Giới thứ hai: MẶC BA Y PHẢI CHỈNH TỀ

Tề chỉnh nghĩa là gì? Thứ nhất, nghĩa là phải bỏ tánh láu táu không nghiêm trang. Thứ hai: Vấn y không thòng xuống qua cánh chỏ bày da thịt trong thân, hay cao quá bắp chân, hoặc thòng xuống một góc như vòi voi, hoặc thòng hai góc trước, hai góc sau vén lên cao, hoặc xếp nhỏ thành lai y.

Tăng khước kỳ tức là áo trùm vai (y trung). Phép mặc, đắp nó, phải chừa trống vai bên tay mặt, đắp qua vai bên tay trái. Khi ở trong thất hoặc trong phòng thì chỉ mặc y tăng khước kỳ và y tăng kỳ chi (cái chăn); khi đi ra ngoài đường hay làm lễ các bậc tôn túc, thì phải mặc đắp thêm y thượng; khi sắm sửa đồ cúng dường hoặc làm những công việc khác thì mặc y tăng khước kỳ và y tăng kỳ chi; khi nào làm phước chú nguyện hoặc thuyết giảng pháp, thì phải đắp y trùm hai vai (y thượng), để thể hiện tướng phước điền.

Khi nào thì hiện tướng phước điền? Và tướng phước điền như thế nào?

Khi được vua mời cúng dường cơm, hoặc đi vào làng khất thực, hoặc lúc ngồi thiền dưới gốc cây, hoặc khi thọ thực, đều phải mặc y thượng. Do đó, mọi người trông thấy một vị tỳ kheo ăn mặc tề chỉnh nghiêm trang, đúng là bậc chân tu giải thoát, có vẻ đầy đủ đạo hạnh, khiến cho mọi người nhìn thấy sanh tâm cung kính và tôn trọng. Đó là chúng ta, những tu sĩ tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni, đã tạo nhân duyên tốt để dạy đạo đức cung kính và tôn trọng cho người khác, hầu giúp họ hướng về con đường giải thoát của Đạo Phật bằng đức hạnh toàn thiện làm người, làm Thánh Nhân.

Tướng phước điền là tất cả hành động oai nghi tế hạnh đạo đức của một vị tu sĩ mà không có ai dám chê trách được. Người hiện tướng phước điền là người thực hiện lòng từ bi, muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh nên thể hiện tướng phước điền đó, để chúng sanh nào có hữu duyên được nhìn thấy và sanh khởi lòng mến phục, cung kính và tôn trọng, nhờ lòng cung kính và tôn trọng đạo hạnh phước điền đó, nên thường sống trong đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người. Do đó, tâm thường sống trong thanh thản, an lạc và hạnh phúc. Cho nên hành động đạo đức giới luật là ruộng phước của vị tu sĩ đệ tử của Đức Phật thể hiện, để mọi người hữu duyên gieo trồng và cấy gặt mà hưởng phước báu vô lượng nơi đó.

Tóm lại, tướng phước điền là những hành động đạo đức giới luật của Đức Phật đã dạy làm người, làm Thánh Nhân. Ai biết cung kính và tôn trọng đức hạnh đó thì sẽ hưởng phước báu vô lượng vô biên.

Người ăn mặc lôi thôi là người có hành động thiếu đạo đức đối với mình và với người khác. Tại sao vậy?

Vì ăn mặc lôi thôi khiến cho người khác khinh chê mình, đó là thiếu đạo đức với mình; vì ăn mặc lôi thôi đối với người khác là thiếu lòng tôn trọng người khác, xem mọi người xung quanh mình chẳng ra gì. Người có học đạo đức về cách thức ăn mặc là phải biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác thì chẳng bao giờ ăn mặc lôi thôi.

Ở ngoài đời người có đạo đức còn không ăn mặc lôi thôi như vậy, huống là chúng ta những tu sĩ đệ tử của Đức Phật thì không thể nào ăn mặc lôi thôi được, phải ăn mặc nghiêm trang, tề chỉnh, đúng phạm hạnh của người tu sĩ, tức là phải nghiêm chỉnh trong oai nghi tế hạnh đạo đức của tất cả giới luật Đức Phật đã dạy.

Nhìn một vị tu sĩ ăn mặc nghiêm trang, tề chỉnh mới xứng đáng làm gương hạnh đạo đức cho tín đồ. Là một vị Thánh Tăng và Thánh Ni thì ăn mặc phải nghiêm trang, tề chỉnh, chứ không lẽ bậc Thánh mà ăn mặc lôi thôi sao? Chúng ta là những tu sĩ Đạo Phật phải giữ gìn nghiêm chỉnh những hành động đạo đức này, để không phụ công ơn dạy bảo của Đức Phật, mà toàn bộ kinh giới dạy về đạo đức của Ngài còn để lại cho chúng ta mãi mãi muôn đời.

Chỉ có bọn tà giáo ngoại đạo, lợi dụng có chút ít thần thông để lừa đảo người, ăn mặc lôi thôi, ăn uống bẩn thỉu làm ra vẻ Bồ Tát giáng lâm, đó là hình ảnh Hàn Sơn, Thập Đắc trong Thiền Tông; Phật sống xuất hiện, ăn mặc dơ bẩn lôi thôi lếch thếch, đó là Tế Điên Hòa Thượng, Phật Sống Cựu Kim Sơn; Di Lặc ra đời, ăn mặc hở hang, bày da hở thịt, phơi bày ngực bụng, trông giống như phụ nữ mang thai, đó là Bố Đại Hòa Thượng và ông Trần Văn Em, Giáo Chủ Thiền Xuất Hồn, v.v...

Tất cả những nhân vật này, toàn là những người vô đạo đức, sống không đúng đức hạnh của Phật Giáo, thường phạm tất cả những giới luật của Phật, không còn một giới luật nào mà không phạm, nhìn những người tu sĩ này thật là đau lòng cho Phật Giáo. Trên đời này còn có mấy ai đã thấy được và cảm thông với chúng tôi những nỗi niềm đau xót tận đáy lòng này hay không?