BÀI KỆ THỨ NĂM

“Ai nhớ nghĩ chờ mong,
Đối với con và vợ,
Người ấy bị buộc ràng,
Như cành tre rậm rạp.
Còn các ngọn tre cao,
Nào có gì buộc ràng,
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

Nếu một người quyết tâm về TU VIỆN CHƠN NHƯ tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì phải sống MỘT MÌNH trọn vẹn, còn không sống MỘT MÌNH trọn vẹn thì xin quý vị vui lòng rời khỏi TU VIỆN CHƠN NHƯ, đừng để chúng tôi mời ra khỏi TU VIỆN thì xấu hổ với tất cả mọi người đang tu tập ở đây.

Tu tập để làm chủ sự sống chết mà không chấp nhận sống MỘT MÌNH thì sự tu tập chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Nhưng sống MỘT MÌNH phải sống cho đúng phương pháp. Cho nên bốn mươi hai bài kệ SỐNG MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG, mỗi bài kệ đức Phật đều dạy từng chi tiết bên trong tâm niệm của mọi người và cũng như bên ngoài các pháp thường xảy ra từng giây, từng phút có thể làm cho chúng ta mất hạnh sống MỘT MÌNH. Nếu không có bốn mươi hai bài kệ sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG của đức Phật thì mọi người về đây tu tập sẽ bảo rằng TU VIỆN CHƠN NHƯ chỉ đặt ra làm khó khăn trong việc tu hành của họ. Họ không tin hạnh sống MỘT MÌNH là của Phật.

Một bằng chứng rõ ràng gần 40 năm hướng dẫn quý vị tu hành, chỉ có sống MỘT MÌNH mà chẳng có ai làm được, như vậy quý vị có tin TU VIỆN hay không?

Hạnh sống MỘT MÌNH đâu phải khó khăn, không làm được, nhưng vì không đủ lòng tin nên mọi người tự động phá hạnh sống MỘT MÌNH.

Hôm nay có đủ nhân duyên chúng tôi mới đem bốn mươi hai bài kệ sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG của đức Phật ra giảng dạy để quý vị thấy sống MỘT MÌNH là một pháp môn rất quan trọng của Phật giáo, nó không phải là một pháp môn mà TU VIỆN CHƠN NHƯ tự đặt ra.

Tuy ở trong thất sống MỘT MÌNH nhưng những tâm niệm nhớ nghĩ đến vợ con và những người thân thì đó là tự mình phá hạnh sống MỘT MÌNH. Như đã nói ở trên phá hạnh sống MỘT MÌNH thì dù quý vị có tu ngàn đời muôn kiếp cũng không giải thoát.

Ngay khi sống MỘT MÌNH trong thất mà khởi niệm nhớ nghĩ, chờ mong vợ và con thì quý vị đã phá hạnh sống MỘT MÌNH rồi như trong bài kệ này dạy. Cho nên trước khi muốn tu tập sống MỘT MÌNH thì phải nghiên cứu cho kỹ bốn mươi hai hạnh sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Khi ở trong thất MỘT MÌNHmà còn tâm niệm này, tâm niệm khác lăng xăng thì quý vị làm sao sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG được. Người tu hành theo Phật giáo mà sống như vậy thì tu hành uổng công sức. Tu hành muốn có kết quả giải thoát thì phải sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Những người nào sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG là những người tu hành CHỨNG ĐẠO. Cho nên chứng đạo của Phật giáo đâu cần gì phải tu tập nhiều mà chỉ cần sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU.

Vì thế đạo Phật tu hành không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có tu tập nhiều, chỉ biết sống bằng TRI KIẾN NHÂN QUẢ đối với các pháp thì đã trở thành CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.

Những người nào ở trong thất mà không biết sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG mà cứ lo ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng thì chẳng bao giờ tìm thấy sự giải thoát.

Muốn giải thoát như đức Phật thì phải sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Cho nên đạo Phật tu mà không tu là ở chỗ này. Đạo Phật chỉ ngồi chơi MỘT MÌNH từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, nhưng lúc nào cũng làm chủ thân tâm mình, thân tâm mình không sai bảo mình được, đó là mình đã tu chứng đạo.

Cho nên ngồi chơi nhưng lúc nào cũng sáng suốt thấy từng tâm niệm khởi của mình. Những niệm ác, niệm dục đến hay đi tâm vẫn thản nhiên, không bị động hay bị lôi cuốn. Người tu hành theo Phật giáo mà giữ gìn tâm được như vậy thì đó là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ. TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ là chân lý giải thoát của Phật giáo. Vậy quý vị tu theo Phật giáo đâu phải tu tập khó khăn gì, chỉ biết sống ngay với tâm này là chứng đạo.

Chứng đạo của Phật giáo rất đơn giản như vậy, thế mà mọi người cứ nghĩ rằng chứng đạo của Phật là cao siêu, vi diệu, thần thông, biến hóa, tàng hình hay kêu mây, gọi gió, làm mưa, làm bão, có khi làm cho trời sập, đất sụp v.v..

Đó là sự tưởng tượng của quý vị, tu hành theo Phật giáo mà có thần thông như vậy thì có ích gì cho bản thân.

Vì thế quý vị phải hiểu người tu theo Phật giáo là làm chủ thân tâm này, ví như có người chửi mắng, nói xấu hay nói oan ức một điều gì thì tâm vẫn thản nhiên không buồn phiền, không giận hờn, oán ghét, thù hận v.v.. Cũng như khi thân bệnh tật đau nhức khổ sở mà tâm vẫn thản nhiên không lo lắng, không sợ đau nhức gì cả. Trước mọi cảnh lúc nào tâm cũng BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN VUI VÀ VÔ SỰ không hề biết sợ hãi, lo lắng; không hề nghĩ thân bệnh đau là quan trọng, là sẽ chết mất v.v..

Điều quan trọng của người tu theo Phật giáo chỉ là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, nếu để mất TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC thì được xem là người chiến bại trong MẶT TRẬN SINH TỬ LUÂN HỒI, còn ngược lại giữ gìn TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC không mất thì đó là người dũng sĩ chiến thắng GIẶC SINH TỬ, LUÂN HỒI.