Chống nạnh là một hành động phách lối như giới trên đã dạy, ngồi mà chống nạnh lại còn phách lối hơn nữa, chỉ có bọn người lưu manh, chuyên môn đi đánh lộn, tánh tình ngang tàng, bướng bỉnh, chẳng biết phải trái, nên mới có những hành động ngồi mà chống nạnh.
Người có đạo đức không bao giờ có những hành động ngồi chống nạnh như vậy được, vì thế ngồi trong nhà người cư sĩ không nên chống nạnh, người thế gian ngoài đời còn không ngồi như vậy, huống là một vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật cần phải tránh xa những hành động này, hành động này khiến cho chúng ta nhìn thấy một vị tu sĩ giống như một tên côn đồ, vô đạo đức, chớ không phải là những bậc Hiền Thánh Tăng. Vì vậy người tu sĩ Đạo Phật cần phải tránh xa những hành động chống nạnh, ngang tàng, thiếu giáo dục đạo đức làm người.
Người tu sĩ Đạo Phật ngồi không nên chống cằm, một tay hoặc hai tay. Chống cằm có nghĩa là người đang suy tư, lo buồn, u sầu một điều gì. Người tu sĩ Đạo Phật tất cả đều buông xả sạch hết thì còn có gì mà lo buồn, u sầu. Những điều lo rầu, u buồn này không đúng đối với một vị tu sĩ Đạo Phật, người tu sĩ Đạo Phật luôn luôn thanh thản và vô sự. Tâm hồn lúc nào cũng vui tươi và an lạc, nên không bao giờ ngồi chống tay lên cằm.
Vị tỳ kheo, người tu sĩ của Đạo giải thoát thì lúc nào cũng tỏ ra hoan hỷ, vui tươi chứ có đâu lại ngồi chống tay lên cằm tư duy, lo rầu, u não. Hành động như vậy không đúng tư cách đối với một vị tỳ kheo đã lìa đời sống thế gian, cần phải sửa sai những hành dộng này, không nên tập thành thói quen như vậy.
Hành động chống nạnh ngồi trong nhà người cư sĩ là một hành động vô đạo đức trong một gia đình thiếu giáo dục. Làm người không nên có những hành động như vậy, rất là vô phép và thiếu lễ độ đối với mọi người.
Chống tay lên cằm, chứng tỏ có sự buồn khổ, nhưng ngồi trong nhà người mà buồn khổ tức là làm cho gia đình người ta buồn khổ lây, làm cho gia đình người ta buồn khổ lây tức là làm khổ người; làm khổ người tức là vô đạo đức. Mang đến niềm vui cho người thì nên làm bằng ngược lại thì nên tránh xa những hành động chống tay lên cằm. Cách thức ngồi chống tay lên cằm không phải cách ngồi khoan thai của những bậc đại nhân mà là cách ngồi của những kẻ chiến bại, thất tình, tiêu cực, bi quan, yếm thế, v.v...
Hai hành động trên là những hành động thiếu đạo đức giải thoát của Đạo Phật, mà người tu sĩ đệ tử của Đức Phật cần phải tránh xa, vì phạm hạnh của người tu, vì làm gương hạnh đạo đức nhân quả cho tín đồ và cũng là nói lên tư cách của một vị tỳ kheo đệ tử Phật luôn luôn hoan hỷ trong tâm hồn giải thoát, để mọi người trông thấy mà không ai có thể khinh khi và chê trách được.
Tuy mới học mười ba giới chúng học trong đây mà chúng ta đã thấy rõ giới luật đức hạnh của Đạo Phật rất lợi ích cho mỗi con người, Đức Phật dạy đạo đức làm người trong cuộc sống rất cụ thể, thiết thực và rõ ràng, từng mỗi hành động đạo đức của con người đều mang đến cho nhau những niềm vui an lạc. Càng học chúng ta càng say mê và thích thú, càng sống đúng đạo đức chúng ta càng thấy cuộc sống của mình như đang sống trong cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.
Vì thế, mỗi khi được học một giới luật nào thì chúng ta hãy cố gắng thực hành cho bằng được, để đem lại lợi ích cho mình cho người một đời sống an vui và hạnh phúc.