1.- Những Cách Đi Kinh Hành
Trước khi đi, phải đứng yên lặng vài phút để cảm nhận cái yên tịnh, đừng vội đi sẽ không hay. Ở giai đoạn khởi đầu này, trong khi đi, đừng cúi xuống nhìn chân mà phải nhìn xuống tới trước vài mét. Có bốn cách đi Kinh Hành. Đây là phần thực hành pháp đi kinh hành, Thầy đi, con hãy xem kĩ.
Cách thứ nhất: Ði 20 bước
Sau khi đứng yên vài phút xong, nín thở, tác ý “Tôi đi tôi biết tôi đi” hay “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”. Chỉ chú ý vào bước đi, sự bước đi, đếm đủ 20 bước, đứng lại, nín thở, tác ý lại câu “Tôi đi tôi biết tôi đi” hay “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”. Đi và đếm đủ 20 bước khác, đứng lại và tác ý lại.
Khi đi như vậy thì hãy cảm nhận bước đi, đừng nhìn bước đi. Cứ như vậy tập đủ 30 phút. Nhớ chỉ cần đếm đủ 20 bước, không thiếu, không dư, đứng lại, nín thở, tác ý, đi tiếp. Có hay không có vọng niệm không quan trọng.
Khi lắng nghe bước đi là cảm giác bước đi. Kinh bảo lắng nghe là lắng nghe bước đi, tức là phòng hộ tai không nghe ra bên ngoài. Đi đúng là đi mà ngó thẳng ra đằng trước, tâm thì chú ý vào bước đi, luôn luôn cảm nhận bước đi.
Bây giờ Thầy đi và đếm: “Một”, “Hai”,... “Hai mươi”. Sau khi đếm đủ hai mươi bước thì đứng lại, quay lui và nín thở tác ý “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành” rồi đi hai mươi bước khác. Thầy nhìn ra đằng trước và cảm nhận bước đi một cách tự nhiên chứ không phải nhìn bước đi vì nhìn bước đi thì phải cúi đầu xuống, hoặc nếu lắng nghe thì phải nghiêng cổ. Nhưng đây chỉ là tập bước đi, phải phòng hộ mắt tai mũi miệng thân ý, phải tập trung để biết bước đi. Đi phải tự nhiên chứ không nên gò bó, cứng ngắc. Thỉnh thoảng ngó qua bên này hay qua bên kia nhưng đừng mất cảm nhận bước đi, đừng ngó chăm chăm đằng trước.
Cách thứ hai: Ði 10 bước + Ðứng hít thở 5 hơi
Trước khi đi tác ý “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”. Đi và đếm bước đi: “Một”, “Hai”,... “Mười”. Đứng lại, tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”. Chú tâm theo dõi từng hơi hít vô thở ra. Đủ 5 hơi hít thở, tác ý “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành” và đi tiếp mười bước khác...
Trong khi đi, Thầy không chăm chăm nhìn ra đằng trước mà khi nhìn bên này khi nhìn bên kia, tức là có sự động dụng cần cổ làm cho nó không bị mỏi, và hai vai cũng không bị mỏi. Đó là đi kinh hành 10 bước cộng thêm 5 hơi thở trong khi đứng. Hạnh tập luyện như vậy là đúng.
Cách thứ ba: Ði 10 bước + ngồi hít thở 5 hơi
Cũng vậy, đứng yên lặng kiểm soát thân tâm vài phút trước khi đi. Nín thở, tác ý “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”. Đi và đếm đủ 10 bước. Đứng lại. Ngồi xuống, kiết già được thì ngồi kiết già, nếu không thì bán già, sửa y áo đàng hoàng trước sau. Mắt nhìn tới trước, đầu ngửng lên, đừng cúi xuống, cúi là sai, lưng không khòm mà cũng không quá thẳng (đúng với tư thế ngồi thiền). Tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”. Hít thở 5 hơi với sự theo dõi sát của tâm. Xong buông chân ra đứng lên, không cần ra lệnh từng động tác một. Sau khi đứng lên xong thì tác ý đi kinh hành và đi tiếp 10 bước khác. Hành động từ tốn, không chậm cũng không nhanh.
Đây là pháp thứ ba kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Cách thứ tư: Thân Hành Niệm
Cách này chỉ mới tập làm quen thôi, chưa thực thụ tập luyện, đó là pháp môn Thân Hành Niệm. (Xin xem phần Thân Hành Niệm, trong cùng sách này.)
2.- Kinh Hành Có Chất Lượng
Khi đi Kinh Hành Tỉnh Giác, hãy đi rất tự nhiên, biết bước chân đi một cách tổng quát. Chỉ biết từng bước chứ không biết vào chi tiết. Đây là tĩnh giác trên hành động đi, không phải đi để biết từng chi tiết của chuyển động bàn chân như ở trong pháp Thân Hành Niệm. Kinh Hành Tĩnh giác là pháp tĩnh giác trên thân hành, không đi vào cảm giác, chỉ biết bước đi, biết sự di chuyển của chân thôi.
Muốn sự tập luyện mỗi bước đi có chất lượng thì phải luyện cẩn thận. Đi 20 bước mà không chú ý kĩ cả 20 bước là đi cho có đi thôi. Như vậy sự tập luyện làm mất thời giờ một cách vô ích. Thà tập ít để có thì giờ nghỉ thoải mái, còn hơn tập luyện bít hết thời giờ của thời khóa mà không kĩ lưỡng, không có chất lượng.
3.- Đi Nhanh Để Phá Buồn Ngủ
Kinh Hành Tĩnh Giác mục đích là để giúp đừng buồn ngủ, phá buồn ngủ, ngủ gật. Đi nhanh mới phá được buồn ngủ, còn đi chậm không phá được đâu. Vậy khi buồn ngủ, ngủ gật hãy dùng kinh hành mà phá. Bây giờ chưa buồn ngủ nhưng luyện tập trước cho thành thục để khi cần thì xài.
Đi trong phòng, trong thất mà không phá được buồn ngủ thì ra ngoài thất để đi. Cảnh vật thay đổi sẽ làm tâm không buồn ngủ. Khi buồn ngủ, dù đi ở đâu, trong phòng hay ra ngoài thì cũng phải tác ý: “Tâm phải tĩnh giác, không buồn ngủ nữa! Phải biết bước chân đi!”. Tác ý cho mạnh một lúc thì sẽ hết buồn ngủ. Phải tác ý cho đến khi tĩnh giác. Chỉ dụng pháp Kinh Hành và tác ý mà luyện, không dụng cái nào khác cho đến khi hoàn toàn tĩnh giác.
