BÀI KỆ THỨ SÁU

“Như nai trong núi rừng,
Không gì bị trói buộc,
Muốn đi đâu nó đi
Để tìm kiếm thức ăn.
Như các bậc hiền trí,
Thấy tự do giải thoát,
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

Không thương cũng không ghét, không nhớ cũng không nghĩ cho đến bất cứ một người nào, dù người đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái hay là những bạn bè thân bằng quyến thuộc của họ, họ cũng không nhớ nghĩ. Sống được như vậy như con nai chúa trong rừng không gì trói buộc, tự do đi dọc đi ngang, muốn ăn gì thì ăn.

 Người mà sống được như vậy thì đó là những bậc hiền trí, họ đã thấy được tâm của họ BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ. Họ là những người tìm được sự giải thoát, luôn luôn sống tự do, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi không còn ai ngăn cản được họ.

Khi tâm BẤT ĐỘNG hoàn toàn thì chúng ta như con TÊ NGƯU MỘT SỪNG, lúc bấy giờ muốn điều chi thì thân tâm chúng ta đều làm theo như ý muốn.

Cho nên trong bài kệ dạy: “Không gì bị trói buộc, muốn đi đâu nó đi”. Khi đó chúng ta muốn bay lên trời thì thân tâm chúng ta liền bay lên trời dễ dàng như chim, còn muốn chui xuống đất thì chui dễ dàng như loài côn trùng. Bài kệ thứ sáu đức Phật đã xác định điều này quá rõ ràng:

“Như nai trong núi rừng,

Không gì bị trói buộc,

Muốn đi đâu nó đi

Để tìm kiếm thức ăn.

Như các bậc hiền trí,

Thấy tự do giải thoát”

Người tu hành theo Phật giáo chỉ cần sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Bao nhiêu năm tháng đã qua TU VIỆN CHƠN NHƯ cố tìm cho ra một người sống MỘT MÌNH, nhưng mãi cho đến giờ này cũng chưa tìm thấy bậc LONG TƯỢNG sống MỘT MÌNH, vì chưa có một người nào quyết tâm sống MỘT MÌNH như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì,

Thở ra chẳng lại còn chi nữa,

Vạn pháp vô thường buông xuống đi!

Chỉ có buông xuống sạch các pháp là chúng ta sống MỘT MÌNH rất dễ dàng, cho nên sống MỘT MÌNH không được chỉ vì chưa buông xả hết.

Đời có cái gì vĩnh viễn đâu, nay còn mai mất như bóng ngựa lướt qua cửa sổ, vậy mà ai ai cũng ôm chặt không muốn bỏ, ngay cả cha mẹ, vợ con đều là nhân quả vay nợ đời trước với nhau nên đời này mới sinh ra để gặp nhau trả quả.

Thế mà mọi người không biết nên mới khổ đau vì thương, vì ghét, vì khi có người mất mát trong gia đình.

Trong mỗi gia đình không có gia đình nào là không đau khổ vì sự sinh ly tử biệt.