“Con cái còn không nhớ,
Nói gì đến bạn bè,
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu Một Sừng!”
Một người muốn sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì đừng bao giờ khởi niệm nhớ gia đình, nhớ nhà cửa, nhớ con cái và những người thân quyến thuộc của mình. Khi còn nhớ thương dù ở MỘT MÌNH nhưng chưa phải là sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.
Cũng vậy, nếu chúng ta muốn tu hành chứng đạo thì đừng bao giờ nhớ nghĩ đến cha mẹ, con cái, bè bạn, những người thân bằng, quyến thuộc của mình thì tu hành mới chứng đạo. Bởi vì khi nhớ nghĩ như vậy thì tình cảm thương nhớ gia đình sẽ khởi lên làm cho tâm chúng ta bất an, lăng xăng bị động không thể nào yên ổn, do đó chúng ta không thể sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Chúng ta hãy coi chừng từng tâm niệm của mình, nếu nó khởi thương nhớ thì nó chưa sống MỘT MÌNH được.
CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG không bao giờ nhớ nghĩ đến ai cả, nó chỉ biết có MỘT MÌNH nó, vì thế nó mới được gọi là sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Cho nên trong câu kệ này Phật dạy:
“Con cái còn không nhớ
Nói gì đến bạn bè”
Đúng vậy, điều quan trọng không thể sống MỘT MÌNH là khi chúng ta có con cái thì cứ lo nghĩ đến con cái, vì thế tâm không bao giờ yên ổn. Tâm không yên ổn do nhớ nghĩ đến đứa con này, đứa con khác và như vậy làm sao sống MỘT MÌNH cho được.
Người tu sĩ đạo Phật phải tu tập sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG thì không bao giờ nhớ nghĩ đến bất cứ một người nào hết.
Tình thương của cha mẹ luôn luôn đặt nơi con cái của mình, vì thế không nhớ đứa con này thì lại nhớ đứa con khác. Cho nên muốn tu hành tìm cầu sự giải thoát thì không nên nhớ nghĩ đến con cái. Khi có niệm nhớ đến con cái thì hãy mau mau tác ý đuổi niệm đó đi. Có quyết tâm tu tập như vậy thì mới có ngày trở thành CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.
CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG là tượng trưng cho người tu sĩ đạo Phật sống giữa cảnh đời đầy rẫy những ác pháp mà không bị ác pháp chi phối tâm mình. Đó mới là người thực tu hành theo giáo pháp của đức Phật để cầu giải thoát, để cầu ra khỏi cuộc đời đầy ô trược này. Do muốn được như vậy thì chỉ có sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG.
Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, có nghĩa là các con đừng cầu khẩn ai giúp cho các con được mà phải chính sức tự lực của các con mới cứu các con thoát mọi sự khổ đau của chính các con. Mà chính các con muốn thoát ra mọi sự khổ đau của cuộc đời mình thì chỉ có sống MỘT MÌNH.
Sống MỘT MÌNH không phải dễ nếu tinh thần yếu đuối không dám sống MỘT MÌNH vì sợ cô đơn. Vì sợ cô đơn nên tu sĩ Phật giáo Trung Quốc mới sản xuất ra nhiều đức Phật như: Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Địa Tạng Vương, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Di Lặc v.v.. Phật Di Lặc là một đức Phật được các nhà sư Trung Quốc sắp cho lên thay thế đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm Giáo Chủ cõi Ta Bà.
Các nhà sư Đại Thừa Trung Quốc rất khéo léo làm một cuộc cách mạng lật đổ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và thay thế vào một đức Phật Di Lặc làm giáo chủ mà phật tử không ai hay biết cả.
Ngoài đời vì danh lợi nên người ta lật đổ vua chúa này để thay đổi vua chúa khác, còn trong đạo thì quý sư hệ phái phát triển cũng vì tâm danh lợi mà dám làm điều lật đổ này.
Đọc kinh sách phát triển chúng ta thật là buồn cười, đức Phật Di Lặc đã tu hành thành Phật mà còn tham ngôi vị giáo chủ cõi Ta Bà. Quý vị nghĩ sao khi đọc kinh sách phát triển thấy đời và đạo không có gì khác nhau? Đạo cũng còn tâm tham đắm như đời và như vậy đâu còn gì là ĐẠO nữa. Phải không thưa quý vị.
