Rừng núi là nơi yên tịnh cho người tu tập xả tâm ly dục ly bất thiện pháp. Vậy ai là người tu sĩ thì tìm nơi này ngồi kiết già lưng thẳng giữ tâm Bất Động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Độc cư là một đức hạnh phòng hộ sáu căn mà người tu sĩ Phật giáo trong thời nào cũng phải giữ gìn cho tròn đủ. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện của ba vị tôn giả cùng nhập thất tu tập trong khu rừng SỪNG BÒ đã giữ gìn hạnh độc cư như thế nào?
Một hôm đức Phật đến thăm ba vị đệ tử của mình đang tu tập trong khu rừng SỪNG BÒ. Khi đức Phật bước vào khu rừng SỪNG BÒ thì người giữ rừng ra ngăn cản thấy Thế Tôn từ xa đi đến, liền bạch Thế Tôn:
“- Bạch Sa-môn, chớ có vào khu vườn này. Có ba thiện nam tử đang trú tại đây, họ giữ hạnh độc cư miên mật tu hành. Ngài chớ có phiền nhiễu các vị ấy”.
Lúc bấy giờ ngài A Na Luật nghe thấy thế mới bảo người giữ rừng rằng: đức Phật là thầy của chúng tôi: “Tôn giả Anuruddha nghe người giữ rừng nói chuyện với Thế Tôn như vậy liền nói với người giữ rừng:
- Này người giữ rừng, chớ có ngăn chặn Thế Tôn. Thế Tôn là bậc Đạo Sư của chúng tôi đã đến thăm”.
Ngài A Na Luật mới đi gọi các bạn đồng tu của mình đến đón đức Phật: “Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Nandiya Tôn giả Kimbila và nói:
- Chư Tôn giả hãy đến! Chư Tôn giả hãy đến! Thế Tôn, bậc đạo sư của chúng ta đã đến thăm.
Rồi Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila ra đón Thế Tôn, một người cầm y bát của Thế Tôn, một người sửa soạn chỗ ngồi, một người đặt sẵn nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn, sau khi ngồi, các Tôn giả ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi xuống một bên”:
Khi ngồi xong vào chỗ ngồi đức Phật liền hỏi A Na Luật sự công phu tu tập của ba vị như thế nào?
“- Này các Anuruddha, các Ông có được an lành không? Có được sống yên vui không? Đi khất thực có khỏi mệt nhọc không?”.
Câu trên đây đức Phật hỏi này A Na Luật các ông nhiếp tâm có an trú được không? Khi xả ra có thấy yên vui không? Và đi xin ăn có mệt nhọc không?
Khi được hỏi như vậy ông A Na Luật thay các bạn trả lời:
“- Bạch Thế Tôn, chúng con được an lành; bạch Thế Tôn, chúng con sống yên vui; bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực khỏi có mệt nhọc”.
Nghe để tử của mình trả lời như vậy đức Phật hỏi tiếp:
“- Này các Anuruddha, các Ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không?”
Ông A Na Luật thay hai bạn đồng tu trả lời tiếp:
“- Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm”.
Khi nghe ông A Na Luật trả lời chung chung như vậy đức Phật mới hỏi cặn kẽ để người sau khi đọc đoạn kinh phải thông suốt chớ không phải đức Phật không hiểu ý các đệ tử của mình.
“- Này các Anuruddha, như thế nào các ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?”.
Ông A Na Luật trả lời Phật nhưng chính là giải thích cho người đời sau nghe để hiểu biết thế nào là sống ĐỘC CƯ.
“- Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con nghe như sau: “Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta! Khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy”.
Rất hạnh phúc khi cùng tu tập với những người quyết tâm tu tập thì luôn luôn giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm và hạnh độc cư trọn vẹn nên không làm động người khác, nên không nói chuyện, không ngó nhìn người khác, chờ người khác đi khất thực rồi mình mới đi chớ không đồng thời đi một lượt. Ông A Na Luật trả lời tiếp:
“- Bạch Thế Tôn, do vậy, đối với các vị đồng phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng”.
