả quyết và xác định như vậy?
Xin thưa cùng quý vị nên lưu ý, khi ăn cái bánh hoặc trái cây, cục kẹo quý vị đều dùng tay cầm bốc ăn, vậy mà quý vị cho rằng giới luật của Đức Phật chế ra là lỗi thời trong thời đại khoa học văn minh này.
Giới luật của Đức Phật chế ra từ xưa đến giờ, theo chúng tôi nghĩ không có giới nào lỗi thời cả, chỉ có con người của chúng ta là còn lỗi thời và lạc hậu. Vì còn lỗi thời và lạc hậu nên có những hành động thiếu đạo đức, thường làm khổ cho nhau, đó là chúng ta còn mang bản chất của loài thú vật, còn có những hành động của loài thú vật là còn lỗi thời và lạc hậu.
Như vậy giới luật dạy cách thức ăn bốc này có lỗi thời không?
Theo chúng tôi thiết nghĩ không bao giờ có giới luật nào của Đức Phật chế ra mà lỗi thời cả, chỉ có các Tổ cho giới luật của Phật lỗi thời là vì các Tổ còn mê tín, lạc hậu và lỗi thời.
Giới luật nào của Đức Phật cũng dạy những điều đạo đức cho con người để không còn mê tín, lạc hậu và thoát ra khỏi kiếp loài cầm thú, chuyển hóa trở thành những con người tốt đối xử với nhau có đạo đức hơn và không làm khổ cho nhau, thường đem lại sự an vui, hạnh phúc trên hành tinh này.
Vậy khi chúng ta cầm bốc một cái bánh, cục kẹo bỏ vào miệng ăn đều phải nhẹ nhàng, từ tốn và vén khéo có tư cách trong ăn uống, nếu không tập luyện và trau dồi những hành động đạo đức này thì chúng ta ăn uống không khác gì con thú vật.
Trong thời Đức Phật còn tại thế Ngài đã dạy cho các đệ tử cách thức bốc ăn uống phải nhẹ nhàng bỏ vào miệng, không được để thực phẩm ở xa ném vào, ở xa ném vào miệng trông rất thô lỗ giống như trẻ con ném “lỗ đáo”.
Sử dụng muỗng, đũa khi ăn cũng phải khéo léo gọn gàng và nhẹ nhàng, không được thô tháo.
Cách thức ném thực phẩm vào miệng để ăn đó là làm trò của loài khỉ, vượn, đó cũng là những trò chơi của trẻ con vừa ăn uống vừa chơi giỡn với nhau, chứ người lớn không ai làm như vậy cả.
Người tu sĩ Đạo Phật không thể ăn uống đùa chơi như vậy được, vì những hành động đó sẽ làm mất oai nghi tế hạnh ăn uống của vị tỳ kheo đệ tử Phật. Hành động đó là một hành động trẻ con, giới luật này nhắm vào dạy những chú Sa Di tuổi còn trẻ thơ.
Người tu sĩ khi ăn uống làm như vậy chẳng khác nào như chuyên gia xiếc làm trò cho thiên hạ xem mà mọi người chẳng ca ngợi khen tặng, trái lại còn cười chê và bất kính Phật, Pháp, Tăng. Cho những vị tỳ kheo là bọn tu sĩ Phật Giáo ăn uống như trẻ con.
Do đó, mỗi mỗi hành động của người tu sĩ (vị tỳ kheo tăng và vị tỳ kheo ni), không những riêng ăn uống mà còn tất cả những hành động khác phải hết sức cẩn thận và ý tứ như trong giới luật của Đức Phật đã dạy.
Nếu không cẩn thận và ý tứ người tu sĩ sẽ bị mọi người xem thường và chẳng còn cung kính như bậc Thánh Tăng. Bởi vậy làm Thánh Tăng rất khó, những hành động phải đúng bậc Thánh mới được gọi là Thánh, sơ hở một chút là thiếu đức hạnh liền, thiếu đức hạnh làm Người, làm Thánh thì còn ai xem ra gì.