Mỗi khi bị cơn buồn ngủ tới thì phải đứng dậy đi và tác ý. Cơn buồn ngủ kéo dài lắm, có khi lâu đến một, hai giờ! Con phải phá, không được đầu hàng. Phải đánh cho đến tận cùng, cho hết buồn ngủ bằng pháp Kinh Hành Tĩnh Giác và tác ý. Luyện riết thì cái si – cơn buồn ngủ là hiện tướng của si – bị phá. Phá được buồn ngủ là pháp Kinh Hành có kết quả. Không ngờ pháp Phật dạy Kinh Hành để tĩnh giác khi buồn ngủ, mà khi đã phá được buồn ngủ thì sức tĩnh giác lại ngày càng cao. Tác ý riết thành lực phá buồn ngủ làm cho sức tĩnh giác tăng lên.
Khi có đối tượng của pháp môn thì dùng pháp đối trị. Có đối tượng thì pháp kinh hành mới có hiệu quả nghĩa là sức tĩnh giác tăng. Ở đây buồn ngủ là đối tượng của pháp kinh hành, phải dùng pháp kinh hành để đối trị. Còn nếu không có buồn ngủ mà tập kinh hành thì có tĩnh giác chứ sức tĩnh giác không tăng. Không phải tập đi kinh hành cho hết vọng tưởng. Không phải thế. Mục đích kinh hành là phá buồn ngủ.
4.- Phá Buồn Ngủ Bằng Kinh Hành Và Tác Ý
Con người mình vốn hay lười biếng, buồn ngủ làm tâm mờ mịt, không tỉnh táo được. Vậy nên phải đi kinh hành nhiều và nếu đi không đủ để phá buồn ngủ thì phải dùng tới các câu pháp hướng. Phải căn cứ trên trạng thái tâm để đặt ra câu pháp hướng cho đúng với trạng thái lúc đó. Thí dụ con bước đi tỉnh táo nhưng tâm lại khởi niệm nhiều, lúc đó con đặt ra câu pháp hướng thích hợp như “Tâm phải vắng lặng! Không được khởi niệm!”, hay có thể dùng câu pháp hướng của đề mục số 7 Định Niệm Hơi Thở mà hướng tâm: “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành”. Tác ý như vậy vì đây là lúc đi, thay chữ hít vô, thở ra bằng chữ đi kinh hành vào câu đó; vì tâm không an con phải bảo cho tâm an. Khi hít thở thì tác ý hít thở. Khi đi kinh hành thì tác ý đi kinh hành. Cứ như thế tác ý hoài thì nó sẽ có kết quả.
Khi tập luyện mà không tác ý hướng tâm là ức chế tâm; tác ý thì không bị ức chế. Đây là phương pháp mà đức Phật đã dạy trong bài kinh Định Niệm Hơi Thở và ta biết thay đổi để áp dụng khi đi. Khi ngồi hít thở thì tác ý “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi đang hít vô; an tịnh tâm hành, tôi biết tôi đang thở ra”. Khi tập luyện đi kinh hành thì ta tác ý tâm theo với pháp đi kinh hành. Không phải pháp này được ghi ở kinh hít thở thì chỉ áp dụng với pháp hít thở. Không phải vậy đâu. Nếu cái gì đức Phật cũng giảng dạy hết trong tất cả mọi điều kiện thì kinh đâu chứa hết, và như thế sẽ đi tới quá chi li tẳn mẳn. Người tập luyện phải biết, phải thấy, phải suy ra để áp dụng vào sự tập luyện của mình mà không sai ý Phật, không trật kinh sách. Điều cần thấy rõ là pháp nhằm đạt tới mục đích gì? Cùng một mục đích mà pháp khác nhau thì ta phải biết dùng phương pháp mà đức Phật đã dạy cho pháp này áp dụng cho mọi pháp khác để đạt được mục đích như Phật đã dạy. Với trí tuệ của người tập luyện, thay đổi câu tác ý cho đúng với trường hợp của pháp đang tập luyện. Thí dụ bây giờ đang ngồi mà thân bất an thì dùng câu tác ý cho thân an; còn khi tâm bất an thì dùng câu tác ý để tâm an và khi tác ý thì tâm có lực.
Khi tác ý như vậy thì tâm của mình theo lệnh của câu tác ý. Thí dụ đang đi kinh hành chưa hết giờ mà cảm thấy thân mỏi mệt nhưng muốn đi cho đủ giờ, lúc đó con bảo “Thân phải an, không được mỏi nữa nghe!”. Con chỉ ra lệnh như vậy và tác ý thì sử dụng là câu “An tịnh thân hành tôi biết tôi đang đi kinh hành”. Sử dụng câu pháp hướng cũng tuỳ theo tâm, có khi nhẹ nhàng khuyên bảo nó; có khi phải mạnh mẽ, cứng rắn la rầy nó, làm cho nó sợ.
5.- Khi Mới Tập Luyện Phải Kinh Hành Nhiều
Người mới tập luyện, nếu cứ ngồi trong thất luyện Định Niệm Hơi Thở nhiều không tốt vì sẽ sinh ra buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê và lười biếng, nên cần phải đi kinh hành, phải thường xuyên đi kinh hành.
Vậy khi về thất, con đừng có ngồi nhiều mà phải đi nhiều. Đừng cố chấp rằng giờ này là giờ ngồi, đi kinh hành là sai. Chỉ mới hơi buồn ngủ là đứng dậy ngay, đi và tác ý thầm câu tác ý hướng tâm. Đi mà vẫn nhiếp tâm vào hơi thở như con đã tập mấy ngày vừa qua. Nếu tác ý thầm mà không hết buồn ngủ thì tác ý lớn tiếng. Câu pháp hướng có lực làm cho sự buồn ngủ biến mất. Con tiến bộ được là nhờ đi kinh hành. Chỉ đi kinh hành thì sự buồn ngủ mới không đánh phá được. Sự buồn ngủ làm tâm mờ mịt. Chỗ mờ mịt này làm tâm không chiến đấu được, mới đưa vào mất sự chú ý (vô kí). Phá được buồn ngủ thì mới phá được mất sự chú ý. Mới tập luyện đừng sợ đi kinh hành nhiều cực.
