BÀI KỆ THỨ CHÍN

“Khắp cả bốn phương trời,
Không sân hận với ai,
Tự mình biết vừa đủ,
Chẳng ham muốn vật gì
(Với vật này vật khác)
Vững chịu các hiểm nguy,
Không run sợ dao động,
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

Bài kệ thứ chín dạy rất rõ, khi chúng ta sống chung với tất cả mọi người, nhưng không ai làm cho chúng ta giận hờn, buồn phiền, luôn luôn tâm biết đủ, không ham thích một vật gì trong thế gian này nữa, nhất là đứng trước những sự nguy hiểm như tai nạn, như bệnh tật nan y, những cơn đau như sắp chết chúng ta vẫn thản nhiên tâm không giao động, run sợ chút nào cả.

Người nào sống được như vậy mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật, mới xứng đáng làm CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Có sống được như vậy mới thấy sự chứng đạo của Phật giáo là sự thật, là không dối người. Cho nên người nào tin thì hãy sống đúng như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì sẽ chấm dứt sinh tử luân hồi và cuộc đời này không còn bị khổ đau nữa.

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại muốn xứng đáng làm đệ tử của đức Phật thì phải sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Bởi vậy, chỉ có sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì tâm không còn sân hận, không sợ hãi trước mọi cảnh hiểm nguy, trước mọi ác pháp.

Đây là dạy về tâm của người tu sĩ, nếu tâm niệm của người tu sĩ còn sân giận, khi nghe người ta nói trái ý nghịch lòng, hoặc nói vu oan cho mình những điều mà mình không làm, nhưng lúc bấy giờ tâm vẫn thản nhiên không khởi niệm biện minh lý luận sai đúng cho mình mà luôn luôn tươi cười tha thứ thì đó là người sống ĐỘC CƯ NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Đứng trước cảnh nguy hiểm có thể nguy hại đến tính mạng của mình như súng hay dao kề cổ nhưng tâm vẫn thanh thản, an nhiên không hề lộ vẻ sợ hãi chút nào cả về cái chết trước mắt. Đó là người sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Mỗi bài kệ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG là đã xác định được tâm niệm của những người tu hành theo Phật giáo, cho nên người nào sống như con TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì tâm họ luôn luôn BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ. Có sống được như vậy tâm mới không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Và tâm không còn tham, sân si mạn, nghi nữa thì mới thấy sự giải thoát chân thật của Phật giáo là chấm dứt khổ đau.

Đúng vậy! Muốn sống NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì phải sống không có tâm niệm giận hờn, thương ghét, sợ hãi v.v.. Còn có tâm niệm giận hờn, thương ghét và sợ hãi thì không thể nào sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Bài kệ này đã dạy rất rõ chúng ta không còn nghi nan gì nữa.

Nếu một người sống không giận hờn, không thương ghét, không sợ hãi là người đã giải thoát, là người đã ra khỏi thế gian. Nhưng khi tâm còn sân hận, giận hờn, thương ghét, sợ hãi, lo lắng, ưu phiền là chưa ra khỏi thế gian. Phật pháp dạy rất rõ ràng và cụ thể, chỉ có những người không muốn bỏ sân hận, giận hờn, thương ghét, sợ hãi, lo lắng, ưu phiền v.v.. đó là vì sợ bỏ đời đau khổ quá uổng.

Người tu sĩ Phật giáo thời nay chỉ có đầu cạo trọc, mặc áo cà sa, tụng niệm ê, a làm nghề mê tín lường gạt thiên hạ để kiếm tiền sống qua ngày như người thế gian. Cho nên tâm niệm của họ không khác gì tâm niệm người thế gian. Vì thế con đường giải thoát của Phật giáo đối với những người này thì còn xa vô cùng tận.

Cuộc đời tu hành của họ chỉ là hình thức bên ngoài, họ không thể nào sống NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG được.