Bởi vậy trong tôn giáo cũng danh lợi ghê lắm quý vị ạ! Nếu tôn giáo nào còn mang danh lợi thì tôn giáo đó có giải thoát không? Xin quý vị vui lòng trả lời cho.
Tất cả kinh sách Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng đều được thay vào bằng kinh sách do các tổ phát triển thuyết. Vì thế, hôm nay chúng ta thấy các tu sĩ Phật giáo không lo tu tập mà chỉ biết tụng kinh phát triển và niệm hồng danh đức Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm. Từ đó đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín nên sự thờ cúng trong các chùa với tiếng chuông tiếng mõ tụng niệm ê a giọng cao giọng thấp giống như ca sĩ. Nhờ tụng niệm biến nhà chùa trở thành một nghề ca hát đạo để làm ăn sinh sống như các nghề nghiệp khác ngoài đời.
Hiện giờ chùa nào cũng biết tụng niệm cầu siêu, làm tuần, làm tự, làm ma chay cho người đã mất và còn cầu an cho những người còn sống. Giáo pháp như vậy là đã đi sai con đường của Phật giáo. Trong khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không đi thay các con được”. Lời đức Phật dạy năm xưa như vậy còn văng vẳng bên tai chúng ta thế mà hiện giờ trong các chùa lại gõ mõ tụng kinh, niệm Phật vang rền ngày đêm bốn thời. Chùa là nơi tu hành của những người con Phật, nhưng hiện giờ chùa đã biến thành nơi mê tín của tà giáo ngoại đạo Bà La Môn do các nhà sư Trung Quốc chế biến làm ra. Vì thế nói đến kinh sách phát triển là nói đến Phật giáo Trung Quốc, còn Việt Nam thì chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc chớ kinh sách phát triển không phải của Việt Nam.
Chúng ta ai cũng biết chùa là nơi tu hành để được giải thoát ra khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời và chấm dứt luân hồi sáu nẻo. Thế mà ngày nay các thầy phát triển đã biến chùa thành nơi mê tín lạc hậu, đã biến chùa thành nơi làm từ thiện trong khi nhân quả của mọi người họ đã làm những điều ác như: Bỏn xẻn, ích kỷ, không dám bố thí một bát cơm, một manh áo cho ai cả thì bảo sao không nghèo khổ đói rét, nhất là họ thường giết hại và ăn thịt chúng sinh, thì bảo sao lũ lụt, thủy tai, mưa to, gió bão không đến thăm viếng gia đình họ.
Nhìn thấy cảnh nhà tan cửa nát người chết như rơm rạ trước cảnh bão lụt thì biết ngay những người sống trong cảnh màn trời chiếu đất là do họ làm những điều ác như: câu tôm, lưới cá, đâm heo, đập đầu bò để lấy thịt nuôi thân mạng. Vì thế lũ lụt gió bão đến thăm nơi họ ở là đúng luật nhân quả, gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy. Trong cảnh màn trời chiếu đất mà họ phải gánh chịu đem ra so sánh với những hành động ác của họ thì có nhằm nhò gì.
Hiện giờ cái chết của họ chưa bằng những hành động ác của họ giết loài cá tôm. Cho nên họ còn phải chịu nhiều lần chết đi sống lại để thấy cảnh đau thương mà chính thân họ là lò sát sinh, là mồ chôn xác chúng sinh.
Luật nhân quả công bằng ai tạo nhân nào thì phải trả quả nấy, cho nên chúng ta tạo nhân TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ thì quả sẽ AN LẠC, thân tâm sẽ THANH THẢN và giải thoát hoàn toàn.
Muốn được giải thoát hoàn toàn như vậy thì chúng ta hãy sống như CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG sống không niệm thương, niệm ghét; cũng không nhớ nghĩ đến con cái, bè bạn thân thuộc. Khi chúng ta làm được những điều này thì chúng ta sẽ trở thành người sống một mình như con TÊ NGƯU MỘT SỪNG.