Đi trong thất được nhưng bị gò bó, ra ngoài trời cho thoái mái, dễ chịu hơn. Mới sống đời sống độc cư mà cứ quanh quẩn trong thất thì gò bó quá, phải ra ngoài đi. Nên thiện xảo, tuỳ theo tình trạng của mình mà luyện đạt cho được sự tĩnh giác.
Khi nào buồn ngủ nặng nề, bằng cách tác ý như thế mà không hết thì theo cách sau đây để phá nó. Chẳng khó khăn gì, cũng dùng bước đi mà phá buồn ngủ. Con đưa chân tới trước, thẳng đầu gối, đưa cao lên rồi đạp mạnh chân xuống. Đi như thế thì các cơ được vận động, làm cho cơ thể chuyển động và cơn buồn ngủ nhờ vậy biến mất, bị đẩy lui. Đức Phật dạy ta phải thiện xảo sử dụng các pháp môn, đừng ra ngoài. Những người, để giảm, để khỏi buồn ngủ, lấy nước rửa mặt, rửa đầu hay tắm, thì cách thức đó là ra ngoài pháp môn. Đang đi kinh hành thì phải thiện xảo sử dụng cách đi, làm sao cho cơ thể tỉnh táo được mà vẫn ở trong cách đi kinh hành.
Bây giờ con hãy đi kinh hành để Thầy xem cách thức con thực hành. Trong lời trình bày của con thì thấy đúng rồi.
Con tác ý thầm trong đầu và đi tốc độ như vậy là được, đúng với pháp Kinh Hành Tỉnh Giác.
6.- Tâm Phóng Dật Phóng Niệm
Phải nhớ kĩ như vầy khi phóng dật phóng niệm thì không thể an trú được. Cho nên khi muốn tập luyện bất kỳ pháp môn nào trước tiên cần phải giữ thân tâm yên lặng một lúc từ 1 phút tới 5 phút, sau đó ôm pháp thì mới an trú được, chứ không phải muốn đi kinh hành mà mới vô là đi liền. Bất kỳ ai tập luyện cũng phải biết và sử dụng điều này, chứ không biết, không áp dụng thì người đó chỉ tập luyện lấy có chứ kết quả khó đạt được.
Khi đang đi mà vọng tưởng tới dồn dập thì nên đứng lại, giữ yên lặng một lúc cho thân tâm ổn định rồi tập trung tâm ý tập luyện lại. Con tập cứ đi 20 bước xong đứng lại chuẩn bị cho 20 bước kế tiếp. Làm vậy thì tập luyện rất kĩ, rất kết quả, hơn là đi liên tục 20 bước này kế tiếp 20 bước khác, hay liên tục suốt 30 phút. Đó là cách thiện xảo để an trú tâm trên thân hành. Có nhiều cách thức để thiện xảo tùy theo đặc tướng của mỗi người.
Khi đi Kinh Hành Tỉnh Giác, nếu có tạp niệm xen vào nhiều, sử dụng câu tác ý “An tịnh tâm hành tôi biết tôi đang đi”. Đó là những câu mà đức Phật trang bị sẳn để khi tâm không an dẫn cho nó an, tâm không tịnh dẫn cho nó tịnh. Khi thân không an thì cũng có pháp trang bị cho thân an. Đức Phật trang bị cho mình đủ hết mọi điều kiện, chỉ có mình chịu ôm pháp mà luyện hay không thôi. Phải siêng năng và tập luyện đúng pháp thì mọi chướng ngại, chướng pháp sẽ bị dẹp hết.
7.- Cách Kinh Hành Nhiếp Tâm – An Trú Tâm
Đi kinh hành để chánh niệm tĩnh giác thì giai đoạn mới bắt đầu tập luyện đừng nhìn xuống chân, vì nhìn xuống chân, sức gom tâm mạnh quá, tập trung quá, mặc dù biết rằng cái biết bước chân đi rất rõ bởi vì mắt ta nhìn ở đâu thì ý tập trung ở đó. Mới tập luyện thì chỉ nên tập để ý thức biết bước đi. Con tác ý “Tôi đi tôi biết tôi đi” rồi ra lệnh “Bước!”, rồi mới bắt đầu đi sau lệnh đó và mắt thì nhìn tới trước độ 2 hay 3 thước nhưng ý thì lắng nghe bước đi.
Nên nhớ ý lắng nghe bước đi còn mắt thì hãy nhìn ra xa để thư giản bớt sự tập trung. Nếu ở giai đoạn mới bắt đầu này mà gom mắt, tai, thân, ý vào bước đi thì ức chế quá. Có người sức tập trung mạnh họ luyện như vậy kéo dài được nhưng bị căng mặt. Họ ức chế. Con phải nhìn ra ngoài mà đi trong khi biết bước chân, nhờ thế sẽ thấy thoải mái dễ chịu nhưng ý không rời biết bước chân.
Đâu, con đi cho Thầy xem.
Con đi như vậy là được rồi. Chỉ ý thức biết bước chân đi thôi, còn mắt thì nhìn ra xa, tai phóng nghe ra ngoài. Giai đoạn này, khi đi mà lúc nào cũng biết bước chân đi, cảm thấy thoải mái dễ chịu, nhưng nó vẫn còn có niệm. Điều này không quan trọng gì hết. Có hay không có niệm không sao.
Sau thời gian luyện độ nửa tháng hay một tháng, lúc đó mới bắt đầu gom mắt vào bước chân, mắt nhìn thấy chân bước. Con sẽ thấy vọng tưởng giảm rất nhiều và cảm thấy dễ chịu trong suốt 30 phút. Lúc đó là con đạt được sự an trú. An trú ở mức độ ngang với sự bớt vọng niệm.
Nửa tháng hay một tháng sau lại gom thêm tai vào. Đi mà mắt nhìn bước chân, tai lắng nghe bước đi, tập trung luôn cả mấy căn vào bước đi. Giai đoạn này là giai đoạn đi 30 phút không một niệm khởi mà không bị căng mặt, nặng đầu.