Chúng con sống hòa hợp như nước với sữa vì chúng con trước mặt cũng như sau lưng đều khởi LÒNG YÊU THƯƠNG bạn đồng tu của mình vì thế chúng con không có gì tranh cãi gây trở ngại trong sự tu tập của mình và các bạn. Đó là chúng con sống ĐỘC CƯ. Sống cùng ba người ở chung nhau trong một khu rừng nhưng tưởng chừng như mình sống một mình, vì sống ba người mà không ai nói chuyện với ai. Ông A Na Luật trả lời tiếp theo:
“- Bạch Thế Tôn, do vậy, chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”.
Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy.
Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân, nhưng giống như đồng một tâm.
Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm”.
Đúng vậy, sống ĐỘC CƯ là sống biết TÙY THUẬN, sống theo ý của người khác thì đó là sống hòa hợp nnhư nước với sữa. Sống hòa hợp như nước với sữa là sống với LÒNG YÊU THƯƠNG, chỉ có lòng yêu thương mới sống trọn vẹn với bạn đồng tu. Bởi vậy muốn sống với lòng yêu thương trọn vẹn thì không có cách nào khác hơn phải từ bỏ sống theo tâm mình mà sống theo tâm các bạn. Ý kiến thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG bằng cách bỏ tâm mình sống theo tâm bạn tức là tùy thuận tâm bạn mà sống thì làm sao có xung đột tranh cãi, thì làm sao có chướng ngại pháp và như vậy mới gọi là SỐNG ĐỘC CƯ.
Rồi tôn giả Nandiya cũng nói như tôn giả A Na Luật, kế Tôn giả Kimbila cũng nói như tôn giả A Na Luật.
Tôn giả Nan Đà và tôn giả Kimbila cùng nói như tôn giả A Na Luật, vì thế đức Phật rất tán thán ca ngợi hạnh ĐỘC CƯ của ba vị tôn giả này và hỏi:
“- Lành thay! Lành thay! này Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không?”.
Được đức Phật hỏi vậy, ông A Na Luật thay các bạn trả lời:
“- Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.
Đức Phật bảo ông hãy giải thích như thế nào không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần?
“- Này các Anuruddha, như thế nào, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?”.
Ông A Na Luật giải thích lối sống ĐỘC CƯ của ba người cho đức Phật nghe để có sai chỗ nào sai thì đức Phật dạy sửa lại cho đúng hạnh độc cư của người tu.
“- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, ai đi vào làng khất thực về trước, thì người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi vào làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa nếu muốn ăn thì ăn, nếu không muốn ăn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng và người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu ai làm không nổi với sức bàn tay của mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: “Chúng ta hãy lo liệu (nước)”. Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy mà gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả đêm, chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp bằng cách im lặng. Như vậy, bạch Thế Tôn chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.
Sống Độc Cư như ba vị tôn giả này thật là tuyệt vời, trong cuộc đời tu hành chúng ta khó thấy ai tu hành sống ĐỘC CƯ được như ba vị tôn giả này. Đời nay tu hành kỳ lạ, tu sĩ hay cư sĩ vào thất tu tập cứ sống ít hôm thì viết thư hỏi thầy điều này thế kia hoặc hỏi xin cái này cái khác. Tâm họ luôn luôn phóng dật phá hạnh độc cư mà không biết.
Đức Phật hỏi tiếp các ông sống độc cư trọn vẹn như vậy các ông có làm chủ sinh, già, bệnh, chết chưa?
“- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha!Này các Anuruddha, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, các Ông có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc không?”.
Ông A Na Luật trình bày kết quả sự tu tập của mình trong khi sống trọn vẹn hạnh ĐỘC CƯ như vậy:
“- Bạch Thế Tôn, sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, đã lâu lắm rồi cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ, có hỷ, có lạc, có nhất tâm. Như vậy, bạch Thế Tôn, đối với chúng con, là pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; chúng con chứng được và sống thoải mái, an lạc, nhờ chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.
Đức Phật khen ngợi các ông tu tập vậy là đúng pháp, các ông có chứng được các pháp khác cao hơn chăng?
“- Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?”.
Ông A Na Luật trả lời thay cho hai bạn đồng tu:
“- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con diệt tầm diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc”.
