Ngồi chồm hổm nghĩa là ngồi dưới đất, hoặc trên giường, trên ghế mà khu mông không chấm đất hoặc chấm giường, ghế, tức là hai bàn chân đạp đất, hai đầu gối dựng lên.
Cách thức ngồi như thế này là cách ngồi theo kiểu nông dân, vì ngoài ruộng bùn nước, cỏ rác dơ bẩn, nên phải ngồi chồm hổm để quần áo khỏi dính nước, bùn dơ bẩn. Ngược lại không phải ở ngoài đồng ruộng mà ngồi chồm hổm thì thật là khó coi.
Người có biết chút ít đạo đức về tư cách đi, đứng, nằm, ngồi cũng không thể ngồi chồm hổm trong nhà người khác. Nhất là người tu sĩ Đạo Phật lại còn không thể ngồi như vậy được, ngồi như vậy trông giống như một con khỉ đột, không phải cách ngồi của bậc đại nhân. Cách thức ngồi như vậy không nghiêm trang tề chỉnh, trông có vẻ gò bó, khắc khổ của một người bần cùng, khốn đốn, không thoái mái dễ chịu.
Người tu sĩ Đạo Phật, từ chú Sa Di cho đến vị Tỳ Kheo trưởng lão không được ngồi chồm hổm, vì ngồi như vậy không đúng cách thức của con người có đạo đức. Đó là nói riêng về tu sĩ, còn nói chung về giới đệ tử cư sĩ của Đức Phật cũng như người ngoài đời thì cũng chẳng nên ngồi như vậy, hành động ngồi như vậy còn mang bản chất loài thú vật. Chúng ta cứ nhìn xem một con thú đang ngồi như con khỉ, con chó, v.v... thì đủ biết lời chúng tôi nói không sai.
Người tu sĩ Đạo Phật ăn có nơi, ngồi có chỗ và ngồi phải đúng cách ngồi (cách ngồi đúng nhất của vị tỳ kheo là ngồi xếp bằng kiết già hoặc ngồi bán già).
Người thiếu giáo dục đạo đức về tư cách đi, đứng, nằm, ngồi thì cách thức ngồi nào họ cũng ngồi được cả, họ đâu biết rằng, con người vừa sanh ra thì cũng giống như một con thú vật, nếu không tập đi hai chân thì con người cũng đi bốn chân như con thú vật mà thôi; nếu không tập nói thì con người cũng chỉ biết kêu thét và la hú như con thú vật; nếu con người không tập luyện mỗi mỗi hành động của mình cho đúng tư cách làm người thì con người chỉ là con thú vật mà thôi. Cho nên muốn làm người không phải dễ, người xưa nói: “làm người khó! làm người khó !”
Đừng bảo rằng: “Trời sanh sao để vậy, sống tự nhiên cho khỏe hơn”, đó là sự hiểu sai, không đúng. Một cây kia nếu không được sự rong uốn thì cây kia cong queo trở thành vô dụng chỉ có làm củi mà thôi. Con người mà không học đạo đức khi sanh ra sống tự nhiên thì chẳng khác nào giống như một con thú vật. Bởi vậy, con người cần phải được giáo dục đạo đức toàn diện từ cách thức đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến mọi cách thức ăn, nói, giao tiếp và xã giao với mọi người, không những đối với con người mà còn đối xử với tật cả loài cầm thú, lúc nào cũng phải lịch sự và lễ độ để tránh những hành động vô đạo đức vừa làm khổ mình làm khổ người và khổ chúng sanh. Đó là mọi hành động cách thức con người vượt ra khỏi những hành động của loài cầm thú để không còn làm khổ, giết hại và ăn thịt lẫn nhau nữa. Nhờ vượt thoát ra khỏi những hành động của loài cầm thú, nên không gây ra những hậu quả khổ đau sau này.
Vì thế chúng ta mới học đạo đức, nếu không ích lợi như vậy thì học đạo đức để làm gì? Nếu con người không chà đạp lên sự sống của nhau và không làm khổ đau cho nhau thì học đạo đức cũng chỉ bằng thừa mà thôi. Cho nên, đạo đức rất quan trọng cho đời sống của loài người trên hành tinh này.
Chính vì con người đã tự làm khổ mình và làm khổ người khác, nên nói có đạo đức không làm khổ mình khổ người ra đời để dạy cho con người thoát khổ, tức là thoát kiếp làm loài động vật hung ác, gian xảo, lừa đảo, điêu ngoa, xảo quyệt, v.v...
Đạo đức không làm khổ mình khổ người đã được Đức Phật cách đây 2542 năm, Ngài đã dạy chúng ta học tập và tu sửa mỗi mỗi hành động thân, miệng, ý, đầy đủ những đạo đức và những đạo hạnh làm Người, làm Thánh Nhân, mà trong bộ Giới luật của Ngài còn lưu lại mãi mãi muôn đời cho chúng ta sau này. Tuy nó có mặt, nhưng con người đã bỏ quên, đến giờ này chúng tôi mới triển khai, cố gắng làm cho nó sống lại, để đem đến lợi ích cho cuộc sống con người.