Con hãy biết luyện từng bước như thế, từng chút như thế. Đây là cách thức luyện chế ngự tâm, không ức chế tâm. Nếu ngay từ lúc đầu con tập trung hết các căn vào bước đi, luôn luôn làm vậy là ức chế. Đừng nghĩ tưởng là luyện tâm theo cách thức ức chế tâm sẽ tiến bộ nhanh và sự căng mặt nặng đầu này phải có, thường có. Điều này thường đem lại nguy hiểm nhiều hơn. Đối với người có thần kinh yếu thì có tác hại không thể sửa chữa được. Chỉ có người có thần kinh mạnh mới có thể may mắn vượt qua. Tuy nhiên đây không phải là pháp Phật dạy. Pháp của Phật dạy mới vào tập luyện là thấy có sự giải thoát ngay liền chứ không có căng mặt, nặng đầu, đau nhức thần kinh.
8.- Luyện Nhiếp Tâm, An Trú Tâm Khi Đi
1.- Giai đoạn 1 nhiếp phục tâm trên bước đi: Kinh Hành Tĩnh Giác con đi như vậy là được rồi. Chậm như vậy là được, cứ thế tiếp tục luyện. Khi đi theo độ chậm như thế thì con tác ý “Bước!”, “Bước!” hay “Trái bước!”, “Mặt bước!” theo từng bàn chân dở lên bước tới, toàn bộ bàn chân hành động chứ không phải từng hành động của bàn chân.
2.- Giai đoạn 2 nhiếp phục tâm trong sự an tịnh của bước đi: Khi tác ý “Bước” như thế cho đến khi nhiếp phục được tâm trong bước đi được, tức không khởi niệm trong thời gian bước đi, thì thay đổi câu tác ý khác, thí dụ bước thứ nhất bảo “An”, bước thứ hai “Tịnh”. Qua giai đoạn 2 này là nhiếp tâm trong sự an tịnh của thân đang bước đi chứ không còn nhiếp tâm trên bước đi nữa.
3.- Giai đoạn 3 an trú tâm trên bước đi: Bây giờ cũng câu tác ý bước đi đó nhưng khi tác ý “An” thì chú ý thân an, không cảm giác khó chịu chỗ nào; còn “Tịnh” thì chú ý cái tâm không khởi niệm gì. Thầy nói rõ: mỗi khi tác ý “An”, “Tịnh” thì không còn tập trung dưới bước đi nữa, mà “An” là xem thân an, “Tịnh” là xem tâm tịnh, trong khi nương vào bước đi mà lắng nghe thân an và tâm tịnh. Luyện như vậy thì không bị thất niệm. Tức là lúc này tâm luôn luôn ở trên toàn thân.
4.- Giai đoạn 4 an trú tâm trong cái an tịnh: Sau khi an tịnh rồi, tức là thời gian 20 bước đi mà thấy được an tịnh rồi thì tới giai đoạn tập “an trú” để tâm trú trong cái an tịnh đó. Con tiếp tục luyện trên phương pháp thực hành biết toàn thân tâm, cùng lúc biết cả toàn thân và tâm, chứ không phải đi biết đi không thôi đâu!
Khi đã an trú được, tức an tịnh thân tâm được rồi thì không còn bị thất niệm nữa. Khi còn tác ý “Bước. Bước” thì còn thất niệm, nhưng sau khi con làm chủ được, nhiếp phục được tâm không còn niệm khởi thì thay “An, Tịnh ” vào. Khi con chủ động thì không thất niệm. Không thất niệm thì mới an tịnh. Khi tác ý “An”, “Tịnh”, thấy đi suốt thời gian đó mà không có một niệm nào xen vô, thì con phải hướng tâm và tác ý “An”, Trú”, và tập cảm thấy như lúc này tâm trú vào bước đi rất rõ ràng và yên ổn. Như vậy là tu 4 Niệm Xứ trong khi thân di động.
Giai đoạn mới đầu này, con cố gắng tinh cần tập luyện thì bị hao năng lượng rất nhiều nên làm sao bắt đầu vào tập luyện thì phải đạt được chất lượng liền tức là làm sao phải nhiếp phục và an trú tâm trên bước đi cho được, nghĩa là đi mà hoàn toàn không có một niệm nào xen vô làm gián đoạn niệm biết bước đi.
Nếu muốn được như vậy thì trong một thời luyện có nhiều lần 20 bước, sau mỗi lần 20 bước đứng lại nghỉ ngơi chuẩn bị cho 20 bước kế tiếp. Thí dụ như khả năng đi 20 bước mà vọng niệm hãy còn nhá nhá, như vậy trong thời gian đứng nghỉ đó, phải chuẩn bị làm sao cho vọng niệm không còn nhá vào trong 20 bước kế này nữa. Nghĩa là nếu trong 20 bước vừa rồi mà có một niệm xẹt vô – đang biết bước đi, vọng niệm nhá lên mà biết ngay thì nó dừng lại liền, không kéo dài được đâu – Tuy nhiên, khi đó con đứng lại tư duy suy nghĩ, tìm cách làm thế nào để điều khiển 20 bước kế này không có một niệm nào khác niệm biết bước đi xen vô được. Khi nào luyện sai, bị sơ sót là phải suy xét liền vì sao chỗ này có niệm xẹt vô? Đứng lại là để tư duy suy xét rút tỉa kinh nghiệm. Sau khi suy nghĩ rút kinh nghiệm biết tại chỗ này đã hơi lơ là, không chú tâm kĩ vào bước đi nên hồi nãy vọng niệm xẹt vô được. Vậy phải cẩn thận điểm này.
Đó chính là tập luyện kĩ, là tập luyện có chất lượng, dù tập luyện ít mà chất lượng rất cao tức là nhiếp phục được tâm. Khi nhiếp phục được tâm, an trú được tâm thì hạnh phúc lắm, thích thú lắm! Không làm chủ nhiếp được tâm thì lấy gì mà phấn khởi. Dù Thầy chỉ dạy cách gì đi nữa mà con tập luyện không có kết quả thì không thể có niềm tin được. Cho nên phải tự con đạt kết quả để có niềm tin, có sự vui thích trong tập luyện thì mới đưa lại sự tinh tấn.
Khi chưa an trú tâm, không phải khi đạt được nhiếp tâm không niệm khởi trong 20 bước hay trong 10 bước và tất cả mỗi 20 bước đều không niệm khởi thì tăng số đếm bước lên. Không phải vậy. Vẫn giữ số 20 bước và luyện làm sao để tâm được an trú trong số bước đó. Khoan tăng số bước lên.