Nghe xong đức Phật lại ca ngợi và khen tăng sự tu tập của ba vị tôn giả:
“- Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?”.
Ông A Na Luật trả lời tiếp:
“- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba, Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc.”
Nghe xong đức Phật lại ca ngợi khen tặng và hỏi tiếp:
“- Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha!Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?”.
Mỗi lần hỏi là mỗi lần ông A Na Luật trả lời một cách phân minh rõ ràng:
“- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái an lạc”.
Nghe xong đức Phật rất hoan hỷ ca ngợi sự siêng năng tu tập của các các vị tôn giả:
“- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?”.
Sau khi ông A Na Luật trình bày nhập các định hữu sắc xong thì đức Phật muốn trắc nghiệm xem các đệ tử của mình có thể nhập được các định vô sắc không? Tức là các loại định tưởng. Một khi đã nhập được các định hữu sắc thì các định vô sắc đối với các vị như A Na Luật đâu còn khó khăn, vì thế ông A Na Luật trình bày cách thức nhập KHÔNG VÔ BIÊN XỨ:
“- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng; chúng con nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ”.
Kế tiếp A Na Luật trình bày cách thức nhập THỨC VÔ BIÊN XỨ:
“- Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc... (như trên)... Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ... (như trên)...”.
Kế tiếp A Na Luật trình bày cách thức nhập VÔ SỞ HỮU XỨ:
“- Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ... (như trên)...”.
Kế tiếp A Na Luật trình bày cách thức nhập PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ:
“- Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.
Kế tiếp A Na Luật trình bày cách thức nhập DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH:
“- Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi đã thấy nhờ trí tuệ, các lậu hoặc của chúng con được đoạn trừ”.
Kế tiếp A Na Luật trình bày khi nhập xong các loại tưởng định thì mới thấy trí tuệ vô lậu. Đoạn kinh này chịu ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa. Khi nhập xong DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH thì mới có trí tuệ vô lậu. Trí tuệ VÔ LẬU xuất hiện khi TÂM BẤT ĐỘNG trên TỨ NIỆM XỨ bảy ngày đêm thì có TỨ THẦN TÚC. Trong TỨ THẦN TÚC có TUỆ NHƯ Ý TÚC. Trong TUỆ NHƯ Ý TÚC có LẬU TẬN MINH. LẬU TẬN MINH là trí tuệ VÔ LẬU. Cho nên kinh Đại Thừa dạy sai không đáng tin cậy. Kinh Đại Thừa dạy theo kiến giải sắp xếp theo thứ lớp từ định hữu sắc đến định vô sắc. Đạo Phật chỉ cần nhập được các định hữu sắc là đã tu tập xong. Còn các loại định tưởng là các loại định của ngoại đạo.
Chúng ta nên nhớ kỹ lại khi đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc đi tu thì gặp hai vị thầy ngoại đạo dạy đức Phật nhập các loại Định Tưởng từ KHÔNG VÔ BIÊN XỨ TƯỞNG đến PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ. Khi nhập xong đức Phật thấy không làm chủ sinh, già, bệnh, chết nên Ngài ném bỏ như ném chiếc giày rách.
“- Chúng tôi không bao giờ nói với Tôn giả Anuruddha như sau: “Chúng tôi là người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”, và nhờ vậy, Tôn giả Anuruddha, trước mặt Thế Tôn, đã nêu rõ (các quả chứng) cho đến sự đoạn trừ các lậu hoặc.
Chư Tôn giả không nói với tôi như sau: “Chúng tôi là người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”, nhưng với tâm của tôi, tôi biết được tâm của các Tôn giả: “Chư Tôn này là Người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”.
Bài kinh điều đáng lưu ý là sự sống của ba vị tôn giả luôn luôn giữ hạnh độc cư trọn vẹn, nhất là tu tập được cái gì cũng không khoe khoang nói cho người khác biết. Đó là điều cần phải ghi nhớ.
Bài kinh này được đem ra đây để mọi người thấu rõ biết cách ứng dụng BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO vào đời sống tu tập của mình nhất là những gương hạnh sống ĐỘC CƯ và thức hiện các pháp làm chủ sinh, già, bệnh, chết của ba vị tôn giả một cách thiết thực, cụ thể.