Vừa đi vừa lắc cánh tay, có nghĩa là thòng hai cánh tay đưa tới đưa lui, từ trước ra sau, từ sau ra trước theo bước chân đi. Vị tỳ kheo khi đi vào nhà cư sĩ hoặc đi ngoài đường cũng không nên lắc cánh tay (đánh đàng xa), đưa mạnh hai tay theo hướng ngược nhau và theo bước chân đi như quân đội. Đi như vậy không đúng cách của người tu sĩ Phật Giáo.
Hạnh đi đứng của người tu sĩ Phật Giáo không thể đánh đàng xa mạnh như vậy được, sẽ làm mất oai nghi tế hạnh đằm thắm, dịu hiền của người tu sĩ Đạo Phật.
Bởi vậy, khi làm người tu sĩ Đạo Phật, chúng ta cần phải dè dặt, mỗi hành động thân, miệng, ý của mình và còn phải luôn luôn giữ gìn cho đúng một trăm giới chúng học, tức là một trăm oai nghi tế hạnh của một người có giáo dục đạo đức trong nhà Phật. Nếu chúng ta không giữ gìn nghiêm chỉnh một trăm giới chúng học này, thì chúng ta là những người thiếu giáo dục đạo đức làm người của Đạo Phật. Làm người phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì những hành động hằng ngày trong cuộc sống sẽ thô lỗ, phách lối như bọn côn đồ, du đãng, v.v... Đối với nhà Phật sẽ không chấp nhận những người này trong tôn giáo của mình.
Một trăm giới chúng học này chỉ dạy những hành động đạo đức của một con người, để xứng đáng là một con người, những hành động đạo đức này chưa phải là những hành động đạo đức của những bậc Thánh Nhân như trên đã dạy, nhưng trước khi tu tập và rèn luyện những hành động đạo đức của bậc Thánh Nhân, thì đều phải có đầy đủ oai nghi tế hạnh đạo đức của một con người.
Trước khi muốn làm một bậc Thánh Tăng giải thoát trong Đạo Phật thì chúng ta phải đầy đủ đức hạnh của một con người, tức là phải giữ gìn một trăm giới chúng học nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả, rồi mới học đến đức hạnh của các bậc Thánh Tăng mới được.
Chỉ khi nào một trăm giới chúng học chúng ta đã giữ gìn trọn vẹn và nghiêm túc thì mới bắt đầu sống và thấy được một phần nào đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người trong cuộc sống giao tiếp với mọi người hằng ngày.
Vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật không giữ gìn một trăm giới chúng học thì đương nhiên chẳng bằng người thế tục có giáo dục đạo đức Nho Giáo. Trong cuốn Thiền Lâm Bảo Huấn, các nhà sư Trung Hoa thường lấy đạo đức Nho Giáo đem ra giảng dạy chúng Tăng hơn là dạy đạo đức của Phật Giáo. Ở Việt Nam Thầy Tổ của chúng ta cũng vậy, không bao giờ dạy đạo đức Phật Giáo, nên hiện giờ tu sĩ Phật Giáo cũng chẳng biết đạo đức Phật Giáo là pháp môn gì?
Muốn trở thành những bậc Thánh Tăng giải thoát của Đạo Phật mà không học đạo đức của Đạo Phật, lại học đạo đức của Nho Giáo, thì những vị tỳ kheo này làm sao trở thành những bậc Thánh Tăng được, chỉ trở thành những cụ Đồ Nho mà thôi: “Vạn Hạnh dung tam tế”
Bởi vậy, làm một vị tỳ kheo muốn sống đúng giới luật của Phật không phải dễ đâu? Vì thời đại hiện giờ vật chất quá nhiều, khó mà buông bỏ, nên phần nhiều hiện giờ người ta tu ăn, tu mặc, tu danh, tu lợi, tu Chùa to Phật lớn, nhưng họ khéo lý luận vừa lừa dối tâm họ mà cũng vừa lừa dối những người khác bằng: “Làm Chùa to Phật lớn để cho Tăng, Ni tu hành, chứ không làm cho cá nhân mình”. Phần đông có một số rất nhiều vị tỳ kheo giới đức và giới hạnh chẳng ra gì, còn thua người ngoài đời rất xa, nếu so với một nhà Nho, họ giữ gìn đạo đức tam cang, ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí tín của Nho Giáo, thì tu sĩ Phật Giáo hiện giờ đối với giới luật của Đức Phật thì họ chỉ là số “không”.
Trong khi Đạo Phật đã có đầy đủ giới luật dạy về đức hạnh, từ đạo đức làm người đến đức hạnh làm một bậc Thánh Tăng. Tất cả những đạo đức này đều nằm trọn trong Tạng Giới Luật rất đầy đủ, từ oai nghi tế hạnh đạo đức của con người đến oai nghi tế hạnh đạo đức của bậc Thánh Nhân, rõ ràng và cụ thề, không thiếu một hành động nào mà không có. Thế mà tu sĩ Đạo Phật lại không lưu ý và quan tâm đến, nên oai nghi tế hạnh đạo đức của họ chẳng ra gì.
Người tu sĩ Đạo Phật chỉ cần học và hành đúng giới luật của Đức Phật, thì đạo đức ở ngoài đời sống thế tục và các tôn giáo khác không có một đạo đức nào hơn được, nếu còn nói về đạo đức Thánh Nhân thì không có kinh sách nào dạy đạo đức Thánh Nhân hơn kinh sách của Phật Giáo được. Bằng chứng chúng ta tu tập, rèn luyện và trau dồi chỉ một trăm giới chúng học này mà thôi thì đạo đức con người cũng không ai bằng được, và chẳng bao giờ có ai chê trách được điều gì, huống là học và sống đúng toàn bộ giới luật của Đức Phật thì mọi người sẽ nằm phục sát đất cho những vị tỳ kheo bước đi với lòng cung kính và tôn trọng tuyệt đối, như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Nikaya.
Đối với một trăm giới chúng học là một trăm oai nghi đạo đức đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, ăn, uống, ngủ, nghỉ, rất đầy đủ đức hạnh của một con người có giáo dục đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người, mà nếu ai đặt trọn lòng tin sống đúng một trăm giới luật này thì cuộc sống của họ sẽ an vui, hạnh phúc vô cùng.
Bởi vậy, chúng ta là những người có đủ phước duyên rất lớn mới tu theo Đạo Phật và gặp được chánh pháp đức hạnh toàn thiện của Đạo Phật, để học tập, trau dồi và rèn luyện đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người, nhờ đó chúng ta được giải thoát hoàn toàn, thoát khổ của đời sống hiện tại và mai sau.
Nếu không tin thì quý vị hãy đọc trọn bộ “Giới Đức Làm Người”, tức là một trăm giới chúng học trong các bộ giới luật của Đức Phật, thì quý vị sẽ rõ lời chúng tôi nói là chân thật.