Nếu trong tất cả mỗi lần 20 bước chất lượng rất cao nghĩa là nhiếp phục được tâm ổn định thì cũng chỉ đi 20 bước thôi và duy trì sự nhiếp tâm cho đến khi trạng thái tâm an trú xuất hiện chỉ trong số 20 bước đó. Bây giờ chưa an trú mà chỉ mới nhiếp phục tâm được trong thời gian rất ngắn, dù vậy, con đã phải tiêu hao năng lượng rất nhiều. Nếu tăng số bước lên thì càng bị hao năng lượng nhiều hơn nữa, như vậy sẽ bị buồn ngủ, ngủ mê không tập luyện được. Kết quả là phải ăn, phải ngủ phi thời, hoặc là bị sụt giảm gầy ốm thành bệnh. Nói chung là không tập luyện được.
Luyện cho đến khi chỉ cần vào vài bước là đã an trú được, có sự an lạc trong thân tâm khi bước đi, nên không bị hao năng lượng. Sự an trú sẽ tăng từ thấp lên cao, càng ngày càng mạnh, rõ ràng và mau đạt được. Vì vậy, khi mới thấy có sự an trú đến thì đừng tăng số bước, đừng tăng thời gian tập luyện lên. Khoan đã. Phải luyện cho sức an trú ngày càng mạnh, càng tăng nhiều lên, cho được ổn định, lực của sức an trú ngày càng tăng cho đến rất sung mãn mới được.
Cái khó của thời gian đầu này là làm sao nhiếp phục được tâm chỉ trong thời gian ngắn nhất. Đừng tham đi nhiều, đừng tham thời gian tập lâu dài. Đừng nghĩ 20 phút, 30 phút gì hết, mà chỉ nghĩ: “Tôi chỉ biết 10 bước, hay 20 bước thôi, làm sao cho tâm được an trú, chỉ bấy nhiêu thôi. Tôi biết sức của tôi”.
Chỉ bấy nhiêu bước mà nhiếp phục tâm được, rồi an trú được. Đừng có đi mãi đến sau 10, hay 15 phút mới có an thì không được, mất thời gian dài, hao năng lượng nhiều quá. Phải vô chừng 5 bước là đã có năng lượng rồi, không còn hao năng lượng của con nữa. Tập luyện 20 bước chứ càng luyện càng khoẻ. Lúc đó con bắt đầu ăn uống ít hơn, không còn ham ăn nữa, bởi vì có sự li dục rồi. Khi năng lượng do tập luyện sinh ra có đủ thì nó tự li dục. Nếu thiếu năng lượng thì nó đòi ăn –tức còn tham dục– mà không thoả mãn thì sinh bệnh này bệnh nọ. Và nó đòi ngủ – vì còn si – mà ráng giữ gìn giờ giấc thì nó phải bệnh chết thôi. Đó là lý do vì sao người ta tập luyện không được. Người ta sai, con phải tránh.
Bởi vậy Thầy khuyên trước nhất phải cố gắng nhiếp phục tâm cho được. Có vọng tưởng mà muốn an trú thì làm sao an trú được. Nhất định phải hoàn toàn chủ động. Muốn nhiếp là nhiếp được. Thầy cho thời gian tập luyện ngắn, chỉ 20 bước, chỉ 5 phút thôi, không hao năng lượng nhiều đâu. An trú chưa được mà tăng giờ lên thì không được đâu. Tăng lên là tự diệt con đó.
Nếu mới khởi đầu thời khóa mà tập luyện Kinh Hành Tĩnh Giác hay Thân Hành Niệm thì trước hết phải lấy Định Niệm Hơi Thở làm chỗ nhiếp phục tâm và an trú tâm, nhờ vậy sẽ ít bị hao năng lượng. Chứ nếu vừa mới vào giờ tập, con đi liền trong khi thân tâm chưa an, thì thời gian đi sẽ làm tiêu hao năng lượng, mặc dù con tập trung dưới chân để đi mà được không niệm khởi đi nữa, nhưng trong khi tâm chưa nhiếp phục, chưa an trú, thì nó vẫn không bổ sung năng lượng được vì không có năng lượng. Năng lượng trong người có bao nhiêu đều đem ra sử dụng vì vậy năng lượng phải hao hụt, làm sao có thể tăng lên được. Khi đi trong trạng thái thân tâm được an trú thì năng lượng đã không tiêu hao mà được tăng lên cho nên không thấy mỏi chân hay mệt nhọc gì, hay buồn ngủ gì hết. Càng đi thì càng thấy thích thú, càng đi thì càng tỉnh táo, càng đi thì sự đi làm cho tâm càng được an trú nhiều nên năng lượng tăng lên nhanh hơn khi ngồi, năng lượng dễ sung mãn.
Vậy muốn đi kinh hành trong an trú thì trước hết phải nhiếp phục tâm cho được. Muốn vậy thì trước khi đi Kinh Hành hay Thân Hành Niệm, hãy ngồi xuống hít thở để tâm nhiếp vào hơi thở, biết được hơi thở ra vô đều đặn trong vòng 5 phút.
Cạnh đó phải an trú cho được thân. Khi ngồi mà được an ổn cả trong hơi thở và trong thân thì khi kinh hành sẽ được rất an và rất dễ dàng tỉnh táo.
Đó là cách thức tập luyện tạo cho mình được sung mãn năng lượng. Từ đó nó làm cho tâm lực mạnh. Ai tập luyện muốn thành tựu đạo giải thoát thì cũng vậy thôi, không khác nhau.
Đó là cách thức nhiếp phục tâm. Đừng để sự dễ dãi, không chủ động điều khiển thân trở thành thói quen. Khi có thói quen đó thì cứ muốn đi cho nhiều, tập luyện cho dài lâu, mà kết quả có chất lượng thì không đạt.
Sau khi đi kinh hành một thời gian, nếu không nhiếp phục tâm trên bước đi được thì phải thưa trình, chứ đừng tập luyện bừa, kẻo thời gian sau dù có nhiếp phục được nhưng nó lại sanh tưởng. Đừng cố gắng tập mà sai pháp sẽ đi trật hướng.
Trường hợp trong khi con đi mà có hai cái biết, cái biết của thân đang đi và cái biết sự đi tách rời khỏi thân thì cái biết sau là cái biết của tưởng. Phải dừng nó lại bằng cách tác ý. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy lấy ý điều khiển, đừng có gì rời khỏi ý thức hết.
