1- Đi kinh hành 10 bước hoặc 20 bước rồi đứng lại nghỉ. Trong thời gian đứng nghỉ phải tập trung tâm vào hơi thở, nghĩa là biết hơi thở ra và hơi thở vào.
Khi thở ra thở vào đếm 1 kế tiếp thở ra thở vào đếm 2 và cứ như vậy nương theo hơi thở đếm đến 20 hơi thở, nhưng phải nhớ khi nhiếp tâm trong hơi thở không để một niệm nào xen vào, còn có niệm xen vào trong hơi thở thì tu tập bớt hơi thở lại, khi nào không có niệm khởi rồi lần lượt tăng dần hơi thở lên cũng như đi kinh hành vậy rồi chuyển tiếp tục đi kinh hành lại và cứ tu tập như từ 5 phút đến 30 phút rồi sau này lần lượt tăng lên dần đến 1 giờ.
Nên lưu ý khi bước đi phải tập trung tâm chỉ biết bước đi không có một niệm nào sinh khởi vào thì mới tăng dần lên đến 1 giờ, còn có niệm khởi thì phải lui lại đúng thời gian chỉ còn biết bước đi mà thôi. Đó là cách thức tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC giai đoạn đầu.
2- Đi kinh hành cũng 10 bước hoặc 20 bước rồi ngồi xuống nghỉ. Trong thời gian ngồi xuống nghỉ phải tập trung tâm vào hơi thở, nghĩa là biết hơi thở ra và hơi thở vào.
Khi thở ra thở vào cũng đếm 1 kế tiếp thở ra thở vào đếm 2 và cứ như vậy nương theo hơi thở đếm đến 20 hơi thở, nhưng phải nhớ khi nhiếp tâm trong hơi thở không để một niệm vọng nào xen vào, còn có niệm vọng xen vào trong hơi thở thì tu tập bớt hơi thở lại, khi nào không có niệm khởi rồi lần lượt tăng dần hơi thở lên cũng như đi kinh hành vậy. Ở đây chỉ có khác ở phần đi kinh hành 1 là tu tập hơi thở là phải phải ngồi. Khi tu tập xong hơi thở thì lại tiếp tục đi kinh hành và cứ tu tập như vậy từ 5 phút đến 30 phút rồi sau này lần lượt tăng lên dần đến 1 giờ.
Nên lưu ý khi bước đi phải tập trung tâm chỉ biết bước đi không có một niệm nào sinh khởi vào thì mới tăng dần lên đến 1 giờ, còn có niệm khởi thì phải lui lại đúng thời gian chỉ còn biết bước đi mà thôi. Đó là cách thức tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC THÂN HÀNH NIỆM NỘI VÀ THÂN HÀNH NIỆM NGOẠI, đây là ở giai đoạn kinh hành thứ nhất.
Muốn tu tập CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC như trên đã dạy tu tập THÂN HÀNH NIỆM NỘI và THÂN HÀNH NIỆM NGOẠI, nhưng khi tu tập hai pháp môn này mà không có PHÁP DẪN TÂM thì tập không mang đến kết quả tốt đẹp được. Vậy PHÁP DẪN TÂM như thế nào?
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo! Cái gì là thức ăn cho Chánh Niệm Tỉnh Giác? Như Lý Tác Ý, cần phải trả lời như vậy”.