Nghĩa là tỳ kheo khi ở trong nhà người cư sĩ, không nên đội mũ, nón, khăn trùm trên đầu, chỉ khi nào có bệnh mới được che đầu.
Giới này Đức Phật dạy các vị tỳ kheo phải giữ lễ độ, tôn trọng người khác, chớ đừng tưởng mình là tu sĩ Hòa Thượng, Thượng Tọa là Phật, là Thánh, v.v... hơn thiên hạ hết, trong lúc mình chỉ là một người phàm phu tầm thường, có khi còn kém đạo đức hơn thiên hạ nhiều, tham, sân, si còn đủ, tánh hung ác hơn thú dữ, chỉ có khác ở thiên hạ là chiếc áo cà sa, và cái đầu cạo tóc. Thế mà đi vào nhà người không chịu dỡ mũ, nón ra, người ở đời người ta còn không làm như vậy, họ luôn thể hiện sự lễ độ với mọi người, huống chúng ta là những tu sĩ Phật Giáo, gọi là Thánh Tăng thì phải có những hành động lễ đọ hơn nhiều.
Bởi vậy, sự lễ độ cung kính đối với mọi người là một đạo đức của con người trong cách thức xã giao, là một hành động đẹp đẽ trong sự tôn quý lẫn nhau mà con người cần phải có trong cuộc sống chung hằng ngày, huống là chúng ta, những vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật thì phải làm gương hạnh tốt cho tín đồ, chớ không nên tự kiêu, tự đắc, tỏ ra mình là bậc Thầy, Tổ, Tiên, Thánh, Phật, v.v... Khi mà còn mang thân nhân quả thì ai cũng giống như ai, hơn nhau là ở chỗ có đạo đức, biết tôn trọng mọi người, tức là biết tôn trọng mình; biết không làm khổ người tức là biết không làm khổ mình, chớ không phải vì tiền bạc, danh lợi, cấp bằng, địa vị cao, giàu có. Dù cao sang giàu có, kiến thức rộng, cấp bằng cao đến đâu mà đức hạnh chẳng ra gì, thì con người đó chỉ là một loài cầm thú mà thôi.
Cho nên, khi bước chân vào nhà, bất kỳ ở nơi đâu, cũng không được đội nón, mũ, khăn, v.v... mà phải lột xuống cầm tay, đó là một đạo đức lễ độ không riêng cho giới tu sĩ mà cho tất cả mọi người, vì vậy mọi người ai ai cũng cần phải học hành động đạo đức lễ phép này để chứng tỏ chúng ta là người Châu Á có một truyền thống đạo đức đẹp đẽ.