9.- An Trú Tâm Vào Bước Đi
Phật dạy thế này, thí dụ với nhiếp phục tâm trên hơi thở thì “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là phần thân; còn phần tâm thì “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Ta thấy rõ ràng hai câu này đức Phật dạy tập luyện về hơi thở phải không? Bây giờ nhiếp tâm trên bước đi thì đó là hành động của thân, con tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi đang đi”. Chỉ thay đổi “đi” cho “hơi thở” vì ta đang đi, bởi ta nhiếp phục tâm trên bước đi.
Nhưng đây là câu đức Phật dạy chứ không phải là câu của con. Con phải chọn lựa (trạch pháp), đặt ra câu cho hợp với con. Có thể chọn câu như thế này “Thân tâm phải an trú vào bước đi!” và bước đi đủ số bước, xong tác ý lại câu đó lần khác. Lúc đầu nó chưa an tịnh, chưa an trú, nhưng cứ vững tâm kiên trì tác ý một thời gian sau sẽ có an tịnh, an trú. Con đã qua quá trình thời gian luyện để được nhiếp tâm thì cũng phải qua quá trình thời gian cần thiết để được an trú tâm.
Khi tâm an trú thì có trạng thái an ổn hiện ra trong tâm.
Muốn có sự an trú trong bước đi thì con cần nhớ: Khi nhiếp được tâm vào bước đi con đã sử dụng câu tác ý như thế nào, thí dụ dùng câu “Tâm phải nhiếp vào bước đi!” thì bây giờ muốn được an trú, con thay đổi câu đó bằng cách tác ý “Thân tâm phải an trú vào bước đi!”. Con tác ý như thế. Tiếp tục đi. Cũng với số bước 20 như vậy. Rồi đứng lại tác ý an trú nữa. Đơn giản vậy thôi. Nhưng tâm phải nhiếp phục được, chưa nhiếp phục thì không an trú được.
Vậy chỉ thay đổi câu tác ý đã mang lại kết quả nhiếp tâm bằng câu tác ý tương tự hợp với đối tượng thân tâm an trú. Cứ như vậy luyện một thời gian thì sẽ được an trú. Khi nhiếp tâm thì tác ý nhiếp tâm, còn khi an trú thì tác ý an trú. Chỉ thay đổi câu tác ý này thôi. Số bước đi, cách đi thì giữ y như cũ.
10.- Tác Ý An Trú Thì Tâm Phải Như Thế Nào
Trong khi đi, không tưởng ra trạng thái an như thế này hay như thế khác. Không buộc ý theo dõi chi tiết bước đi, mà chỉ biết bước đi thôi, nương vào bước đi thôi. Khi nhiếp tâm thì con nhiếp tâm trên bước đi, giờ an trú thì cũng an trú trên bước đi. Tác ý thì tác ý an nhưng biết bước đi. Từ trong bước đi tâm đã nhiếp vào được ổn định thì trạng thái an trú sẽ hiện ra khi tác ý. Chỉ có vậy thôi. Cũng đừng để cho niệm khác xen vô. Giữ không khởi niệm như khi nhiếp tâm vậy. Còn câu trạch pháp thì tùy con chọn lựa câu nào cho thích hợp. Hễ câu tác ý phù hợp với đặc tướng của con thì mau an lắm.
Có thể dùng câu “Thân tâm phải an trú trên bước đi!”, tác ý xong thì đi. Trong khi đi đừng nghĩ tưởng an như thế nào hết, bằng không thì sẽ bị tưởng. Chỉ biết bước đi, không cho niệm nào khác xen vô. Cũng nhiếp phục tâm trên bước đi.
Đừng có mù mờ, đừng quên bước đi. Hãy nhớ kĩ như thế và thực hành đúng như thế thì một thời gian sau trạng thái an sẽ xuất hiện. Khi trạng thái an xuất hiện thì thấy năng lượng trong thân sung mãn lên.
Con phải tập luyện cho kĩ ngay từ đầu, chứ tập luyện lơ mơ thì kết quả sẽ không ra gì hết. Bởi vậy, con đừng nên đọc kinh nào hết ngoài các bộ kinh Nguyên Thủy đã được Hòa Thượng Minh Châu dịch từ tạng Pali ra chữ Việt, và những gì Thầy dạy, con sẽ thấy kết quả lần lượt rõ ra.
Kinh Tương Ưng có thể xem như kinh tóm lược hai bộ Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh là những bộ với những bài kinh dài và tương đối dài. Kinh Tương Ưng xác định hành động tập luyện từ hai bộ kinh đó, cô đọng lại các vấn đề đã được nói trong hai bộ kinh đó. Tuy nhiên nếu không tập luyện, không thực hành thì cũng không hiểu hết được kinh. Có thực hành tập luyện mới nhận ra được các ý nghĩa cô đọng trong đó. Càng tập luyện thì càng sáng tỏ được những điều Phật dạy. Nếu không đọc, không học kinh, khi gặp khó khăn thì niềm tin dễ bị mất, hoăc khó tiến bộ. Nhờ đã đọc, đã học kinh rồi thì khi tập luyện gặp khó gì con thấy chỗ trật vuột được liền. Con biết chỗ đúng chỗ sai của con thì niềm tin được vững vàng. Cho nên con cần nhiếp phục tâm làm sao cho được, để có đủ niềm tin.
Đầu tiên con được dạy Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ (những đề tài trong Quán Vô Lậu. Xem thêm những giải thích trong tập 2 Đường Về Xứ Phật) để dùng tri kiến mà xả tâm, rồi nhiếp phục và an trú cho được tâm để xả những cảm thọ tức là những ác pháp trên thân và tâm. Sau đó đưa dần đến những kết quả do tu học thì con mới có đủ niềm tin, từ đó năng lực của con mới xuất hiện đủ. Không phải muốn năng lực đến là nó dễ dàng đến được.
Nhiếp phục được tâm là đã bước vào giai đoạn tĩnh giác được rồi. Còn những cái đầu tiên: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, là dùng tri kiến để tư duy quán xét về vô lậu. Nếu tri kiến con tư duy được đúng thì nó giải bày tâm của con. Nhưng đó chỉ mới ở chỗ tri kiến thôi, chứ chưa có tĩnh giác đâu; chỉ khi nhiếp phục được tâm, rồi an trú được tâm thì đó mới là giai đoạn tĩnh giác, sau đó mới tiến tới giai đoạn tỉnh thức, định tỉnh. Phải đi nhiều giai đoạn trên đường tập luyện.
