ỨC CHẾ TÂM

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo sự hiểu biết của con, thì ức chế vọng tưởng là do những niệm khởi lên mà ta không tỉnh thức quán xét xem là thiện hay ác pháp, để xả bỏ. Vội vàng đoạn diệt không cần truy cập nó thuộc về lậu hoặc nào.

Vả lại, ức chế tâm còn do sự ham muốn dục lạc, khi dục lạc ham muốn khởi lên ta cũng không quán xét lợi hay hại để xả bỏ mà chỉ có nhẫn chịu, vì thế, nếu có dịp nó sẽ bung ra.  Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, sự ức chế tâm có hai cách:

1- Chịu đựng mọi sự giận hờn, căm tức, phiền não, sợ hãi, lo rầu, v.v.. mà không bao giờ nói ra cho một ai biết. Sự chịu đựng này gọi là kham nhẫn.

Ví dụ: Trong gia đình có người chồng độc tài luôn luôn bắt vợ con phải tuân theo lệnh của mình, sai bảo đâu làm đó, không được làm trái. Những người bị bắt buộc như vậy gọi là chịu đựng, những người chịu đựng là những người ức chế tâm.

Sức chịu đựng sẽ đến một mức độ nào đó, thì không còn chịu đựng được nổi. Khi không còn chịu đựng nổi thì thần kinh hưng phấn, thần kinh hưng phấn thì người ấy bị rối loạn thần kinh, bị điên khùng, bị tẩu hỏa nhập ma, v.v..

Suốt thời gian chịu đựng thì người ấy là người khổ đau tận cùng của cuộc đời mình.

2- Người dùng một đối tượng, một pháp môn để ức chế tâm để không khởi niệm vọng tưởng, đó là loại ức chế có pháp môn, có phương cách.

Loại ức chế tâm này có đường lối, có phương pháp để dẫn tâm vào thế giới tưởng như: Thiền xuất hồn, Thiền Yoga, Thiền Đại Thừa, Thiền Đông Độ, Thiền Lục Diệu Pháp Môn, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, v.v..

Cho nên, các pháp môn này đều xây dựng cho mình một thế giới siêu hình mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, khiến cho con người phải mê mệt với nó, nhưng không ích lợi thiết thực cho đời sống.

Chỉ riêng có thiền của Phật giáo Nguyên Thủy thì xả tâm “ly tham đoạn ác pháp”. Do đó, người tu hành sẽ không bị ức chế tâm và đạt được kết quả giải thoát làm chủ sanh, già, bịnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi.