Hành động biết kính trên nhường dưới là tri kiến giải thoát thứ mười một mà một người tu sĩ như chúng ta rất cần học hỏi để trở thành một thói quen cung kính và tôn trọng mọi người. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật day: “Tri kiến giải thoát thứ mười một: Và này các Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo, đối với những Thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với Thượng tọa, trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có thân nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, không có khẩu nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, không có ý nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là Tỳ-kheo đối với những Thượng tọa, trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào không đầy đủ mười một pháp này, thì không thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp, Luật này”.
Mười một tri kiến giải thoát này nếu ai biết áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình cũng đã thấy tâm BẤT ĐỘNG chớ đâu cần phải tu tập nhiều pháp đâu. Mười một tri kiến này tu tập cũng đủ cho chúng ta ly dục ly bất thiện pháp. Bởi vậy đạo Phật đâu có ngồi thiền nhiều để ức chế ý thức mà chỉ có xả tâm thành tựu đạo giải thoát. Thiền của Phật giáo là TÂM BẤT ĐỘNG trong việc xả tâm ly dục ly bất thiện pháp chứ không phải tâm BẤT ĐỘNg bằng cách ức chế ý thức không cho niệm khởi như kiểu Thiền Tông Trung Quốc.
Đọc qua bài kinh này chúng ta phải nhớ lấy mười một tri kiến này để chúng ta tu tập không sai đường lạc lối và cũng không pháp môn nào của ngoại đạo lừa gạt mình được.