11.- Đếm Số Khi Nào Trong Lúc Bước
Kinh Hành Tĩnh Giác trong 20 bước, tập để biết bước đi trong suốt thời gian 30 phút. Sức tĩnh giác với cái biết bàn chân bước như vậy là khác hẳn nhau ở chỗ đếm số trước và đếm số sau khi bước. Đếm số rơi vào trước lúc bàn chân bước tới có kết quả tĩnh giác tốt hơn.
Đức Phật thường nhắc thiện xảo trên pháp tập luyện trong khi tập luyện, chứ không phải sáng tạo. Khi con nghĩ cách này cách khác thì đó là sáng tạo, tạo cái mới. Còn ở đây là thiện xảo. Thí dụ như về Kinh Hành Tĩnh Giác, đi thì biết đi. Thiện xảo là làm sao để không xẩy ra việc hồi thì nhớ hồi thì quên chú ý bước đi. Vì thế thiện xảo là nghĩ ra cách thức thế nào để khi nào cái ý cũng điều khiển hành động đi của bàn chân.
Trong đời thường mình làm hành động là do nghiệp. Đi là do nghiệp dẫn đi chứ tâm ý không chủ động. Bây giờ trở về với đường lối tập luyện của đạo Phật thì tâm ý phải chủ động, phải làm chủ để dẫn dắt mọi hành động của thân. Cho nên phải tác ý để tâm ý nương hành động của thân để biết cái thân. Cái thân làm theo thói quen, vì vậy tâm ý phải dẫn dắt nó, phải làm các động tác chầm chậm. Con đừng đi nhanh, phải đi chậm, tác ý từng bước đi. “Trái bước!”, “Mặt bước!” rồi dở chân đi và lưu ý từng bước. Nếu đếm trước khi bước đi thì số đếm là một lệnh. Khi ra lệnh để bước thì sức tĩnh giác cao hơn đếm bước sau khi đi.
Con luyện kinh hành như vậy thì năng lực rất cao. Cái ý biết toàn bộ hành động của bước đi, điều khiển tổng thể bước đi. Các động tác đi có sự điều khiển của ý. Ý tác động hành động đi nên nó đi trước hành động thân. Ở đây không phải cái ý điều khiển từng chi tiết của bước đi như trong Thân Hành Niệm.
Đếm số bước hay ra lệnh “Mặt”, “Trái” có dụng đích làm sao trong số bước đó ý phải điều khiển thân để không còn vọng tưởng xen vô. Thí dụ đếm 20 bước đi thì khi con đi 20 bước này lúc nào ý cũng gắn chặt vào bước đi nên không có một vọng tưởng nào xen vào được. Luyện như vậy thì chất lượng rất cao. Bằng nếu đi trong 20 bước mà vọng tưởng vẫn còn thì lùi lại 15 bước; 15 bước vọng tưởng vẫn còn thì lùi lại 10 bước hay 5 bước đi. Như vậy mới tập luyện kĩ. Lúc đầu phải tập cho kĩ mới được. Phải tập ít giờ để cho cái ý điều khiển hành động đi. Không nên kéo dài giờ tập luyện. Tập dài lâu mà ý không điểu khiển được hành động đi thì sẽ trở thành thói quen đi trước khi cái ý điều khiển hay không được cái ý thấy biết.
12.- Li, Đoạn, Diệt Ngũ Triền Cái Khi Đi
Khi đạt được sự an trú tâm trên bước đi rồi; thuần thục ổn định như vậy được rồi thì chuyển qua giai đoạn của cũng hành động đi như vậy nhưng thay bằng tác ý “Li”, “Tham”... ở mỗi bước đi. Đến cuối đường đứng lại, tác ý một câu, thí dụ như “Tâm phải li dục li ác pháp!”, hoặc “Tâm như cục đất, li hết tham sân si đi!”. Tác ý xong, quay lại đi nữa. Cũng tác ý mỗi bước “Li”, “Tham”; “Li”, “Tham”...
Khi đã nhiếp phục tham được rồi – tức không khởi niệm trong thời gian đi thì thay đổi bằng “Li”, “Sân”... rồi kế đến là “Li”, “Si”... “Li”, “Mạn”... “Li”, “Nghi”.
Đó là tập luyện li ngũ triền cái. Sau li thì đến “Đoạn”; sau đoạn, đến “Diệt” ngũ triền cái. Luyện tác ý như vậy một thời gian thì ngầm trong đó sẽ có cái lực li, đoạn, diệt ngủ triền cái. Nó làm cho hết tham, sân, si.
Trong khi đi, con nương vào bước đi, dùng các câu tác ý đó để xả tâm. Đức Phật dạy trong kinh Tương Ưng, chỗ tập luyện Bát Chánh Đạo từ Chánh Kiến đến Chánh Định đều phải li tham sân si, thì bây giờ trong hành động đi, con đang ở chính giai đoạn này, vậy con nương vào bước đi để li tham, sân, si là đúng lời Phật dạy.
Luyện xả tâm trong khi kinh hành được một thời gian, khi xả ra mà ngồi xuống thì tâm thanh thản vô cùng. Tâm không còn giận hờn. Do xả tâm li ngũ triền cái mà vô trạng thái thanh thản chứ không phải do ức chế. Còn nếu ráng ngồi cho hết vọng tưởng rồi cho là li, là diệt tham, sân, si thì không thể được đâu; đừng làm chuyện đó. Ráng ngồi cho hết vọng tưởng là trật.
13.- Sự Chú Tâm Khi Đi
Khi tập luyện Kinh Hành Tỉnh Giác, mắt có thể có hai điều kiện thấy bước chân đi:
- Khi nhìn xuống thì thấy gần hết các động tác chuyển động của chân. Chăm chú nhìn vào bước đi là cách chế ngự tâm vào bước đi, lúc đó mắt nhìn thấy từng động tác của chân dở, co, đưa... động tác của mắt nhìn động tác của chân nhận ra hành động đi của chân.
