TRAI HAY LÀ CHAY

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong một bài giảng về chánh tín và mê tín đăng trên nguyệt san Giác Ngộ. Hòa Thượng Thích Thanh Từ có giảng... Trong Miền Nam các nhà sư Nguyên Thủy chỉ có ăn trai chứ không ăn chay. Vì trong khi hành hạnh khất thực, ai cho gì ăn nấy kể cả thức ăn mặn. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Trai là một danh từ chữ Hán.

Chay là một danh từ chữ Việt.

Nghĩa của “trai” và “chay” thì đồng nghĩa, có nghĩa là không ăn thịt chúng sanh. Vì thế mới có “nguyệt trai”, “nhật trai”.

Nguyệt trai là một tháng ăn chay (không ăn thịt chúng sanh), như: tháng giêng, tháng bảy và tháng mười.

Nhật trai là ngày ăn chay (không ăn thịt chúng sanh) như:

1- Nhị trai

2- Lục trai

3- Thập Trai

- Nhị trai: Gồm có ngày rằm và ngày 30 Âm lịch.

- Lục trai: Gồm có ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30 Âm lịch.

- Thập trai:Gồm có các ngày như: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 Âm lịch.

Theo chữ nghĩa thì Bắc Tông Đại Thừa hiểu chữ trai là “ăn chay”. Nam Tông Tiểu Thừa hiểu chữ trai là “giới cấm”, cho nên mới có Thọ Bát Quan Trai, ngọ trai.

Nhưng nói đến giới cấm thì không nói đến chay và mặn, mà chỉ nói đến thiện và ác. Vì vậy, trong giới luật của Phật mới có “Giới thứ nhất dạy chẳng sát sanh”, nghĩa là cấm không cho giết hại chúng sanh, không bảo, không xui bảo người khác giết hại.

Ở đây, có nghĩa giới luật cấm các vị Tỳ Kheo không được ăn thịt động vật, vì ăn thịt động vật tức là bảo người khác giết hại chúng sanh.

Cho nên, chữ trai bên Nam Tông Tiểu Thừa cũng có nghĩa là ăn chay, nhưng các sư biến chữ trai thành nghĩa khác như HT Thích Thanh Từ giảng như vậy là để tùy thuận với các sư Nam Tông, nuốt trôi những miếng thịt động vật.