BÀI KỆ BA MƯƠI TÁM

“Như sư tử, không động
An tịnh giữa các tiếng,
Như gió không vướng mắc,
Khi thổi qua màng lưới,
Như hoa sen không dính,
Không bị nước thấm ướt.
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ, đó là một trạng thái tâm giải thoát mà từ xưa đến ngày nay chư Phật đều ở trong đó.

Người nào giữ gìn được TÂM BẤT ĐỘNG thì dù có tiếng động lớn đến gấp cỡ nào đi nữa cũng không làm động tâm người đó được, họ giống như con sư tử dù cho cọp beo voi gấu có la hét đến đâu thì sư tử vẫn thản nhiên không bao giờ động tâm sợ hãi.

Người nào giữ gìn được TÂM BẤT ĐỘNG cũng như gió to thổi qua các màng lưới nên không bị vướng mắc một chút nào cả. Cho nên TÂM BẤT ĐỘNG là cứu cánh giải thoát cho những ai biết tu hành theo Phật giáo.

Chỉ có Phật giáo mới dạy chúng ta tu hành giữ gìn TÂM BẤT ĐỘNG còn tất cả các tôn giáo khác đều không có, vì TÂM BẤT ĐỘNG là chân lý thứ ba của Phật giáo.

Cho nên ai sống được với chân lý này là người đã chứng đạo. Vì vậy mà bốn mươi hai bài kệ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG đã xác định chân lý này một cách rất rõ ràng.

Trên đường tu tập nếu ai tin lời dạy này mà sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì người đó sớm muộn gì cũng chứng đạo.