- Khi nhìn tới trước, không nhìn xuống thì chỉ biết chuyển động của chân qua cảm nhận và hình dung nó ra. Như vậy cách nhìn tới trước, không nhìn xuống chân là thư giản, tức không tập trung nhiều, chỉ bằng cảm nhận thôi. Không nhìn bằng mắt, nhưng cảm nhận động tác của chân dở, co, đưa...
Đó là hai giai đoạn tập luyện: ngó ra ngoài và ngó xuống chân.
Người mới tập thì tâm hay phóng lãng vì vậy phải ngó xuống chân, tập trung hơi nhiều để chế ngự tâm trên bước chân hơn là ngó ra ngoài. Đó là giai đoạn đầu gọi là cách thức nhiếp tâm chế ngự tâm.
Giai đoạn thứ hai là để cảm nhận chứ không dùng mắt nên sức chế ngự bớt đi, đưa đến trạng thái nhẹ nhàng thoải mái hơn. Nhìn bằng mắt gắt quá, luyện nhiều thì căng thần kinh, mệt. Ngó ra xa mà cảm nhận thì nhẹ nhàng hơn.
Tuy đó là cách nhiếp phục tâm để tĩnh giác ở hai giai đoạn đầu và kế nhưng chưa hoàn toàn trọn vẹn trong vấn đề Chánh Niệm Tĩnh Giác. Chánh Niệm Tĩnh Giác vốn nhằm vào li tham li sân li si, chứ không phải chỉ biết bước đi không thôi.
Con đang ở giai đoạn đầu của tĩnh giác, do đó, làm thế nào để nhiếp phục tâm hay chế ngự tâm, làm thế nào để cột chặt tâm vào chân, cho nên cả mắt và cảm nhận phải chăm chăm chú ý vào hành động bước đi. Đó là giai đoạn đầu mới tập.
Nhưng tập ức chế nhiều như vậy thì sợ bị căng mặt, căng đầu, cho nên Thầy không cho tập luyện thời gian dài mà chỉ sau 5 hay 10 phút thay đổi sự tập trung cho nhẹ lại, cho không bị căng.
Khi đã nhiếp tâm được, rồi an tịnh được thì phải lắng nghe sự an ổn của thân tâm. Càng lắng nghe nó thì nó càng an tịnh nhiều. An tịnh nhiều thì lại càng tăng trưởng sức an đó lên. Khi sức an được tăng trưởng rồi thì tâm sẽ an trú. Lúc đó con chỉ mới nhiếp thì nó vô an trú liền, tâm nằm im trong đó. Đó là ở giai đoạn thứ hai.
Khi đã thuần thục ở giai đoạn 2 rồi tức khi đã an trú tâm được rồi thì phải qua giai đoạn xả tâm, cũng ở trên pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác đi kinh hành. Khi chế ngự tâm mà không bị căng thần kinh thì mới đi vào giai đoạn xả tâm. Đi kinh hành mà xả tâm. Con có thể li tham, li sân, li si trên mỗi bước chân chứ không còn tập trung trên mỗi bước đi nữa, chỉ tập trung trên pháp LI. Lúc đó chân trái bước thì tác ý “Li”; chân mặt bước thì tác ý “Tham”. Khi tác ý như thế, con cảm nhận tưởng như là tất cả tâm tham, tâm sân, tâm si theo chân bước mà li ra ngoài, không còn nữa. Mỗi bước đi đều tác ý như thế. Có thể sử dụng hai chữ hay một chữ cho một bước đi. Con phải tự suy nghĩ và đặt ra các câu tác ý cho đúng với sự li 5 triền cái, diệt năm triền cái. Sau khi tác ý “Li tham”, thì đến “Đoạn tham”, rồi “Từ bỏ tham”. Đó là giai đoạn li dục li ác pháp trên hành động tĩnh giác trong bước đi. Giai đoạn này mới là chính.
Phương pháp của Phật lúc nào cũng chỉ nhắm ở điểm li dục li ác pháp này, nhưng vì mới tập, chưa nhiếp phục được tâm, chưa an trú được tâm nghĩa là tâm chưa tập trung chặt chẻ vào trong bước đi thì con phải chỉ luyện để biết bước đi thôi. Chừng khi sự tập luyện tiến bộ ổn định thì mới tập tới giai đoạn 2 nhiếp tâm vào bước đi, giai đoạn 3 an trú tâm vào bước đi và giai đoạn 4 xả tâm trong bước đi.
Người ta đã sai lầm là lấy bước đi tập trung trong bước đi để không có niệm khởi thay vì chỉ lấy bước đi để biết bước đi thôi. Pháp Phật lấy bước đi để tĩnh giác biết bước đi thì họ lấy bước đi để chế ngự, ức chế niệm khởi, là họ sai. Cái đó làm sai mất pháp Phật.
14.- Khuyên Dạy Thêm
Về sự ôm pháp tập luyện, càng ngày con đi kinh hành càng chậm lại là đúng. Chậm lại để đúng với sự chú tâm chủ động biết bước đi. Lúc này vẫn có niệm nhưng không quên bước đi. Như vậy là tĩnh giác trên bước đi. Có niệm vì đó là tâm còn động. Tâm còn động thì còn có niệm. Mới tập luyện, tâm chưa li dục li ác pháp thì làm sao hết niệm được. Đừng nghĩ rằng đó là tôi thất niệm. Thất niệm là mất Chánh Niệm Tĩnh Giác. Có niệm mà không mất chánh niệm là đúng. Cần phân biệt như thế.
Đức Phật thường nói đừng để thất niệm. Thất niệm là mất niệm tĩnh giác. Cho nên sợ thất niệm mà không sợ niệm vọng tưởng. Đừng nghĩ vọng tưởng xen vào là thất niệm; nghĩ như vậy là sai. Thầy nhắc vậy để con biết chỗ thất niệm hay không thất niệm. Vẫn có vọng tưởng nhưng biết rằng không thất niệm. Trường hợp có vọng tưởng mà cũng thất niệm đó là lúc theo vọng niệm mà quên niệm bước đi.
Cứ theo đúng như con đã trình mà luyện. Khi đến giai đoạn bốn, con thường xuyên tác ý “Quán li tham..., quán li sân..., quán li si...” cho đến chừng xả tham, sân, si ra hết thì các vọng niệm sẽ không vô, không cần cố gắng thêm gì khác nữa. Chỉ dùng sức tĩnh giác cao nhất để luyện các pháp môn. Được vậy là con đã thích nghi với các pháp.