Đối với đạo Phật một người tu tập làm chủ sinh già, bệnh, chết mới có quyền làm thầy dạy người khác tu tập. Còn khi tu tập chưa chứng đạo thì không được phép dạy ai tu tập cả, vì dạy như vậy sẽ nói sai không đúng pháp. Bởi vậy hiện giờ kinh sách Phật giáo đều do những người tu chưa chứng đạo viết, nên viết sai không đúng lời Phật dạy khiến cho người sau không biết đường lối tu tập.
Đức Phật đưa ra một ví dụ như một người chưa từng biết lõi cây mà không chịu thưa hỏi, tự mình đi vào rừng tìm lõi cây rồi chặt mang về một số cành lá nhưng trong trí cứ đinh ninh rằng mình đem lõi cây về nhà. Có một người hiểu biết lõi cây mới bảo rằng đây không phải lõi cây mà đây chỉ là cành lá của cây nó không dùng được: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.
Đạo Phật tu hành không phải khó nhưng khó ở chỗ người dạy tu chưa chứng đạo vì tu chưa chứng đạo nên dạy tu sai pháp. Người tu chưa chứng đạo cũng giống người chưa biết lõi cây mà đi tìm lõi cây thì làm sao tìm được. Những ví dụ trên đây của đức Phật dạy quá thực tế, rõ ràng và cụ thể, không còn chỗ nào nghi ngờ.
Một người mới nghe được pháp xả tâm ly dục ly ác pháp bằng pháp như lý tác ý giữ tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ là tuyệt vời về nhà tập thử thấy có kết quả xả được tâm dục và các ác pháp chút ít liền gặp ai cũng đem pháp này ra dạy đạo làm như mình đã chứng đạo. Đó là một điều sai hết sức. Mình tu chưa xong mà đi dạy đạo là một việc làm cấm kỵ nhất trong Phật giáo.
Đạo Phật là đạo vô ngã thế mà đi dạy đạo lúc tu hành chưa xong thì chỉ có nuôi ngã làm cho ngã lớn hơn thì đó là đi ngược lại đạo Phật. Cũng giống như các sư thầy Đại Thừa dạy người cúng dường Tam bảo sẽ được phước báu lớn. Đây cũng giống như người chặt lấy cành lá mà tưởng là lõi cây. Thật là vô minh mà không biết.
Lần thứ hai đức Phật lại nhắc nhở muốn tu hành chứng đạo thì chỉ có người tu chứng đạo mới dẫn đắt đi đến chứng đạo, còn những người chưa chứng đạo mà hướng dẫn tu chứng đạo thì cũng giống như người không biết lõi cây mà vào rừng chặt một miếng vỏ cây ngoài mang về và bảo đó là lõi cây. Người hiểu biết lõi cây bảo rằng đó chỉ là vỏ ngoài cây chớ không phải lõi cây. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt võ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.
Qua lời dạy trên đây của đức Phật chúng ta có thể nhận xét và biết rõ các sư thầy dạy người tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà chính các sư thầy cũng chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Vì vậy các sư thầy biết pháp gì làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà dạy người tu.
Nhìn những tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ lấy cái học bằng tiến sĩ này bằng tiến sĩ khác rồi dạy tín đồ tu tập. Các ông sư thầy tiến sĩ này cũng giống như những người đi tìm lõi cây mà chẳng biết lõi cây, chặt lấy vỏ cây trongmà cho đó là lõi cây.
Trong kinh sách Phật dạy mọi người phải cân nhắc khi muốn làm thầy dạy người tu thì phải tu chứng đạo có nghĩa là làm chủ được bốn sự khổ đau của kiếp người sinh, già, bệnh, chết.
Người không hiểu biết lõi cây chặt lấy vỏ trong cây tưởng là lõi cây mang về bảo với mọi người là lõi cây. Việc làm đó cũng giống như các sư thầy Đại Thừa tu hành chưa chứng đạo lên tòa thuyết pháp dạy tín đồ lạy sám hối hồng danh chư Phật để tiêu tai giải nạn và được nhiều công đức nhờ chư Phật gia hộ hoặc dạy niệm Phật cầu vãng sinh để khi chết được sinh về cõi cực lạc Tây Phương. Dạy đạo như vậy làm sao người tu hành làm chủ được sinh, già, bệnh, chết.
Một người không biết lõi cây, bỏ lõi, bỏ cành lá, bỏ vỏ ngoài, bỏ vỏ trong của cây mà chỉ lấy giác cây cho đó là lõi cây, hành động vậy làm sao làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt lấy giác cây, mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.
Một lần nữa đức Phật dạy: Người không biết lõi cây mà đi tìm lõi cây cũng giống như người chưa biết pháp tu mà nghe người ta dạy tu thì liền tu không cần tư duy suy nghĩ cho chính chắn nên đã tu sai pháp, vì thế mà tu không chứng đạo uổng công sức và phí một đời tu tập.
Muốn tu chứng đạo thì nên tìm người tu chứng đạo. Người tu chứng đạo sẽ dạy như thế nào thì tu như thế nấy thì sẽ chứng đạo.
Cho nên trong cuộc đời tu hành phải tìm một người tu chứng, nhưng tìm một người tu chứng đạo là khó vô cùng.
