Giới thứ hai mươi tám: Thọ canh vừa bát ăn

Vị tỳ kheo không được thọ cơm quá nhiều, không còn chỗ để thọ canh, nghĩa là nhận cơm và canh vừa đầy bát mà thôi, không được dư thừa ra ngoài. Nếu sức ăn nhiều nên dùng cái bát lớn, chớ không nên dùng bát nhỏ, mà nhận cơm canh dư thừa ra ngoài, thì trông có vẻ vị tỳ kheo còn tham ăn quá độ.

Tánh tham ăn là một tật rất xấu, người ở ngoài đời mà còn tánh đó thì mọi người khinh chê và coi rẻ, huống chi chúng ta là những tu sĩ Phật Giáo mà còn mang tánh đó thì tín đồ và người đời xem chúng ta ra gì.

Thà không làm tu sĩ thì thôi, nếu đã làm tu sĩ thì phải sống cho đúng cách, bỏ tánh tham ăn, còn tánh này thì không bao giờ tu giải thoát được. Tăng và Ni hãy lưu ý giới này, đừng xem thường mà chiếc áo tu sĩ chẳng ra gì.

Đạo đức ở đời người ta cũng không chấp nhận tánh tham ăn, người tham ăn là người thiếu giáo dục đạo đức, vì vậy trẻ con đều mang tánh tham ăn, cho nên phải được giáo dục từ lúc còn thơ ấu, sau này lớn lên mới trở thành người có đạo đức không còn tham ăn, nếu không được giáo dục như vậy lớn lên chúng sẽ còn mang tánh tham ăn.

Người ta đừng nghĩ rằng người lớn không tham ăn, nếu không được giáo dục đạo đức, người lớn vẫn tham ăn như thường, thấy ai còn mang tánh tham ăn thì biết người đó thiếu giáo dục đạo đức về ăn uống.

Tham ăn là một tánh rất xấu cần phải được khắc phục, để thực hiện đạo đức làm người cho tốt đẹp. Người tu sĩ đệ tử của Đức Phật không nên vi phạm giới này, vi phạm giới này sẽ làm mất oai nghi tế hạnh phạm hạnh của người tu, khiến cho người khác có sự hiểu biết sẽ khinh chê Phật Pháp và sau này còn thọ tội ấy rất nặng, không thể tha thứ hoặc sám hối mà hết được.

Giới này dạy cách thức xới cơm và thực phẩm vào bát, nếu ăn nhiều thì dùng bát to, ăn ít thì dùng bát nhỏ, nghĩa là lấy cơm và đồ ăn không được đầy tràn bát mà phải lưng dưới bát, phải lấy vừa đủ ăn không được ém, không được cơi vun, vì ém và cơi vun chứng tỏ tâm còn tham ăn nhiều.

Như trên đã nói tham ăn là một tánh rất xấu, mà đã có tánh xấu đó thì không thể nào gọi là người có đạo đức được. Người có đạo đức thì không bao giờ có tánh tham ăn, hễ có tham ăn thì không có đạo đức. Bản chất tham ăn là bản chất loài thú vật. Nếu người còn tham ăn là người còn mang bản chất thú vật.

Vì vậy, khi xới cơm vào bát vừa đủ ăn không được dư thừa ra ngoài, dư thừa ra ngoài tức là tham ăn. Mỗi mỗi hành động về sự ăn uống, nếu không giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật này thì sẽ mang tiếng là người tham ăn, người tham ăn là người rất tệ và rất xấu.

Chúng ta là những tu sĩ Phật Giáo phải giữ gìn giới luật này nghiêm chỉnh không được để vi phạm, nếu vi phạm là chúng ta đã tự đào mồ không những chôn mình mà chôn luôn cả Phật Giáo.