Người tu không chứng đạo cũng giống như người không biết lõi cây. Các sư thầy Đại Thừa và các Thiền sư Đông Độ không biết phương pháp tu tập làm chủ sinh, già bệnh chết mà dạy tín đồ kiến tánh thành Phật hay dạy chẳng niệm thiện niệm các bản lai diện mục hiện tiền. Biết vọng liền buông Thiền Tông cũng giống như người lấy giác cây mà cho đó là lõi cây. Cho nên đức Phật dạy rất cụ thể: Một người không biết lõi cây, bỏ lõi, bỏ cành lá, bỏ vỏ ngoài, bỏ vỏ trong, chỉ lấy giác cây mà cho đó là lõi cây.
Do biết đời là đau khổ nên mới xuất gia tu hành từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa chỉ ngày ngày đi xin ăn mà thôi, nhờ đó đời sống không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì, nên mới gọi đó là giải thoát. Chúng ta hãy lắng nghe lời Phật dạy: “Cũng vậy, này Bà-la-môn, ở đây, có người do lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình: “Do ta bị trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ, rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”.
Nhưng khi đã xuất gia làm một tu sĩ thọ giới cụ túc đầy đủ thì được phật tử cung kính cúng dường, do cung kính cúng dường nên lợi dưỡng nhiều, vì vậy vị tu sĩ này chìm đắm trong danh vọng. Do chìm đắm trong danh vọng vị này không còn lo tu hành gì cả nên cuộc đời vẫn bị trôi lăn trong vòng sáu nẻo luân hồi khổ đau. Đức Phật biết rõ điều này nên cảnh giác các vị tu sĩ đã xuất gia thọ cụ túc giới: “Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy, còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người ấy sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng: Người này giống như ví dụ ấy”.
Người xuất gia chỉ mới được sự cung kính cúng dường mà đã tự mãn thì cũng giống như người tìm lõi cây mới chặt được cành lá mà hân hoan cho mình đã được lõi cây thì đó là tự giết mình trên đường tu tập, vì con đường tu còn dài, chừng nào tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết xong thì mới không còn tu tập nữa.
“Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Vì thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Vì thành tựu giới đức này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta trì giới, theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới, theo ác pháp”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.
Người tu sĩ mới giữ được giới luật nghiêm chỉnh mà đã tự mãn thì cũng giống như người đi tìm lõi cây chỉ lấy vỏ ngoài cây mà cho là lõi cây thì thật là vô minh. Giữ giới nghiêm túc đâu phải là cứu cánh ở đây.
Mỗi chặng đường tu tập đức Phật thường cảnh giác để chúng ta lưu ý mà không bị dính mắc. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp:
“Vì thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta có Thiền định, nhất tâm. Các Tỷ-kheo khác không có Thiền định, tâm bị phân tán”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong cây, lấy vỏ trong mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.
Người tu sĩ mới đạt được nhiếp tâm BẤT ĐỘNG một hai giờ mà đã tự mãn cho mình hơn người, không ai bằng mình đi ra khoe khoang nói vói người này người khác ta đã BẤT ĐỘNG TÂM, người tu hành như vậy thì cũng giống như người đi tìm lõi cây chỉ lấy vỏ trong cây mà đã hân hoan la lối cho là lõi cây. thật là ngu si, mê mờ không sáng suốt. Thấy được điều này đức Phật đã cảnh giác như lời dạy trên đây.
“Vị ấy thành tựu Thiền định. Vì thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy, do tri kiến này, hoan hỷ tự mãn. Vị ấy, do tri kiến này, khen mình, chê người: “Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống không thấy và không biết”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống ví dụ ấy”.
Người tu sĩ mới thành tựu tri kiến giải thoát mà đã tự mãn cho mình hơn người, không ai bằng mình, nhưng không ngờ tri kiến giải thoát của mình chỉ là tưởng giải nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì cũng giống như người đi tìm lõi cây chỉ lấy giác cây mà đã hân hoan cho là lõi cây. thật là ngu si, mê mờ không sáng suốt. Thấy được điều này đức Phật đã cảnh giác như lời dạy trên đây.
“Vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy do tri kiến này hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do tri kiến này, khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước, cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động.
Và này Bà-la-môn, những pháp gì cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến? Ở đây, này Bà-la-môn, Tỳ kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Này Bà-la-môn, các pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.
Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, lấy và mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.
Chừng nào người tu sĩ nhập bốn thiền thực hiện tam minh làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì đó mới là lõi cây. Vì thế đức Phật kết luận để chúng ta thấy rõ con đường tu tập phải qua nhiều chặng đường nhưng mục đích cuối cùng là TÂM BẤT ĐỘNG, chỉ có TÂM BẤT ĐỘNG mới làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Đó mới chính là lõi cây.
“Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”.
Bài thuyết pháp của đức Phật đến đây chấm dứt, nhưng nó xác định cho chúng ta biết các pháp tu tập không ngoài BA BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO khi ấy các vị Bà La Môn được nghe bài pháp này và đại diện cho tất cả các Bà La Môn khác. Bà La Môn Pingalakoccha tán thán ca ngợi Phật:
“Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Pingalakoccha bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y tỳ kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!”.
Đúng vậy chỉ có con đường của Phật giáo mới đưa loài người qua biển khổ luân hồi sinh tử. Chúng ta may mắn thay được sinh lên làm người và gặp được chánh pháp của Phật. Thật là phước báu nhiều đời đã có gieo trồng. Nếu không gieo trồng làm sao đời này có duyên gặp lại.
Nhân nào quả nấy, trước không gieo trồng với chánh pháp thì kiếp này khó gặp chánh pháp. Phải không quý vị?